Đôi nét về tác giả: Tác giả Phạm Hoàng Hải sinh năm 1948 tại Hà Nội, còn có bút danh là Hoàng Đại Dương. Ông từng công tác tại NXB Thế giới và là thư ký tòa soạn tạp chí Vietnam Cultural Window. 

Lúc này Hà Nội đang vào hè, đã mấy đêm rồi mưa to tràn về cố để làm dịu cái nóng cái oi đầu mùa. Nếu một mình đứng trong mưa bạn sẽ cảm được cái mùi vị mưa rất riêng không sao tả được thành lời. Mỗi người ở vào mỗi lúc khác nhau lại có những cảm xúc riêng khác hẳn lần trước. Bởi vậy ta chỉ có thể ghi lại những khoảnh khắc ấy chứ không có thể vẽ ra thế nào là một trận mưa đêm hè Hà Nội. Chỉ xin các bạn một điều, đọc chậm và… chậm, thế thôi….

Mấy năm gần đây, những cơn mưa mùa hè Hà Nội đã đổi tính đổi nết, đột ngột đến ào ào như trút rồi lại tạnh đi rất nhanh, giống như kiểu mưa Sài Gòn khi xưa. Điều này ai ai là người Hà Nội cũng thấy. Còn nghe đâu, trong Thành Phố, bây giờ lại mưa lai rai suốt cả ngày dài, giống hệt kiểu mưa Hà Nội ngày xưa.

(Ảnh: Cao Anh Tuấn)

Ngày mới giải phóng, người Sài Gòn ra Bắc thấy thương Hà Nội quá chừng. Mưa gì mà mưa liên miên, đi đâu cũng phải ô mũ áo mưa sùm sụp, rõ khổ. Rồi còn bão lụt, sợ cả vỡ đê. Ôi, nghìn năm thương quá đất Thăng Long. 

Còn như bây giờ, người Hà Nội xem tivi thấy thương Sài Gòn quá đỗi. Mưa thâu đêm suốt sáng. Chưa hết mưa úng đã lại lụt triều cường. Đường phố mà như sông suối, bì bõm tối ngày. Vẫn cứ phải chen nhau mà lội. Làm sao lại khổ đến vậy, Sài Gòn ới, Sài Gòn ơi. 

Tin vào cái sự chợt đến rồi chợt đi của các cơn mưa đêm hè Hà Nội bây giờ, tôi lững thững ra đường khi ngoài phố đã lên đèn. Tít xa trên mảng trời chiều dâng lên nơi cuối phố, những dải mây sẫm bất động đang nhuộm vào ráng đỏ nặng nề. Thế nào rồi cũng đổ mưa. 

Kệ. Tôi chẳng mang ô mà cũng không cần mang theo áo mưa, không cả mũ đội đầu. Quần ngố, áo phông, dép tông thoáng mát.

Hai tay thọc vào túi rộng, trong lòng thư thái, chẳng nghĩ ngợi chi. Gần một tiếng nữa mới đến giờ cơm, đi cho vơi bụng để còn ngon miệng mà ăn. 

Mỗi một bước đi như thấy được sự sung sướng của cái dạ dày nặng nề đang êm êm nhào quyện những chất bổ béo vẫn còn rõ nhiều mà chưa tiêu đi cho được. 

Và lơ mơ nghĩ đến một chú bò sữa nằm lười, lim dim nhai lại trong mồm những miếng cỏ nhuyễn đầy rớt rãi với cái bụng căng tròn.

Nhớ ngày trai trẻ, sợ nhất giờ này. Bụng thì cực đói mà nồi cơm thì còn chưa sôi. Đói suốt từ lúc quá trưa, nhắm mắt lại thấy cả thân thể chỉ có cái bụng là đang tồn tại. Đầu óc thăng đi đâu mất, chân tay nhẹ bẫng như bông. Còn mỗi dạ dày là đang thổn thức, nhè nhẹ co, nhè nhẹ dãn, thi thoảng lại nhói lên một cách tuyệt vọng. Có còn gì nữa đâu mà mày co bóp, hỡi cái bụng lép khốn khổ. Có được cách gì làm nó khỏi co không nhỉ. Lạy Giời lạy Phật. 

(Ảnh: Hoàng Đại Dương)

Ấy sao mà lạ, ngày còn đói khổ, lại thấy thèm sống mãnh liệt. Cả năm giác quan đều đói. Thèm nghe, thèm đọc, thèm ngửi, thèm nếm, thèm cả cọ xát chân tay. 

Thế giới ngập tràn mùi vị sắc mầu, nhìn xa nhìn gần chưa đủ, đêm đêm ngửa cổ nhìn cả trời sao đen sì nhấp nháy mà cũng thấy đẹp lạ đẹp lùng. Hương cau lơ lửng thinh không, hương lúa vào đòng, quyện với hương bồ kết tóc ai trong gió, thấm qua da thịt vào não vào tim. 

Bây giờ no đủ dư thừa, lại thấy cuộc đời bàng bạc, nhàn nhạt. Mũi có như không. 

Hễ bước ra đường, lập tức khói xăng khói bụi xộc cả vào mặt, nhưng cũng thấy bình thường như khi xưa đi giữa gió đồng tinh khiết. Nước hoa, thuốc gội, dầu thơm lẫn với thuốc tẩy mùi đông cứng trong phòng máy lạnh cũng chẳng làm cho người ta tỉnh thức ra khỏi ngày sống lơ mơ. 

Tai như bịt lỗ. Cả ngàn tiếng nổ bịch bình trộn trong bim bim thất thanh tiếng còi không ngừng không nghỉ suốt cả ngày dài đêm thâu, cũng chẳng thể làm cho ai động lòng. Tâm trí đang trụ cả vào vào tay lái lạng lách, vào chứng khoán trồi sụt, vào giá đất, giá vàng. Mũi tai tất phải điếc thôi. 

Điếc mà không nhớ ra là mình đang điếc, vì cả làng cả nước đều điếc như mình. Riêng có cái mắt thì không được điếc, phải mở trừng trừng. 

Vỉa hè không lối mà đi, mặt đường ổ voi ổ ga, xe máy vùn vụt đánh võng, ôtô nhiều như nêm cối. Lơ mơ là nguy. Nhẹ thì bó bột cả tháng, nặng thì vỡ đầu nằm liệt, khổ hết cả nhà, nháo nhác cả cơ quan, hàng xóm. Tất cả chỉ vì có một giây lơ đễnh. Cho nên mắt phải láo lơ, ngang dọc tinh tường. 

Đang vẩn vẩn vơ vơ như thế thì trời lắc rắc mưa rơi. Kệ. Cứ đi. Ngại gì. Đây là Hà Nội chứ có phải Sài Gòn đâu mà phải lo. 

(Ảnh: Cao Anh Tuấn)

Dưới tán lá dậm dày của mấy hàng cây sấu chua cao vút, mưa chẳng tới đất, chỉ có lòng đường đang ướt dần lên đen bóng, hắt ánh đèn vàng. 

Chỉ vài phút sau, như có phép thần, xe pháo vắng hẳn, để lại đường phố dịu êm như lâu lắm rồi Hà Nội vẫn thế. Loang loáng các hạt mưa xiên chéo như các hàng chỉ tơ sáng lên trên nền phố tối dài hun hút. 

Hà Nội đẹp quá, Hà Nội ơi, Hà Nội ơi…

Bỗng nhiên, thức dậy từ lãng quên sâu thẳm, lời ca hiền hậu của một thời trẻ trai: 

Đèn rực sáng… trên cửa cao, 
Là khi ta chân khẽ đưa… thong thả bước về, 
Ta càng thấy….yêu… cuộc đời, 
Mong cuộc sống ta mỗi ngày… sẽ…tươi thắm hơn…

Mọi ngày lây rây lộp bộp còn chán. Đủ kịp ra tới ngã tư đằng kia, nơi có bao nhiêu cửa hàng cửa hiệu đèn đóm sáng choang. Rẽ vào ngó nghiêng, hết mưa thì về là vừa.

Đang ung dung như thế, bỗng đâu gió giật ngang đầu từng cơn từng cơn. Lá sấu trút cành bay rợp mặt đường. Sấm đổ thành chuỗi và đến chớp xanh loe lóe trong các tầng mây. Thế rồi ào ào nước đổ. 

Nguy rồi. Quanh mấy dãy phố tây cổ lúc này, toàn là biệt thự, chẳng có bao lơn, lô gia chi hết. Ướt là cái chắc. Ngó ngược ngó xuôi, không thấy chỗ nào trú được. Ngoái ra đằng sau, thấy ngay một chiếc xích lô. Mui đã giương lên, rèm rủ kín mít, đỗ áp bên hè. 

Phải thử xem sao. Chạy đến nhấc rèm nghé cổ nhìn vào. Ông đạp xích lô đang ngồi duỗi cẳng, có vẻ hiền lành. Lách người trèo lên, gật đầu xin lỗi rối rít. Cùng lắm là bị đuổi ra, đằng nào chẳng ướt. 

Rồi thấy một bàn tay ấm kéo vào, tay kia nhanh nhẩu đẩy rèm ra che. Thế là ổn rồi. Ngọ nguậy chút chút, hai cái hông sườn kề sát vào nhau. Hơi chật một tý, may thật là may. Đưa mắt nhìn sang. Ông chủ xe đang lơ mơ nhìn qua khe rèm ra phía trời mưa, bàn tay bóp nhẹ vào cổ tay mình, ra ý cảm thông. 

Tự nhiên thấy muốn thả lỏng cơ bắp. Thở ra ba cái, như sắp sửa thiền, trong lòng thanh thản lạ lùng. Mắt được nghỉ ngơi, nhắm cũng như là đang mở, bịt bùng sau lớp rèm xe. Thế rồi nhận ra tiếng động ngoài đường lọt vào cả hai lỗ tai, tách bạch rõ ràng. 

(Ảnh: Giang Trịnh)

Tiếng bánh ôtô rẽ nước trên mặt đường đẫm nước mưa. Từ tít xa nghe rõ lảnh lót tiếng còi. Trên cao đâu đó, tiếng mấy chú chim rúc rích trong đám lá rậm. Vẳng lại tiếng máy tắt lịm rồi lại rồ lên, chắc là của một xe máy ngạt nước. Tiếng rao hàng khắc khoải mãi cuối ngã tư. Tiếng của bao nhiêu giọt mưa rầm rập gõ thẳng vào tấm vải bạt sát bên trên đầu. Tiếng thủ thỉ lao xao của đôi tình nhân trùm kín áo mưa lướt qua thật nhanh. Và rồi cọt kẹt nhè nhẹ bên dưới đệm xe, tiếng nhíp sát trục bánh cựa mình lười nhác. Và tiếng động, tưởng như đè lẫn lên nhau nhưng thật là tách bạch, thật là riêng rẽ, lọt hẳn vào tai, nhận ra thật rõ. 

Rồi đến lượt cái mũi tỉnh thức. Mùi mưa bên ngoài tranh nhau với mùi hơi ấm thân mình, quyện với mùi mồ hôi đầm đậm của ông chủ xe vất vả cả ngày. Nhè nhẹ mùi mốc ẩm của mui bạt, mùi rỉ sắt gọng xe và loáng thoáng cả mùi nồng nồng của hơi phụ nữ, chắc hẳn lúc nãy ông xe mới chở bà nào người tây thì phải. Mùi nào riêng ra mùi ấy, thấm thẳng vào cái hốc xoang bên trong hai xương gò má. 

Thế rồi xoẹt nhẹ tiếng diêm, tiếng lửa bắt vào thân que gỗ mỏng. Tiếp sau là nâng nấc tiếng nước bên trong thân điếu bập theo tiếng hít vội vàng. Và ngập tràn đặc quánh trong xe là mùi khói thuốc lâng lâng, mặc dù ông xe ý tứ, đang thò cái ống điếu cày ra mưa mà hút. 

Như có thần giao cách cảm, thấy được cả sự khoan khoái lâng lâng chạy trong huyết mạch của ông chủ xe lúc này, mặc dù vẫn chưa nói được với nhau nửa câu. 

Mọi ngày, chúa ghét là mùi khói thuốc. Vô duyên nhất là mấy ông phì phèo, phả khói ngang mặt người ta. Đành phải nín hơi thật nhẹ, thở ra từ từ đến khi khói tan đi hết. Thế mà lúc này, lại muốn khe khẽ hít vào. Khói thơm đến lạ, quẩn mãi trong xe. Hay là tại vì trời mưa. 

Ông xe đang sướng. Cổ ngửa hếch lên, ngón tay gõ gõ vào thân ống điếu như thể đang bấm phím kèn saxo. Bỗng nhiên thấy thèm, ngứa ngáy trong mũi. Chẳng nhẽ lại bảo, này ông, hút thêm điếu nữa cho tôi ngửi nhờ. 

Ông xe cẩn thận rút miếng giấy khăn, lau quanh miệng điếu, lau cả nõ điếu. Nhè nhẹ, từ từ, đúng là sành điệu. Vê mồi thuốc mới, nhồi kín miệng nõ, bật diêm châm vào que đóm. Tôi ngồi bất động, mắt nhìn ra mưa. 

Âm ấm bàn tay ông xe cầm lấy tay tôi, tay kia đặt cải thân điếu vào đúng giữa lòng mình. Tự nhiên tôi nắm lấy điếu, lừa lựa cho thuận cổ tay và đưa miệng điếu lên mồm. Cầm lấy cái đóm bập bùng, tôi nhè nhẹ nhướn cổ lên, hít mấy hơi liền. 

Khói ấm lùa vào buồng phổi, xộc lên vòm mũi, bay cả vào mắt vào tai. 

Sướng ơi là sướng. Nhớ lại cái ngày trong rừng Trường Sơn. Thái lá sắn khô, hút bằng ống sậy, bướm bay đầy suối. 

(Ảnh: Cao Anh Tuấn)

Phả hết khói ra, vẫn còn đang phê mà lại bỗng thấy ngường ngượng, như thể vừa mới ăn vụng cái gì. Chuyện này phải dấu kín thôi. Thì tại trời mưa. Đã quyết tâm là sẽ không bao giờ hút thuốc rồi mà. Bỗng nhiên nhận ra một điều tưởng như mình đã thuộc lòng, đấy là quanh ta biết bao cám dỗ bủa vây, âm thầm tấn công ta vào bất cứ lúc nào ta lơi lỏng nhất. Dẫu sao vẫn thầm cảm ơn ông bạn mới quen tốt bụng ít lời. 

Bên ngoài mui xe, mưa vẫn đang dào dạt chéo xiên, loang loáng dưới ánh đèn cao áp. Và tôi chợt thấy cái thân xác mình như đang loãng mỏng dần ra, tan quyện hòa vào với khí hồn thiêng Hà Nội bảng lảng, vĩnh hằng…

Hoàng Đại Dương

Nhà văn, nguyên Thư ký toà soạn báo Vietnam Cultural Window