Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước sẽ chịu trách nhiệm quản lý vốn tại 19 đơn vị gồm 7 tập đoàn, 12 tổng công ty.

Sự kiện ra mắt của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước hay còn gọi là “siêu uỷ ban” sẽ diễn ra vào ngày mai (30/9). “Siêu ủy ban” này sẽ chịu trách nhiệm quản lý vốn tại 19 đơn vị gồm 7 tập đoàn, 12 tổng công ty, trong đó có Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Theo PetroTimes, sự ra đời của “siêu ủy ban” được kỳ vọng sẽ thống nhất tư cách đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty đúng nghĩa như thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp.

Chủ tịch của siêu ủy ban là ông Nguyễn Hoàng Anh, nguyên Bí thư tỉnh uỷ Cao Bằng. Một phó Chủ tịch đã được công bố là bà Nguyễn Thị Phú Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ KHĐT.

ngay mai sieu uy ban quan ly von nha nuoc tai doanh nghiep chinh thuc ra mat
Ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. (Ảnh: VOV)

Ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết trên Báo Dân Trí, nhân sự của “siêu ủy ban” đã cơ bản được kiện toàn. Ủy ban đã hoàn thành xây dựng Đề án về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trực thuộc và tổ chức thành lập Hội đồng tuyển dụng để tuyển dụng, tiếp nhận 50 biên chế trong năm 2018. Đồng thời, Ủy ban cũng đã đề xuất với Bộ Công Thương bổ nhiệm ông Đỗ Hữu Duy, Phó vụ trưởng Vụ châu Á, châu Phi, Bộ Công Thương làm Chánh văn phòng Ủy ban.

“Dự kiến năm 2019 sẽ tuyển dụng đủ 150 biên chế có chất lượng đáp ứng khối lượng công việc đề ra”, ông Hoàng Anh cho biết.

Dù có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng do nắm giữ một lượng tài sản rất lớn nên kể từ khi xuất hiện, “siêu uỷ ban” đã là tâm điểm chú ý với nhiều băn khoăn được đặt ra.

Phát biểu tại hội thảo “Đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại DN Nhà nước” tổ chức hồi giữa tháng 7, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cần “trao quyền” cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN giám sát các DN nhà nước. Bên cạnh đó là thu hẹp các đầu mối giám sát bởi hiện nay quá nhiều bộ, ngành tham gia vào việc giám sát, trong khi hiệu quả lại không cao, điển hình là các DN nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát trong thời gian qua.

Trong khi đó, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM) đề nghị cần đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Trong đó, các biện pháp có thể tính đến như xây dựng hệ thống big data, hạ tầng công nghệ thông tin, áp dụng cách thức giao chỉ tiêu nhiệm vụ rõ ràng, có đánh giá…

(Tổng hợp)