Tôi sinh ra trên một vùng quê nghèo của Việt Nam. Tuổi thơ tôi vui với lưng trâu, cánh diều và dòng sông đầy thơ mộng. Người dân quê tôi ngày đó sống rất giản dị, mộc mạc và chất phác. Tuy cuộc sống nhà quê vất vả cực nhọc nhưng mọi người đều tin tưởng và gần gũi nhau. Tối đến, khi đã xong chuyện đồng áng, người lớn thường ngồi uống trà nói chuyện với nhau, còn bọn trẻ con chúng tôi thì nô đùa ngoài sân. Trò tu hú, thả đỉa ba ba, bịt mắt bắt dê, trốn tìm… đã đi theo suốt tuổi thơ tôi.

nho que huong tuoi tho toi 1

Ngày đó quê tôi cũng chưa có điện như bây giờ. Ánh sáng duy nhất cho buổi tối ngày ấy là ngọn đèn dầu. Tiếng cô bán dầu mỗi buổi chiều đã trở nên quen thuộc với chúng tôi. Vì chưa có điện nên cứ tối đến là trời tối đen như mực vậy không như bây giờ điện sáng khắp mọi nơi. Vài năm sau đó, điện cũng về đến thôn làng. Vậy là từ đó bọn trẻ chúng tôi không phải dùng đèn dầu để học nữa. Cuộc sống nhà tôi cũng đã khá giả hơn. Nhà mới xuất được lứa lợn, bố quyết định mua cái ti vi. Hồi đó, có ti vi đen trắng là oai lắm rồi, nhà tôi trở thành điểm tập trung của cả xóm lúc 7 giờ tối khi bắt đầu chiếu phim “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”. Nhà tôi đông vui hẳn lên. Có lần, mọi người đến xem đông quá ngồi sập cả cái giường. Tôi còn thu vé mấy đứa trẻ con xóm bên mỗi lần xem phim là một viên bi, đứa nào có bi thì ngồi chỗ đẹp, còn đứa nào không có thì ngồi chỗ kém hơn. Tuổi thơ tôi thật đẹp. Nhưng giờ thì cái tivi đen trắng ngày nào chỉ còn là kí ức.

Ngày ngày tôi đều cùng đám bạn thả trâu ra đồng từ sáng sớm cho tới chiều muộn. Làng tôi nằm cạnh con sông Đuống. Do được sông chở che bồi đắp nên cánh đồng làng tôi rất màu mỡ. Chiều chiều, mấy đứa con trai chúng tôi thường rủ nhau thi bơi xem ai bơi xa hơn. Phần thưởng dành cho người chiến thắng là ba que kẹo kéo. Nhắc đến kẹo kéo, có lẽ đây là món ăn khoái khẩu nhất của trẻ con miền Bắc chúng tôi ngày bé. Hồi đó một thanh sắt tôi đổi được 3 que kẹo kéo. ”Kẹo kéo đây, ai đổi kẹo kéo nào” tiếng cô bán kẹo vang vọng in hằn vào tuổi thơ.

nho que huong tuoi tho toi 2

Lại một mùa vụ mới bắt đầu. Tiếng người nói chuyện, tiếng xe cộ, tiếng kêu của những chú bê con, nghé con phải ở nhà không được theo mẹ ra đồng thật tấp nập và vui nhộn. Người người hối hả ra đồng cho kịp vụ mùa. Từ tờ mờ, tôi và anh trai đã cùng bố ra đồng bẻ ngô. Chú trâu đêm hôm trước đã được mẹ chuẩn bị năng lượng bằng một nồi cháo ngô đầy bự nên nhìn có vẻ dũng mãnh hơn khi kéo tôi và bố trên chiếc xe cải tiến, kéo mãi mới chịu đi. Thi thoảng gặp bạn trên đường, chú ta lại ngoái cổ lên kêu ọ một tiếng cứ như là chào hỏi nhau vậy, cái mồm nhai nhai rồi cúi xuống đi tiếp thật là buồn cười. Cuối cùng cũng ra tới bãi bồi. Xuống tới ruộng, tôi với anh trai thi nhau xem ai bẻ được nhiều ngô hơn, nếu ai thua sẽ phải quét sân một tuần. Nghĩ  lại khoảng thời gian ấy, ôi chao sao mà thú vị, ngây thơ và trong sáng đến thế.

Tiếng chim én cùng những hạt mưa phùn lớt phớt bay báo hiệu mùa xuân sắp đến. Có lẽ ngày Tết là ngày mà bọn trẻ con mong chờ nhất. Tết đến chúng sẽ được đi chợ sắm Tết, phiên chợ Tết quê tôi là ngày 28. Hôm đó hai anh em tôi được mẹ đưa đi chợ sắm Tết, được ăn một tô bún riêu cua thật là to, món yêu thích mà một năm tôi chỉ được ăn một lần. Mẹ mua cho anh em tôi mỗi người một cái áo mới để diện Tết. Được mọi người mừng tuổi, nhất là được ăn kẹo thỏa thích, tôi còn lấy phần để dành sau Tết. Ngày đó, mỗi khi Tết đến, làng tôi đều tổ chức lễ hội. Có chọi gà, đập niêu, kéo co và đấu vật nữa. Tiếng hát quan họ, tiếng trống làng, tiếng hò reo vang lên thật là vui, thật  là náo nhiệt. Có năm, bố tôi đạt giải nhất hạng cân 50 đấu vật. Nhìn bố gầy gầy đen đen mà khỏe phết. Phần thưởng bố đoạt được là một chiếc mâm đồng cộng thêm cái  phích đựng nước. Ngày 29 Tết, mẹ thường sai anh em tôi lôi hết đồ trong nhà ra cọ rửa sạch sẽ để đón Tết. Nhà tôi như được thay một chiếc áo mới trước khi xuân về.

nho que huong tuoi tho toi 3

Bọn trẻ chúng tôi bây giờ đều đã lớn cả rồi. Quê tôi giờ cũng khác xưa. Con đường đất ngày nào giờ được thay thế bằng đường bê tông. Bóng điện sáng khắp làng. Những căn nhà lụp sụp mái tranh, mái ngói đã bị che lấp bởi rất nhiều nhà cao tầng. Nhà ai cũng có ti vi nên không còn phải đi xem nhờ nữa. Những cảnh tượng ngày nào giờ không còn nữa. Đặc biệt là giờ đây nhà ai cũng kín cổng cao tường vì nạn trộm cắp rất rất nhiều. Tối đến ai ở nhà đấy. Tình làng xóm cũng không còn gần gũi và mộc mạc như xưa. Các quán xá, mọc lên như nấm. Những trò chơi trẻ con ngày xưa đã dần đi vào quên lãng, thay vào đó là các trò chơi điện tử. Dòng sông ghi dấu ấn tuổi thơ của những đứa trẻ chúng tôi ngày nào giờ đã trở nên già nua và bệnh tật vì rác thải của một nhà máy cạnh đó.

Khi cuộc sống hiện đại với những bon chen và hối hả, khi con người ngày càng coi trọng lợi ích vật chất thực tế thì những điều thiêng liêng trong tâm hồn con người, trong tình người cũng dần bị chai sạn, dần bị nhạt phai. Không biết lũ bạn tôi ngày xưa, giờ đây có ai cùng tôi nhớ lại quê xưa, nhớ lại Tết xưa…

nho que huong tuoi tho toi 4

Vũ Thành

Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.

Xem thêm: