Nhóm giảng viên Tôn Thất Trường Nam, Trần Quốc Lâm cùng cộng sự tại Khoa Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Trường Đại học Tây Nguyên đã nghiên cứu, chế tạo thành công “Máy dò phát hiện thiết bị công nghệ cao trong gian lận thi cử”.

Hiện nay, gian lận thi cử không còn đơn giản như những năm về trước. Các thiết bị hiện đại, có cấu tạo tinh vi, kích thước siêu nhỏ như: vòng dây từ trường, tai nghe hạt đậu, nam châm, điện thoại giả dạng ATM, thiết bị truyền tín hiệu bằng bluetooth…được học sinh, sinh viên sử dụng, kết nối với tai nghe nam châm “siêu nhỏ” để thực hiện gian lận, đưa đề thi ra bên ngoài nhờ người giải và truyền tín hiệu đáp án vào phòng thi.

Các thiết bị gian lận thi cử công nghệ cao (Ảnh: internet)

Các thiết bị gian lận này có đặc điểm chung là dùng sóng vô tuyến để truyền thông tin, hình ảnh, Chúng thường được quảng cáo, mời bán rộng rãi trên mạng xã hội Facebook với giá chỉ từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng. Đặc biệt, chúng đều được gắn vào lỗ tai, răng, luồn trong quần, áo nên khó phát hiện bằng mắt thường. 

Để giải quyết hiện trạng này, đầu năm 2018, nhóm nghiên cứu của anh Nam và thầy Lân đã bắt đầu từ việc phân tích cấu tạo, tìm hiểu nguyên lý hoạt động của các thiết bị công nghệ cao do Phòng Thanh tra pháp chế nhà trường thu được từ các kỳ thi.

Tuy nhiên, các linh kiện trong mạch điện của thiết bị công nghệ cao này đều bị xóa thông số để bảo mật. Để tìm ra nguyên lý hoạt động của các thiết bị, nhóm đã bóc tách từng linh kiện, đo đạc thông số bằng máy chuyên dụng, vẽ sơ đồ mạch, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị.

Nhóm nghiên cứu đã chế tạo thành công “khắc tinh” của các thiết bị gian lận thi cử công nghệ cao (Ảnh: daubao.com)

Cuối cùng, sau nhiều nỗ lực, nhóm nghiên cứu đã chế tạo thành công “khắc tinh” của các thiết bị gian lận thi cử công nghệ cao này. Anh Nam cho biết, thiết bị của mình đo được sóng điện trường từ các âm thanh phát ra từ loa điện thoại, tai nghe siêu nhỏ bỏ trong tai từ khoảng cách 8-10m.

Như vậy, các giám thị có thể cầm trên tay “dò” tại các phòng thi. Máy sẽ sáng đèn khi có tín hiệu âm thanh (từ các thiết bị siêu nhỏ) ở ngoài phòng thi. Chỉ cần hướng ăngten vào lớp học, thiết bị sẽ định vị được vị trí sinh viên đang gian lận để yêu cầu kiểm tra.

“Có sinh viên sử dụng điện thoại tự kết nối với bên ngoài đọc vào cho chép nhưng vẫn bị phát hiện. Có trường hợp sinh viên gian lận trong lớp đã bị bắt mà người ở ngoài vẫn đọc bài nhiệt tình và hỏi ‘xong chưa?’. Mãi đến khi các giảng viên trả lời “xong rồi”, người kia mới biết mình bị lộ” – anh Nam kể.

Nguyện vọng của nhóm sẽ hỗ trợ các trường đại học, các Sở Giáo dục và Đào tạo sử dụng máy trong kỳ thi được minh bạch, đặc biệt là Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia. (Ảnh: báo lao động)

Sản phẩm này có ưu điểm dễ vận hành, dễ sử dụng và được đánh giá cao trong quá trình thử nghiệm. Hiện nay, ngoài Trường Đại học Tây Nguyên, máy do nhóm chế tạo đang được sử dụng trong các kỳ thi của Trường Đại học Thủy Lợi (Hà Nội), Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam, kỳ sát hạch thi lái xe của Sở Giao thông vận tải Gia Lai.

Nguyện vọng của nhóm sẽ hỗ trợ các trường đại học, các Sở Giáo dục và Đào tạo sử dụng máy trong kỳ thi được minh bạch, đặc biệt là Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia.

Hiểu Minh (TH)