Vì trực ngôn can gián hoàng đế Càn Long, Lã Phụng Đài bị bắt đi đày, Lã gia suy lạc. Hôn phu tương lai nhà họ Lã bị nhạc phụ ép thoái hôn, nhưng nàng dâu phú gia đã không tuân theo người cha bất nghĩa, xé toạc thư ly hôn.

Hác Vân Sĩ là người ở Nghi Chân, Dương Châu, những năm cuối thời Càn Long nhậm chức sử bộ lang trung. Đương thời, đại học sĩ Hòa Thân chuyên quyền tham ô, Hác Vân Sĩ lại nịnh hót bợ đỡ ông ta một cách mù quáng. Khi đề bạt nhân tài, thì họ trên dưới thông đồng với nhau, thông qua ông ta, đối phương đưa đút lót hối lộ hậu hĩnh cho Hòa Thân, còn ông ta nhân cơ hội cũng liếm láp chút rượu thừa, gia cảnh ngày một khởi lai phú dụ. 

Hác Vân Sĩ có một đứa con trai bị câm, khờ khạo như đá hoa cương. Người vợ lẽ của ông là Lý thị, sinh được hai nữ nhi; trưởng nữ tên Ngao Ngọc, thứ nữ tên Sồ Ngọc. Ngao Ngọc kết hôn với con trai của Lưu Văn Ba, án sát sứ Quảng Đông. Sồ Ngọc đã mười lăm tuổi, nhan sắc như hoa như nguyệt, làn da trắng nõn ngọc ngà tựa như tiên nữ. Hác Vân Sĩ vô cùng yêu quý cô gái nhỏ này, và muốn gả nàng cho một gia đình phú quý.

Hác Vân Sĩ giỏi thuật toán mệnh tử bình bát tự, ông có một người bạn tên Lã Phụng Đài, là một vị gián quan. Một ngày nọ, Hác Vân Sĩ nhất quyết yêu cầu Lã Phụng Đài nói ra ngày tháng năm sinh của mình để tính toán cát hung họa phúc cho ông ấy. Vừa tính tính, liền bói ra Lã Phụng Đài trong mệnh phú quý, có thể làm đến quan nhất phẩm, con trai của ông ấy cũng có thể thành quý nhân, vì vậy, Hác Vân Sĩ muốn xem mặt con trai nhà họ Lã. Con trai họ Lã tên là Lã Sanh, tự Tấn Trai, dung mạo sáng láng như ngọc khảm trên vương miện, lúc đó mới mười bảy tuổi, viết chữ thể lương thư rất đẹp, đã nhập học trường huyện.

Nhà họ Lã cũng muốn cưới được một cô con dâu tốt, nhưng vẫn chưa tìm được người ưng ý. Hác Vân Sĩ nhờ một người mai mối bày tỏ nguyện vọng kết duyên Tần Tấn. Họ Lã luôn nghe nói Sồ Ngọc xinh đẹp như tiên, vì vậy họ đã đồng ý hôn sự. Sau lễ đính hôn, cả hai nhà có mối quan hệ vô cùng thân thiết.

Quân tử chi giao minh tâm kiến tính. (Pixabay)

Lã Phụng Đài có một người thầy là Vương Hoài Tổ, người gốc Cao Bưu, là giám khảo chính trong hội thi. Lã Phụng Đài sau này bái ông làm thầy. Vương Hoài Tổ nổi danh toàn quốc về kinh học. Một hôm cả hai đàm luận về những việc làm sai của Hòa Thân, Vương tiên sinh tin rằng, hoàng thượng tuổi tác đã cao, tất sẽ thiên vị lời Hòa Thân, ông sẽ chuẩn bị một danh sách bình luận về tội trạng của Hòa Thân. Lã Phụng Đài nói: “Học sinh sớm đã nghĩ đến việc luận tội ông ta, hiện tại đã thu thập được hai mươi bốn tội trạng lớn của Hòa Thân, viết ra các bản thảo có chữ ký, sẽ nộp sau khi thắp hương kính bái vào ngày mai”.

Vương tiên sinh hết sức kinh ngạc, nói: “Con thực sự là người có dũng khí như vậy sao? Vậy thì tấu sớ của lão phu cũng sẽ tiếp tục được trình lên”.

Lã Phụng Đài trở về nhà và sao chép bản tấu qua đêm. Ngay sau khi nó được trình lên vào ngày hôm sau, chiếu chỉ liền được ban hành, Lã Phụng Đài nhanh chóng bị bắt nhập ngục.

Lã Sanh khóc lóc, đến lão nhạc tương lai Hác Vân Sĩ để nhờ giúp đỡ, thỉnh cầu cứu cha mình. Ai ngờ Hác Vân Sĩ lại mỉa mai, nói: “Cha ngươi quá ngu ngốc, Trí Trai tướng quốc (Hòa Thân tự Trí Trai) có thù hận gì với cha ngươi? Ông ấy thu thập tất cả những cuộc bàn tán trên đường phố, đại phát cuồng ngôn, hiện tại triều đình đang vô cùng tức giận, chỉ cần có thể đưa ông ấy đày đến biên cương đã tính là may mắn lớn rồi, ta có đức nào năng nào có thể giúp ông ấy? Lại nói, chuyện đính hôn ngày đó, ta bất quá dựa vào tính toán mệnh lý thường thức, nói cha ngươi có thể làm quan quý, đó là do ta bói không chuẩn, hôm nay hà tất lại đề cập chuyện hôn ước đó!” Nghe thấy trong lời nói của Hác Vân Sĩ có nộ ý, Lã Sanh chỉ có thể cáo từ.

Sau đó, Lã Phụng Đài nhờ đại học sĩ Lưu Dung biện hộ giúp, và bản án của ông được giảm nhẹ, ông chỉ bị đưa đến đồn trú ở Ô Lỗ Mộc Tề (Tân Cương). Khi lên đường, Lã Sanh khóc lóc tiễn cha, xin được cùng cha đi canh giữ biên cương. Lã Phụng Đài giận dữ nói: “Ta trực ngôn can gián hoàng thượng, ta tự biết tất sẽ chịu nạn gươm giáo, thậm chí tử hình. Nay ta đã được ân đức của Thượng Thiên đi canh giữ vùng biên ải. Ở nhà con cần phải phụng dưỡng mẹ, học hành rèn luyện. Dù ta phải chết ở biên cương, cũng không có gì hối hận!”

Dương liễu y y lưu bất trụ nhân. (Pixabay)

Lã Sanh thấp giọng khóc, chào tạm biệt phụ thân đến ngoài thành, cuối cùng đợi khi Lã Phụng Đài uống xong ly rượu, chàng mới quay trở về thành. Kể từ đó, nhà họ Lã rơi vào suy lạc, dù rất gần quê hương Hà Nam nhưng không thể về được. Lã Sanh mỗi ngày chép thư cho người khác, tối đến lại miệt mài học tập. Trong các kỳ thi vào Kim đài Học quán, chàng nhiều lần giành được vị trí đứng đầu, số tiền trợ cấp mà chàng nhận được được dùng để phụng dưỡng mẹ già. Hai năm đã trôi qua như thế.

Về phía Hác Vân Sĩ, ý tưởng hối hận về cuộc hôn nhân dần nảy sinh. Một ngày nọ, ông ta gọi Lã Sanh đến nhà, dùng giọng điệu ôn hòa an ủi Lã Sanh rồi nói: “Gần đây không có tin tức gì của cha con, ngoài biên cương cũng không phải chỗ tốt, sợ rằng ông ấy không quay trở lại, đợi triều đình miễn tội thì còn lâu không biết đến bao giờ, ta rất lo lắng về cha con”. Lã Sanh lại bật khóc nấc lên khi nghe xong những lời của họ Hác, nước mắt chảy dài trên tay áo.

Hác Vân Sĩ lại nói: “Gia đình con đến ngũ cốc thô còn không có mà ăn, làm sao con có thể giữ được ái nữ của ta! Lão phu không phải là hối hôn, nhưng con gái nhà phú gia, gả nó vào một gia đình bần cùng, tất gia thất không yên, đối với con cũng không có gì tốt cả. Hôm nay, ta thỉnh con lấy lại năm trăm ngân lượng để chúc thọ lão tẩu, còn được ăn chút cháo loãng, chỉ cần viết mấy chữ này, đưa ra một thư ly hôn là đủ”.

Lã Sanh thở dài, nói: “Lã gia bao đời chưa từng có người bỏ rơi con dâu, hôm nay tiên sinh tâm ý đã quyết, tiểu sinh không thể không đáp ứng. Hai năm qua, tôi đã chép thư cho người ta, cũng đã vào học quán, có chút tiền tiêu để tự cấp, cơm nước mẹ già cũng không thiếu. Tiên sinh hà tất phải tốn nhiều tiền tài như vậy”. Nói xong, chàng quay đầu hỏi người hầu, bút và mực ở đâu? Mặc dù Hác Vân Sĩ vẻ mặt hổ thẹn, nhưng vẫn bảo người đưa giấy bút.  

Lã Sanh vừa viết vài dòng thì đột nhiên nghe thấy sau lưng có tiếng bước chân nhẹ nhàng, một người nhanh chóng tiến lại gần chàng, chỉ thấy một bàn tay trắng như ngọc dùng hết sức nắm lấy lá thư ly hôn, hóa ra là Sồ Ngọc! Nàng đối mặt với Lã Sinh mà nói: “Tiểu nữ đối với Lã gia đã phạm phải tội gì mà chàng muốn đuổi thiếp đi! Hòa Thân vì nhận hối lộ chấn động toàn quốc, hoàng thượng lười biếng triều chính, tiểu nữ nghĩ rằng việc hạch tội ông ta là đúng đắn. Dương Tiêu Sơn thời Minh (tên Tục Thịnh, tự Tiêu Sơn) bị xử trảm oan ở Sài thị, gia đình hiển quý trong triều có người gả con gái cho con trai của ông ấy, nhà gia ông khí tiết cao quý như thế, lẽ nào không bằng Dương Tiêu Sơn? Chàng hôm nay lẽ nào không cần thiếp sao!” Nói xong, Sồ Ngọc dùng lực xé nát thư ly hôn, rồi đau đớn khóc lóc không ngừng.

Tất cả mọi người trong nhà đối với hành động của nàng cũng cảm thấy chấn động, Hác phu nhân cũng từ trong phòng bước ra, nói: “Con trai nhà họ Lã không là người bần tiện bấy lâu, vì sao vô lý thế này!” Bị cả nhà quay mặt, Hác Vân Sĩ vừa xấu hổ vừa tức khí. Lã Sanh đau khổ cáo từ.

Lã Sanh trở về nhà, kể lại với mẹ chàng. Lã mẫu rơm rớm nước mắt nói: “Hác Vân Sĩ nịnh nọt Hòa Thân, hơn nữa, ta nghe nói hoàng thượng sẽ sớm nhường ngôi cho thái tử, tân hoàng đế trụ tại Phủ thái tử, lẽ nào không biết Hác Vân Sĩ đã làm việc gì sao? Đại họa của nhà họ Hác không còn xa nữa. Đáng tiếc là con dâu ta thân hãm trong nhà họ Hác, e là không thể sớm thoát thân, làm sao đây?”

Chưa kịp nói xong, thì đã nghe thấy ngoài cửa có tiếng xe đỗ, người hầu bước vào nói, tiểu thư họ Hác đã đến.

Hai mẹ con thập phần kinh ngạc, vừa đi ra ngoài đã thấy Sồ Ngọc thân mặc y phục vải thô bước vào cửa nhà họ Lã, thần sắc vẫn còn phẫn nộ. Vừa nhìn thấy mẹ chồng, nàng liền kính bái rồi nói: “Con dâu biết chưa hành bái mẹ đã vội vàng đăng môn, không thành thể thống gì, nhưng là do con dâu bất hiếu, cha già không ủng hộ, hôm nay đã đuổi con ra khỏi nhà. Tuy con dâu chưa chính thức thành hôn, nhưng đã là người của nhà họ Lã, xin không câu nệ lễ pháp cho phép con làm con dâu mới. Mẹ chồng hiền huệ, cha chồng trung trinh, con dâu nội tâm rất đau khổ mong được nhị lão tha thứ. Con dâu đi hay ở do mẹ chồng quyết định, nếu chẳng được ở lại, con dâu đã mang con dao găm này, đã phát thệ sẽ tự sát tại đây, không về nhà bố mẹ đẻ nữa!”

Lã mẫu nói: “Ôi, thật là một người con dâu đức hạnh! Ta về già mới có hậu phúc có được một người con dâu tài đức vẹn toàn như con, từ nay xin con hãy sống với ta, ngày mai sẽ cử hành hôn lễ!”

Thầy của Lã Phụng Đài, Vương Hoài Tổ tiên sinh nghe vậy liền lập tức sai người gửi hai trăm lạng bạc cho Lã Sanh. Hôm sau cử hành hôn lễ, họ hàng, quan khách cũng đến chung vui. Sồ Ngọc ba ngày sau hôn lễ đã vào bếp nấu cơm, nấu cháo và hấp bánh, nàng làm rất khéo, dù khi còn ở nhà, nàng chưa bao giờ tự tay làm những công việc bếp núc này. Lã Sanh thập phần kính phục tân hôn thê siêu phàm của mình.

Vào tháng Giêng năm Gia Khánh thứ 4, thái thượng hoàng đế Càn Long băng hà, Vương Hoài Tổ dâng tấu tố cáo Hòa Thân. Hoàng đế Gia Khánh lập tức hạ lệnh phế truất Hòa Thân, bắt giữ, tống giam và kết án tử hình ông ta. Theo đó, Lã Phụng Đài đã được ân xá, trở về Bắc Kinh làm thiếu khanh của Thái Thường tự, rồi được thăng làm thị lang vào năm sau. Còn Hác Vân Sĩ bị đưa đến nơi mà Lã Phụng Đài từng đóng quân, tất cả tài sản của gia đình ông ta đều bị tịch thu. Vợ của Hác Vân Sĩ trở về quê hương Nghi Chân với đứa con trai ngu ngơ của mình. Sồ Ngọc khóc tiễn mẹ ra ngoài thành phố. Mẹ nàng nói với nàng: “Con thực sự có thể nhận ra nhân tài. Mẹ thấy Lã Sanh có khí phách lớn, là một người có thể làm nên sự nghiệp lớn. Mẹ hy vọng tương lai con sẽ không quên mẹ”. Sồ Ngọc chỉ biết cúi đầu, lệ rơi lã chã. 

Lúc này, tin vui Lã Sanh trúng hội nguyên (đứng thứ nhì) đã đến, sau đó chàng được nhận vào Hàn lâm viện. Lã Phụng Đài cũng được thăng chức thượng thư, quả nhiên những gì Hác Vân Sĩ bói toán đã ứng nghiệm. 

Thái Nguyên chỉnh lý, Epoch Times
Hương Thảo biên dịch