Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Nếu quốc vương giữ lễ, ông là vị vua tốt, đại thần có thể giữ lễ thì họ sẽ không sát hại quốc vương. Chính quyền quốc gia như thế mới có thể bình ổn, kéo dài từ đời này qua đời khác. Khi “tam gia phân Tấn” thì danh vị đã loạn mất rồi, đó là sự việc châm ngòi cho việc các quốc gia khác bắt đầu không còn nói đạo đức nữa mà chỉ nói về thực lực. Thiên hạ bắt đầu tiến nhập vào thời kỳ “cá lớn nuốt cá bé”, các quốc gia thôn tính lẫn nhau. Đây gọi là thời Chiến Quốc.

Ngô – Việt tranh bá là trận chiến quy mô lớn cuối cùng của thời đại Xuân Thu. Người ta lấy nó để phân định thời Xuân Thu và Chiến Quốc. Năm 494, Việt vương Câu Tiễn thất bại ở Cối Kê, sau đó đến nước Ngô nuôi ngựa cho Phù Sai trong ba năm, chịu hết thảy tủi nhục, về nước Việt lại nếm mật nằm gai 15 năm. Trải qua ba năm chiến tranh, đến năm 473 TCN thì tiêu diệt được nước Ngô. Trong thời gian Việt vương Câu Tiễn nếm mật nằm gai (491 TCN – 476 TCN) thì năm 479 TCN, Khổng Tử đã ‘đi hết’ cuộc đời vĩ đại của ông, Khổng Tử bệnh mất ở nước Lỗ.

Khổng Tử được người đời gọi là “vạn thế sư biểu” (1), tư tưởng của ông ảnh hưởng đến văn hóa và chính trị Trung Quốc 2.500 năm trở về sau. Tác phẩm quan trọng của ông là “Xuân Thu”, được viết sau khi ông chu du liệt quốc rồi trở về nước Lỗ. Quyển Xuân Thu lấy lịch sử nước Lỗ làm cơ bản, dựa trên lập trường của Khổng Tử bình giá về thiện-ác khen-chê để thiết lập nền tảng đạo đức và quy phạm chính trị cho hậu thế.

Tư Mã Thiên trong “Sử ký” có khen ngợi “Xuân Thu” rằng: “Xuân Thu, trên thì sáng tỏ đạo của Tam vương (2), dưới phân biệt kỷ cương sự việc người đời; phân biệt hiềm nghi, sáng tỏ đúng sai; phân định sự việc có nên do dự hay không; phân biệt thiện – ác, hiền minh – xấu xa; nói rõ việc tồn vong một nước, tiếp tục hay gián đoạn của thời đại; bù đắp lỗi, sửa vật hư; là điều to lớn của vương đạo vậy”.

Cũng chính vì “Xuân Thu” của Khổng Tử ghi lại lịch sử nước Lỗ từ những năm đầu vua Lỗ Ẩn công (722 TCN) đến năm thứ 14 vua Lỗ Ai công (481 TCN), cho nên người đời sau phân thời kỳ Đông Chu liệt quốc ra thành hai phần: từ năm 770 TCN đến 475 TCN gọi là thời Xuân Thu (lấy theo tên sách của Khổng Tử), sau đó là thời Chiến Quốc.

Từ kỳ này chúng ta sẽ vào thời kỳ Chiến Quốc. Chiến Quốc lấy sự việc “tam gia phân Tấn” (ba nhà chia Tấn) là dấu mốc. Tư Mã Quang lấy sự việc này làm câu chuyện đầu tiên trong cuốn “Tư trị thông giám”. Các Nho sinh thời nhà Tống nhìn nhận rằng, lễ và danh phận (địa vị) là rất quan trọng. Tam gia phân Tấn không chỉ là ba nhà lấy được quyền hành, phân chia đất đai, phế bỏ vương vị quốc vương của nước Tấn mà họ còn tự ý kiến lập quốc gia cho riêng mình. Thêm vào đó, Thiên tử nhà Chu lại thừa nhận việc này, cho nên nói Chu Thiên tử chẳng khác nào cổ vũ các đại phu nước Tấn đứng lên tạo phản. Đây là bắt đầu cho việc làm loạn địa vị thân phận.

Tại sao Tư Mã Quang lại coi trọng “lễ” đến vậy? Ông cho rằng một quân vương rất khó duy trì được quyền lực, năng lực, khả năng mưu lược… của mình ở vị trí độc tôn bởi luôn có những đại thần lợi hại hơn. Tại sao dù đại thần lợi hại hơn quân vương nhưng bậc bề tôi ấy không được làm vua? Chính vì nó có khoảng giới hạn mà Tư Mã Quang nói là “danh phận”.

Còn “lễ” thì sao? Ta biết rằng một quân vương cho dù là người thông minh nhất của quốc gia đó nhưng không thể đảm bảo rằng con ông, cháu ông, đời này qua đời khác đều là người thông minh nhất, có năng lực nhất. Dưới tình huống như vậy, nếu chỉ dựa vào năng lực và thực lực mà nói, chẳng phải quân vương sẽ đối mặt với nguy hiểm thậm chí bị giết bởi thế lực của những vị đại thần kia sao? Cho nên phải có thứ gì đó ước thúc, đó chính là “lễ”.

Nếu quốc vương giữ lễ, ông là vị vua tốt, đại thần có thể giữ lễ thì họ sẽ không sát hại quốc vương. Chính quyền quốc gia như thế mới có thể bình ổn, kéo dài từ đời này qua đời khác. Khi “tam gia phân Tấn” thì danh vị đã loạn mất rồi, đó là sự việc châm ngòi cho việc các quốc gia khác bắt đầu không còn nói đạo đức nữa mà chỉ nói về thực lực. Thiên hạ bắt đầu tiến nhập vào thời kỳ “cá lớn nuốt cá bé”, các quốc gia thôn tính lẫn nhau. Đây gọi là thời Chiến Quốc.

Tranh vẽ Tư Mã Quang (Ảnh: Phạm vi công cộng).

Rốt cuộc “tam gia phân Tấn” là chuyện gì? Ban đầu Đại phu nước Tấn có sáu nhà (6 họ) lớn, gọi là “Lục khanh”. Sau này Đại phu nhà họ Phạm và họ Trung Hành bị tiêu diệt, còn lại bốn nhà có thực lực thời đó là: Trí gia, Hàn gia, Triệu gia và Ngụy gia.

Trong bốn nhà thì thực lực của Trí gia là mạnh nhất với Đại phu tên là Trí Bá Dao (tên khác là Trí Bá). Trí Bá Dao có năm đặc điểm. Một là dáng người rất đẹp, gọi là “râu đẹp dài, tướng mạo hơn người”. Hai là kỹ năng bắn tên (xạ) và đánh xe (ngự) của ông rất tốt, gọi là “giỏi xạ ngự hơn người”. Ba là kỹ thuật của ông rất nhiều, gọi là “nhiều kỹ thuật hơn người”. Tiếp nữa là ông cương nghị quả cảm, làm việc rất quyết đoán. Cuối cùng là ông còn có tài biện luận.

Nhưng vấn đề lớn nhất của Trí Bá Dao là đã tham lam lại còn bất nhân. Thời đó khi ông đang mong mỏi tước vị thì có người nói với phụ thân ông rằng: “Người con này của ông lấy ‘năm sở trường để xâm phạm lợi ích người khác’, có được nhiều sở trường như vậy nhưng lại bất nhân. Cậu ta dùng những sở trường để thực hiện mục đích không tốt, cuối cùng sẽ mang đến tai họa cho nhà họ Trí thôi”. Kết quả cha của Trí Bá Dao không nghe, vẫn lập ông làm Thế tử, sau đó Trí Bá Dao trở thành Đại phu nhà họ Trí.

So với Trí gia thì thực lực Hàn gia, Triệu gia, Ngụy gia có phần yếu hơn. Năm 455 TCN, Trí Bá Dao vì muốn làm suy yếu ba nhà kia bèn nghĩ ra một kế. Ông nói rằng hiện tại nước Việt đang rất lớn mạnh, là uy hiếp đối với nước Tấn. Trí Bá Dao yêu cầu Đại phu ba nhà kia mỗi nhà cắt 100 dặm đất sung công. Có được nhiều đất sẽ có nhiều nhân khẩu và thu thuế được nhiều hơn, mới có tiền huấn luyện binh sĩ, như vậy nước Tấn mới an toàn. Ông lấy cớ đó để lấy đất ba nhà kia. Khi đó Hàn gia và Ngụy gia sợ thanh thế của Trí Bá Dao mà buộc phải tuân mệnh.

Khi Trí Bá Dao muốn lấy mảnh đất Cao Lang (nay thuộc huyện Ly Thạch, tỉnh Sơn Tây Trung Quốc) của nhà Triệu, Đại phu Triệu Tương Tử nhất quyết không chịu. Triệu Tương Tử nói: “Mỗi tấc đất Triệu gia chúng ta đều trải qua trăm trận chiến mới có được, trên mảnh đất này thấm đẫm máu của tổ tiên. Một tấc ta cũng không đưa! Hàn gia và Ngụy gia cắt đất đó là chuyện của họ, ta tuyệt đối không đưa”.

Khi đó Trí Bá Dao nổi cơn thịnh nộ, thế là ông bèn giao ước với Hàn gia và Ngụy gia cùng phát binh đánh nhà họ Triệu. Ông nói thêm rằng: “Nếu Triệu gia bị diệt, đất của họ sẽ chia làm ba phần, mỗi nhà chúng ta một phần”. Hàn gia và Ngụy gia một mặt sợ thanh danh và thế lực của Trí Bá Dao, mặt khác lại tham đất đai nhà họ Triệu, do đó ba nhà Trí – Hàn – Ngụy liên quân tấn công Triệu gia.

Phụ thân Triệu Tương Tử trước khi mất từng nói với ông rằng: “Nếu Triệu gia chúng ta gặp bất cứ biến cố gì thì nơi an toàn nhất là Tấn Dương”. Tấn Dương chính là thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc bây giờ. Cao Lang là mảnh đất của Triệu gia nhưng họ sinh sống chủ yếu ở Khúc Ốc (là địa hạt của huyện Lâm Phần, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc). Từ Khúc Ốc đến Tấn Dương là 300km đường bộ, là một chặng đường rất dài. Triệu Tương Tử khi thấy ba nhà liên quân thì đã chuẩn bị để chạy rồi.

Ông hỏi các đại thần: “Chúng ta nên đi đâu?”. Các đại thần đề xuất là tới Trường Tử (nay thuộc huyện Trường Tử, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc). Bởi vì tường thành ở đấy mới tu sửa lại, vừa cao vừa dày. Triệu Tương Tử nói rằng: “Không thể được. Vì tu sửa thành trì đã làm bách tính một phen cực nhọc rồi. Nay ta lại đến khiến họ thay ta chiến đấu, như thế không công bằng, cho nên chúng ta không thể đến đó”.

Đại thần khác lại nói: “Chúng ta nên đến Hàm Đan, quốc khố ở đó rất sung túc giàu có”. Triệu Tương Tử nói: “Chính vì quốc khố ở đó có rất nhiều tiền, cho nên chúng ta không thể đến. Bởi vì tiền ở đó là do bách tính nhọc công làm lụng. Như thế này, nghe theo lời phụ thân ta, đi đến Tấn Dương vậy”. Thế là họ từ Khúc Ốc đi vội 300km đến Tấn Dương.Thành Tấn Dương vô cùng kiên cố. Năm đó người chủ trì việc xây dựng tòa thành này là Doãn Đạc và Đổng An Vu. Trước khi khởi công xây dựng thành trì, họ từng hỏi phụ thân của Triệu Tương Tử rằng: “Ông có muốn chúng tôi mở một con đường phía sau để kinh doanh buôn bán, kiếm thêm tiền tài, làm cho ông giàu có hơn không?”. Khi đó cha của Triệu Tương Tử nói: “Phải xây một con đường để kinh doanh vận chuyển như vậy”. Hai người Doãn Đạc và Đổng An Vu là thuộc hạ dưới trướng phụ thân Triệu Tương Tử, họ còn phụ trách việc cai quản vùng đất đó. Hai người họ đối đãi với bách tính thành Tấn Dương rất tốt, thu thuế rất nhẹ, người dân ở đó rất trung thành với họ. 

Sau khi đến Tấn Dương, Triệu Tương Tử ở vùng đất đó trấn thủ thành trì, ba nhà liên quân tấn công trong hai năm từ 455 TCN đến 453 TCN nhưng không đánh hạ được. Lúc này Trí Bá Dao có chút sốt ruột. Một ngày nọ Trí Bá Dao đang đi tuần tra quan sát địa lý đột nhiên trông thấy một tòa núi, trăm suối ngàn khe trên núi ấy cứ cuồn cuộn chảy về đông. Ông hỏi dân địa phương đây là núi gì, sông gì. Dân địa phương đáp, dòng nước này gọi là Tấn thủy, là một con sông rất lớn.

Trí Bá Dao đột nhiên nghĩ ra một mẹo. Ông muốn làm một bờ đê kè ở hạ lưu sông, ngăn nước lại rồi dẫn để nhấn chìm thành Tấn Dương. Thế là quân đội ba nhà bắt đầu kế hoạch. Lúc đó chính vào mùa xuân, nước sông dâng đầy, rất nhanh sau đó nước đã ngập đến thành Tấn Dương. Ngoài thành khi ấy bát ngát không biết đâu là bờ, chỉ bốn năm thước nữa là ngập đến mặt thành. Phòng ốc trong nhà bách tính ngập hết rồi, không có chỗ nấu ăn, người dân chỉ có thể đem nồi lên mái nhà nấu cơm, lúc đó trời vẫn còn mưa… Nhưng trong tình huống gian khổ đó, không ai trong thành Tấn Dương muốn đầu hàng.

Triệu Tương Tử đã làm cách nào để hoá giải mưu kế thâm độc này của Trí Bá Dao? Xin quý độc giả đón đọc ở kỳ tiếp theo…

Mạn Vũ
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV

Ghi chú:

(1) Nghĩa là: tấm gương người thầy ảnh hưởng đến vạn thế hệ sau.
(2) Tam vương là chỉ ba vị quân chủ khai quốc gồm: Đại Vũ nhà Hạ, vua Thang nhà Thương, và Chu Văn Vương nhà Chu. Đây cũng là ba vị vua hiền minh trong lịch sử Trung Quốc.