Chúng ta đã nghe quá nhiều về những thuật ngữ tiêu cực liên quan đến kinh doanh như: Thương trường là chiến trường, buôn gian bán lận, mười người buôn chín kẻ gian, cá lớn nuốt cá bé, kinh doanh là kinh doanh…

Người ta luôn hình dung kinh doanh là cuộc chơi đầy ắp thủ đoạn và gian dối, lường gạt, chơi xấu lẫn nhau v.v… tất cả chỉ để theo đuổi một mục tiêu duy nhất là tranh giành thị trường và lợi nhuận. Nếu không hòa theo cuộc chơi như thế, thì ắt sẽ chịu thua lỗ phá sản… Dường như ít có ai còn nhất nhất áp dụng khái niệm “Đạo đức kinh doanh” vào từng việc nhỏ trong công việc.

Đạo đức kinh doanh là chìa khóa dẫn đến cho sự thành công. Ảnh dẫn theo wattpad.com

Song liệu có khi nào kinh doanh là môi trường hiền hòa, thân ái, công lý, chính nghĩa, từ bi và nghĩ tới người khác trước khi nghĩ tới mình hay không? Nghe có vẻ như toàn những thuật ngữ xa lạ với kinh doanh, mà thường chỉ thấy trong những hoạt động từ thiện nhân đạo? Có khi nào người ta sẵn sàng từ bỏ một khoản lợi nhuận khổng lồ nhiều tỷ đô la vì những điều gì đó không sờ được đếm được như đạo đức, chính nghĩa, công lý? Có khi nào người ta không đặt lợi nhuận lên trên hết mà vẫn thành công rực rỡ trong kinh doanh?

Chúng ta hãy cùng chiêm nghiệm phương thức kinh doanh của những tên tuổi lớn sau đây, cả xưa và nay để cùng khám phá rằng gọi là chiến trường trái lại vẫn có thể đầy ắp chính nghĩa và cao thượng đến mức nào, để thấy rằng: lợi nhuận không phải mục đích duy nhất….

Bạch Khuê và lòng từ bi đối với người tiêu dùng

Bạch Khuê là một thương gia nổi tiếng tại thành phố Lạc Dương trong thời Chiến Quốc (475-221 trước Công nguyên). Ông được cho là một học trò của cao nhân Quỷ Cốc Tử (một triết gia thời Trung hoa cổ đại cùng thời). Bạch Khuê là một quan chức của nước Ngụy. Sau khi thăm viếng nước Tề và Tần, ông đã trở thành một chiến thuật gia về kinh tế nổi tiếng và là một chuyên gia trong lãnh vực quản lý tài chính. Theo Hán thư, Bạch Khuê là người đầu tiên soạn thảo những lý thuyết về thương mại và mậu dịch.

Khi Bạch Khuê quản lý tài chính cho quốc gia, ông đã nhìn vào toàn cảnh. Dù không bỏ qua một cơ hội kiếm tiền hay kinh doanh nào, ông không bao giờ dính líu đến những hành vi phi pháp. Chú tâm đến việc giao lưu hàng hoá và phát triển mặt hàng, ông có thể bán hàng hoá sinh lợi cho mình một cách nhanh chóng. Khi một loại hàng hóa nào đó quá thặng dư và những kẻ đầu cơ chờ cho giá xuống thấp trước khi mua một số lượng rất lớn, ông Bạch đã mua mặt hàng này với giá cao hơn giá thị trường. Khi hàng này khan hiếm, trong khi những kẻ đầu cơ chứa đầy kho hàng chờ giá lên cao rồi mới bán, ông Bạch đã nhanh chóng bán hàng của mình với giá thấp hơn giá thị trường để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Người khác đầu cơ rồi đẩy giá cao để kiếm lợi khi thị trường khan hiếm, còn ông “tích trữ” để bán rẻ cho dân chúng khi thị trường khan hiếm bị các nhà đầu cơ đẩy giá lên.

Cách quản lý kinh doanh của ông đảm bảo để ông có lợi thế là sẽ kiếm được rất nhiều lợi. Đồng thời, nó bảo đảm cho sự quân bình giữa cung và cầu và giá cả của mặt hàng đó. Một cách chắc chắn, Bạch Khuê đã bảo vệ lợi ích của các hộ nông dân, cá thể thủ công nghiệp, và người tiêu thụ nói chung.

Trong thời Chiến Quốc, ngành kinh doanh châu báu giữa những người giàu có, vương giả kiếm được nhiều lợi nhất. Bạch Khuê đã chọn buôn bán những mặt hàng nhu yếu phẩm và giao thương với những thường dân. Nguyên tắc của Bạch Khuê là “lợi ít nhưng bán nhiều”. Ông không tăng giá cao nhưng lại kiếm được nhiều lợi bằng cách bán hàng nhanh và mở mang thêm thị trường của mình. Bạch Khuê có thiên khiếu nắm bắt cơ hội. Ông dựa vào lịch cổ Mộc tinh cùng lý thuyết ngũ hành. Vận dụng tri thức thiên văn học, khí tượng học, ông đã tiên đoán và giao thương dựa trên những chu kỳ mùa màng tốt hay xấu. Ông thu mua những vụ mùa chất lượng, giá thành rẻ vào những năm có thời tiết tốt và bán chúng với giá rẻ cho người dân trong những năm có thời tiết xấu. Bằng cách này, ông đã giúp nhiều người vượt qua những nạn đói. Trong khi đó, tài sản của cải của ông tăng rất nhanh.

Bạch Khuê gọi cách quản lý kinh doanh này là “nhân thuật”.

Những nguyên tắc công lý của người sáng lập các công ty Nhật Bản: sử dụng đạo đức Nho giáo trong kinh doanh

Shibusawa Eiichi được gọi là cha đẻ của các công ty Nhật bản. Ông là người đầu tiên sử dụng những tư tưởng của Nho gia trong quản lý kinh doanh. Chuyển từ chính trị sang kinh doanh vào tuổi 33, ông đã thề rằng sẽ theo đúng những tiêu chuẩn trong Luận ngữ của Khổng tử trong những hoạt động kinh doanh của mình. Trong sự nghiệp của Shibusawa, ông đã thành lập hơn 500 công ty trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm tài chính, sản xuất giấy và dịch vụ vận chuyển. Ông là người lãnh đạo về kinh doanh trong thời Minh Trị và Đại Chính. Vào năm 88 tuổi, ông đã viết quyển sách nổi tiếng của mình, “Luận ngữ và Bàn tính” (Analects and the Abacus), tin tưởng rằng những lời dạy trong Luận ngữ (của Nho giáo) và trong làm ăn là tương hành với nhau.

Shibusawa Eiichi
Shibusawa Eiichi được gọi là cha đẻ của các công ty Nhật bản,ông đã thề rằng sẽ theo đúng những tiêu chuẩn trong Luận ngữ của Khổng tử trong những hoạt động kinh doanh của mình. Ảnh dẫn theo vi.wikipedia.org

Ông lý luận rằng khi thấy được một cơ hội kiếm lợi nhuận, nếu một người nghĩ cách làm thế nào để thực hiện một cách công bằng và chính trực, thì việc kiếm lợi nhuận đó sẽ là một hành động thiện tâm.

Một phần trong Luận ngữ nói rằng “Theo đuổi lợi nhuận sẽ sinh ra oán hận lớn”. Người quân tử hành xử bản thân một cách công bằng và chính trực, trong khi kẻ tiểu nhân thường hành động chỉ vì lợi ích cá nhân.

Shibusawa không bao giờ chạy theo cơ hội để trục lợi. Ông biết rằng mua trái phiếu đường sắt của chính phủ sẽ đem lại cho ông rất nhiều lợi nhuận nhưng ông đã không làm như thế. Ông tin rằng nếu ông kiếm lợi bằng cách suy đoán, nó sẽ tạo cho ông một thói xấu mà có thể mất tất cả những gì ông có, khánh kiệt tài sản, và tệ hơn nữa, đem lại sự mất mát lớn cho các nhà đầu tư của ông. Một người đầu tư nên là một người đứng đắn, không nên là một kẻ bất lương.

Shibusawa chính là người đã đặt giá trị và ảnh hưởng của công việc đầu tư của mình vào xã hội lên trước lợi nhuận của bản thân.

Khổng tử đã giảng, “Thấy lợi xét nghĩa”“Làm giàu bất nghĩa đối với ta cũng tựa phù vân”, và “Người quân tử hiểu tầm quan trọng của nghĩa, kẻ tiểu nhân chỉ biết sự quan trọng của lợi.” Những thương nhân thời xưa ở Trung Quốc quý trọng lời dạy của Nho giáo vốn tin vào nguyên tắc “Người quân tử muốn của cải sẽ kiếm nó bằng con đường ngay chính”.

Amartya Sen, một người đoạt giải Nobel nói rằng khi kinh tế phát triển, thì cần phải quay lại với đạo đức, vì bất kể con người cố thoát khỏi sự hạn chế của đạo đức như thế nào, họ sẽ bị thất bại vì đạo đức là một thuộc tính tự nhiên của các hoạt động kinh tế.

Những ai kinh doanh theo nguyên tắc “thiện” và theo đúng những nguyên tắc công lý và chính nghĩa là đang tạo nền móng vững chắc cho tương lai tốt đẹp cho chính họ.

Những công ty chân chính tạo phúc cho nhân loại, trên thực tế là đang xây dựng những lợi ích dài lâu cho chính họ và nhân viên của họ.

Hà Phương Linh tổng hợp

Xem thêm: