Pháo trúc (bộc trúc), dân gian còn gọi là “bộc trượng”, “hoa tiên” hoặc “hưởng tiên”. Vào mỗi đêm giao thừa, nhà nhà cùng ra khỏi nhà để đốt pháo. Tiếng pháo nổ trên mọi cung đường ngõ hẻm và những gương mặt tươi cười của mọi người làm cho không khí ngày tết càng thêm náo nhiệt.

Mọi người thích đốt một quả pháo trước bữa tối đêm giao thừa, thường gọi là “bế môn pháo trượng” (Đóng cửa đốt pháo), đến giờ Tý, mọi người dùng tiếng nổ mãnh liệt của pháo để xua đuổi yêu ma quỷ quái, nghênh đón năm mới. Đến mùng một tết, khi mở cửa nhà lại đốt thêm một quả pháo, gọi là “khai môn pháo trượng” (Mở cửa đốt pháo), đốt ba quả thì gọi là “liên trung tam nguyên” [1], đốt bốn quả gọi là “phúc, lộc, thọ, hỷ”, đốt sáu quả gọi là “lục lục đại thuận” [2], đốt một chuỗi trăm quả pháo nhỏ gọi là “bách tử bộc” (Trăm quả pháo), để xác pháo phủ đầy cửa nhà thì được gọi là “mãn địa kim tiền” (Tiền phủ đầy sân).

Tại Trung Quốc, pháo trúc có lịch sử hơn 2000 năm. Vào thời cổ đại, pháo là thứ dùng để xua đuổi ma quỷ, đốt pháo thì có thể trừ được quỷ quái. Theo truyền thuyết Trung Quốc, vào thời cổ đại có một loài quái thú gọi là “niên”, nó có một chiếc sừng dài và nhọn trên đầu, hung mãnh dị thường. “Niên” ở dưới đáy biển suốt cả năm, nhưng mỗi khi đến giao thừa liền mò lên bờ ăn thịt súc vật và con người, vì vậy mỗi khi đến giao thừa, già trẻ ở các thôn làng dìu dắt nhau vào trong núi sâu để tránh bị “niên” làm hại.

Vào đêm giao thừa một năm nọ, lúc mọi người đang bận rộn khăn gói để trốn vào núi sâu thì xuất hiện một ông lão tóc bạc trắng từ phía đông làng đi đến. Ông nói với một bà lão trong làng rằng chỉ cần cho ông ở lại nhà bà một đêm, ông nhất định sẽ đuổi được “niên” đi, mọi người đều không tin. Bà lão khuyên ông tốt hơn hết là nên tránh lên núi, nhưng ông một mực muốn ở lại, mọi người thấy khuyên bảo không xong liền lũ lượt kéo nhau đi tránh.

Khi “niên” chuẩn bị vào làng tàn phá như mọi năm thì đột nhiên có tiếng pháo nổ, “niên” sợ run hết mình mẩy, không dám tới gần làng nữa. Căn nguyên là do “niên” sợ nhất là màu đỏ, ánh lửa và tiếng nổ. Lúc này cửa lớn mở toang, chỉ thấy từ trong nội viện có một ông lão mặc áo bào màu đỏ cười ha hả bước ra, “niên” thất kinh, lật đật tháo chạy.

Hôm sau, mọi người từ trong núi trở về làng, phát hiện trong làng bình yên vô sự, lúc đó họ mới chợt hiểu ra, hóa ra ông lão tóc trắng chính là Thần Tiên đến giúp dân làng xua đuổi “niên”, đồng thời mọi người cũng phát hiện ba pháp bảo mà ông lão đã dùng để đuổi “niên”, một trong số đó chính là đốt pháo trúc. Kể từ đó hàng năm vào thời điểm này, nhà nhà đèn đuốc sáng trưng, “thủ canh đãi tuế” [3] và đốt pháo trúc. Phong tục này ngày càng lan rộng và đã trở thành truyền thống long trọng nhất của dịp Tết Nguyên đán, và việc đốt pháo cũng đã trở thành tập tục quan trọng vào ngày tết.

Ảnh: Shutterstock.

Các tài liệu lịch sử cũng ghi lại một câu chuyện tương tự, Đông Phương Sóc thời Tây Hán trong “Thần dị kinh” nói: trong núi sâu ở phía tây có một loài quỷ dài hơn một thước tên là “sơn tiêu”. Nó có thể làm người ta phát sốt, mắc bệnh sốt rét quỷ, đuổi nó đi thì mọi người mới được bình an. Nghe nói rằng sơn tiêu sợ lửa và sợ tiếng nổ, vì vậy mọi người nghĩ ra biện pháp đối phó đó là bỏ ống trúc vào đống lửa để đốt đến khi đốt của ống trúc nứt ra và phát ra tiếng nổ làm cho sơn tiêu sợ hãi bỏ chạy. Có thể nói đây là vết tích sớm nhất của phương pháp chế tạo pháo trúc.

Vào thời Lục triều, việc người dân đốt pháo vào dịp Tết Nguyên đán đã trở thành tập tục. Tông Lẫm thời nhà Lương (Nam Triều) trong cuốn “Kinh sở tuế thời ký” nói: “chính nguyệt nhất nhật, thị tam nguyên chi nhật dã. ‘Sử ký’ vị chi đoan nguyệt. Kê minh nhi khởi, tiên vu đình tiền bạo trúc, nhiên thảo, dĩ ích sơn tao ác quỷ” (Dịch nghĩa: Ngày đầu của tháng giêng là ngày tam nguyên, tức đầu ngày, đầu tháng, đầu năm. ‘Sử ký’ gọi là đoan nguyệt. Vào lúc gà gáy sáng, việc đầu tiên là đốt pháo trúc và đốt cỏ trước sân nhà, để xua đuổi quỷ sơn tiêu). Cái gọi là “mở cửa đốt pháo” chính từ đây mà ra.

Những năm đầu thời nhà Đường từng bùng phát dịch bệnh, có một người tên là Lý Điền đã bỏ tiêu thạch [4] vào trong ống trúc, sau khi bị đốt cháy nó phát ra tiếng nổ rất lớn kèm theo khói tỏa mù mịt, kết quả đã xua tan mây mù chướng khí, ngăn chặn dịch bệnh lan rộng, đây là hình thức đầu tiên của pháo, sau này gọi là “bộc can”. Sau khi thuốc súng được phát minh và sử dụng rộng rãi, vào thời nhà Tống, người ta chuyển sang dùng giấy, bọc thuốc súng làm pháo, rồi dùng dây gai tết thành chuỗi, thời đó gọi là “biên pháo”. Về sự phát triển của pháo, trong cuốn “Thông tục biên bài ưu” có viết: “cổ thì bộc trúc, giai dĩ chân trúc trứ hỏa bộc chi, cổ đường nhân thi diệc xưng bộc can. Hậu nhân quyển chỉ vi chi, xưng viết ‘Bạo trúc’”. (Dịch nghĩa: pháo trúc thời cổ, đều dùng trúc đốt cho nổ, người xưa thời Đường gọi pháo là bộc can. Người đời sau lấy giấy cuộn lại, gọi là bộc trúc).

Bắt đầu từ thời nhà Đường, Tống, việc đốt pháo đã trở thành tập tục phổ biến khắp nơi. Sau này, việc đốt pháo không còn chỉ để trừ tà ma vào dịp năm mới, mà trong những dịp hỷ sự cũng có thể đốt pháo.

Theo Chánh Kiến

Chú thích:

[1] Liên trung tam nguyên”: ý muốn cầu chúc trong nhà có người đạt được tam nguyên (đỗ đầu cả ba kỳ thi hương, thi hội, thi đình)

[2] Sáu (liù) và trượt/trơn (溜 – cũng đọc là liū) có cách phát âm gần giống nhau, có ý là thuận lợi trôi chảy. Lục lục đại thuận vì thế còn có nghĩa là cực kỳ trôi chảy, chủ yếu chúc phúc cho người trung niên có một gia đình hạnh phúc, công việc thuận lợi, sự nghiệp thành công và sức khỏe tốt, mọi người hòa thuận.

[3] “Thủ canh đãi tuế”:  cầm canh đợi tuổi, hay chong đèn chực tuổi, mọi người thức khuya đốt pháo khua chiêng đuổi niên thú, như thế thì gọi là “thủ tuế”.

[4] Tiêu thạch: đá tiêu, Nitra Kali, dùng làm thuốc pháo, thuốc súng.

Video: Ý nghĩa của cuộc sống không phải ở chỗ nhìn thấu mà chính là trải nghiệm

videoinfo__video3.dkn.tv||407e4b412__

Từ Khóa: