Trước vấn nạn thực phẩm bẩn, nhiều nhà đầu tư quyết theo đuổi đam mê xây dựng thương thiệu thực phẩm sạch, an toàn. Tuy nhiên, sau những nỗ lực với rất nhiều áp lực cạnh tranh từ thực phẩm thường giá rẻ, cuối cùng không ít người vẫn phải từ bỏ, chấp nhận phá sản.

Theo Công an Nhân dân, cách đây hơn 10 năm, anh Lê Năng Công (Hà Nội) vốn có công việc ổn định. Tuy nhiên, đứng trước thực trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm bị tẩm ướp hóa chất, chất tạo nạc, thức ăn tăng trọng… đáng báo động, anh đã nghỉ việc, vay vốn để sản xuất rau an toàn dưới sự hướng dẫn về kỹ thuật theo chương trình VietGap.

Quyết định của anh Công bị hầu hết bạn bè và người thân cho là “không bình thường” bởi anh đang có công việc ổn định lại bỏ đi làm nông dân khi cuộc cạnh tranh giữa rau thường và rau an toàn diễn ra khốc liệt.

Khi ấy, rau an toàn đã bị mất thương hiệu bởi sự nhập nhèm “đánh lận con đen” của một số cửa hàng và siêu thị.

Những ngày đầu xây dựng thương hiệu rau sạch, anh Công gặp rất nhiều khó khăn. Anh chia sẻ có những lúc tưởng chừng phá sản, nhưng anh vẫn gắng gượng vượt qua bởi sản xuất theo quy trình rau an toàn khi ra thị trường giá phải gấp đôi, gấp ba bình thường, mà mẫu mã xấu, sâu, dễ bị thối hỏng.

Sau 10 năm khởi nghiệp với thương hiệu rau sạch, anh Công cho biết, để duy trì 2 cửa hàng, anh phải kinh doanh thêm cả thực phẩm sạch khác để giảm chi phí bởi nếu chỉ kinh doanh rau an toàn thì không sống nổi.

Theo anh Công, để có thực phẩm sạch cung cấp cho thị trường Hà Nội, anh phối hợp với nông dân ở Mộc Châu (Sơn La) nuôi lợn sạch, trồng rau củ quả sạch. Song, với giá thuê một cửa hàng khoảng 30 mét vuông ở Trung Hòa, Nhân Chính, đã hơn 40 triệu đồng, một cửa hàng nhỏ ở Thành Công trên 20 triệu đồng, chưa kể điện nước, nhân công, anh phải rất chật vật mới duy trì niềm đam mê hơn 10 năm qua.

Nếu anh Công may mắn vẫn duy trì được mô hình kinh doanh thực phẩm sạch thì nhiều người khác đầu tư vào lĩnh vực này đã phải gánh nợ và dẫn đến phá sản do thua lỗ.

Nhiều doanh nghiệp phá sản vì thực phẩm... sạch: Vì đâu nên nỗi?
Nhiều cửa hàng thực phẩm sạch khó “sống” vì thiếu niềm tin của người tiêu dùng.

Đại diện Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết có những thương hiệu rau an toàn đình đám một thời cũng phải thua lỗ, phá sản như nhãn hiệu Liên Thảo với 60 cửa hàng trải dài Hà Nội đã đóng cửa.

Ngoài ra, ông chủ của Công ty Hương Cảnh từng bỏ hàng tỷ đồng đầu tư vào dây chuyền sơ chế rau an toàn hiện đại đóng ở xã Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) cũng đã phá sản do thua lỗ.

Bên cạnh đó, không ít người nhiệt huyết muốn xây dựng một thương hiệu sạch, nhưng cuối cùng vẫn không trụ vững phải bán lại với giá rẻ.

Câu hỏi đặt ra là trong khi người Việt luôn sợ thực phẩm bẩn, tại sao nhiều dự án sản xuất và kinh doanh thực phẩm sạch lại bị phá sản, lỗ vốn, người kinh doanh phải từ bỏ sự nghiệp mà họ kỳ vọng?

Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, than thở: “Nếu không có hệ thống bán lẻ, hỗ trợ kênh tiêu thụ thì 20 năm nữa Hà Nội cũng không biết mua rau an toàn ở đâu”.

Đây là điều vô lý bởi Hà Nội đã thực hiện “Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn giai đoạn 2009-2016” lên tới cả trăm tỷ đồng. Lẽ ra người dân Hà Nội phải được hưởng lợi ích từ đề án này, nhưng cho đến nay họ vẫn loay hoay với câu hỏi “mua rau an toàn ở đâu”?

Có thể thấy, trong suốt thời gian qua, do công tác quản lý yếu kém dẫn đến hàng loạt đại lý, điểm bán rau an toàn, thậm chí cả siêu thị cũng phát hiện trà trộn bán rau thường thành rau an toàn.

Sự làm ăn gian dối này đã đánh mất niềm tin của người tiêu dùng, dẫn đến nhiều thương hiệu rau sạch không tiêu thụ được, lỗ vốn và phá sản.

Thêm một lý do nữa khiến các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch khó “sống” là do thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt khi. Cụ thể, nhiều người Việt tuy chê thực phẩm bẩn nhưng lại ngó lơ các sản phẩm sạch.

Chia sẻ trên Tuổi trẻ, lãnh đạo Công ty Feddy, cửa hàng chuyên cung cấp thực phẩm sạch tại Tp.HCM, cho biết người Việt có thói quen mua thịt ở chợ về rửa rồi nấu ăn và cho là sạch. Để thay đổi thói quen này không dễ làm trong một sớm một chiều.

Còn ông Lê Toàn, nông dân tại Long Thành (Đồng Nai), cho hay hơn 3 năm qua ông đầu tư rất nhiều tiền vào trồng rau sạch vì nghĩ rằng ai cũng sợ thực phẩm bẩn nhưng không ngờ lại đầy rủi ro.

Ông phải bỏ ra hàng tỷ đồng và sau 3 năm cải tạo đất mới lấy được chứng nhận hữu cơ. Song, thực tế là ai cũng sợ thực phẩm bẩn nhưng lại ít người đầu tư vào chất lượng bữa ăn hằng ngày. Kết quả, nhiều khách chỉ hỏi để xem chứng nhận rồi sau đó cũng lấy hàng giá rẻ nhất.

“Thói quen” này của người tiêu dùng Việt đang khiến người làm đàng hoàng lo phá sản, kẻ gian dối lại sống khỏe.

Nguyễn Trang