Cứ mỗi năm đến đợt rét mùa đông và mùa Tết trời se lạnh, do thời tiết và thói quen nấu nướng tiết kiệm, người dân lại dùng than tổ ong để nấu nướng cho mùa Tết hay dùng để sưởi ấm. Do chủ quan nên mỗi năm đều có tai nạn thương tâm do than tổ ong gây ra.

Năm nào cũng có người tử vong do khí than

Khi đốt cháy, than tổ ong sẽ thải ra hai chất thải chính là khí CO và CO2, nếu hít thở nhiều có thể gây tổn thương vùng vỏ não. Nguy cơ càng lớn nếu bùn dùng để trộn than được lấy từ vùng bị ô nhiễm kim loại nặng (như thạch tín – asen). Khi than cháy, các phần tử kim loại theo khói đi vào phổi người bệnh, làm tăng nguy cơ ung thư, nhất là ung thư phổi.

Ngoài  ra, còn các khí độc hại khác như NO2, SO2, bụi, muội kim loại nặng như sắt (Fe) và đôi khi có cả thủy ngân (Hg). Những khí độc này, nếu hít phải dù nhiều hay ít cũng ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể gây viêm họng, viêm phổi. Biểu hiện dễ nhận biết nhất là bệnh nhân bị đau họng, ho khò khè. Theo kết quả nghiên cứu, nếu phụ nữ mang thai thường xuyên phải sống trong môi trường bị ô nhiễm bởi khói than thì nguy cơ bị sảy thai, thai bị biến dạng, dị tật hay khiếm khuyết là rất cao.

TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, năm nào cũng có hàng chục trường hợp bệnh nhân ngộ độc khí than phải điều trị, không ít trường hợp tử vong.

%image_alt%
Ngộ độc khí than có thể gây tử vong- Ảnh Internet

Cách phát hiện người bị ngộ độc

Nạn nhân bị ngộ độc khí CO sẽ có các biểu hiện như sau: khởi đầu chỉ là các triệu chứng tản mạn và không đặc hiệu. Nếu ngộ độc nhẹ thường chỉ thấy đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, nôn, mệt mỏi, làm người bệnh dễ nhầm là bị nhiễm virut. Có người thấy da đỏ như quả anh đào nhưng đây là triệu chứng không đặc hiệu.

Ở mức độ ngộ độc vừa: thấy đau ngực, khó tập trung, nhìn mờ, khó thở khi gắng sức nhẹ, mạch nhanh, thở nhanh, hoại tử cơ, thất điều.

Khi bị ngộ độc nặng thấy đau ngực, hồi hộp, mất định hướng, co giật, hôn mê, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, thiếu máu cơ tim, phỏng da, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ. Bệnh nhân có thể bị ngất, tím ở môi và các đầu ngón tay, ngón chân; co cứng tay chân hoặc có những động tác bất thường. Nạn nhân thấy khó thở, thở trào bọt hồng. Tay chân sưng đau, nước tiểu sẫm màu, đỏ và ít dần.

Di chứng thần kinh – tâm thần gặp ở nhiều trường hợp ngộ độc CO, sau khi hồi phục từ 3 ngày đến 8 tháng thấy biểu hiện: thay đổi tính cách, giảm trí nhớ, giảm tập trung, liệt nửa người, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, cử động chậm, tay chân cứng và run, cơ mặt bị liệt. Những biểu hiện này được gọi là hội chứng thần kinh – tâm thần muộn, chiếm tới 40% trường hợp nạn nhân bị ngộ độc khí CO.

Khi trong nhà có sử dụng một trong các nguồn tạo ra khí CO nói trên, lại thấy có người bị một hay nhiều triệu chứng ngộ độc thì người nhà phải đưa ngay nạn nhân đến bệnh viện để khám cấp cứu.

Xử trí và điều trị ngộ độc khí CO

Khi người nhà phát hiện ra nạn nhân cần khẩn trương làm những việc theo trình tự như sau: nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa bệnh nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt.

Bản thân người đến cấp cứu nạn nhân cũng phải chú ý đảm bảo an toàn cho mình, đồng thời nhanh chóng gọi người khác hỗ trợ, gọi cấp cứu y tế như gọi 115. Nếu bệnh nhân thở yếu hoặc ngừng thở, phải tiến hành ngay việc thổi ngạt bằng hô hấp nhân tạo miệng – miệng hay miệng – mũi.

Nếu nạn nhân không còn tỉnh thì đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở tư thế an toàn rồi vừa hà hơi thổi ngạt, vừa nhanh chóng chuyển đến bệnh viện.

Cách phòng ngộ độc

Đeo khẩu trang khi nấu nướng, không dùng than tổ ong trong phòng kín. Cách ly người già, người có bệnh phổi và trẻ em khỏi khói than. Nếu đun trong nhà phải mở cửa sổ thoáng khí. Tối trước khi ngủ phải luôn kiểm tra bếp than còn cháy hay không, tốt nhất nên để than tổ ong ra ngoài nhà và không để trong nhà, nhất là ban đêm.

Hi vọng bài viết trên sẽ mang lại cho các bạn những thông tin bổ ích và chúc các bạn đón Tết vui vẻ, ấm cúng và khoẻ mạnh bên gia đình, người thân.

Thanh Long tổng hợp

Xem thêm: