Nếu biết được 8 giai đoạn khủng hoảng này của trẻ, cha mẹ sẽ nuôi dạy con được dễ dàng hơn.

Giai đoạn 1: Trẻ sơ sinh đến 3 tháng tuổi

Ở giai đoạn này, khóc là cách duy nhất trẻ có thể làm để giao tiếp và truyền tải thông điệp muốn nói tới bố mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình. Sau một thời gian, bố mẹ sẽ học được cách phân biệt tiếng khóc khi đói, khi mệt, khi buồn ngủ, hay khi thấy khó chịu của trẻ.

Tuy nhiên, đôi khi, con bạn khóc không vì một lý do đặc biệt nào cả, cũng không ai có thể lý giải nổi. Trong trường hợp này, đừng tức giận, quát tháo, hay bỏ mặc bé, hãy luôn an ủi con bằng giọng nói nhẹ nhàng và ôm áp. Trẻ sẽ thấy an toàn và dịu trở lại. Luôn nhớ rằng trẻ sơ sinh cũng có thể cảm nhận được cảm xúc qua giọng nói của người lớn, vì thế hãy nhẹ nhàng, thân thiện hết sức để bé thấy an toàn.

Giai đoạn 2: 4 đến 6 tháng

Giai đoạn này, em bé của bạn có thể cười ré lên hoặc cười khúc khích để phản ứng lại với đồ chơi hoặc những lời nói của bố mẹ. Vì thế, sẽ rất có ích nếu bố mẹ làm những gương mặt ngộ nghĩnh và chơi đùa với trẻ. Đây cũng là giai đoạn trẻ nhận thức rõ hơn về mọi người xung quanh, ngoài mẹ và bố. Chúng có thể nhận ra khuôn mặt và đồ vật quen thuộc. Vì vậy, nên bắt đầu giới thiệu trẻ với những đứa trẻ và người lớn khác, nếu không, nhiều khả năng trẻ sẽ nhút nhát, sợ sệt người lạ.

Giai đoạn 3: 7 đến 12 tháng

Tại thời điểm này, các bé bắt đầu thích mẹ hơn bất cứ ai, và luôn thể hiện sợ người lạ. Có khi chúng bám bố mẹ quá mức, khóc toáng lên khi bố mẹ rời đi. Giải pháp là đừng vội vàng rời đi, mà hãy giãn dần khoảng cách với trẻ. Tốt nhất, lúc đầu nên đứng cách trẻ vài bước, để trẻ tự do chơi một mình nhưng vẫn có bố mẹ ở đó giám sát.

Giai đoạn 4: 1 tuổi đến 2 tuổi

Trẻ ở tuổi này bắt đầu giao lưu với nhiều bạn đồng trang lứa khác, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là trẻ biết cách tương tác và hiểu khái niệm chia sẻ. Bạn sẽ thấy trẻ rất ích kỷ, không biết nhường nhịn, nhưng đừng vì thế mà quát mắng hoặc gắn mác trẻ “hư”.

Thậm chí kể cả khi trẻ tỏ ra tức giận, phản kháng với bố mẹ cũng là điều bình thường. Bố mẹ nên bình tĩnh, quan trọng hơn cả là nhẹ nhàng, ôn hòa, không nên la hét hay đánh mắng trẻ.

Giai đoạn 5: 3 tuổi

Trẻ độ tuổi này bắt đầu biết chia sẻ đồ chơi với các bạn. Quan trọng nhất trong giai đoạn này là bố mẹ dạy con biết cảm thông, và khuyến khích con chia sẻ với người khác. Tuổi này, trẻ bắt đầu biết sợ bóng tối, sợ ma hoặc tưởng tượng ra dưới gầm giường có quái vật. Thay vì phủ nhận, hãy công nhận và đồng hành cùng nỗi sợ của con.

Giai đoạn 6: 4 đến 5 tuổi

Trẻ em ở độ tuổi này có thể tuân theo các quy tắc, nhưng chúng không hiểu được điều gì đúng và điều gì là sai. Chúng muốn độc lập hơn vì thế hay làm ngược lại những gì bố mẹ mong muốn. Bố mẹ hãy khuyến khích và cho phép con được lựa chọn. Như vậy cũng là giúp nuôi dưỡng trí tò mò của trẻ. Đừng nghĩ con mình bướng bỉnh, hãy nghĩ con mình có chính kiến.

Trẻ 4-5 tuổi đôi khi tâm trạng thất thường và trở nên hung dữ. Đôi khi trẻ lại hòa hợp với mọi người xung quanh, tỏ ra có trách nhiệm hơn. Khi đó, là khi chúng muốn làm người khác hạnh phúc. Hãy yêu thương con, bạn cũng sẽ nhận lại điều tương tự.

Ngoài ra, nên dạy trẻ ở độ tuổi này cách thể hiện sự tức giận theo cách phù hợp. Hãy cho trẻ thời gian bình tĩnh trở lại khi trẻ có hành vi không thích hợp. Cũng nên khuyến khích trẻ nói chuyện cởi mở và khen ngợi con khi con cư xử đúng mực.

Giai đoạn 7: 6 đến 12 tuổi

Với trẻ độ tuổi này, bố mẹ không còn là cả thế giới nữa, mà bạn bè mới là điều trẻ quan tâm hơn cả. Trẻ cũng bắt đầu có các mối quan hệ khác giới. Trẻ cũng bắt đầu biết ghen tỵ. Chúng còn thích tham gia các trò chơi cạnh tranh, thích tham gia hội nhóm và là một phần của một cộng đồng nào đó, để thể hiện rằng mình có cá tính. Giai đoạn này, nên dạy con biết cách tôn trọng và lắng nghe người lớn. Bạn cũng nên cố gắng dành nhiều thời gian chất lượng với con nhất có thể.

Giai đoạn 8: 13 đến 18 tuổi

Ở giai đoạn này, trẻ rất hay so sánh bản thân với người khác, và nếu được bạn đồng trang lứa công nhận khả năng thì không còn gì tuyệt vời hơn.

Thanh thiếu niên thường so sánh mình với người khác, và được đồng nghiệp chấp nhận là điều rất quan trọng đối với họ. Vì vậy, bố mẹ nên dạy con biết cách đối mặt với những căng thẳng, áp lực do bạn bè gây ra.