Mỗi khi đi chợ, chúng ta thường băn khoăn tự hỏi liệu thực phẩm đang bày bán có sạch hay không. Vì tình yêu với gia đình, các bà nội chợ thường muốn người thân của mình thưởng thức những món ăn ngon và vệ sinh. Dưới đây là cách tự làm đậu phụ, vừa ngon lại an toàn và đảm bảo.

Chuẩn bị nguyên liệu:

  • 500 g đậu tương (nên chọn hạt đậu căng, mẩy, đã được phơi khô)
  • 3-3,5 lít nước
  • 30-40 ml giấm ăn (1 muôi)
  • 1 thìa cà phê muối tinh
  • Khuôn làm đậu phụ, khăn vải
(Ảnh: Pixabay)
(Ảnh: Pixabay)

Cách làm:

Bước 1: Làm sạch vỏ hạt đậu tương

Cho hạt đậu tương đã phơi khô vào rổ và vo kĩ để loại bỏ bụi bẩn và nhặt bỏ hạt lép hỏng. Sau khi đãi sạch, chúng ta ngâm đậu trong nước từ 4 đến 12 tiếng. Khi thấy hạt đậu nở to và tróc vỏ dễ dàng thì đãi bỏ vỏ đậu (không nhất thiết phải đãi sạch vỏ đậu).

Hạt đậu nành sau khi ngâm nước và đãi sạch vỏ (Ảnh: Phunutoday.vn)
Hạt đậu nành sau khi ngâm nước và đãi sạch vỏ (Ảnh: Phunutoday.vn)

Bước 2: Làm thành nước sữa đậu nành

Cho đậu và nước vào máy xay sinh tố rồi xay thật kỹ. Dùng một tấm vải rộng lót vào 1 cái thau rồi đổ nước đậu đã xay vào, vắt lấy nước. Phần bã đậu sẽ được giữ lại trong khăn.

Chú ý: Không nên dùng vải quá thưa, vì nước không lọc kĩ sẽ có nhiều bã đậu chảy theo khi lọc; cũng không nên dùng vải quá dày vì nước đậu sẽ khó chảy xuống dẫn đến lãng phí. Tốt nhất, bạn nên dùng khăn bằng vải phin thường để lọc.

Sau khi lọc xong, chúng ta cho muối vào, khuấy tan rồi bắc lên bếp đun sôi nhỏ lửa, vừa đun vừa vớt bọt ra, tránh để nước đậu sôi trào ra ngoài. Thành phẩm thu được lúc này là sữa đậu nành dùng uống hàng ngày.

Bước 3: Tạo óc đậu

Để làm thành miếng đậu phụ, chúng ta cho lượng giấm vừa đủ vào một bát con, một tay dùng thìa khuấy nước đậu trong nồi, một tay từ từ rót giấm vào. Lúc này, nước đậu sẽ hơi có kết tủa lởn vởn.

Sau đó đậy vung nồi lại để ủ 20-30 phút. Trong quá trình ủ, chúng ta có thể khuấy nhẹ nhàng 1 đến 2 lần. Đậu sau khi ủ sẽ đông kết lại, hình thành óc đậu và nước trong màu vàng nhạt.

Óc đậu sau khi kết tủa (Ảnh: Phunutoday.vn)
Óc đậu sau khi kết tủa (Ảnh: Phunutoday.vn)

Sau khi ủ xong, chúng ta có thể dùng dụng cụ lọc để múc bớt phần nước trong màu vàng nhạt ra ngoài. Phần nước lọc này là nước chua, có thể dùng cho lần làm đậu kế tiếp để làm chất tạo đông thay cho giấm, vì thế hãy cất cẩn thận.

Bước 4: Đúc óc đậu thành miếng

Sau khi lọc xong, phần óc đậu sẽ được đổ vào khuôn đã được trải sẵn khăn sạch. Tiếp đến chúng ta gập các mép khăn lại cho gọn rồi đậy nắp khuôn lại, dùng một vật nặng đè chặt lên trên khuôn, nén đậu khoảng 15-20 phút là được.

Óc đậu được đổ vào khay (Ảnh: Phunutoday.vn)
Óc đậu được đổ vào khuôn (Ảnh: Phunutoday.vn)

Bước 5: Lấy đậu ra và chế biến thành những món ăn khác nhau theo sở thích

Đậu đã được ép xong, chúng ta nhẹ nhàng túm các góc khăn nhấc đậu ra khỏi khuôn. Như vậy là món đậu phụ tự làm tại nhà đã hoàn thành xong. Bìa đậu có thể được dùng ngay hoặc chế biến thành các món ăn mà bạn yêu thích.

Bìa đậu được lấy ra, vừa ngon lại an toàn vệ sinh (Ảnh: Pixabay)
Bìa đậu được lấy ra, vừa ngon lại an toàn vệ sinh (Ảnh: Pixabay)

Ngoài chợ, đậu phụ được bán rất rẻ nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ có chứa hàn the và thạch cao. Những chất này giúp đậu đông lại nhanh và không bị chảy nước, tuy nhiên, chúng gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, nếu có thời gian, các bạn hãy tự làm đậu phụ để cho bữa cơm hàng ngày của gia đình thêm ngon và an toàn.

Bảo quản đậu phụ

Nếu chưa ăn hết phần còn lại, chúng ta có thể cho đậu vào hộp chứa nước lạnh, đậy kín, rồi cho vào tủ lạnh. Để đậu tươi ngon lâu thì cần phải thay nước nhiều lần – theo cách này, đậu có thể bảo quản được 5–7 ngày. Nếu ngâm, nước đậu thôi ra có màu vàng thì không có nghĩa là đậu đã hỏng, vì nước màu vàng đậm đặc đó là do sữa đậu nành ở trong đậu tiết ra, chúng sẽ bị phân huỷ khi gặp nước.

San San

Xem thêm: