Tám mươi mốt nạn tai ương trọn,
Dựng cơ huyền, chí hướng sắt son.
Ma lui là bởi lòng bền,
Muốn thành chính pháp phải nên tu trì.
Chớ bảo lấy kinh kia là dễ,
Công thánh tăng chịu khổ xiết bao.
Xưa nay hòa hợp tuyệt sao!
Một ly sai biệt kết nào nổi đan!

Trải qua mười bốn mùa nóng lạnh, ăn gió nằm sương, vượt qua trùng trùng gian hiểm, cuối cùng thầy trò Đường Tăng đã đặt chân đến Linh Sơn thánh địa. Những tưởng từ đây có thể ung dung rước chân kinh về phương Đông, ngờ đâu bị A Nan, Ca Diếp “vòi tiền hối lộ”. Chi tiết này là một trong những tình tiết bất ngờ và gây thắc mắc nhất trong Tây du ký, mỗi người một cách hiểu khác nhau. Ở đây, người viết xin dùng cái tâm kính ngưỡng Phật Pháp của người tu luyện để cẩn thận lý giải và cảm ngộ, hi vọng có thể phủi lớp bụi mờ, làm sáng lên lời vàng ý ngọc của bộ danh tác.

Tây du ký, hồi 98 viết:

“A Nan, Ca Diếp dẫn Đường Tăng xem khắp tên các bộ kinh một lượt, đoạn nói với Đường Tăng:

– Thánh Tăng từ phương Đông tới đây, chắc có chút lễ vật gì biếu chúng tôi chăng? Mau đưa ra đây, chúng tôi mới trao kinh cho.

Tam Tạng nghe xong nói:

– Đệ tử là Huyền Trang, vượt đường sá xa xôi, chẳng chuẩn bị được quà cáp gì cả.

Hai vị tôn giả cười nói:

– Hà! Hà! Tay trắng trao kinh truyền đời, người sau đến chết đói mất!

Hành Giả thấy bọn họ giở giọng xoay xở, không chịu trao kinh, thì nổi nóng nói:

– Sư phụ ạ, chúng ta đi thưa với Như Lai, bắt họ phải tận tay mang kinh tới cho chúng ta.

A Nan nói:

– Đừng làm ầm ĩ lên! Đây là nơi nào mà nhà ngươi dám càn rỡ điêu toa? Vào đây mà nhận kinh”.

Câu chuyện A Nan, Ca Diếp đòi lễ vật rồi mới trao kinh này được tái hiện trong phim truyền hình, điện ảnh với vẻ mặt gian xảo của hai vị tôn giả, khiến khán giả hiện đại xem phim cảm giác y như đây là một vụ “đòi ăn của đút” thứ thiệt. Nhưng nếu chúng ta suy xét một chút, thì sẽ thấy chuyện này thật vô lý. A Nan, Ca Diếp là ai? Là hai trong số mười đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca, A Nan là người hầu cận cho Đức Phật, Ca Diếp là vị trưởng lão tu khổ hạnh mẫu mực bậc nhất. Trong lịch sử, tôn giả Ca Diếp đã kế thừa y bát của Đức Phật khi Ngài nhập niết bàn, trở thành người lãnh đạo tăng đoàn. Chúng ta thử nghĩ mà xem, Đức Phật là bậc đại trí đại huệ, có thể chọn những kẻ tham lam ăn của đút hầu cận bên mình và kế thừa y bát chăng?

Thực tế là, tôn giả A Nan và tôn giả Ca Diếp đều chứng đắc quả vị A La Hán, từ lâu đã xả bỏ mọi chấp trước vật dục thế gian. Theo thiển ý của người viết, hai ngài “hỏi lễ vật” là vì nhìn thấy Đường Tăng còn tâm lưu luyến với cái bát vàng và ràng buộc tình cảm huynh đệ với vua Đường (người tặng bát). Nếu Đường Tăng ngộ ra, dâng bát vàng, thì chấp trước cuối cùng này mới quét sạch, tâm mới đạt thanh tịnh hư vô. Tiếc là mấy thầy trò chấp mê bất ngộ, đã nổi giận mắng nhiếc hai tôn giả lại còn kêu la với Phật Tổ. Lời đáp của Phật Tổ mới thật là thú vị:

“Phật Tổ cười nói:

– Nhà ngươi cứ bình tĩnh. Việc hai người vòi lễ các ngươi ta đã biết rồi. Có điều kinh cũng không phải trao cho một cách dễ dàng, không thể lấy không được. Trước kia các Tỳ Kheo thánh tăng xuống núi cũng đem kinh này tụng hết một lượt cho nhà trưởng giả họ Triệu ở nước Xá Vệ, giúp cho nhà ấy người sống yên ổn, kẻ chết siêu thoát, thế mà chỉ lấy có ba đấu ba bơ vàng cốm của họ mang về thôi. Ta còn bảo họ bán kinh rẻ quá, con cháu đời sau lấy tiền đâu mà tiêu. Nhà ngươi tay không đến cầu, nên họ mới trao cho những quyển trắng tinh. Quyển trắng tinh là chân kinh không chữ, cũng là những kinh hay. Các ngươi là chúng sinh ở cõi Đông u mê ngu tối, lẽ ra chỉ nên trao cho những thứ đó thôi”.

Tạo hình Phật Tổ Như Lai trong phim Tây Du Ký 1986.

Lạ kỳ chưa, Phật Tổ cũng bảo các Tỳ Kheo “bán kinh rẻ quá, con cháu đời sau lấy tiền đâu mà tiêu”! Nếu như ai đó hiểu lầm tôn giả A Nan và Ca Diếp là ham tiền, thì chẳng lẽ đến đây cũng hiểu lầm Đức Phật nữa hay sao? Ngài ngay từ đầu đã buông bỏ vương vị và mọi vinh hoa phú quý, xuất gia khổ tu, giờ đây há lại cần chút vàng mọn nữa! Vậy thì, vì sao Đức Phật lại nói ba đấu ba bơ vàng cốm đổi lại việc tụng kinh là “rẻ quá”?

Lời của Phật Tổ thâm sâu vô cùng, người viết chỉ xin trình bày cách hiểu về một tầng hàm nghĩa trong đó. Có câu nói rằng: “Thân người khó đắc, Chính Pháp khó tìm”, ai mới xứng đáng được đắc Chính Pháp đây? Những người giàu có bỏ ra cả núi vàng biển bạc cũng chưa xứng, vì Phật Pháp vô cùng trân quý, không thể dùng tiền bạc mà quy đổi được. Vàng bạc cũng chỉ là vật chất trong thế tục, người chết rồi thì một xu cũng chẳng thể mang theo, nếu làm ác thì vẫn phải đọa địa ngục, làm súc sinh… Trong khi đó, đắc được Chính Pháp thì có thể tinh tấn tu luyện, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, hưởng phúc nơi Phật quốc. Kinh Phật có giảng thế giới Cực Lạc đâu đâu cũng là vàng, đất cũng là vàng, cây cũng là vàng… Đem ra so sánh thì ba đấu ba bơ vàng cốm chẳng phải quá rẻ mạt sao?

Người viết ngộ ra rằng chỉ có một trái tim thuần khiết dành cho tu luyện, một trái tim chân chính cầu Đạo, sẵn sàng buông bỏ tất cả danh – lợi – tình, mới xứng đáng đắc được Chính Pháp. Đức Phật chỉ cần bạn dâng lên Ngài “lễ vật” là trái tim thuần tịnh ấy. Dù bạn chỉ còn một chút ràng buộc dính mắc với vật dục thế gian, Phật Tổ cũng không thể nào trao Đại Pháp cho bạn được.

Có một truyện cổ về trái tim dành cho tu luyện như sau. Xưa có người làm nghề đồ tể, một hôm gặp hai người tu hành trên đường sang Tây Thiên gặp Đức Phật. Họ khuyến khích người đồ tể kia cùng đi, nhưng người đồ tể nói: “Tôi nhơ bẩn quá, thật không xứng đáng. Thỉnh cầu hai vị mang trái tim của tôi đến gặp Đức Phật”, nói rồi móc trái tim của mình ra đưa cho hai người kia. Thế rồi hai hành giả mang trái tim người đồ tể theo đến Tây phương. Khi gặp Đức Phật, Ngài trỏ một chiếc vạc lớn đầy nước đang sôi lên sùng sục, hỏi xem họ dám nhảy vào đó chăng. Hai người do dự, bèn nghĩ rằng thử bỏ trái tim của người đồ tể kia vào đó trước xem sao. Thế rồi, họ bỏ trái tim người đồ tể vào vạc nước sôi, kỳ diệu chưa, trái tim đó hóa thành một Kim Phật (ông Phật vàng). Hai người thấy vậy liền vội vã nhảy vào theo. Kết quả, họ hoá thành hai chiếc quẩy rán.

Câu chuyện cho thấy, chỉ một niệm sai biệt cũng mang đến kết quả hoàn toàn khác nhau. Người đồ tể tuy làm nghề hạ tiện, nhưng có một trái tim thuần khiết dành cho Phật Pháp. Anh không màng sinh tử, dâng trái tim của mình lên Phật Tổ. Còn hai hành giả kia, tín tâm chưa đủ, “thấy mới tin, chưa thấy chưa tin”, “ăn cỗ đi trước lội nước theo sau”, cuối cùng cảnh giới chân thật của họ chỉ là hai chiếc quẩy rán. Quay lại chuyện thầy trò Đường Tăng, đã đến Linh Sơn còn khởi tâm nghi ngờ hai tôn giả đức cao vọng trọng, còn lưu luyến cái bát tộ vàng. Vậy nên kết cục mới nhận phải kinh không chữ, phải vất vả thêm một phen mới thỉnh được chân kinh. Tiêu chuẩn viên mãn cho người tu luyện là tuyệt đối không thể hàm hồ.

Tây du ký viết về hành trình thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng, dọc đường nếm mật nằm gai, trừ yêu diệt quái. Người ngoài cuộc xem sự tới lui náo nhiệt, người trong cuộc tỏ đường tu luyện gian nan. Hiện tại tuy gian nan, nhưng tương lai xán lạn huy hoàng. Quả đúng là:

Bất nhị pháp môn rất diệu huyền,
Yêu ma lui sợ – rõ người tiên.
Bản lai diện mục nay mừng thấy,
Một thể nguyên nhân đã vẹn tuyền.

Video: Câu chuyện nhà tâm linh phương Đông và cuộc hành trình tìm kiếm kì lạ

videoinfo__video3.dkn.tv||2fc53753a__