Giá dầu tăng trở lại đã đẩy chi phí nhập khẩu dầu lên cao, khiến Ấn Độ rơi vào tình cảnh khó khăn.

Các chuyên gia kinh tế nhận định giá dầu tăng và nhu cầu nhiên liệu không ngừng tăng sẽ buộc Ấn Độ phải đẩy mạnh nhập khẩu dầu, từ đó khiến thâm hụt tài khoản vãng lai tăng và đầu tư sẽ chảy khỏi đất nước, theo CNBC.

Thâm hụt tăng đồng nghĩa với việc đồng Rupee sẽ suy yếu. Và để nhập khẩu nhiều hơn, Ấn Độ phải mua thêm ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu của mình.

“Đồng Rupee Ấn Độ dự kiến sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực mất giá từ giờ đến cuối năm nay”, chuyên gia kinh tế Rajiv Biswas thuộc HIS Markit nói.

gia dau tang se anh huong tieu cuc den kinh te an do
Đồng Rupee đã giảm 9,96% kể từ đầu năm 2018. (Ảnh: Bloomberg)

Ông Biswas cũng dự đoán đồng Rupee sẽ còn mất giá hơn nữa, giảm xuống còn 72 Rupee/USD vào cuối năm 2018 và 74 Rupee/USD vào tháng 8/2019.

Theo số liệu của Bloomberg, lúc 15h ngày 29/8, đồng Ruppe giao dịch ở mức 70,54 đổi 1 USD – ghi nhận mức giảm giá 9,96% kể từ đầu năm.

Theo một nghiên cứu của ngân hàng ANZ, các đồng tiền Rupi của Indonesia và đồng Peso của Philippines sẽ tiếp tục là hai đồng tiền dễ bị tổn thương nhất tại khu vực châu Á.

Dự trữ ngoại hối của Ấn Độ đã bị ảnh hưởng bởi những đợt mất giá của đồng nội tệ. Các nhà phân tích của ngân hàng DBS đánh giá: “Môi tường toàn cầu đầy thách thức đã buộc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) phải can thiệp mạnh trong năm nay để hạ giá đồng Rupee. Mức sụt giảm của dự trữ ngoại tệ là rất lớn”.

Công ty tư vấn năng lượng toàn cầu Wood Mackenzia dự báo Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc để trở thành trung tâm tăng trưởng tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới vào năm 2024. Công ty này dự đoán nhu cầu dầu mỏ của Ấn Độ sẽ tăng lên 3,5 triệu thùng/ngày trong giai đoạn 2017 – 2035. Con số này tăng mạnh là do thu nhập của của người dân Ấn Độ cũng tăng, tầng lớp trung lưu cũng mở rộng và nhu cầu đi lại cũng cao hơn.

Giá dầu cao hơn sẽ khiến thâm hụt thương mại tăng đối với một quốc gia chuyên nhập khẩu dầu như Ấn Độ.

“Do phụ thuộc quá nhiều vào dầu và khí đốt nhập khẩu, giá dầu tăng sẽ dẫn đến thương mại của Ấn Độ bị sụt giảm. Ngay trong tháng 7/2018, thâm hụt thương mại của nước này đã đạt mức cao kỷ lục trong 5 năm qua. Kim ngạch nhập khẩu sẽ tăng nhanh hơn so với xuất khẩu vào năm 2018”, ông Biswas lưu ý.

Giá đầu thế giới đã tăng vọt trong năm nay, lên mức 80 USD/thùng vào tháng 5. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014 giá dầu trở lại ngưỡng này.

Giá dầu đắt hơn là do OPEC cắt giảm sản lượng. Hơn nữa, giới phân tích cho rằng xuất khẩu dầu của Iran sẽ giảm từ mức 2,5 triệu thùng/ngày trong năm nay xuống còn khoảng 1 triệu thùng/ngày khi lệnh cấm vận của Mỹ với Iran có hiệu lực từ tháng 11.

Kể từ bây giờ cho tới cuối năm và thậm chí cả những năm tiếp theo, chi phí nhập khẩu dầu của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng mạnh.

Chuyên gia kinh tế Radhika Rao thuộc DBS dự đoán chi phí để nhập khẩu dầu trong năm 2019 có thể tăng vọt lên tới 114 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 88 tỷ USD trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến 2018.

Để giảm thâm hụt, Ấn Độ cần phải giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Tuy nhiên, mức tiêu thụ của nước này luôn tăng đều đặn nên rất khó tìm ra giải pháp.

Theo báo cáo của tổ chức Oxford Economics, nhu cầu dầu của Ấn Độ sẽ tăng thêm 4,4%/năm trong 1 thập kỷ tới, cao hơn so với mức 3,7%/năm trong 10 năm qua.

Kiều Ngọc