Hàng loạt dự án căn hộ, nền đất ngay khi vừa mở bán đã thu số lượng khách hàng đông đột biến tham gia giao dịch, đến mức “cháy hàng”. Song việc có bao nhiêu khách mua thực sự, chỉ chủ đầu tư và đơn vị phân phối độc quyền mới nắm rõ.

Thời gian gần đây, hàng loạt dự án ra đời khiến thị trường bất động sản trở nên sôi động. Những dự án có vị trí đẹp, giá tốt, tiện ích đầy đủ luôn thu hút được sự quan tâm của khách hàng.

Đáng chú ý, nhiều dự án không đáp ứng được nhu cầu của người mua vẫn được thông báo “cháy hàng” ngay sau khi vừa mở bán khiến nhiều người không khỏi băn khoăn. Trong khi đó, số lượng khách hàng mua dự án thực sự chỉ có chủ đầu tư mà đơn vị môi giới nắm rõ bởi tại nhiều dự án dù đã gắn mác “cháy hàng”, nhưng nếu khách hàng đến hỏi mua sau lễ mở bán, đơn vị phân phối vẫn đưa ra đầy rẫy sản phẩm để lựa chọn.

Đầu tháng 4/2018, một công ty địa ốc tổ chức lễ giới thiệu và mở bán khu đô thị thương mại tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Với mức giá từ 650 triệu đồng/nền, công ty này cho biết chỉ sau lễ mở bán, hơn 3.000 sản phẩm đã được khách hàng đặt mua hết.

Tuy nhiên, theo Người lao động, đằng sau tuyên bố dự án cháy hàng là một thực tế hoàn toàn khác.

Cụ thể, trong vai khách hàng muốn mua sản phẩm của dự án này, phóng viên đã tiếp cận với một người môi giới tên T. Ban đầu, người môi giới này cho biết dự án hiện chỉ còn một số nền diện tích từ 100-120 mét vuông, giá từ 1,2-1,3 tỷ đồng tùy vị trí. Tuy nhiên, sau khi thấy khách hàng phàn nàn giá quá cao, nếu đầu tư thì không có khả năng sinh lời, người môi giới này liền cho biết dự án vẫn còn một số nền do khách mua ban đầu gửi lại để đầu tư, nếu mua sẽ phải trả giá chênh 20-50 triệu đồng/nền so với giá chủ đầu tư đưa ra ban đầu.

Thấy khách muốn mua số lượng lớn, người môi giới tên T. khẳng định chỉ có khoảng 10 sản phẩm nhưng nếu muốn mua nhiều hơn nữa phải đợi… hỏi lại sếp.

Không khí tại một buổi mở bán bất động sản
Không khí tại một buổi mở bán bất động sản. (Ảnh: Người lao động)

Một dự án đất nền khác ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cũng đã được đơn vị môi giới thông báo hết hàng sau một thời gian mở bán. Với vị trí sát Tp.HCM, chỉ cách một con sông, đơn vị môi giới dự án này khẳng định chỉ hơn 6 tháng, 1.500 sản phẩm của dự án đã được khách hàng đặt mua hết. Mới đây, chủ đầu tư đã công bố mở bán thêm giai đoạn mới với mức giá được tăng lên đáng kể nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, số lượng sản phẩm bán ra thực tế ít hơn rất nhiều so với quảng cáo của công ty môi giới. Đặc biệt, thời gian gần đây, do những lùm xùm xung quanh tính pháp lý, dự án này rơi vào cảnh “chết lâm sàng”, khách hàng không dám mua do lo ngại tranh chấp xảy ra.

Không chỉ ở thị trường đất nền, phân khúc căn hộ cũng đang xảy ra tình trạng “cháy hàng ảo” ở nhiều dự án.

Đơn cử như hồi cuối năm 2016, một doanh nghiệp bất động sản công bố mở bán dự án gồm hơn 1.000 căn hộ tại Quận 9, Tp.HCM. Từ đó đến nay, sau vài lần mở bán tiếp theo, dự án này vẫn được chủ đầu tư công bố cháy hàng. Tuy nhiên, thực tế khác xa với quảng cáo “nổ” của doanh nghiệp khi dự án vẫn tồn tới mấy trăm căn hộ.

Lãnh đạo một sàn môi giới bất động sản thừa nhận, hiện nay ngoại trừ vài dự án có số lượng sản phẩm ít, vị trí đẹp, tiện ích thuận lợi và giá cả phải chăng, hầu hết những dự án công bố “cháy hàng” ngay sau lễ mở bán đều là thông tin ảo nhằm khiến khách hàng dễ dàng rút hầu bao hơn trong quyết định mua sản phẩm.

Theo đó, các chủ đầu tư sẽ cho nhân viên của mình đóng giả hoặc thuê người đóng giả khách hàng đến tham gia buổi mở bán. Sau đó, giả vờ đăng ký mua sản phẩm để kích cầu.

Vị chủ sàn bất động sản phân tích một dự án chỉ có 300 sản phẩm nhưng lại có đến 500 người tranh nhau mua. Hết ưu tiên 1 rồi ưu tiên 2, khi sản phẩm có người đặt mua được xướng tên liên tục sẽ làm cho những người có nhu cầu mua thực sự nảy sinh tâm lý nôn nóng, sợ hết hàng nên sẽ tìm cách đặt mua, bất chấp tính pháp lý, tiện ích dự án… có thể chưa đầy đủ và phù hợp.

Chia sẻ trên Sài Gòn giải phóng, các chuyên gia địa ốc cho rằng việc đổ xô mua những dự án bất động sản “cháy hàng ảo” tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Cụ thể, khách hàng mua nhà đất để kinh doanh sẽ phải ôm nợ, vì sau “ngày hội” mở bán, giá nhà đất ở đó tụt xuống. Đối với những khách hàng mua nhà đất để ở lại chẳng thể ở nổi vì thiếu cơ sở hạ tầng. Thậm chí, nhiều dự án đất nền đã xảy ra tình trạng, sau ngày hội bán hàng vài tháng, khu dự án bị bỏ hoang xuống cấp dần, đường hư hỏng, cỏ dại mọc um tùm.

Chính vì vậy, khách hàng mua bất động sản hiện nay nên hết sức thận trọng, tìm hiểu thật kỹ những thông tin liên quan đến dự án nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Nguyễn Trang