Washington DC, thủ đô của Hoa Kỳ tuần qua vắng lặng như một thành phố bỏ hoang. Tất cả nhân viên chính phủ được lệnh làm việc ở nhà, các nhà hàng, công sở và museums đều đóng cửa. Quốc hội cũng đóng cửa cho đến ngày 20 tháng 4 mới làm việc trở lại.

Hôm qua các thống đốc của hai tiểu bang phụ cận Maryland và Virginia đã ra lệnh stay-at-home, dân chúng không được ra khỏi nhà ngoại trừ trong trường hợp khẩn cấp hay cần đi lấy thuốc, mua đồ ăn hay để exercise.

Chỉ mới hôm thứ Sáu tuần qua số người nhiễm bệnh ở Mỹ vượt qua Trung Quốc với 82,404 người, hôm nay đã lên hơn gấp đôi một cách chóng mật với 165,594 người. Những giới chức y tế có thẩm quyền của Mỹ dự đoán số người nhiễm bệnh ở Hoa Kỳ có thể lên đến hàng triệu và số người chết khoảng 200,000 trong vòng từ hai đến ba tuần tới. Chính phủ khuyên dân chúng chuẩn bị cho một tháng Tư đen tối. Thật là khủng khiếp.

Hãy tưởng tượng con số 58,000 lính Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam trong khoảng 10 năm và con số 200,000 người trong vòng vài tuần hay vài tháng. Hy vọng con số này là trường hợp tồi tệ nhất và không phải trường hợp tốt nhất. Xin cầu nguyện cho nước Mỹ và tất cả nhân loại.

Washington DC, thủ đô của Hoa Kỳ tuần qua vắng lặng như một thành phố bỏ hoang (Ảnh chụp màn hình Facebook).

Bệnh dịch coronavirus không trừ ai cả, Washington DC, một thành phố từng được coi là quyền lực nhất trên thế giới cũng chịu chung số phận với những thành phố khác ở Mỹ cũng như những thành phố ở khắp nơi trên thế giới. Bệnh dịch không có giới tuyến giữa giàu và nghèo, cộng sản và tư bản, nước này với nước khác.

Nó đang tấn công khắp nơi nhưng nó sẽ không thể tồn tại mãi mãi. Như những bệnh dịch trước nó, nó sẽ qua đi. Và sau cơn mưa trời sẽ lại sáng.

Nhưng một chuyện kỳ diệu đang xảy ra. Bạn có để ý không?

Khi chúng ta ra ngoài đường, nạn kẹt xe đã biến mất và không khí trở nên trong lành hơn. Những con đường chung quanh khu chúng ta ở cây cối đầy hoa và tươi mát và bây giờ chúng ta có thì giờ để ngừng lại để ngắm và ngửi những cành hoa đó.

Chúng ta không còn đi ra tiệm ăn nữa, những món ăn Fast Food và những đồ ăn ở nhà hàng đã được thay bằng những bữa cơm gia đình lành lặn, đạm bạc nhưng bổ dưỡng. Và những bữa cơm gia đình trở nên có ý nghĩa trở lại vì chồng hay vợ của chúng ta không phải đi làm về trễ và các con của chúng ta cũng thế, chúng ăn chung với bố mẹ và không đi chơi và ăn ở ngoài quán với đám bạn của chúng.

Tiền bạc dường như không còn quan trọng đối với chúng ta, nó dường như không còn làm cho cái thế giới nhỏ bé của chúng ta quay chung quanh nó.

Chúng ta bỗng nhiên có ý thức và không lãng phí đồ ăn thức uống hay những vật liệu chúng ta dùng hàng ngày. Chúng ta quý trọng môi trường của cái thế giới của chúng ta.

Và chúng ta có thì giờ để gọi hỏi thăm những người thân hay bạn bè, đọc những quyển sách chúng ta mua đã lâu nhưng chưa kịp đọc, hay chơi lại cây đàn guitar hay piano mà đã từ lâu bị bỏ quên.

Và chúng ta bỗng quý đời sống của chúng ta hơn vì bây giờ nó mong manh và bị đe dọa.

Và chúng ta bỗng yêu đồng loại vì tất cả nhân loại đều đang có một kẻ thù chung và nó làm chúng ta xoá bỏ mọi sự chia rẽ, kỳ thị, thù ghét và tranh chấp.

Bệnh dịch coronavirus dường như là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho nhân loại và bỗng nhiên chúng ta cảm nhận cái thế giới chúng ta đang ở thật là kỳ diệu. Nhân loại đã được Tạo hoá ban tặng quá nhiều thứ, chỉ là chúng ta đã sống quá nhanh. Và giờ đây, chúng ta đang học sống chậm lại, cảm nhận và biết ơn.

Bài viết đã được ĐKN biên tập. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.