Tại góc đường Mai Thị Lựu giao với Nguyễn Thủ, đã gần 40 năm nay, xe chè của chú Ba vẫn làm say đắm không biết bao nhiêu thế hệ người Sài Gòn. Thế nhưng, với riêng tôi, đó không chỉ là một xe chè đơn thuần, mà còn là câu chuyện cuộc đời một người đàn ông…

Chú Ba “độc thủ chè”

Chú Ba tên thật là Võ Văn Thể (69 tuổi), người ta thường trìu mến gọi chú là “độc thủ chè” hoặc là “Dương Quá”, bởi vì chú chỉ có một tay nhưng vẫn bán chè “ngon lành” như ai. Chú cười suốt, bán chè cũng cười, dọn dẹp cũng cười, nụ cười luôn thường trực trên môi bất kể đắt khách hay ế hàng.

Ai từng một lần được thưởng thức chè của chú đều phải ngỡ ngàng bởi hương vị ngọt thanh, mát lịm không nơi nào có được, ăn đến miếng cuối cùng mà vẫn còn tiếc tiếc, có cảm giác vừa lạ lại vừa quen, rất khó tả.

Khách hàng của chú Ba hầu hết đều là những người “ăn chè nhiều thành quen”, họ coi chú như người thân trong nhà, không phải chỉ vì chè rất ngon mà còn bởi chú rất thân thiện và dễ mến. Mọi người đến ăn chè luôn thấy vui vẻ thoải mái, ăn xong cũng không muốn đứng dậy ra về, mà chỉ cần mấy ngày không đến quán ăn là nhớ không chịu nổi nên đành phải ghé qua.

Chú Ba chỉ có một tay nấu chè nhưng ai ăn cũng mê ly.

Nhìn nụ cười đôn hậu luôn nở trên môi chú Ba, ít ai biết được cuộc đời người đàn ông đó cơ cực như thế nào. Nhà nghèo, bố mất sớm, mẹ dẫn chú và chị gái vào Sài Gòn mưu sinh. Bao nhiêu năm nay, xe chè đã nuôi sống chú cùng hai phụ nữ là người mẹ già yếu (85 tuổi) và người chị góa chồng (63 tuổi). Cuộc sống mưu sinh chốn phồn thị vốn chẳng dễ dàng gì mà chú Ba lại bị một cánh tay không lành lặn nên khó khăn cứ tiếp nối khó khăn.

Chú Ba kể, hồi chú 29 tuổi, trước ngày giải phóng có 3 ngày, chú bị mảnh pháo văng trúng vào người, thế là mất đi cánh tay phải từ đó. Tai họa bất ngờ ập đến, chú cũng sốc và đau khổ lắm, nhưng nhìn mẹ và chị cứ suy sụp theo vết thương của mình, chú lại dặn lòng phải cố gắng vượt qua để chăm sóc cho hai người phụ nữ yếu đuối. Kể từ đấy, chú Ba quyết tâm rèn luyện cánh tay còn lại. Những ngày đầu tập luyện rất vất vả, chỉ làm quen với những sinh hoạt cá nhân như tắm rửa, mặc quần áo cũng đã khó khăn rồi, huống hồ còn phải kiếm tiền. Nhiều lúc nản lòng, chú ngồi nhìn cánh tay tàn tật mà thấy trống trải lạ lùng. Nhưng rồi, chú lại động viên mình rằng không có gì là không thể, miễn là mình biết cố gắng.

Một mình chú Ba xoay xở với xe chè luôn tấp nập khách.

Ngày qua ngày, cứ mỗi khi chán nản chú lại tự nhủ cố thêm một chút, một chút. Dần dần, chú Ba đã làm quen được với thân thể khiếm khuyết của mình. Chú Ba nói, trong cái khó ló cái khôn, cuối cùng chú cũng tìm được công việc để kiếm sống mưu sinh.

Chú Ba tập dần với việc chỉ có một cánh tay. Rồi chú cũng quen, bây giờ thì việc gì chú cũng có thể tự tay làm được.

Hằng ngày, cứ 7 giờ tối, khi đã hết hàng, chú Ba đẩy xe chè đã thu dọn lên con dốc đường Nguyễn Văn Thủ để gửi người quen. Con dốc thoai thoải đạp xe lên còn mướt mồ hôi, vậy mà người đàn ông nhỏ bé một tay này cứ bặm môi đẩy chiếc xe lên không một lần bị tuột xuống. Nhìn bóng dáng gầy còm của người đàn ông chỉ nặng 38kg khó nhọc đẩy xe chè lỉnh kỉnh đồ đạc, mọi người ai cũng đều khâm phục xen lẫn thương tâm.

Chú Ba khó nhọc một tay đẩy xe chè lỉnh kỉnh đồ đạc lên con dốc…

Xóm lao động nghèo nơi chú Ba ở có rất nhiều hộ nấu chè bán. Nhà chú chỉ rộng chừng 4m2 nên chú phải mang chè ra sân nấu cho khỏi nóng. Ngay khoảng sân bé tí mà có tới 6-7 gia đình cùng nấu nướng nên chú phải dậy từ 3 giờ sáng để nấu chè. Có những hôm, 11 giờ đêm, khi cả xóm lao động nghèo đều tắt đèn, chú Ba vẫn lụi cụi thu dọn đống ly cốc để chuẩn bị buổi bán hàng ngày mai.

Quả là trời không phụ lòng người, công việc của chú Ba tuy vất vả nhưng buôn bán cũng thuận buồm xuôi gió, dù thu nhập không cao nhưng cũng đủ cho ba mẹ con sống giữa đất Sài Gòn đắt đỏ. Với chú Ba, hạnh phúc chỉ cần đơn giản như vậy.

Nỗi lòng một người đàn ông

69 tuổi, chú Ba có lẽ đã đi gần hết cuộc đời, trong ngần ấy năm, cũng có những lúc yêu thương rung động nhưng chú chẳng bao giờ dám mở lòng với người phụ nữ nào.

Chú kể, hồi còn đi học, chú có quen một người con gái cùng xóm. Cả hai vẫn hay thư từ qua lại, lãng mạn lắm. Cô còn tặng chú một chiếc khăn và chai dầu thơm. Thế nhưng, khi bị tai nạn mất đi một cánh tay, chú không muốn trở thành gánh nặng của cuộc đời cô ấy nên làm ra vẻ vô tâm không quan tâm cô nữa, hy vọng cô quên chú mà bắt đầu hạnh phúc với người khác tốt hơn. Rồi chú cũng thành công, cô chú chia tay, không lâu sau đó cô đi lấy chồng. Chú chưa bao giờ hối hận về hành động của mình ngày đó. Bởi yêu thương đâu phải lúc nào cũng giữ lấy bên mình.

Chú cười: “Mình tật nguyền cứ an phận mình thôi…”.

Chú Ba chưa bao giờ nghĩ mình bất hạnh…

Nhìn ánh mắt đượm buồn của chú sau nụ cười gượng gạo, ai cũng cảm thấy thương tâm. Thế nhưng, chú Ba chưa bao giờ nghĩ mình bất hạnh, người ta vẫn luôn thấy chú nở nụ cười hiền hậu với bất kỳ ai gặp trên đường, vẫn lặng lẽ mỗi ngày với xe chè, bất kể cái nắng Sài Gòn chói chang hay những ngày mưa rả rích… Có lẽ, hạnh phúc thực sự trong đời không phải là một cuộc sống dư dả, một địa vị cao sang hay những bữa ăn đầy sơn hào hải vị, hạnh phúc chỉ đơn giản là khi chúng ta cảm thấy mãn nguyện với hiện tại, là khi dù khó khăn hay thử thách tâm ta vẫn cảm thấy bình an.

Câu chuyện cuộc đời chú Ba thật khiến nhiều người khâm phục, cả một đời lam lũ chăm lo cho mẹ già và chị gái, chú chưa từng xem đó là gánh nặng nào cả. Với chú, chỉ cần hai người phụ nữ bên cạnh có đủ cái ăn cái mặc và sống vui vẻ, thoải mái là đủ, còn bản thân chú không cần gì cả. Và cho dù cánh tay tật nguyền không lành lặn khiến cho cuộc sống của chú Ba trở nên vất vả khó nhọc hơn những người khác, nhưng chú chưa từng than phiền hay oán trách. Ngược lại, chú luôn cố gắng vượt lên nghịch cảnh, thản nhiên đối diện với mọi sóng gió cuộc đời.

Cuộc sống vốn khó đoán, chúng ta chẳng thể biết trước được điều gì sẽ xảy ra. Khi sóng gió bất ngờ ập đến, có người chấp nhận chìm đắm trong tuyệt vọng và gục ngã, nhưng cũng có người chọn cách đứng dậy và vượt qua, dù là chẳng dễ dàng gì. Phật gia có câu “tốt xấu xuất từ một niệm”, mọi nghịch cảnh trong đời đều không hẳn là xấu, nếu biết suy nghĩ theo hướng lạc quan thì hoàn cảnh sẽ bớt khó khăn hơn, còn nếu trong tâm ủ dột, đau buồn thì chắc chắn khó khăn sẽ càng thêm chồng chất. Dù cuộc sống không phải lúc nào cũng tràn ngập tiếng chim hót líu lo hay ánh nắng vàng rực rỡ, nhưng cuộc sống luôn luôn chứa đựng những điều tuyệt vời, những hạnh phúc nhỏ nhoi đáng trân trọng, chỉ cần luôn giữ một tâm thái lạc quan, chúng ta sẽ tìm thấy…

Linh An (TH)

Video xem thêm: Tâm thuần tịnh thì từ trường tốt, vận mệnh cũng tốt

videoinfo__video3.dkn.tv||579c092a8__