Chiều ngày 12/7, tại đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP Hội An), 115 rùa con được thả về biển sau 2 tuần ấp nở.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Theo Dân Trí, số rùa con nở lần này được ấp từ 250 trứng chuyển vị từ Vườn Quốc gia Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) về ấp tại Cù Lao Chàm từ ngày 26/6 vừa qua, tỷ lệ trứng nở đạt 98%.

Số trứng còn lại đang ấp tại Bãi Bấc sẽ tiếp tục được theo dõi để có đánh giá chất lượng rùa con.

Những con rùa con vừa nở và chuẩn bị ra biển. (Ảnh: Dân Trí)

Dự kiến trong tháng 8 tới đây, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm sẽ có 2 đợt chuyển vị trứng rùa từ Côn Đảo về với tổng số 500 trứng.

Đây là lần thứ 3, rùa biển được ấp nở thành công từ trứng được mang về từ Côn Đảo. Đến nay đã có hơn 600 rùa con được ấp nở thành công tại Cù Lao Chàm.

Những chú rùa con vừa nở và đang được các chuyên gia thả về biển. (Ảnh: Zing)

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, loài rùa biển có khả năng tự ghi nhớ những thông tin môi trường về nơi mình sinh ra để có thể trở lại để sinh sản khi đã trưởng thành. Vòng đời của rùa thường kéo dài 20-50 năm.

Zing cho biết, trước đây, Cù Lao Chàm là một trong những nơi rùa biển về sinh sản, tuy nhiên với sự xâm lấn ồ ạt của con người, chúng gần như biến mất hoàn toàn.

Rùa hất cát để lấp ổ trứng sau khi đẻ. (Ảnh: Kênh 14)
Số trứng rùa được chuyển về bằng đường không và đường bộ từ Vườn quốc gia Côn Đảo ấp tại bờ biển Bãi Bấc, Cù Lao Chàm. (Ảnh: Kênh 14)

Tuy nhiên, trong hàng nghìn chú rùa sinh ra, chỉ có một số lượng rất nhỏ rùa con sống sót, các chuyên gia ước tính tỉ lệ này khoảng từ 1/10.000 đến 1/1.000, nghĩa là trong một nghìn đến một vạn rùa non ra đời, chỉ có 1 chú sống sót cho tới khi trưởng thành, theo Kênh 14.

Mọi chuyển biến của tổ ấp đều được các chuyên gia theo dõi và ghi chép bất kể ngày đêm. (Ảnh: Zing)

Năm 2016, Ban quản lý Khu sinh quyển và Ban quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm bắt tay xây dựng kế hoạch bảo tồn rùa biển tại đảo Cù Lao Chàm. 

Các chuyên gia hy vọng những con rùa được thả ra biển sẽ quay trở về nơi chúng được sinh ra là Cù Lao Chàm để sinh sản, từ đó tái tạo môi trường sống của loài ở vùng biển miền Trung.

Hoa Liên (tổng hợp)