Trong thành phố nhỏ Ringgold, nằm ở Đông Nam Hoa Kỳ, người ta thường thấy một người đàn ông đã 86 tuổi, mái tóc bạc trắng ngày ngày vẫn cần mẫn lái chiếc xe nhỏ của mình đi tới các cơ quan, các nhà thờ trong vùng để thu mua những loại giấy mà người ta không còn dùng tới, rồi đem bán chúng cho một cơ sở sản xuất giấy tái chế địa phương. 

Ông Johnny đã làm công việc này được hơn 30 năm, bắt đầu từ năm 1985. Nhưng đây hoàn toàn không phải là nghề nghiệp chính của ông. Khởi nguồn của ý tưởng này đến từ những ngày con trai Brent của ông còn là một cậu bé. Làm một người cha, ông Johny biết rất rõ việc dạy con biết cách tạo thói quen sử dụng tiền bạc một cách hợp lý là vô cùng quan trọng. Vậy nên, ít nhất một tuần một lần, ông cùng con trai đi thu gom những loại giấy tờ, báo, tạp chí có thể tái chế và đem chúng đi bán.

Học cách xây dựng thói quen tài chính là một trong những bài học quan trọng nhất mà một người cha cần dạy cho các con của mình. (Ảnh minh họa dẫn qua Ohaytv)

Ông Johny đã gửi những khoản tiền kiếm được nhờ mua bán giấy vụn này vào một tài khoản riêng cho anh Brent, với mong muốn anh Brent sẽ hiểu được nguyên lý của sự tiết kiệm mà người Việt ta thường nói một cách rất hình ảnh “Kiến tha lâu cũng có ngày đầy tổ”. Hai cha con đã cùng nhau chăm chỉ làm công việc này cho tới khi Brent 17 tuổi.

Những năm sau đó, số tiền tiết kiệm từ việc tham gia vào vòng tuần hoàn tái chế giấy cũng đủ cho Brent Jennings chi trả cho căn nhà đầu tiên của mình. Bài học về việc tiết kiệm và sử dụng tiền bạc một cách lành mạnh của cha anh đã thực sự phát huy tác dụng. Đồng tiền kiếm được vốn không phải là điều dễ dàng, tích cóp từ những điều nhỏ bé cũng sẽ mang tới những giá trị lớn sau một khoảng thời gian đủ lâu. Quan trọng hơn, quá trình tích cóp này sẽ không chỉ mang tới cho chúng ta một khoản tiền đủ để làm những công việc trọng đại, mà nó còn giúp chúng ta rèn luyện sự nhẫn nại và khả năng khắc chế được lòng tham và sự nôn nóng.

Kiến tha lâu cũng có ngày đầy tổ – Bài học về thói quen tiết kiệm và tính nhẫn nại mà ông Johnny dạy cho con trai (Ảnh minh họa dẫn qua Báo Mới)

Tuy nhiên, công việc thu gom giấy vụn không chỉ mang lại lợi ích cho con trai bé nhỏ của ông Johny Jennings. Doanh thu từ công việc này còn đem tới sự hạnh phúc cho rất nhiều những đứa trẻ bất hạnh khác trong vùng Georgia. Sau khi anh Brent gây dựng được mái ấm của mình, ông Johny vẫn một mình tiếp tục công cuộc thu mua giấy vụn. Điều đáng nói chính là động lực đã thôi thúc ông tiếp tục công việc này. Ông Johny đã dành dụm số tiền từ việc tái chế giấy, là để tặng lại cho một Tổ chức chuyên chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất cho các trẻ em có tên Georgia Baptist.

Một năm một lần, ông Johny trao tặng cho tổ chức chăm sóc trẻ em này một tấm séc giao động từ 10.000 đô đến 35.000 đô la (tương ứng 226 triệu đến 791 triệu đồng) – tất cả số tiền ông dành dụm được trong suốt cả năm từ việc thu gom giấy vụn. Tấm séc đặc biệt này luôn được trao cho tổ chức Georgia Baptist này hàng năm vào Ngày của mẹ – Chủ nhật thứ nhì của tháng 5.

Ông Johnny Jennings trao tấm séc cho chủ tịch hội chăm sóc trẻ em và gia đình Georgia Baptist (Ảnh dẫn qua Twitter)

Tổng số tiền trong suốt những năm qua ông Johnny đã quyên góp cho những đứa trẻ đã lên tới 400.000 đô la (tương đương 9 tỉ đồng).

Chủ tịch của tổ chức Georgia Baptist đã chia sẻ về ông Johny trong sự cảm phục chân thành và một niềm biết ơn sâu sắc: “Johnny Jennings là một trong những người tốt bụng nhất mà tôi từng gặp. Tôi luôn ngưỡng mộ sự khiêm nhường của ông ấy, tấm lòng tận tụy giúp đỡ những người khác và hơn tất cả là tình yêu thương của ông dành cho những đứa trẻ mà chúng tôi đang chăm sóc. Chúng tôi thực sự may mắn khi nhận được sự giúp đỡ của Johny Jennings.”

Chân dung người đàn ông có trái tim lớn Johnny Jennings (Ảnh dẫn qua Facebook Shay Drennan – Love)

Ông Johny chia sẻ với kênh truyền thông CNN câu chuyện đã khiến ông làm nên điều tuyệt vời này, khi được hỏi về động lực đã thúc đẩy ông cống hiến rất nhiều cho sự nghiệp mang tới sự ấm no cho những đứa trẻ thiếu may mắn ấy. “Năm 18 tuổi, tôi đã có cơ hội đến thăm một ngôi nhà nuôi dưỡng những đứa trẻ bất hạnh. Tôi đã ở lại dùng bữa với các em. Đến tối, khi tôi đang chuẩn bị rời đi, có ba đứa bé tới níu lấy chân tôi và nói rằng: “Chú ơi, chú hãy trở thành ba của tụi con đi”.

Câu nói của những đứa trẻ ấy có thể chạm đến trái tim của chàng trai chưa từng làm cha. Ông cảm nhận rất rõ ràng rằng, những cô bé cậu bé xinh xắn này đang rất cần một sự chở che. Từ buổi gặp gỡ và khoảnh khắc xúc động ấy, ông Johny đã nỗ lực hết mình cung cấp đồ ăn, quần áo, sách vở cho những đứa trẻ, như một người cha muốn những đứa con của mình được sống thật đủ đầy, không thiếu thốn.

Thêm một điều khiến những người biết tới câu chuyện của ông Johny thêm phần kính trọng và cảm mến ông, đó chính là sự khiêm nhường của con người có trái tim rộng lớn này. Trong suốt hàng chục năm, ông trao đi hạnh phúc cho các em nhỏ, dường như không một ai biết đến câu chuyện này.

Lòng tốt được truyền đi như những cánh bồ công anh trong gió. Để tới với những vùng đất mới, để gieo thêm những điều thiện lành mới (Ảnh minh họa dẫn qua ehospital)

Đúng như lời của ông bà ta thường dạy, “hữu xạ tự nhiên hương”. Những điều mà ông Johny làm đã khiến một tâm hồn khác cảm thấy rung động, khi họ nhận ra điều tuyệt vời đang ẩn giấu trong công việc của ông. Shay Drennan – Love, người làm việc tại cơ sở sản xuất giấy tái chế mà ông Johny thường lui tới. Cô đã viết câu chuyện của ông lên Facebook với một hi vọng rằng, câu chuyện này sẽ như một bông hoa bồ công anh của lòng tốt, theo những cơn gió mang “niềm hạnh phúc được trao đi” đến gieo vào lòng nhiều người khác nữa.

Trong suốt cuộc phỏng vấn với CNN, ông Johny luôn nhấn mạnh rằng mình cần phải tái chế nhiều giấy hơn nữa. Và ông cũng bày tỏ một ước muốn, sẽ được làm điều tốt đẹp ấy đến tận giây phút cuối cùng trong cuộc đời. Chứng kiến điều cha âm thầm làm trong nhiều năm, anh Brent Jennings cảm nhận được sự nhiệt tâm và chân thành của cha, điều đó khiến anh cảm thấy rất tự hào: “Ông ấy là một trong những quý ông tốt bụng nhất và tôi tự hào khi nói rằng ông ấy là cha tôi.”

Hạnh phúc thực sự nằm ở đâu? Có lẽ là trong bàn tay bạn đưa ra khi có ai đó cần? (Ảnh minh họa dẫn qua The Huffington Post)

Trong cuộc sống này, ai trong chúng ta cũng luôn đang đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào để có được hạnh phúc thực sự?”. Hành trình đem sự ấm no, sư quan tâm tới cho các em nhỏ thiếu may mắn của ông Johny Jennings có mang tới cho bạn một lời gợi ý: Trao đi chính là điều có thể trả lời cho câu hỏi ấy? Khi thực sự muốn trao tặng cho ai đó thứ gì, ta sẽ cần nghĩ tới người khác nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn để thấu hiểu những điều họ thực sự cần. Suy nghĩ cho người khác cho ta cơ hội để bước ra ngoài “thế giới nhu cầu” của chính mình, và nhận thấy rằng cái thế giới ấy thật nhỏ bé. Và khi ta có thể trao đi chính là khi ta có thể làm cho người khác hạnh phúc hơn. Và bạn có tin không, hạnh phúc của người kia sẽ quay trở lại làm đầy trái tim bạn.

Phương Lâm biên dịch 
Tham khảo CNN

Xem thêm: