Có những cái nghèo, nghèo mãi không dứt, có những nỗi khổ, nối từ đời này qua đời khác. Nó khiến người ta cũng không còn biết khổ là gì nữa.

25 năm về trước, người phụ nữ trẻ trót đem lòng thương người đàn ông đã qua một đời vợ. Anh đưa cô về ra mắt gia đình, nhưng gia đình anh không đồng ý cho anh lấy cô làm vợ lẽ. Vậy nên, một năm sau ngày cưới, hai vợ chồng cô bị đuổi ra khỏi nhà. Hai người đành dựng túp lều trên mảnh ruộng được cấp, sống tạm qua ngày.

3 năm sau, cô sinh cho anh một bé gái, cuộc sống tuy khó khăn nhưng hai người luôn động viên nhau cùng cố gắng, vì được ở bên nhau là hạnh phúc rồi. Bình thường, hai vợ chồng đi nhặt ve chai, khi rau trong vườn lớn thì nhặt đem đi bán đổi lấy đồng tiền bát gạo mưu sinh qua ngày. Nhưng chẳng bao lâu sau, chồng cô qua đời bỏ lại cô với đứa con thơ dại giữa đồng không mông quạnh, bao khổ đau và mỏi mệt giờ đây chỉ còn một mình cô gánh đỡ.

Đây là câu chuyện có thật kể về bà Nguyễn Thị Xuân, 65 tuổi cùng chồng mình là ông Nguyễn Văn Hành, tại thị trấn Tứ Trưng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Năm 2004, ông Hành mất bỏ lại bà Xuân cùng cô con gái nhỏ bơ vơ giữa đời nhiều lắm những thị phi.

Cuộc đời một lần nữa dìm bà xuống hố bùn sâu khi cô con gái chưa tốt nghiệp Trung học phổ thông mà lại có thai, nhưng cha đứa bé không chịu thừa nhận. Ôm nỗi tủi nhục vào lòng, bà cố gắng sống để nuôi con nuôi cháu.

Giờ đây, 3 con người thuộc 3 thế hệ đang nương náu trong túp lều lụp xụp, không điện, không nước sinh hoạt. Tất cả đồ đạc, vật dụng sinh hoạt của họ chẳng có gì đáng giá, giường ngủ được làm bằng những thanh tre ọp ẹp ghép lại, chiếu rách nát và vài chiếc chăn, gối đã sờn rách, xoong nồi dùng để nấu ăn thì móp méo, bát đũa sứt mẻ… Tài sản duy nhất trong túp lều là một chú chó nhỏ và đàn vịt con mà bà Xuân mới mua về nuôi.

Hiện tại, mẹ con bà Xuân đang nheo nhóc sống qua ngày bằng những đồng tiền rau được trồng quanh nhà. Chị Hoa hằng ngày tranh thủ đi thu mua sắt vụn, thu nhập cũng chẳng được là bao. Mùa nóng đến, thời tiết oi bức làm đứa cháu quấy khóc mãi, bà Xuân thường phải ôm cháu ra gốc cây ngồi hóng gió và ru cháu ngủ. Sau mỗi trận mưa lớn, nước dâng ngập tràn vào trong, túp lều tạm bợ dột từ trên nóc, đồ đạc ướt nhèm, bà cháu co ro ôm nhau tìm một chỗ khô ráo cũng khó. Những đêm mưa giông, bà chỉ sợ căn nhà bay mất, ôm cháu cầu xin tai họa đừng ập đến với mẹ con bà nữa…

“Thương con mẹ đếm sao trời
Đếm hoài không hết một đời long đong”

Con người sinh ra đã là khổ, có những nỗi khổ cứ nối đời này qua đời khác, như nghiệp duyên tích tồn qua bao tháng năm đằng đẵng mà hẹn gặp nhau kiếp này xin được trả hết. Có những nỗi khổ khiến con người cảm thấy khốn cùng và túng bẫn. Càng khổ người ta mới càng thôi thúc bản thân mình tìm lời giải cho câu hỏi không hồi đáp: “Rốt cuộc, tôi đến đây để làm gì?”. Nhưng có lẽ chúng ta đừng quá bi quan. Kỳ thực, khổ này chính cái thang để mỗi sinh mệnh tìm về bản nguyên của mình, tìm về ý nghĩa chân thực của đời người.

Nguồn ảnh: Eva
Gia Viên – Hồng Tâm

Xem thêm: