Đồng cảm bắt nguồn từ sự cảm thông và đồng điệu về cảm xúc. Theo các nhà nghiên cứu cảm xúc, sự đồng cảm là khả năng cảm nhận được cảm xúc của người khác và trực quan biết được người khác đang suy nghĩ những gì.

Điều này có nghĩa là đặt mình vào vị trí của người khác, nhận biết và hiểu được cảm xúc của người đó, cả niềm vui hay nỗi buồn. Đây không phải là sự thương hại hay chỉ quan tâm đến những chuyện của người thân mà không để ý đến chuyện của “người dưng”.

Sự thành công của người có thiên hướng “cảm thông” khác biệt so với những người khác đó là vì họ không nghĩ cho riêng bản thân mình, mà là quan tâm đến xã hội và những người xung quanh để làm sao thành công mang lại ý nghĩa thật sự.

1. Quan tâm đến sự thành công của người khác

Thành công không thể đạt được nếu không có sự hỗ trợ và giúp đỡ của người khác, giống như các doanh nghiệp sẽ không thể phát triển nếu không có những nhân viên toàn tâm và đắc lực. Người đồng cảm luôn nghĩ đến những người khác. Vì vậy, nếu có cơ hội trong cuộc sống họ đều muốn san sẻ, muốn người khác được tham gia và nhận được phần thưởng cùng họ. Thành công đến với họ chỉ một sớm một chiều và nằm trong tầm tay vì có sự đồng thuận đồng lòng, chung tay góp sức của mọi người quanh họ.

2. Có tầm ảnh hưởng trong sự kết nối và giao tiếp

Người đồng cảm biết cách để giao tiếp, truyền đạt thông tin rõ ràng, sử dụng ngôn từ lịch thiệp, nhẹ nhàng và không nói năng bừa bãi. Khi tiếp xúc với một ai đó, họ không những nghe bằng tai, mà quan trọng hơn là nghe bằng mắt và bằng cả con tim để thấu hiểu và kết nối với người đó. Một khi họ nói, người khác cũng chú ý lắng nghe trở lại bởi những lời chân thành chia sẻ hết mình của họ và giúp họ thực hiện các mục tiêu mà họ vươn tới.

3. Sâu sắc trong mỗi vấn đề

Thay vì dừng lại việc tiếp nhận câu trả lời, người đồng cảm cố gắng thăm dò và tìm hiểu vấn đề một cách sâu sắc hơn. Họ muốn tìm thấy lý do tại sao mọi thứ đang đi sai, đồng thời tìm ra giải pháp mang lại thành công bằng việc phân tích, mổ xẻ mọi khía cạnh cả ưu lẫn khuyết điểm, từ đó vạch ra một chương trình hành động rõ ràng, cụ thể và hợp lý. Ngoài ra họ còn có khả năng đối phó tốt với mọi tình huống bất ngờ và phức tạp. Những đặc điểm này góp phần giúp họ thành công.

(Ảnh: Youtube)

4. Ấp ủ tấm lòng yêu thương

Theo các nhà tâm lý học, người đồng cảm có “trái tim lớn” thường xuyên giúp đỡ người khác. Giúp đỡ người khác đem lại cho họ lòng nhiệt huyết và tràn đầy niềm hạnh phúc. Hành động giúp người của họ không những tạo năng lượng truyền cảm hứng cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… mà còn làm thay đổi tư tưởng, chuyển biến tâm tính của họ, khiến họ bắt đầu có những suy nghĩ tương tự muốn giúp đỡ người khác.

Đây là một động thái “đánh thức” lòng thương người, hơn nữa còn tạo sự tin tưởng tuyệt đối và toàn tâm toàn ý hỗ trợ hết mình của người khác cho họ trên bước đường đi đến thành công.

5. Tác động đến xã hội từ tấm lòng

Young girl (10-11) crying, teenage girl (14-15) comforting her

Người đồng cảm không biệt giai cấp, tôn giáo hay chủng tộc trong xã hội. Mục đích tiếp cận của họ với con người trong xã hội là cùng nhau xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp hướng đến phục vụ một xã hội tốt hơn. Vì sự đồng cảm xuất phát từ trong tâm của họ nên họ có thể điều hòa hoặc ứng phó tốt đẹp đối với những tình huống thay đổi cảm xúc của người khác. Họ hiểu mình và biết chấp nhận người khác. Đây là một lợi thế của của người đồng cảm nên mọi người xem trọng họ, giúp họ đạt được các mục tiêu.

6. Nhà lãnh đạo tuyệt vời và có trách nhiệm

Theo nghiên cứu, các nhân viên mà có nhà quản lý hoặc lãnh đạo đồng cảm thì sẽ có thêm niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe tốt hơn. Cơ bản là vì họ tạo ra một nền văn hóa “hiểu và cảm thông” ở nơi làm việc. Họ rất nhạy cảm với cảm xúc và sợ gây tổn thương cho một ai đó nên rất thận trọng trong lời nói của mình cũng như về cách đối xử với nhân viên mình. Do đó, họ rất được lòng các nhân viên. Các nhân viên của họ không những làm việc có hiệu quả cao mà còn cống hiến bản thân vì sự nghiệp lâu dài của công ty.

Tất yếu nếu vấn đề sai lầm xảy ra thì cả cấp trên và cấp dưới đều chịu trách nhiệm phần lỗi của mình, nhận lỗi và nói lời “xin lỗi” với nhau. Hầu như các nhân viên dưới sự quản lý của người đồng cảm đều đạt được mục tiêu cá nhân và nghề nghiệp của mình. Có thể nói đây là môi trường làm việc “quá tuyệt vời”.

Ngay từ bây giờ, chúng ta hãy học cách cảm thông và chia sẻ với người khác, học cách giúp đỡ khi người khác gặp khó khăn hay hoạn nạn để họ cảm thấy ấm áp trong tình người. Bạn sẽ thấy cuộc sống đầy lạc quan, có niềm tin vào bản thân và có những suy nghĩ tốt đẹp về mọi người. Sự thành công trong cuộc sống sẽ đơn giản hơn rất nhiều!

Hahna Nguyễn

Xem thêm: