Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.

(Nguyễn Trãi – “Côn Sơn ca”)

Tiếng đàn cầm của Ức Trai bên ghềnh Côn Sơn này chính là cổ cầm. Cổ cầm còn có tên Dao Cầm, Ngọc Cầm, Ti Đồng và Thất Huyền Cầm, là loại nhạc cụ truyền thống Á Đông, có lịch sử trên 3000 năm.

Cổ cầm đứng đầu trong tứ nghệ “Cầm kỳ thư họa”, tiêu biểu cho thú cao nhã, là nhạc cụ diễn tấu không thể thiếu khi các văn nhân làm thơ phú, ngâm nga, ca hát. Cổ cầm từ xưa tới nay luôn được giới văn nhân trí thức coi là môn nghệ thuật, là tri thức phải có. Cổ cầm còn có chức năng tu tâm dưỡng tính.

Cổ cầm – nhạc đạo tu thân

Cổ cầm tương truyền do vua Phục Hy sáng tạo ra, chế theo thân hình phượng hoàng, chiều dài tượng trưng 365 ngày trong năm, ban đầu có 5 dây, tượng trưng ngũ hành Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ. Văn vương sau này để tưởng nhớ con trai trưởng Bá Ấp Khảo nên đã tăng thêm 1 dây. Lúc Võ vương đánh Trụ, để tăng sỹ khí, lại tăng thêm 1 dây, do đó cổ cầm còn có tên “Văn Võ thất huyền cầm”.

Bá Ấp Khảo là con trai trưởng của Văn vương, giỏi cổ cầm, thế thượng vô song, phong tư tuấn nhã, làm cho yêu hồ Đát Kỷ khởi sắc tâm, lệnh cho Bá Ấp Khảo dạy đàn. Bá Ấp Khảo giảng đạo âm nhạc, trong ngoài ngũ hành, lục luật ngũ âm, tay trái mắt rồng, tay phải mắt hổ, ấn cung, thương, giốc, chủy, vũ. Còn có 8 phương pháp là: mạt, khiêu, câu, dịch, phiết, thác, đả và trích.

Có 6 điều kị: Nghe đau thương, khóc lóc, việc chuyên tâm, lòng phẫn nộ, giới dục và kinh sợ. Và có 7 lúc không chơi đàn: Mưa to gió lớn, đau buồn cực độ, áo mũ không chỉnh tề, say rượu loạn tính, không sạch hoặc gần cái dơ bẩn, không thơm hoặc gần với cái suồng sã, không hiểu âm nhạc hoặc gần với cái dung tục, gặp những cái này đều không chơi đàn.

Tạo hình Bá Ấp Khảo. (Ảnh: gusuwang.com)

Những lời Bá Ấp Khảo đã nói đến thủ pháp, âm luật, hoàn cảnh, tâm thái, tu dưỡng trong cổ cầm, đã phản ánh cổ nhân thông qua nhạc đạo (Đạo về âm nhạc) để tu thân, qua nhạc đạo mà tính tình vui vẻ, qua nhạc đạo mà học lễ, lễ nhạc giáo hóa, âm nhạc, cổ cầm có thể làm công cụ tu thân.

Âm thanh cổ cầm rất độc đáo, nghe nhạc cổ cầm cảm thấy yên tĩnh du dương xa xôi. Đặc điểm lớn nhất của cổ cầm là “Tĩnh”, tiếng đàn cầm được gọi là “Âm thanh cổ đại”, âm thanh cổ cầm là “Tiếng của trời đất”. Chơi cổ cầm cần phải có môi trường yên tĩnh và tâm cảnh yên tĩnh.

Cổ cầm có 3 loại âm, tán âm, phiếm âm và án âm, đều rất yên tĩnh. Tán âm trầm mà khoáng đạt xa xôi, gợi nhớ về thời viễn cổ. Phiếm âm như những âm thanh của thiên nhiên, gợi cảm giác thanh lạnh như vào cõi tiên. Án âm rất phong phú, những âm thanh mềm mại tinh tế du dương, lúc như tiếng người, có thể cùng đàm luận, lúc như sợi tơ lòng, thăm thẳm nhiều sắc thái. Phiếm âm như trời, án âm như người, tán âm như đất, hợp thành tam tài: thiên – địa – nhân, do đó cổ cầm có thể biểu lộ tâm tư tình cảm của con người, biểu đạt đạo lý của trời đất vũ trụ.

Ba loại âm của âm nhạc cổ cầm đan xen, biến ảo vô cùng, du dương bất tận, có thể chứa đựng, biểu đạt núi cao nước chảy, vạn hốc thông reo, áng mây bóng nước, chim hót trùng kêu cho đến đạo lý triết học, tâm tư tình cảm phức tạp của con người.

Cổ cầm có 3 loại âm, tán âm, phiếm âm và án âm, đều rất yên tĩnh. (Ảnh: sh.huodongxing.com)

Trong lịch sử văn minh Á Đông lâu đời, Cầm, Kỳ, Thư, Họa xưa nay luôn được văn nhân nhã sỹ coi là con đường tu thân dưỡng tính cần phải đi. Cổ cầm có âm nhạc thanh, hòa, đạm, nhã (thanh khiết, hài hòa, thanh đạm, trang nhã), gửi gắm tâm thái xử thế của văn nhân nhã sỹ với cốt cách ngạo gió tuyết sương.

“Cầm là tình vậy. Cầm là cấm vậy”. Thổi tiêu gảy đàn, ngâm thơ vẽ tranh, leo núi cao, du ngoạn xa, uống rượu hát ca đã trở thành bức tranh sinh động của cuộc sống văn nhân nhã sỹ.

Câu chuyện Tử Kỳ “cao sơn lưu thủy” tìm tri kỷ trở thành giai thoại đẹp lưu truyền rộng rãi. Kê Khang thời Ngụy Tấn đánh giá cổ cầm là: “Trong các khí cụ, cầm đức tốt đẹp nhất”, cuối cùng trên pháp trường gảy khúc “Quảng Lăng Tán”, là tuyệt xướng của sinh mệnh. Lưu Vũ Tích, văn nhân đời Đường trong danh tác của ông Lậu Thất minh cho chúng ta thấy bức tranh cảnh giới thanh đạm: “Có thể được chơi đàn, đọc Kim Kinh. Không có âm nhạc tục loạn tai, không có công văn lao khổ thân hình”.

Cổ cầm chứa đựng nội hàm văn hóa phong phú và sâu sắc, hàng nghìn năm nay luôn là vật yêu thích chẳng rời tay của các văn nhân, sỹ đại phu. Hòa nhã, thanh đạm là tình thú thẩm mỹ mà nhạc cổ cầm ghi dấu ấn và theo đuổi. Đào Uyên Minh: “Chỉ biết thú vị trong đàn, đâu quản công âm vận” và Bạch Cư Dị: “Vào tai nhạt vô vị, vui lòng chứa chan tình. Tự chơi rồi tự kết, đâu cần người khác nghe” đã nói ra ý cảnh sâu xa và tinh túy của nhạc cầm: “Ý chỉ ngoài vị, tinh tế ngoài vận, âm thanh ngoài dây”.

Vận vị của cổ cầm là hư tĩnh cao nhã. Muốn đạt được ý cảnh này, yêu cầu người chơi đàn phải hợp nhất hoàn cảnh bên ngoài và tâm cảnh nội tại bình hòa, nhàn nhã, thư thái, thì mới có thể đạt được tâm vật tương hợp trong khúc đàn, đạt được cảnh giới nghệ thuật nhân cầm hợp nhất. Về phương diện này, trải nghiệm của Bá Nha có thể coi là mẫu mực cho hậu thế.

Tương truyền Bá Nha theo Thành Liên học đàn, tuy dụng công cần mẫn, nhưng khó đạt được cảnh giới Thần tình chuyên nhất. Thế là Thành Liên đưa Bá Nha đến Bồng Lai Tiên cảnh, rồi tự mình chèo thuyền đi. Bá Nha đợi mãi, trông trái ngóng phải, vẫn không thấy Thành Liên tiên sinh trở về.

Lúc này, bốn bề lặng ngắt, chỉ nghe thấy tiếng sóng biển ầm ầm đánh vào vách đá, phát ra tiếng sóng như vách sập vực lở. Trên trời đàn quạ kêu bi ai, lượn vòng trên không. Thấy tình cảnh này, Bá Nha bất giác xúc động dây lòng, bèn lấy cổ cầm ra, đàn hát. Ông cuối cùng cũng đã hiểu Thành Liên tiên sinh chính là muốn ông thể hội được ý cảnh Thiên nhân giao hòa, để chuyển đổi tính tình ông. Sau này Bá Nha quả nhiên trở thành cao thủ đàn đệ nhất thiên hạ.

Cổ cầm chứa đựng nội hàm văn hóa phong phú và sâu sắc, hàng nghìn năm nay luôn là vật yêu thích chẳng rời tay của các văn nhân, sỹ đại phu. (Ảnh: Youtube)

Cổ cầm là đại diện của “Nguyên âm nhã nhạc”: Nhạc thanh nhã của âm thanh nguyên sơ ban đầu

Sách “Cầm sử” đời tống có viết: “Xưa Thánh nhân tấu cổ cầm, âm thanh của đất trời vạn vật đều ở trong đó”. Cổ cầm đứng đầu trong các nhạc cụ xưa, được coi là có phẩm đức ưu dị nhất, nên thích hợp làm công cụ cho người quân tử tu tâm dưỡng tính. Âm thanh cổ cầm trầm lắng khoáng đạt, sâu xa, khiến người ta gột sạch lòng xao động mà tĩnh tâm lại, cảm thấy an hòa thư thái, thể nghiệm nội tâm vui tươi hòa ái. Tiếng nhạc cổ cầm trong trẻo tinh tế, khiến người ta cảm thấy tâm trí gợi mở, tâm tình u nhã, hóa giải bất bình, thăng hoa cảnh giới tâm hồn, đạt đến cảnh giới “Trung hòa”, đó chính là tác dụng “Nhạc giáo”.

Từ cổ các văn nhân đều coi trọng “Đạt tắc kiêm tế thiên hạ, cùng tắc độc thiện kỳ thân” (Nếu hiển đạt thì giúp cả thiên hạ, nếu khốn cùng thì hoàn thiện bản thân mình). Mỗi khi văn nhân u uất bất đắc chí, thường lựa chọn từ Nho nhập sang Đạo, chuyển sự chú ý từ thế giới rối loạn bên ngoài trở về với nội tâm phong phú, tiêu diêu tự tại, gửi tình vào sơn thủy, gần gũi với thiên nhiên rộng lớn.

Gảy đàn là một trong các phương thức tu thân dưỡng tính, khiến văn nhân nhã sỹ các thời đại đều say mê mà giải thoát thanh thản tâm hồn. Điều này giống như Kê Khang Đạo gia nói trong “Cầm phú”: “Sự vật có thịnh suy, mà cổ cầm không đổi. Mùi vị có chán, mà cổ cầm chẳng mệt mỏi, có thể đạo dẫn nuôi thần khí, hài hòa tình cảm ý chí, ở vào cảnh khốn cùng cô độc mà không sầu muộn, không gì tốt hơn gần gũi âm nhạc. Do đó, trở về điền viên còn chưa đủ, thì ngâm vịnh thỏa chí, ngâm vịnh còn chưa đủ, thì gửi lời vào âm thanh bất tận”.

Người chơi đàn, trong âm thanh cổ phác, thấp chậm mà trầm tĩnh mênh mông của cổ cầm, sẽ từ xao động mà nhập tĩnh, từ đó quên cả bản thân mình lẫn sự vật, “Một mình trong khóm trúc, Gảy đàn rồi hát chơi”, “Vui vẻ để dưỡng tâm, vui thì yên, yên thì lâu bền”.

Nghệ thuật cổ cầm sở dĩ có thể tạo riêng một phong cách và được đông đảo người chơi tôn sùng, ngoài “Cầm đức tối ưu” (Đức của cổ cầm là tốt đẹp nhất) ra, còn bởi âm nhạc cổ cầm có thể thuận theo tự nhiên, hợp với suy ngẫm thưởng ngoạn, phù hợp với ý cảnh truy cầu văn hóa truyền thống Á Đông, ưa chuộng đặc trưng nội tâm và hàm súc ngụ ý, nó chứa đựng cốt lõi tinh thần văn hóa Á Đông, thể hiện đức hạnh tu thân ngộ Đạo của cổ nhân, trở thành phương thức quan trọng bồi dưỡng nhân cách và thăng hoa tinh thần.

Cổ cầm có nội hàm tâm tư của người chơi, cũng là thể hiện tâm tính, thần thái. (Ảnh: ĐKN)

Âm thanh cổ cầm, vừa thuần hòa đạm nhã, lại vừa trong sáng mềm xa, ý thú cao nhã, lạc nhi bất dâm, ai nhi bất thương, oán nhi bất nộ (vui mà không phóng túng, buồn mà không bi thương, oán mà không phẫn nộ), ôn nhu đôn hậu, hình thức trung chính bình hòa, không cái gì thái quá, không cái gì chưa đủ, “Cổ cầm là vật dụng, đức ở trong đó”, cái Đạo cổ cầm khiến cho các văn nhân sỹ đại phu có tu dưỡng cả đời truy cầu.

Chúng ta cùng xem văn nhân xưa vui thú chơi đàn qua bài thơ Trúc lý quán của Vương Duy, thi nhân đời Đường:

Âm Hán:

Độc toạ u hoàng lý,
Đàn cầm phục trường khiếu.
Thâm lâm nhân bất tri,
Minh nguyệt lai tương chiếu.

Dịch nghĩa:

Ngồi buồn một mình trong bụi trúc,
Gảy đàn rồi hát nghêu ngao.
Rừng sâu nên người không biết,
Trăng sáng đã lên rọi xuống.

Dịch thơ (bản dịch Trần Trọng Kim):

Một mình giữa đám rừng tre
Đánh đàn cao hứng hát nghe một bài
Rừng sâu nào có ai hay
Bóng trăng đâu đến chiếu ngay vào mình.

Vui mà không phóng túng, buồn mà không bi thương, oán mà không phẫn nộ. (Ảnh: Uyển Khanh Các)

Triêu Lộ