Chồng như trời, vợ như đất. Trời có mặt trời mặt trăng chiếu sáng, có mây bay mưa rơi, tưới mát đất. Đất nâng đỡ núi sông, dưỡng dục nuôi dưỡng vạn vật và nhân loại, đời đời sinh sôi nảy nở, sức sống liên tục không ngưng nghỉ.

Rất nhiều người nghe nói ‘nam tôn nữ ti’ là cảm thấy rất phản cảm. Thực tế câu nói này có nguồn gốc từ âm dương cân bằng trong Kinh dịch. Hàm nghĩa của ‘nam tôn nữ ti’ là người đàn ông có khí chất riêng của đàn ông, người phụ nữ có khí chất riêng của phụ nữ. Điều này quyết định người nam và nữ phân công trong gia đình là khác nhau. Người nam và nữ mỗi người giữ chức phận vị trí của mình thì nếp nhà tự nhiên sẽ hưng thịnh.

Hàm nghĩa chân thực của ‘nam tôn nữ ti’

“Nam tôn nữ ti” có nguồn gốc từ Kinh dịch. Trong Hệ từ của Kinh dịch có viết: “Trời cao đất thấp, càn khôn định như thế. Cao thấp bày ra, là vị trí cao và thấp vậy… Đạo càn thành nam, đạo khôn thành nữ” (nguyên văn: “Thiên tôn địa ti, càn khôn định hĩ. Ti cao dĩ trần, quý tiện vị hĩ… Càn đạo thành nam, khôn đạo thành nữ”).

Trong đó Tôn nghĩa là cao, Ti nghĩa là thấp, là hai từ vị trí. “Thiên tôn địa ti” biểu thị ý nghĩa “Trời ở trên, đất ở dưới, trời cao đất thấp”, là miêu tả về trạng thái tự nhiên.

Kinh dịch miêu tả quy luật vận hành của thiên thể vũ trụ. Tư tưởng trung tâm của nó cuối cùng quy về cân bằng âm dương. Những sự việc không cân bằng, không hài hòa thì cuối cùng nhất định sẽ rời xa quỹ đạo bình thường. Vũ trụ vạn sự vạn vật cuối cùng ắt sẽ quy về hài hòa và cân bằng.

Một tư tưởng trung tâm nữa của Kinh dịch chính là âm dương mỗi cái yên ở vị trí của nó. Trời ở vị trí của trời, đất ở vị trí của đất. Âm có vị trí của âm, dương có vị trí của dương.

Trời đất, âm dương, nam nữ đều là một phương pháp ‘phân loại’ của người xưa. Người thuận theo đất, đất thuận theo trời. “Nam tôn nữ ti” chính là từ ‘thiên tôn địa ti’ sinh ra. Nghĩa gốc của nó là nói ‘nam nữ là khác nhau’, đây chính là trạng thái tự nhiên, là sự khác biệt của thiên nhiên.

Nam tôn là người nam, là sản vật đặc thù của tự nhiên, muốn hợp với ‘Đạo’ thì phải giống như trời, cao cả công chính, tự cường không ngừng nghỉ. Đó chính là điều trong Kinh dịch nói “Trời vận hành mạnh mẽ, người quân tử tự cường không ngừng nghỉ” (nguyên văn: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức”)

Nữ ti là người nữ, là sản vật đặc thù của tự nhiên, muốn hợp với ‘Đạo’ thì phải giống như đất, khiêm hạ, bao dung, đức dày chở vật, vô tư không oán hận. Đó chính là điều trong Kinh dịch nói “Thế đất khôn, người quân tử đức dày chở vật” (nguyên văn: “Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật”).

“Nam tôn nữ ti” là đề xướng hài hòa tự nhiên, âm dương cái nào ở vị trí cái đó. Do đó “nam tôn nữ ti” là nói về đạo lý người nam và người nữ trong quan hệ hôn nhân nên sống hài hòa như thế nào chứ không phải là hàm nghĩa nam nữ bất bình đẳng. Một người đàn ông có phẩm cách cao thượng thì người phụ nữ sẽ tự nhiên tôn trọng, thuận theo. Người đàn ông chính trực cao thượng, người phụ nữ khiêm hòa khoan dung, gia đình như thế này mới có đạo lý hài hòa. Trong gia đình và xã hội như thế này thì phụ nữ tự nhiên sẽ có vị trí tương ứng, sẽ không bị kỳ thị.

Nam nữ có khác biệt, ai nấy giữ chức phận của mình

Mạnh Tử nói: “Cha con có tình thân, vua tôi có đạo nghĩa, vợ chồng có khác biệt, lớn nhỏ có trật tự, bạn bè có thành tín, đó chính là luân lý lớn của con người. Cũng chính là Ngũ luân”.

Chồng như trời, vợ như đất. Trời có mặt trời mặt trăng chiếu sáng, có mây bay mưa rơi, tưới mát đất. Đất nâng đỡ núi sông, dưỡng dục nuôi dưỡng vạn vật và nhân loại, đời đời sinh sôi nảy nở, sức sống liên tục không ngưng nghỉ.

Chồng bảo vệ gia đình không chịu bất kỳ tổn thương nào. Vợ mang thai dưỡng dục, bầu bạn nuôi dạy con cái. Đó chính là phù hợp với cái lý âm dương. Phân công nam nữ khác nhau, nếu hai bên đều làm tròn chức phận của mình thì gia đình hòa thuận.

(Ảnh: readme.io)

Trái lại, nếu trời không mưa thì đất khô cạn, cuộc sống nhân loại liền rối loạn. Cũng như vậy, nếu chồng không kiếm tiền thì vợ không có nơi nương tựa, cuộc sống gia đình lập tức bất thường lệch khỏi quỹ đạo. Xem các hiện tượng thiên nhiên, cỏ cây hoa lá đều không thể rời xa khỏi đất, cũng giống như trẻ sơ sinh không thể rời xa mẹ được, đạo lý trong đó rất vi diệu. Có thể thấy vợ chồng mỗi người có nhiệm vụ khác nhau mà không thể làm thay cho nhau được trong gia đình.

Lịch sử có ghi chép về “Tam Thái triều Chu”: “Thái Khương, Thái Nhiệm và Thái Tự (ba đời bà, mẹ, con dâu) lần lượt là vợ của ba quân vương triều Chu là Thái Vương, Quý Lịch và Văn Vương. Ba vị quân vương hiền đức có ba người vợ thành tín, trang nghiêm, cung kính. Tam Thái mẫu nghi thiên hạ giáo hóa quốc gia, phò tá ba vị quân vương dựng nên nền móng cho nhà Chu hưng thịnh 800 năm, cũng dưỡng dục nền văn hóa Nho gia rực rỡ.

Trong phần ‘Chu thất tam mẫu’, chương ‘Mẫu nghi truyện’ của sách ‘Liệt nữ truyện’ có viết: “Thái Tự sau khi trở thành phu nhân của Văn Vương, bà càng hiền thục. Bà vô cùng ngưỡng mộ đức hạnh của bà nội Thái Khương và mẹ chồng Thái Nhiệm, đồng thời đã kế thừa đức hạnh tốt đẹp của họ. Bà cần kiệm gìn giữ gia phong, giúp chồng giáo dục con, dốc sức trợ giúp Văn Vương. Bà quản lý hoàng cung nội viện rành mạch đâu ra đấy, khiến Văn Vương không có nỗi lo hậu phương, có thể chuyên tâm dốc chí quản lý quốc gia. Vì vậy nền chính trị nhân đức ban hành rộng khắp, giáo hóa hưng thịnh. Thái Tự được tôn xưng là “Văn Mẫu”, được ca ngợi là: “Văn Vương trị sửa bên ngoài, Văn Mẫu trị sửa bên trong”.

Tranh vẽ Thái Tự hay Chu Văn Mẫu. (Ảnh: wikipedia.org)

Nội tướng nhân đức hiền năng – Trưởng Tôn hoàng hậu

“Nhà có vợ hiền như nước có tướng giỏi”. Trong lịch sử các hoàng hậu hiền năng thì Trưởng Tôn hoàng hậu của Đường Thái Tông Lý Thế Dân đứng ở vị trí số 1.

Trưởng Tôn Vô Kỵ là anh trai của Trưởng Tôn hoàng hậu, kết giao rất thân thiết với Lý Thế Dân, phò tá Lý Thế Dân giành được thiên hạ. Đường Thái Tông muốn để Trưởng Tôn Vô Kỵ làm tể tướng, Trưởng Tôn hoàng hậu tâu rằng: “Thiếp đã được phong làm hoàng hậu, tôn quý cực đỉnh, thiếp thực sự không muốn để anh em con cháu trong khắp triều đình. Lã Hậu triều Hán, gia đình Hoắc Quang là bài học vết xe đổ. Do đó thiếp xin bệ hạ nhất định không được bổ nhiệm huynh trưởng làm tể tướng”.

Trưởng Tôn hoàng hậu khẩn khoản nhiều lần, Đường Thái Tông đành phong chức quan hờ như “Khai phủ nghi đồng tam tư” cho Trưởng Tôn Vô Kỵ.

Khi công chúa Trường Lạc do Trưởng Tôn hoàng hậu sinh ra xuất giá, Đường Thái Tông muốn ban thưởng lễ vật nhiều gấp đôi so với công chúa trưởng con của Đường Cao Tổ. Vì thế Ngụy Trưng đã nói thẳng trước mặt Đường Thái Tông. Trưởng Tôn hoàng hậu biết chuyện, không những không trách tội Ngụy Trưng mà còn khen ngợi ông. Dưới sự kiểm soát của Trưởng Tôn hoàng hậu, công chúa Trường Lạc đã xuất giá với khá ít lễ vật.

Bình thường lời nói hành vi của Trưởng Tôn hoàng hậu rất cẩn thận, tuân thủ lễ nghi, chưa bao giờ can dự vào việc chính sự triều đình. Nhưng vì Trưởng Tôn hoàng hậu đoan chính, có đạo, Đường Thái Tông rất coi trọng bà, thường nói chuyện với bà về chuyện quốc gia đại sự cho đến chi tiết thưởng phạt. Trưởng Tôn hoàng hậu không muốn dùng thân phận đặc thù của mình can dự vào chuyện quốc gia đại sự, bà cho rằng nam nữ có khác biệt, nên ai nấy giữ chức phận bổn phận của mình.

Trưởng Tôn hoàng hậu không can dự triều chính nhưng lại luôn luôn đưa ra lời khuyên can hữu ích cho Lý Thế Dân, giúp chồng xử lý tốt mối quan hệ vua tôi, trọng dụng bề tôi chính trực, tránh xa nịnh thần.

Tể tướng Ngụy Trưng trực ngôn dám can gián, khi thấy Lý Thế Dân làm việc không thỏa đáng liền lập tức can gián. Có lúc khiến Lý Thế Dân không còn mặt mũi nào nữa. Một lần Đường Thái Tông muốn đi săn, đúng lúc sắp ra khỏi hoàng cung thì gặp Ngụy Trưng từ phía trước bước tới. Ngụy Trưng hỏi rõ tình hình, lập tức nói với Đường Thái Tông rằng: “Hiện nay là cuối xuân, vạn vật bắt đầu sinh sôi, cầm thú đang nuôi con nhỏ, không nên săn bắn, xin bệ hạ trở về cung”.

Đường Thái Tông kiên trì muốn đi săn dạo chơi, Ngụy Trưng cũng không chịu thỏa hiệp, đứng giữa đường kiên quyết ngăn cản đường đi của Đường Thái Tông. Đường Thái Tông giận dữ khôn nguôi liền nổi giận đùng đùng quay về hoàng cung.

Đường Thái Tông về hoàng cung gặp Trưởng Tôn hoàng hậu, ông vẫn nói phẫn nộ: “Nhất định phải giết lão già Ngụy Trưng cứng đầu này thì mới hả giận”.

Trưởng Tôn hoàng hậu hỏi rõ nguyên do rồi lẳng lặng quay về phòng mặc lễ phục, sau đó nét mặt trang trọng đến trước mặt Đường Thái Tông khấu đầu bái lạy, miệng không ngớt nói: “Chúc mừng bệ hạ”.

Bức tranh miêu tả Trưởng Tôn hoàng hậu mặc lễ phục để chúc mừng Đường Thái Tông. (Ảnh: wikipedia.org)

Hành động này của bà khiến Đường Thái Tông kinh ngạc hỏi: “Việc gì mà thận trọng như thế này?”

Trưởng Tôn hoàng hậu trả lời nghiêm trang: “Thiếp từng nghe nói, nếu hoàng thượng anh minh thì đại thần đều rất trung thành. Ngày nay bệ hạ Thánh minh, do đó Ngụy Trưng mới dám trực ngôn như thế này. Thiếp thân làm hoàng hậu, thấy được vua sáng tôi trung, việc tốt đẹp như thế này, làm sao có thể không mặc triều phục chúc mừng được?”

Đường Thái Tông nghe thấy vợ nói như thế thì có cảm ngộ, cơn giận dần dần tiêu tan.

Năm Trinh Quán thứ 8, Trưởng Tôn hoàng hậu cùng Đường Thái Tông đến cung Cửu Thành nghỉ mát, bà mắc bệnh, càng ngày càng nặng, dùng rất nhiều thuốc nhưng bệnh tình không hề suy giảm. Lúc này Thái tử Lý Thừa Càn hầu bên cạnh đề nghị dùng phương pháp như đại xá tù nhân và độ người nhập Đạo, cầu xin Thần bảo hộ. Hoàng hậu kiên quyết cự tuyệt. Bà nói: “Đại xá là đại sự quốc gia, Phật giáo và Đạo giáo cũng có quy định riêng của gia phái. Nếu tùy tiện đặc xá tha tù hoặc độ người nhập Đạo, nhất định sẽ tổn hại đến chính thể quốc gia, hơn nữa phụ hoàng con cũng không mong muốn. Ta đâu có thể là một phụ nữ mà làm loạn phép tắc của thiên hạ”.

Thái tử nghe rồi không dám tấu với Thái Tông nữa. Sau khi Thái Tông biết chuyện, ông cảm động nước mắt tuôn rơi, khóc không thành tiếng.

Trưởng Tôn hoàng hậu qua đời ở điện Lập Chính năm Trinh Quán thứ 8, hưởng dương chỉ 36 tuổi. Sau khi Trưởng Tôn hoàng hậu qua đời, Đường Thái Tông vô cùng đau buồn, cảm thấy từ đây “mất đi một người phụ giúp giỏi”.

Đường Thái Tông tại vị, chính trị sáng sủa, kinh tế phồn vinh, trong lịch sử gọi là “Trinh Quán chi trị”. Đó cũng là có quan hệ chặt chẽ với việc ông có Trưởng Tôn hoàng hậu – một nội tướng hiền năng như thế này.

(Tư liệu: “Kinh dịch”, “Liệt nữ truyện”, “Cựu đường thư”)

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Tác giả: Chu Huệ Tâm
Biên dịch: Nam Phương

videoinfo__video3.dkn.tv||a6949e53b__