Quách Hưng Phúc là nhân vật nổi bật trong vận động “Toàn quân đại tỷ võ” của ĐCSTQ những năm 1960, được Hạ Long, Diệp Kiếm Anh, và La Thụy Khanh đánh giá cao. Nhưng đầu năm 1967, ông đã giết vợ, giết con rồi tự sát. Tại sao lại xảy ra tấn thảm kịch nhân luân như vậy?

Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Quách Hưng Phúc không phải là một nhân vật nhỏ, mà là một người cực kỳ nổi tiếng.

Nói rằng ông ấy chỉ là một nhân vật nhỏ, vì khi còn là bộ đội dã chiến của ĐCSTQ, Quách chỉ là phó liên đội trưởng, sau đó được chuyển đến Trường Bộ binh Tiên tiến Quân khu Nam Kinh làm giảng viên, cấp bậc trung úy.

Nói rằng ông là một người nổi tiếng lớn, bởi vì ông đã từng tạo ra “phương pháp giảng dạy Quách Hưng Phúc” và được quảng bá trong toàn quân; từng đạt được bằng khen hạng hai, và một lần đạt được bằng khen hạng nhất; từng được Hạ Long, phó chủ tịch Quân ủy tiếp kiến; từng được nguyên soái Diệp Kiếm Anh tán thưởng, tiếp đón; và từng được La Thụy Khanh, tổng tham mưu trưởng Quân ủy Trung ương, đánh giá cao.

Nhân vật nhỏ bé này đã trở nên rất nổi tiếng, nhưng khi “Cách mạng Văn hóa” nổ ra, ông lại rơi vào đại họa, lập tức lao xuống từ nơi vinh dự tối cao đến vực thẳm của cuộc đời, biến cố quá lớn khiến Quách Hưng Phúc không còn thiết sống.

Hôm nay, chúng ta sẽ căn cứ trên bài báo “Toàn bộ câu chuyện về vụ án Quách Hưng Phúc chấn động cả nước” của Chu Kế Trung, nói về việc Quách Hưng Phúc vì sao mà đi đến chỗ bị ép phải giết vợ, giết con rồi tự sát.

Một vụ giết người kinh hoàng

Ngày 30 tháng 1 năm 1967, vào lúc 4h15 sáng, một chiếc xe cảnh sát màu đỏ lao ra khỏi cổng lớn của Cục Chính trị Quân khu Nam Kinh. Cục Chính trị vừa nhận được báo cáo từ Trường Bộ binh Cao cấp Quân khu, trong trường xảy ra một án mạng lớn, hung thủ có thể là Quách Hưng Phúc, một giáo viên của trường, bị tình nghi đã sát hại ba đứa con của mình, sau đó ám sát vợ Lý Thục Trân, cuối cùng tự sát.

Hiện trường vụ án là nhà của Quách Hưng Phúc ở tầng hai, ba đứa trẻ bị sát hại nằm trên hai chiếc giường. Dưới tấm chăn của chiếc giường nhỏ có hai thi thể, đó là cậu con trai lớn Cương Cương 6 tuổi, cô con gái Luyện Luyện 4 tuổi, còn cậu con trai út Tiểu Cửu 1 tuổi nằm trên giường lớn. Cả 3 đứa trẻ đều mặc quần áo sạch sẽ và đi tất.

Trong nhà không có dấu hiệu đánh nhau, đồng hồ và tách trà trên bàn cũng không có dấu hiệu bị xê dịch, chiếc gạt tàn đầy tro. Một con dao và một chiếc kéo rơi xuống sàn cạnh giường, vấy máu. Cạnh giường ngủ có bếp điện, trên đầu đèn có dấu hiệu dùng điện giật để tự tử. Có một vũng máu trên bậu cửa sổ, vết máu còn sót lại sau khi Lý Thục Trân nhảy khỏi lầu.

Lý Thục Trân và Quách Hưng Phúc được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Nam Kinh Bát Nhất để cấp cứu. Lý Thục Trân bị một vết dao trên thái dương và cổ tay, mạch máu của cô bị đứt, chảy rất nhiều má, bị sốc nghiêm trọng. Khi cô được đưa vào bệnh viện, Lý Thục Trân bừng tỉnh, nói rằng những đứa trẻ đều đã bị cha giết chết, lão Quách cũng đã chết, cô cầu xin bác sĩ đừng cứu cô nữa. Còn về vết thương, cô ấy nói, là do lão Quách dùng dao cắt.

Sau khi giải cứu, sinh mệnh của Quách Hưng Phúc và Lý Thục Trân cuối cùng đã được bảo trì. Nhưng sự tình làm sao có thể kết thúc ở đó?

Sáng ngày 30 tháng 1 năm 1967, “Tổng bộ liên hợp tạo phản hồng sắc” ở Nam Kinh đã thành lập “Đội chuyên án Quách Hưng Phúc”, người cầm đầu phái tạo phản đã đích thân phụ trách, bắt đầu từ 1 giờ chiều, cuộc đột kích thẩm tra hai vợ chồng Quách Hưng Phúc đang hấp hối bắt đầu. Hai người được cáng đưa vào xe chở tù nhân, đưa đến nhà tù.

Sau một phen quăng quật, báo cáo xin phán quyết Quách Hưng Phúc và Lý Thục Trân đã được đưa đến bàn làm việc của Hứa Thế Hữu, Tư lệnh Quân khu Nam Kinh. Báo cáo yêu cầu: “Phán xử Quách Hưng Phúc tử hình với thời hạn hoãn chấp hành hai năm;  Lý Thục Trân hai năm tù, với thời hạn hoãn chấp hành hai năm.”

Hứa Thế Hữu đã gửi yêu cầu này để xin chỉ thị cho tổ công tác của Quân ủy Trung ương. Ngày 10 tháng 5 năm 1970, được sự chấp thuận của Tổ công tác Quân ủy Trung ương, Quách Hưng Phúc bị kết án tử hình với thời hạn hoãn chấp hành hai năm. Sau đó, sau khi được một số sĩ quan quân đội cấp cao vận động hành lang, bản án của Quách Hưng Phúc đã được giảm xuống còn 20 năm tù.

Tại sao lại xảy ra một bi kịch nhân luân đau lòng như vậy, tự tay cầm dao giết chết 3 cốt nhục thân sinh của mình, giết cả vợ mình rồi tự sát? Chuyện gì đã xảy ra với gia đình Quách Hưng Phúc?

Từng là “Tấm gương anh hùng”

Quách Hưng Phúc, sinh năm 1930, quê ở huyện Trâu Bình, tỉnh Sơn Đông, nhập ngũ năm 14 tuổi, trước sau từng là cần vụ viên, liên lạc viên trong Trung đoàn 3 và 4 của Quốc dân đảng ở tỉnh Sơn Đông. Tháng 9 năm 1948, trong chiến dịch nội chiến Tế Nam giữa Quốc dân đảng và Cộng sản đảng, ông đào ngũ sang quân Cộng sản, và được bổ sung vào Quân dã chiến Hoa Đông, Tổng đội 13 của ĐCSTQ, trước sau đã tham gia chiến dịch Hoài Hải, chiến dịch Độ Giang, chiến dịch Tùng Hỗ và chiến dịch Chương Hạ, gia nhập ĐCSTQ tháng 6 năm 1949.

Năm 1951, Quách Hưng Phúc đến Trường Bộ binh Sư đoàn 74 và Trường Bộ binh số 4 để học tập. Sau khi tốt nghiệp, ông được điều phối về Tiểu đoàn giáo huấn thuộc Sư đoàn 34 Quân đoàn 12 của Quân khu Nam Kinh với tư cách là trung đội trưởng, sau này được điều đến Liên 2 Đoàn nào đó làm phó liên trưởng. Trong thời kỳ này, Quách Hưng Phúc đã mày mò tìm ra một loạt các phương pháp huấn luyện chiến thuật cho từng binh sĩ, tiểu tổ và tiểu đội “xoay quanh việc chiến đấu và huấn luyện binh sĩ”, chủ trương huấn luyện bộ đội cần xuất phát từ trong khó khăn, nghiêm khắc và nhu cầu thực chiến; Trong phương pháp giáo dục đề xướng truyền cảm hứng, khuyến khích, thảo luận, chủ trương đào tạo binh sĩ hoạt bát, tinh nhuệ.

Bộ phương pháp này sau này được gọi là “Phương pháp giảng dạy Quách Hưng Phúc”.

Năm 1962, Quân khu Nam Kinh triển khai hoạt động học tập “Phương pháp giảng dạy Quách Hưng Phúc”, đồng thời tổ chức hội nghị kỹ thuật dã chiến tại Trấn Giang vào tháng 10 năm đó để phổ biến và quảng bá phương pháp giảng dạy này.

Vào mùa thu năm 1963, Diệp Kiếm Anh, nguyên soái của ĐCSTQ, đã xem báo cáo của Quân khu Nam Kinh, rất thích thú. Vào ngày 24 tháng 12, ông ta đích thân đến Trấn Giang để tham gia hội diễn hiện trường liên quan. Ba ngày sau, Diệp Kiếm Anh viết một báo cáo “Kiến nghị Quân ủy thúc đẩy phương pháp giảng dạy của Quách Hưng Phúc” cho Quân ủy Trung ương.

Ngày 3 tháng 1 năm 1964, Quân ủy Trung ương ban hành chỉ thị về nghiên cứu “Phương pháp giảng dạy Quách Hưng Phúc”. Vào cuối tháng 1, La Thụy Khanh, tổng tham mưu trưởng Quân ủy, đã chủ trì tổ chức một cuộc họp tại chỗ để nghiên cứu “Phương pháp giảng dạy Quách Hưng Phúc” ở Nam Kinh.

Đương thời, ĐCSTQ triển khai vận động “Công nghiệp học hỏi Đại Khánh” trong lĩnh vực công nghiệp, và vận động “Nông nghiệp học hỏi Đại Trại” trong lĩnh vực nông nghiệp. La Thụy Khanh suy ngẫm, rằng quân đội cũng cần triển khai một cuộc vận động quần chúng thanh thế rộng lớn, vì vậy, trong quá trình học “Phương pháp giảng dạy Quách Hưng Phúc”, ông ta đã đề xuất triển khai vận động “Toàn quân đại tỷ võ”.

Ngày 15 tháng 5 năm 1964, Bộ Tổng tham mưu và Bộ Chính trị cùng ra “Thông tri về vấn đề thi võ toàn quân”. Kể từ đó, cuộc vận động quần chúng “Đại tỷ võ” đã nổi lên khắp các doanh trại quân đội của ĐCSTQ.

Dưới sự cực lực thúc đẩy của La Thụy Khanh, Quách Hưng Phúc đã trở thành nhân vật hàng đầu trong cuộc thi võ toàn quân, trở thành anh hùng gương mẫu cho toàn quân học tập. Đó là đỉnh cao của cuộc đời Quách Hưng Phúc; các loại vinh dự, tiếng vỗ tay, hoa tươi và những lời tán dương ào ào đến với Quách. Ở đỉnh cao của cuộc đời, ông coi La Thụy Khanh như một đại ân nhân.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng một năm, phong vân đột biến, tình thế đã hoàn toàn thay đổi. Trong chớp mắt, Quách bỗng trở thành “hắc tướng quân”.

Ngày 16/5/1966, cuộc “Cách mạng văn hóa” nổ ra.

Trước khi Mao Trạch Đông phát động “Cách mạng Văn hóa”, điều ông ta lo lắng nhất là có người đảo chính ông ta. Những người thực sự có thể làm chính biến, thứ nhất là những người nắm giữ quyền lực quân sự, thứ hai là những người nắm giữ quyền lực chính trị và pháp lý.

Đương thời, La Thụy Khanh là bí thư trưởng Quân ủy Trung ương, tổng tham mưu trưởng, trong quân đội ông ta có phần kiêu ngạo, không xem ai ra gì. Trước đó, La Thụy Khanh đã giữ chức bộ trưởng Bộ Công an trong 10 năm, có nhiều thân tín và thuộc hạ trong hệ thống chính trị và pháp luật. Khi một số nguyên soái không ngừng đến gặp Mao để phàn nàn về La Thụy Khanh, Mao cảm thấy La là một mối đe dọa lớn, phải loại bỏ trước tiên.

Tháng 12 năm 1965, Mao Trạch Đông triệu tập hội nghị mở rộng của Bộ Chính trị ĐCSTQ tại Thượng Hải, ông ta phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào La Thụy Khanh, cách chức La Thụy Khanh khỏi tất cả các chức vụ trong quân đội. Vào tháng 3 năm 1966, Mao ra lệnh tổ chức một hội nghị cấp cao của ĐCSTQ tại Bắc Kinh để tiếp tục phê phán La Thụy Khanh, cách chức hai chức vụ trong đảng và chính phủ cuối cùng của La. La Thụy Khanh bị bức đến mức nhảy lầu tự sát.

Sau khi “Cách mạng Văn hóa” nổ ra, La Thụy Khanh bị coi là thành viên của “Tập đoàn phản đảng Bành La Lục Dương”. Sau đó, Quách Hưng Phúc của Quân khu Nam Kinh ngay lập tức bị đả đảo thành “hắc tướng quân của La Thụy Khanh”, bị thẩm tra, bị đánh đập, nhiều lần bị phê đấu điên đảo.

Một hôm, Quách Hưng Phúc được đưa lên một chiếc xe tải lớn, cổ đeo hai tấm bảng đen nối với nhau, đầu đội một chiếc mũ sắt cao nặng vài chục ký, gió bắc thổi cát bay trúng mặt. Ông không cảm thấy lạnh, chỉ là không thể thở được. Hai tấm biển to nặng ba bốn chục ký treo vào cổ khiến ông toàn thân ướt đẫm mồ hôi, một lúc sau, quần áo bên trong đã ướt sũng.

Sau khi hội phê đấu kết thúc, một số xe tải lớn đã tổ thành đội diễu hành, hùng hổ áp giải Quách Hưng Phúc đến Nam Kinh. Loa phóng thanh cao âm trên xe không ngừng la hét: “Quách Hưng Phúc, nhân vật nổi tiếng nhất cả nước, đã bị vạch trần. Hắn là một cận vệ già, đang ở trong xe phía sau. Mọi người đi xem đi.”

Sau đó, Quách Hưng Phúc bị lôi ra khỏi xe, quỳ trên một chiếc ghế băng, đỉnh đầu cắm gié lúa, miệng ngậm gié lúa và tay cầm gié lúa. Những kẻ tạo phản cưỡng bức ông phải hét lên rằng: “Ta tên là Quách Hưng Phúc. Ta là một cận vệ già bảo vệ hoàng đế có tội! Tội đáng chết vạn lần, chết thì cho chó ăn, chó cũng không thèm ăn.” 

Làm sao có thể chịu đựng sự vũ nhục như vậy. Khi đang tuyệt vọng, trong tâm Quách nảy sinh một ý tưởng khủng khiếp: tự sát, thế là xong!

Bị bức đến tuyệt lộ

Đến 5 giờ chiều, Quách Hưng Phúc toàn thân mảng xanh mảng tím đen mới được phép về nhà. Ông nói với vợ Lý Thục Trân: “Nếu em bằng lòng, chúng ta sẽ chết cùng nhau.” Vợ Quách nói: “Em bằng lòng.” Sau đó hai vợ chồng bàn bạc về những đứa con, Quách Hưng Phúc nói: “Tụi trẻ không thể lưu lại. Không có cơm ăn áo mặc, ai sẽ chăm sóc chúng? Hơn nữa, con cái của phản cách mạng không có địa vị chính trị, chúng sẽ không có cuộc sống tốt đẹp. Lưu lại sẽ làm khổ chúng.”

Vào tối ngày 29 tháng 1 năm 1967, Quách Hưng Phúc đã giết chết ba đứa trẻ vô tội và đáng yêu bằng một con dao và một sợi dây, vợ Quách Hưng Phúc ôm chồng và khóc: “Hãy để em chết trước. Em chết rồi anh mới có thể chết!” Quách Hưng Phúc dùng dao cắt đứt các tĩnh mạch ở cổ tay và thái dương của vợ, mắt nhìn máu phun ra. Quách Hưng Phúc cũng cắt mạch máu ở cổ tay mình, cả hai cùng nhau tự vẫn…

Nhưng sau đó không lâu, người vợ tỉnh dậy sau cơn hôn mê, thấy các con đã chết, chồng cũng đã chết, nhưng mình vẫn chưa chết, cô lê lết ra cửa sổ, rồi nhảy xuống lầu.

Một lúc sau, Quách Hưng Phúc cũng tỉnh lại, thấy mình chưa chết, liền đập vỡ bóng đèn, nuốt chửng đầu đèn, dòng điện mạnh hất ông ngã gục xuống bàn. Nhưng ông vẫn chưa chết. Ông tựa bàn đứng dậy, chạm vào chiếc kéo trên bàn, thuận tay cắt đứt một bên tinh hoàn bên trái rồi ném ra ngoài cửa sổ. Sau đó, lại nghĩ muốn tự thiêu, nên gác chân lên bếp điện, quần bông bốc cháy, nhưng rồi lại nghĩ, không thể làm liên lụy hàng xóm, nên lại giật dây điện.

Quách Hưng Phúc muốn xem vợ mình đã chết chưa, nhưng vợ đã không thấy đâu. Lúc này, Quách nghe thấy tiếng chuông xe cấp cứu ở tầng dưới, tiếng bước chân đi lên lầu, ông loạng choạng đi vào bếp, chộp lấy con dao làm bếp và tự chém mình hơn chục nhát, máu chảy khắp sàn, nhưng cuối cùng vẫn không chết.

Điều gì xảy ra sau đó, chúng ta đã nói về nó ở đầu chương trình.

Năm 1979, Quách Hưng Phúc được ra tù. Ngày 27 tháng 8 năm 1985, ông qua đời trong một vụ tai nạn ô tô ở tuổi 55.

Theo Epoch Times, Mộc Lan biên dịch