Lướt qua con phố Hàng Trống sầm uất và nhộn nhịp, bạn rất có thể sẽ không bao giờ để ý tới một hiệu cắt tóc có cái tên giản dị – Lan, và sẽ càng không biết rằng cửa tiệm ấy có tuổi đời lâu đến thế …

53 năm, thời gian đủ để đi hết nửa đời người

Tiệm tóc có tuổi đời đáng ngưỡng mộ

Cửa tiệm của cô Lan mang cái tên mộc mạc giản dị của người chủ đã từ 53 năm nay. Theo ngôn ngữ hiện đại, tên Lan có lẽ đã trở thành “thương hiệu” uy tín trong lòng những khách hàng thân thiết, thường xuyên tới làm đẹp ở quán của cô.

Cô Lan sinh năm 1946, và bắt đầu theo đuổi nghề tóc từ khi mới 18 tuổi. Khi ấy, cô đã theo học nghề tại cửa hàng tóc Tâm Trang và trở thành nhân viên của cửa hàng cắt tóc nhà nước rất lớn này một thời gian. Công việc đầu tiên đã giúp cô có được nhiều kinh nghiệm, và cơ hội để rèn luyện tay nghề. Bởi tần xuất làm việc ở tiệm tóc mậu dịch thường rất cao, đặc biệt là dịp Tết, khi các cô, các bác làm đẹp để du xuân.

Tiệm tóc của thời xưa, khi cô Lan mới bén duyên với nghề làm đẹp (Ảnh minh họa dẫn qua Lặng nhìn cuộc sống)

Sau khi đã vững tay nghề, cô Lan quyết định ra mở cửa tiệm riêng, vào năm 1968. Từ thời điểm này, cô chuyên tâm vào xây dựng nơi làm đẹp cho phụ nữ nơi Kinh kỳ.

Thời gian thấm thoát trôi, tới giờ, tưởng chừng khi công nghệ làm đẹp bừng nở, các salon tóc lỗng lẫy mọc lên ở khắp mọi nơi trong thành phố, cửa tiệm cô Lan sẽ khó có thể tồn tại.

Nhưng những người khách đặc biệt – các bà, các mẹ, những người đã biết tới tay nghề của cô từ ngày họ vẫn còn rất trẻ đã giúp giữ lại sức sống cho tiệm. Thời trước, khi còn là những người phụ nữ, họ say mê những mái tóc bồng bềnh, hay những kiểu cắt tỉa tỉ mỉ. Giờ đây, khi đều đã thành bà nội, bà ngoại, cái mơ ước được làm đẹp, được trở nên duyên dáng của họ vẫn còn nguyên đó. Nhưng những nhuộm uốn cầu kì của ngày hôm nay không khiến những vị khách này thấy đẹp như cách người ta vẫn làm tóc ngày trước.

Được làm đẹp cho mọi người là một niềm hạnh phúc

Vậy là, quán cô Lan vẫn ở đó, trở thành tiệm tóc chuyên làm đẹp cho những người lớn tuổi, những người vẫn giữ chuẩn mực cái đẹp của những ngày xưa cũ.

Cửa hàng “cổ kính” nhất nhì con phố, nơi thời gian cũng không muốn rời đi

Nếu là một người trẻ, khi bước vào tiệm cắt tóc của cô Lan, bạn sẽ có cảm giác như bước vào một thế giới khác, hoặc giống như đang bước vào một viện bảo tàng. Bởi ở đó, những đồ vật đều cũ kĩ, nhuốm màu thời gian. Mọi thứ thoạt trông có vẻ bừa bộn, nhưng ẩn sau đó là cái gọn gàng rất riêng của chủ tiệm. Khi cần tìm bất kì thứ đồ nào trong thế giới “lộn xộn” này, cô Lan đều có thể ngay lập tức tìm ra.

Thế giới nhỏ đã gắn bó với cô Lan hơn nửa thế kỉ

Mỗi đồ vật ở đây đều có một câu chuyện riêng. Nhưng tựu chung lại chúng đều đã dùng cả cuộc đời mình để cùng bà chủ làm đẹp cho bao người. Những chiếc máy ủ tóc, những chiếc lô tạo quăn, thậm chí chiếc bát trộn màu đen để nhuộm cho những mái đầu đã điểm bạc, tất cả tuy vẫn nằm lặng lẽ ở đó, nhưng đều có thể kể cho bạn nghe về những tháng ngày đã trôi qua, về công việc và sự cần mẫn của những đôi bàn tay vẫn hàng ngày cẩn thận dùng chúng để làm nên những mái tóc bồng bềnh, tươi mới. Sự nhẫn nại có lẽ là điều đầu tiên mà người ta tìm thấy trong cửa tiệm này.

Những đồ vật đã trở thành rất đỗi thân quen

Bên cạnh đó, cái “bừa bộn” và thứ mùi đặc trưng của dầu gội, thuốc uốn, gôm xịt của tiệm bao năm nay đã tạo nên một không gian “thư thái” kì lạ. Ở tiệm cô Lan, người ta có cảm giác gần gũi, tự nhiên như khi ở nhà, bởi mọi thứ đều mộc mạc, giản dị. Mọi người vì thế đều trở nên dễ gần và cởi mở hơn. Tiệm tóc đã trở thành nơi để những người phụ nữ tâm sự, để trải lòng với nhau. Họ kể cho nhau nghe những niềm vui, những nỗi buồn, lắng nghe những nỗi khó xử, những khó khăn mà mỗi người gặp phải trong cuộc sống gia đình. Ở ngay chính nơi họ tới để làm đẹp, những người phụ nữ đều có thể tìm thấy một món quà quý giá – sự lắng nghe.

Chữ Tâm rèn ra chữ Nhẫn, làm nên chữ Tài

Khi được các phóng viên hỏi về việc kiên trì với nghề suốt 53 năm, cô Lan chỉ chia sẻ rất giản dị. Có thể vì mang trong mình cái tâm với nghề làm đẹp nên cô có thể làm cùng một công việc mỗi ngày trong từng đó năm, mà không cảm thấy nhàm chán hay muốn thay đổi.

Cái Tâm là khởi nguồn của tất cả động lực giúp cô Lan ở lại với nghề

Chữ Tâm tưởng chừng rất lớn, nhưng cô Lan cũng giải thích, cái tâm với nghề của cô đơn giản lắm: Làm được đầu đẹp cho khách, khách thích, khách vui thì mình cũng vui. Hóa ra, giữ một chữ Tâm lại đơn giản tới thế, chỉ cần còn nghĩ được tới niềm vui của những người khác khi nhận được sự tận tâm của mình, người ta còn muốn gắn bó với nghề. Phải chăng đây là lý do mà ngày trước không có khái niệm “nhảy việc”, khi mà những nghề nghiệp trong xã hội còn thật đơn giản và mỗi người đều cảm nhận được rõ ràng mối liên hệ của mình với nghề, với những người mà mình phục vụ.

Bàn tay ấy còn rất khéo léo, linh hoạt

Hơn nửa thế kỉ đã trôi qua, khi nhìn cô Lan làm tóc cho khách, ai cũng vẫn phải trầm trồ. Đôi bàn tay của người phụ nữ đã ở ngoài tuổi 70 ấy vẫn thoăn thoắt, khéo léo và chu đáo. Khi người ta nghĩ tới khách hàng, chắc hẳn việc rèn luyện đôi tay của mình đã trở thành động lực lớn để người thợ trau dồi, học hỏi mỗi ngày. Và chính nhờ khoảng thời gian lâu ngần ấy, với chừng đó sự kiên nhẫn mà cô dành cho công việc, cô đã trở thành “tay kéo” thuần thục, tỉ mỉ.

Cảm giác ngồi trong quán, nghĩ lại những gì đã qua có lẽ sẽ luôn khiến cô Lan hạnh phúc

Cô Lan có chia sẻ, vì cô chỉ có hai con trai, nên cũng không có ai theo nghiệp của mình. Thế nên, cô sẽ làm việc cho tới lúc nào không còn làm được nữa, khi đó mới tính tiếp. Bây giờ, cô Lan đã làm việc ít đi rất nhiều, công việc trong tiệm là do ba người đồng nghiệp phụ trách, nhưng hàng ngày cô vẫn tới tiệm. Đầu gối bị thoái hóa khiến cô chỉ còn có thể nhìn ngắm mọi người làm việc.

Nhưng có lẽ ở tuổi 72, khi đã dành gần như cả cuộc đời để làm đẹp cho những người phụ nữ vô cùng thanh lịch của Hà Thành, cô Lan có thể mỉm cười và cảm sự hạnh phúc khi biết rằng mình đã không bỏ phí bất kể giây phút nào của cuộc đời.

Nguồn ảnh: Sao star

Hải Lam tổng hợp

Xem thêm: