Trứng vốn thuộc loại thực phẩm bổ dưỡng hàng đầu nhưng thi thoảng bạn lại nghe thấy đâu đó phải thu hồi hàng trăm triệu quả trứng gà vì nhiễm Salmonella. Vậy rốt cuộc vi khuẩn này có gì độc hại? Những quả trứng của Việt Nam có nguy cơ bị nhiễm Salmonella không?

Mới đây, FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) vừa công bố quyết định thu hồi gần 207 triệu quả trứng gà sau khi 22 người nước này bị bệnh, nghi do nhiễm khuẩn salmonella sau khi ăn trứng gà. Đây là đợt thu hồi trứng lớn nhất tại Mỹ kể từ năm 2010, thông tin từ website Thông tin Thực phẩm an toàn. Những quả trứng này được phân phối từ một trang trại ở quận Hyde, phía bắc Carolina (Mỹ), nơi sản xuất 2,3 triệu quả trứng mỗi ngày từ 3 triệu gà mái.

Trứng đã được phân phối ở nhiều bang nước Mỹ, tuy nhiên sẽ được thu hồi “với một sự thận trọng cao độ” – như tuyên bố của FDA.

Mỹ thu hồi gần 207 triệu quả trứng gà nghi nhiễm Salmonella. (Ảnh minh hoạ: nongsandungha.com)

Tại Việt Nam đã có nhiều trường hợp ngộ độc hàng loạt vì trực khuẩn Salmonella, như tại Thành phố Đồng Hới với gần 250 người phải nhập viện từ ngày 14/10/2015 vì bánh mì thịt, bánh mì trứng nhiễm khuẩn, theo đó gần 800 công nhân tại Tiền Giang phải nhập viện từ 3/10/2013 cũng vì lý do này.

Trứng gà, kể cả trứng vịt có thể là nơi trú ngụ tuyệt vời cho vi khuẩn Salmonella (một loại vi khuẩn có thể sống trong ruột của người, động vật và gây ra viêm dạ dày – ruột). Vậy làm thế nào mà vi khuẩn Salmonella có mặt trong quả trứng, và vi khuẩn Salmonella gây ra hậu quả gì?

Trứng vịt bẩn cũng có nguy cơ cao bị nhiễm Salmonella. (Ảnh: laodong.vn)

Nhiễm qua đường phân gà

Vi khuẩn Salmonella ở trong ruột gà, có cách thức thông minh để tấn công vào bên trong quả trứng. Nó có thể xâm nhập qua vỏ trứng bị nhiễm phân gia cầm. Thông thường quá trình nhiễm bệnh diễn ra khi gà đẻ trứng. Các trang trại nuôi gà lấy trứng thường phải vệ sinh trang trại thường xuyên và rửa sạch trứng sau khi thu hoạch để hạn chế nhiễm khuẩn.

Các trang trại gà cần làm vệ sinh thường xuyên. (Ảnh: xemdagaonline.blogspot.com)

Bệnh nhiễm khuẩn salmonella là gì?

Salmonellosis (bệnh gây ra bởi vi khuẩn Salmonella) là bệnh có thể truyền nhiễm từ thú sang người và ngược lại. Ngoài ra, sự lây nhiễm cũng thường xảy ra qua thực phẩm, đặc biệt là qua trứng và thịt gia cầm. Vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân thường gây ra bệnh tiêu chảy, nhưng cũng có thể nhiễm bệnh đến các bộ phận khác của cơ thể bao gồm máu, xương và khớp xương.

Bệnh nhiễm khuẩn Salmonella lây truyền như thế nào?

Bệnh nhiễm khuẩn Salmonella lây lan thông qua việc dùng các thức ăn, đồ uống bị ô nhiễm hoặc tiếp xúc với động vật (gà, vịt, lợn, bò, động vật gặm nhấm và các loài bò sát như thằn lằn, rùa), người bệnh. Các nguồn thông thường nhất là gia cầm, trứng, thịt và các sản phẩm từ sữa.

Theo Bộ Y Tế Louisiana (Mỹ), đến 90% các trường hợp nhiễm Salmonella là do thực phẩm. Salmonella hiếm lây giữa người với người, mà chủ yếu bắt nguồn từ thực phẩm nhiễm bệnh hoặc do người ta không rửa tay của mình sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với gia cầm nhiễm khuẩn.

Người bệnh cần rửa sạch tay sau khi đi về sinh để hạn chế lây nhiễm. (Ảnh: khoahoc.tv)

Triệu chứng bệnh nhiễm khuẩn salmonella

Triệu chứng bệnh xuất hiện sau 6 – 72 giờ kể từ khi ăn thức ăn nhiễm vi khuẩn, và bệnh có thể kéo dài từ 4 – 7 ngày bao gồm tiêu chảy có thể kèm theo máu, co thắt dạ dày, đau đầu, sốt, nôn mửa, mất nước (đi tiểu rất ít, khô miệng và cổ họng, chóng mặt khi đứng lên).

Hầu hết mọi người đều bình phục mà không cần điều trị. Tuy nhiên, ở một số người bệnh tiêu chảy có thể tiển triển nặng lên đến mức cần phải nằm viện. Người già, trẻ sơ sinh và những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm có nguy cơ ảnh hưởng cao nhất. Những người trong nhóm này có thể bị nhiễm bệnh từ ruột vào máu và sau đó lan rộng ra khắp cơ thể gây nên nhiễm trùng huyết. Bệnh nhân có thể bị tử vong nếu không được chữa trị một cách kịp thời.

Phát hiện và điều trị bệnh nhiễm khuẩn Salmonella

  • Nhiễm khuẩn Salmonella được phát hiện dựa vào xét nghiệm phân tìm vi khuẩn.
  • Ăn đồ lỏng, uống nhiều nước để tránh tình trạng mất nước.
  • Hầu hết các trường hợp đều có thể tự phục hồi, tuy nhiên một số trường hợp có hệ miễn dịch kém cần dùng kháng sinh trong điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Một số biện pháp phòng ngừa

  • Có một điều đáng tiếc là không cách nào để nhận biết được quả trứng nào không bị nhiễm vi khuẩn Salmonela. Vì vậy, điều đầu tiên khi mua trứng, bạn hãy đảm bảo rằng vỏ trứng không bị dính phân.
Hãy đảm bảo rằng quả trứng bạn mua không bị dính phân. (Ảnh:baochaufarm)
  • Các chuyên gia sức khoẻ cũng khuyến cáo rằng bạn không nên ăn trứng sống hoặc mới luộc sơ qua. Nhiệt độ lý tưởng để diệt Salmonella trong thực phẩm là nấu ở nhiệt độ 75°C trong vòng ít nhất 10 phút.
  • Rửa tay thật sạch trước khi chế biến thức ăn, trước bữa ăn, sau khi đi vệ sinh, hay sau khi chạm vào động vật.
  • Thịt gia cầm, thịt bò, thịt lợn nên được làm sạch và nấu chín.
  • Tách biệt giữa thức ăn đã nấu chín với thức ăn sống. Luôn bảo quản thức ăn chưa dùng đến.
  • Phải làm vệ sinh nhà bếp, dụng cụ nấu ăn trước và sau khi nấu bằng xà bông và nước sạch.
  • Không sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa chưa qua tiệt tùng và không rõ nguồn gốc.

Yến Dương