Người Nhật quan niệm rằng, lưu giữ bản tính thiện lương thiên bẩm của trẻ là cách giáo dục căn bản trước khi con chính thức đi học.

Tiếp theo Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4.

Trong “Tam tự kinh” có câu: Nhân chi sơ, tính bổn thiện. Tính tương cận, tập tương viễn. Cẩu bất giáo, tính nãi thiên”. Ý rằng: Con người khi sinh ra bản tính vốn là lương thiện như nhau; chỉ sau này khi không được giáo dục dạy dỗ cẩn thận, nên mới sinh ra sự khác nhau. Việc giáo dục mầm non khi con ở vào độ tuổi từ 3-6 tuổi có liên quan rất lớn tới tương lai cuộc đời sau này của trẻ.

Hiện nay, tại Trung Quốc càng ngày các bậc cha mẹ càng phải mất nhiều tiền tiêu tốn cho việc giáo dục con từ giai đoạn mầm non. Rất nhiều cha mẹ vì không muốn con bị thua ngay từ vạch xuất phát nên bắt đầu cho con học các loại kiến thức cũng như các kỹ năng từ giai đoạn mầm non. Lại có những bậc cha mẹ còn tận dụng các mối quan hệ để tìm cách cho con vào học những trường mầm non “ưu tú”. Trong đó có những trường mầm non tư thục mà chi phí rất cao, mỗi tháng chi phí cao tới 5.000 NDT (khoảng 16 triệu VNĐ).

Tuy nhiên ở Trung Quốc việc giáo dục văn hóa truyền thống lại luôn bị coi nhẹ, thậm trí trong vòng danh lợi của thế tục, trẻ dễ bị mất đường hướng đi đúng đắn và dần bị chôn vùi mất bản tính thiện lương vốn có ban đầu.

Nền giáo dục mầm non ở Nhật luôn tuân thủ và lưu giữ theo phương pháp giáo dục truyền thống, được phân thành hai lớp: nhà trẻ và trường mẫu giáo. Trong đó, 60% các trường mẫu giáo ở Nhật (dành cho trẻ từ 3-6 tuổi) đều là trường tư thục, 40% là trường công lập.

Ảnh minh họa: Dẫn theo Tanphonggarden.com

Mỗi năm, trẻ em Nhật học trường mẫu giáo tư thục mất khoảng 480.000 yên Nhật (khoảng 97 triệu VNĐ), còn các trường mẫu giáo công lập mất khoảng 230.000 yên Nhật (khoảng 46 triệu VNĐ). Khoảng 80% trẻ em Nhật đều học các trường mẫu giáo tư thục, với những gia đình có thu nhập thấp sau khi được chính phủ trợ cấp cũng có thể học các trường tư thục.

Nhà trẻ tư thục của Nhật dành cho các bé (từ 0-6 tuổi), chi phí sẽ càng rẻ hơn, thời gian học cũng lâu hơn, nhưng yêu cầu các bà mẹ phải chịu trách nhiệm đưa đón con.

Tại Nhật, sự khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần của trẻ được đặt lên vị trí hàng đầu trong nền giáo dục mầm non. Họ sẽ giáo dục bồi dưỡng trẻ khỏe về thể chất và có cuộc sống an toàn khỏe mạnh, dạy con học những thói quen sinh hoạt cần thiết trong cuộc sống hằng ngày.

Ví dụ, dạy con có cảm giác an toàn vui tươi khi ở cùng thầy cô và bè bạn; chơi các trò chơi khác nhau, vận động cơ thể đầy đủ phong phú, giúp con yêu thích các hoạt động vui chơi ngoài trời; giúp con vui vẻ hòa đồng với các hoạt động sinh hoạt tập thể, yêu thích được cùng ăn cơm chơi đùa với cô và các bạn cùng lớp; học các thói quen sinh hoạt cần thiết trong cuộc sống như tự dọn dẹp làm sạch đồ dùng cá nhân, tự cởi và mặc quần áo, tự ăn cơm, tự đi vệ sinh…

Khi con dần quen với cách sinh hoạt ở nhà trẻ, sẽ dần hình thành thói quen tự lập trong cuộc sống của mình. Ngoài ra, con cũng sẽ được học những kỹ năng sống cần thiết như tự chăm sóc sức khỏe bản thân, phòng tránh bệnh tật. Không những thế, con còn được học các phương pháp tự bảo vệ an toàn cho bản thân ở những nơi công cộng, ở những trò chơi nguy hiểm hoặc khi xảy ra hỏa hoạn…

Người Nhật rất chú trọng trong việc bồi dưỡng khả năng tự lập cánh sinh của con trẻ trong thời kỳ giáo dục mầm non. Họ dùng những trò chơi hoặc các hình thức hoạt động vui vẻ để thúc đẩy sự phát triển trí não và thân thể của trẻ nhỏ. Đồng thời hình thành thói quen ăn uống đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe cũng như thúc đẩy sự trưởng thành phát triển cho trẻ.

Vấn đề quan trọng thứ hai mà người Nhật muốn giáo dục con trẻ trong thời kỳ giáo dục mầm non, đó là kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống. Dạy con biết cách quan tâm tới người khác, giúp đỡ người khác, hình thành khả năng tự lập; giúp conn học tập vui vẻ, có thói quen sinh hoạt độc lập, và biết tin tưởng người khác.

Ví dụ, giúp con có cơ hội trải nghiệm cảm giác vui vẻ thoải mái khi được sống với thầy cô giáo và các bạn cùng lớp; tự mình suy nghĩ, tự mình làm việc, trải nghiệm cảm giác sau khi hoàn thành công việc được giao. Dạy con biết cách quan tâm tích cực hơn tới bạn bè, đồng cảm với những niềm vui và nỗi buồn của bạn, biết cách chia sẻ với người khác…

Ngoài ra, người Nhật còn dạy con học cách phân biệt sự việc tốt và việc xấu, việc đúng và việc sai, tự suy xét xem tiếp theo nên làm như thế nào mới đúng; khi chơi với bạn, biết quan tâm yêu mến bạn. Dạy trẻ phải biết trân trọng cũng như bảo vệ đồ chơi chung và những thiết bị vui chơi nơi công cộng. Dạy con quan tâm tới những người xung quanh như ông bà cha mẹ, và biết cách đồng cảm chia sẻ với họ…

Ảnh minh họa: Dẫn theo nhadattintuc.com

Trong cách giáo dục trẻ ở độ tuổi mầm non, người Nhật luôn chú trọng việc giáo dục bồi dưỡng nhưng vẫn chú trọng lưu giữ bản tính thiện lương vốn có, bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức tốt đẹp cần có của trẻ như tôn trọng, tin tưởng, đồng cảm, biết ơn với người khác…

Tiếp sau đó mới là vấn đề quan trọng thứ ba mà người Nhật muốn giáo dục cho con ở lứa tuổi mầm non, đó là những kiến thức về môi trường tự nhiên, ngôn ngữ và cách biểu đạt bày tỏ.

Theo người Nhật, những đứa trẻ ở độ tuổi giáo dục mầm non dưới 6 tuổi rất ngây thơ hồn nhiên, không có bất kỳ tạp niệm cũng như quan niệm xấu nào. Vì vậy, lưu giữ bản tính thiện lương vốn có của con mới là điều căn bản nhất trong giáo dục trẻ tuổi mầm non.

Tác giả: Tâm Di
Kiên Định biên dịch

Xem thêm: