Thời nhỏ, đạn bom loạn lạc, sơ tán hết đồng này núi nọ. Cơm khoai không có. Thức đêm vò võ nghe tiếng bom, tiếng pháo mà rùng mình. Nói gì đến trường, đến lớp. Ngoại tôi cầm theo được tập giấy dó, chỉ lâu lâu dạy cho vài con chữ Thánh Hiền. Và Sở Kiến Hành của Nguyễn Du đã được đọc đi đọc lại nhiều lần trong khung cảnh như thế…

Tiếp theo phần 1

Sở Kiến Hành: Khi Đại thi hào cúi xuống nhìn những con người khổ đau

“Sở kiến hành” là một bài Hành được làm trên con đường đi sứ của ông quan lớn được giao trọng trách sang triều cống cho nhà Thanh ở Bắc Kinh. Trên con đường vạn dặm đến đất nước Thiên Triều chỉ nghe nói qua thơ văn và các sách Thánh Hiền, Nguyễn Du đã mở rộng kiến văn của mình bằng thực tế.

Với 132 bài được sưu tầm, ta có thể coi đây là những trang nhật ký đi đường của Nguyễn Du. Chính ông cũng coi nó là “tạp lục” (ghi chép lộn xộn). Thế nhưng, nhiều nhà nghiên cứu đã cho “Bắc hành tạp lục” là những tác phẩm xứng đáng tầm cỡ của Đại thi hào!

Người ta thường nói: Một trong những khía cạnh vĩ đại của Nguyễn Du là ông đã cúi xuống nhìn con người khổ đau. Thậm chí có thể cho rằng: Nguyễn Du không chỉ cúi xuống mà đã lẫn vào, hòa vào trong những ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh của kiếp người thống khổ.

Một mẹ cùng ba con,
Lê la bên đường nọ,
Đứa bé ôm trong lòng,
Đứa lớn tay mang giỏ.
Trong giỏ đựng những gì?
Mớ rau lẫn tấm cám,
Nửa ngày bụng vẫn không,
Áo quần vẻ co dúm.
Gặp người chẳng dám nhìn,
Lệ sa vạt áo ướt,
Mấy con vẫn cười đùa,
Biết đâu lòng mẹ xót?

Gặp người chẳng dám nhìn, lệ sa vạt áo ướt

Gặp người chẳng dám nhìn,
Lệ sa vạt áo ướt,

(“Kiến nhân bất ngưỡng thị, lệ lưu khâm lang lang”)

Người xưa thường dùng hai tiếng “ngưỡng thị” để chỉ sự kính mộ Thần Phật. Cho nên thường dịch là “ngửa mặt lên nhìn”. Trong “Tây du kí “: Nhược kiến liễu Bồ Tát, thiết hưu NGƯỠNG THỊ. Chỉ khả đê đầu lễ bái (若見了菩薩, 切休仰視. 只可低頭禮拜)  Nếu trông thấy Bồ Tát, quyết chớ ngửa mặt lên nhìn. Chỉ nên cúi đầu lễ bái.

Hành động cúi đầu tiếp theo của người mẹ cho ta gặp tâm hồn Thiện Lương chân chất của chị. Với những người mà chị cầu cạnh để xin ăn, chị coi họ như Bồ Tát cứu sinh rảy nước cam lồ cho thân phận bốn mẹ con vậy!

Lệ lưu khâm (vạt áo trước) lang lang (Lệ sa vạt áo ướt)

Hai chữ “lang lang” 浪浪 có nghĩa là nước chảy băng băng, là những con sóng nhấp nhô. Ở đây, “Lệ chảy vạt áo trước ngực như những đợt sóng lớn“.

Phải là nước mắt rất nhiều mới cuồn cuộn như sóng nước Trường Giang như vậy! Ai cũng biết rằng đây là biện pháp tu từ “nói quá”. Nhưng, có lẽ chính bằng cách này mà Nguyễn Du nói thấu triệt được sự tức tưởi, đau đớn khôn cùng của người mẹ. Tưởng như mọi con sông lớn, mọi biển khơi xa đều dậy sóng để tả nỗi ngổn ngang đau đớn không cùng của người mẹ.

Có lẽ, Nguyễn Du đã nhìn thấy người vợ thiếu chồng ấy khóc thảm thê. Tấm thân gầy và bộ ngực lép của chị cử động nhấp nhô theo từng cơn nức nở nên Nguyễn nhìn ra sông lệ, sóng lệ?

Có lẽ nước mắt ấy bị dồn nén cho đến cái tới hạn của bữa cơm cuối cùng nên nó mới chảy nhiều như vậy? Và có thể, ý thức được nước mắt đang rơi xuống người con còn ẵm trong lòng mà người mẹ ấy thê thiết đứt gan ruột. Khóc xuống mình con mà có cứu được con đâu?

(Ảnh: Ledao.so)

Chỉ cần nhìn dòng thơ chữ Hán tất cả  5 chữ thì 4 chữ có bộ THỦY. Và chữ KHÂM chứa chữ Kỳ (Y) vốn nói về lễ phục bái vọng Thần Linh, chúng ta đã có thể khóc cùng người mẹ này rồi. Đây là ưu thế của phép lặp trong chữ Hán mà chữ ghi âm chúng ta không có: 淚流襟浪浪 – Mẹ thì nước mắt xối như mưa nhưng:

“Mấy con vẫn cười đùa,
Biết đâu lòng mẹ xót?’

Có thực là 3 đứa trẻ cùng vui đùa? Và chỉ một mình mẹ nó xót thương đớn đau đứt ruột? Với lại, đến bữa rồi mà cái bụng chưa được ăn liệu chúng có đủ sức mà vui cười?

Chỉ có đứa trẻ nhỏ kia được bú. Dù là đang vắt kiệt sức tàn cuối cùng của mẹ nhưng nó đủ hồn nhiên để vui cười. Có chăng thì đứa thứ hai đang gượng đóng kịch để dỗ em, đang dùng tiếng cười vô tâm ấy làm món tinh thần thay cho bữa cuối cùng của cả nhà!

Từ một người kể chuyện đứng bên ngoài sự kiện, Nguyễn Du đã nhập hồn vía mình vào trong nỗi lòng người Mẹ, nói thay cho Mẹ. Đó là đoạn 2 của bài hành:

Lòng mẹ xót vì sao?
Đói kém phải phiêu bạt.
Nơi đây mùa khá hơn,
Giá gạo không quá đắt.
Quản chi bước lưu ly,
Miễn sống qua thì đói.
Nhưng một người làm thuê ,
Nuôi bốn miệng sao nổi!
Lần phố xin miếng ăn,
Cách ấy đâu được mãi!
Chết lăn rãnh đến nơi,
Thịt da béo cầy sói.
Mẹ chết có tiếc gì,
Thương đàn con vô tội,
Nỗi đau như xé lòng,
Trời cao có thấu nổi?

Đọc 3 câu nguyên văn bằng chữ Hán, cảm giác xót xa đến trào nước mắt:

“Quần nhi thả hỉ tiếu,
Bất tri mẫu tâm thương,
Mẫu tâm thương như hà?”

Những đứa con thì “Quần nhi hỉ tiếu” mà mẹ của chúng thì nỗi bão giông xâu xé. Hai câu thơ có kết cấu xoay vòng. Người Mẹ cố dứt khỏi vòng xoay định mệnh thì vòng quay ấy siết càng chặt, càng kéo mẹ vào gần tâm của chiếc máy vô tình tàn nhẫn ấy!

Mở đầu là “Bất tri” (không biết) và kết thì lại càng rối loạn “như hà” (như thế nào? Vì sao?)

Cả một cụm từ “mẫu thương tâm” (“mẹ đau xót tấm lòng”) được lặp lại cho thấy cái quẫy đạp trước lúc chết của mẹ chính là nỗi đau khôn cùng của tình mẫu tử.

Câu thơ đầu Nguyễn Du khách quan gọi người đàn bà này là PHỤ (vợ). Đến đây người ấy được gọi là MẪU (mẹ)

Mẫu tâm thương… Mẫu tâm thương… ” ngổn ngang lòng Mẹ. Vĩ đại thay, tấm lòng của người Mẹ …

Nguyễn Du ơi! Người làm ta rớt lệ đến trăm lần…

Không biết ông quan Chánh Sứ dừng chân được bao lâu ở bên này đường để nhìn 4 mẹ con bên kia mà ông dường như đọc được hết cả một thân phận con người.

Có người nói Nguyễn Du đã tiếp cận, đã đối thoại được với người đàn bà kia nên ông mới tỏ tường đến vậy. Theo tôi, khả năng này rất khó xảy ra. Chỉ có một trái tim nhân đạo thật vĩ đại, nhà thơ mới hiểu được hoàn cảnh nào đẩy đưa gia đình này tới tuyệt lộ.

Thực ra, là người ngoại quốc, là Thượng Khách nhưng hầu như không có gì lọt khỏi cặp mắt sắc sảo của Nguyễn Du.

“Mẫu tâm thương… Mẫu tâm thương… ” ngổn ngang lòng Mẹ. Vĩ đại thay, tấm lòng của người Mẹ … (Ảnh: pinterest.com)

Bối cảnh loạn lạc, dân tình đói khổ. Người ăn xin la liệt. Và cụ thể đến mức Nguyễn đã nhìn thấy người chết đói ngay trên đường lớn. Khi chết, hạt táo gặm hết thịt, lăn nằm cạnh người:

“Nơi đây hạn hán mất mùa
Hồ Nam. Hồ Bắc không mưa lâu ngày
Cả trai gái mặt mày xanh mét
Cám làm cơm, canh rặt rau lê
Thây ai chết đói giữa lề
Còn nguyên hột táo lăn ra giữa đường
Vách nhà trống còn in rõ chữ
Hàng mấy trăm hộ đói chết lần
Khổ thay cho phận người dân
Chén cơm manh áo chẳng cần tử sinh”

(Trở binh hành -Trương Việt Linh dịch )

Vì thế, Nguyễn biết người phụ nữ này đã bỏ quê hương mất mùa đói kém để đến với  “dị hương”. Nơi đây không mất mùa, giá gạo không đắt đỏ. Nơi đây, nếu dùng sức lao động của mình có thể chạy bữa được cho cả nhà. Nơi đây là cái phao cấp cứu cho mình sóng qua cơn đói kém rồi sẽ liệu về cố hương..

Đó là tính toán rất lành mạnh của một người lao động đã chịu quá nhiều bất hạnh. Người Mẹ tin mình sẽ làm được điều đó.

Nhưng thực tế lại đâu giống như tưởng tượng. Người Mẹ phát hiện ra cái thực tế kinh người: Một mình thân yếu liễu tơ lại dắt díu 3 đứa con thì không thể nào dùng sức lực càng lúc càng khánh kiệt để nuôi 4 miệng. Đói đầu gối phải bò. Không còn cách lựa chọn nào khác, Mẹ phải dắt đàn con đi ăn mày.

Khi mà ăn mày nhan nhãn khắp nơi, người chết đói khắp nơi, tình thương của con người là thứ xa xỉ thì người Mẹ hiểu rằng: Lần theo những con đường nhỏ loanh quanh vắng người, với sự mặc cảm không dám mở lời với kẻ đối diện thì: “Cách ấy đâu được mãi”. Không biết đây là lời của Nguyễn Du hay là tiếng nói bên trong của người mẹ:

“Cảnh chết lăn bên ngòi rãnh, trông thấy trước rồi.
Máu thịt nuôi sài lang.”

Đứng trước tình huống, cái đói thành bản án tử hình không tránh khỏi, người Mẹ không sợ chết:

“Mẹ chết không đáng tiếc,”
Chỉ đau buồn cho bầy con của mình:

撫兒增斷腸 (Phủ nhi tăng đoạn trường)

Càng vỗ về âu yếm với con bao nhiêu thì càng tăng thêm những nỗi đau đứt ruột, nát gan. Lòng Mẹ bao giờ cũng vĩ đại. Nhưng khi người Mẹ bộc lộ những cử chỉ Thiên Tính nhất mà đành tuyệt vọng. Chúng ta cảm nhận được nỗi đau vô bờ, vô bến. 

“Vỗ về con mà càng đứt ruột
Lòng đau xót vô cùng,”

Ở trên, có câu thơ tả mặt trời thật trong xanh thoáng đạt:

日晏不得食 (Nhật yến bất đắc thực)

Mặt trời trong lành thế mà mấy mẹ con chưa được ăn bữa trưa!

Thời gian chỉ mới trôi qua thoáng chốc mà mặt trời cũng vì người mà đổi thay đến kinh hoàng:

天日皆為黃( Thiên nhật giai vi hoàng).

Mặt trời nhìn thấy mấy mẹ con sắp chết mà trở nên vàng úa!

Quả là “cảnh tự tâm sinh”. Nỗi đau đã thấu cả vũ trụ!  Đĩa mặt trời cũng vàng bủng như người sắp chết! Mạch cảm hứng của bài thơ bỗng dưng chuyển hướng rất đột ngột. Nhà thơ nhớ tới câu chuyện “đêm qua”. Và mình là người trong cuộc.

(Ảnh: pinterest.com)

Trước hết, thật bất ngờ là cơn gió lạnh, gió như từ cõi âm bỗng dưng nổi lên:

“Âm phong phiêu nhiên chí”,

Cơn gió làm ta rờn rợn như mang âm hồn:

“Ào ào đổ lộc rung cây ” (Kiều)

Cơn gió khiến cho Người Đi Đường bi thương, đau buồn đến mức phải kinh hoàng sợ hãi

“Hành nhân diệc thê hoàng”.

(Gió lạnh bỗng đâu về
Khách đi đường rầu rĩ,)

Nguyễn Du không ngẫu nhiên, bỗng dưng mà nhớ:

“Đêm qua trạm Tây Hà
Mâm cổ sang vô kể?
Nào vây cá, gân hươu,
Lợn dê mâm đầy ngút,”

Một bữa tiệc toàn những sơn hào hải vị; toàn những món ngon không biết lấy bao nhiêu tiền sưu thuế của dân đen để có. Ấy vậy mà:

“Quan lớn không gắp qua,
Các thầy chỉ nếm chút.”

Quan lớn và những tùy tùng tay chân của quan rất hững hờ với bữa tiệc. Hai câu thơ gợi cho ta thấy sự xa hoa, thừa mứa, vô liêm sỉ của lũ quan to nhỏ trong trạm Tây Hà đêm qua.

Với bọn họ, ngày nào cũng là tiệc, ngày nào cũng phủ phê. Vì thế:

“Thức ăn thừa đổ đi
Quanh xóm no đàn chó,”

Câu thơ: 撥棄無顧惜 ( Bát khí vô cố tích) cho thấy cái chặc lưỡi của nhà thơ. Tất cả bữa tiệc dường như còn nguyên vẹn ấy người ta gom lại, dứt khoát bỏ đi mà không hề tiếc của, không hề xuýt xoa!

Nó khiến cho đàn chó nhà hàng xóm ăn riết rồi chán cả cao lương: 鄰狗厭膏粱 (Lân cẩu yếm cao lương).

Sự mô tả về sự phung phí của quan lại trong đêm đãi yến ấy tạo ra một liên tưởng bất ngờ:

不知官道上 (Bất tri quan đạo thượng

有此窮兒娘 Hữu thử cùng nhi nương)

Không biết trên đường quan, có Nhi nương cùng cực này!

Quan lớn và những tùy tùng tay chân của quan rất hững hờ với bữa tiệc. (Ảnh: csstoday.com)

Người phụ nữ ăn mày bắt đầu được Nguyễn Du gọi là Phụ (vợ), tiếp theo ông gọi Mẫu (mẹ). Và giờ đây ông gọi NƯƠNG (người con gái trẻ). Nguyễn Du đi sứ tuổi ngót nghét 50. Ông coi người mẹ trẻ ấy như con cháu mình? Ông nhìn thấy cái Đẹp trong nhân cách người mẹ mà cảm nhận cái đẹp của hình thể? Ông hy vọng nhà vua sẽ nhìn được bức tranh và số phận của bốn mẹ con có thể được cứu?… Thật khó nói về cái chữ Nương rất bất ngờ này!

“Biết đâu bên đường quan,
Có mẹ con cực khổ!”

Nếu theo dõi chữ Hán ta thấy hai chữ “quan” ở “Trưởng quan” (quan lớn) và “quan đạo” (đường quan) có mối liên hệ tương phản trớ trêu: Trong nhà cao cửa rộng, quan lớn không buồn đụng đũa những món cao lương; Quan sai người đổ cho chó ăn. Nhưng trên đường Quan thì có 4 mẹ con cùng đường đang lâm vào tuyệt lộ; sắp dùng máu huyết của mình để nuôi sói hoang, thú dữ (sài lang)

Ai là Sài Lang, là thú hoang, là lũ “nhai xé thịt người ngọt xớt như đường?”. Liên tưởng câu thơ trên:

“Huyết nhục tự  sài lang” (Máu thịt của bốn mẹ con ăn mày làm thức ăn chăn nuôi cho lũ sài lang!).

Chữ TỰ (cho ăn, chăn nuôi) ở đây đầy ngụ ý!

Rõ ràng, với cách nói vừa nghiêm khắc vừa bóng gió Nguyễn Du đã nhìn ra cái nguyên nhân tạo nên số phận bi đát của bốn mẹ con ăn mày. Đó là cái bi đát của người dân khi sống dưới ách của bầy lang sói hai chân. Càng loạn lạc, càng nghịch cảnh chúng càng có cơ hội để làm giàu và phè phỡn trên nỗi đau của những con người xứng đáng được viết hoa chữ NGƯỜI!

Hai câu cuối nhắc về một điển tích trong “Tống Sử”:

Khi Vương An Thạch làm tể tướng, hạn hán mất mùa, dân tình đói rét. Họ phải dỡ nhà bán. Ăn mày kéo đi đầy đường. Tình cảnh triều đình đầy phe phái cộng thêm thiên tai không ngừng như vậy, nên quyết tâm thực hành tân pháp của Tống Thần Tông  dao động Năm Hi Ninh thứ 7 (1074), phương Bắc gặp hạn hán  càng nghiêm trọng, quan viên Trịnh Hiệp trình lên Tống Thần Tông một tranh về lưu dân, cảnh tượng trong tranh rất bi thương, Tống Thần Tông bị tác động mạnh về tâm lý. Ngày hôm sau, Tống Thần Tông liền hạ lệnh bãi bỏ một số điều. Tống Thần Tông và Vương An Thành bắt đầu không tín nhiệm nhau nữa.

Không có một Trịnh Hiệp của thời đại đầy sài lang, hùm hổ, Nguyễn Du đành thay ông ta vậy:

“Ai vẽ bức tranh này
Dâng lên nhà vua rõ!”

Bài Sở Kiến Hành dường như đã làm chất xúc tác cho nhiều tác phẩm sau này. Có hai bài thơ của Anh Vũ lấy cảm hứng từ những điều Nguyễn Du đã nhìn thấy…

Bài thứ nhất, tác giả không ngủ, cùng Nguyễn Du xưa thao thức:

ĐÔNG VỀ CHO TA GẶP TIỀN NHÂN

…”Những chấm lạnh theo gió lùa hun hút
Cõi nhân gian, đêm Đông lạnh đủ mười
Chợt nhớ Nguyễn trên con đường đi sứ
Ba mẹ con, lẩy bẩy tấm thân người…  

Qua lọng gấm thi nhân tìm câu hỏi giữa trời
Mây xám xịt vây trái cầu vàng úa
Võng giá đi ngang phồn hoa đỏ phố
Trong tim Tố Như có ba mẹ con đói khổ …

Một đứa ẵm trong lòng, một đứa tay mang giỏ
Rét cắt da, áo tơi tả gió
Một bữa tiệc trạm Tây Hà
Vừa huyên náo đêm qua,
Nguyễn run tay gắp đũa…

(Ảnh: pinterest.com)

Sao Nguyễn ơi,
võng lọng đã đi xa
Ba mẹ con ăn mày
Nguyễn nhìn trong thoáng chốc
Mà Nguyễn thấy được trong giỏ kia
Rau cải trời lấm vài ba hạt tấm
Của những ngày họ phiêu bạt phải xa quê?”

Ước sao trở lại trời đông đất bắc

Bài thơ đưa người đọc về lại một mùa đông đã xa. Thửa ấy đứa trẻ theo bà đi chợ nhìn thấy hai mẹ con ăn mày bên gốc sung đầu cổng. Đứa bé xin mấy xu tiền vốn mua mít mua na để cho họ. Bà kéo tay đi. Khi chợ vãn, bà cháu quay về thì người con đã chết. Kỷ niệm ấy ám ảnh suốt đời cậu bé. Chỉ khi làm người tu luyện, đứa bé xưa  giờ đây mới tin linh hồn là bất tử. Cậu cầu niệm và cậu đã gặp được hai người thăng hoa lên cảnh giới cao:

….”Ta muốn qua cổng chợ vắng hiu,
Ngồi cầm cập góc sung già kín gió,
Có mẹ con ăn mày,
Áo nâu vá chằng, vá đụp,
Quay hướng nào cũng kìn kịt lạnh lay,
Những ngày ướt gió..

Ta lần chần,
Bà ngoại níu tay,
Kéo về cuối chợ.
Rét làm sao những kiếp ăn mày!
Nó đè nặng đời ta, đẳng đeo như món nợ…
Óc ách những nốc thuyền
Dầm mưa phùn, sóng vỗ…

Có một ngày,
Những dấu chân bùn lầy loang lổ.
Người mẹ thất thần,
Nhìn manh chiếu dưới gốc sung…
Mưa lùng nhùng,
Nối hai bờ sông La,
giăng giăng trắng xóa…
Ta hờn giận bà,
Một ngày câm nín.
Ôi những đồng xu,
Sao mua mít, mua na?

Cho ta về lại với mùa Đông sông La,
Ngắm trăng lạnh nặng nề lăn lên dốc
Tâm hồn trẻ thơ có giúp sáng thân Trăng?
Kiếp người ơi, sao cứ mãi nhọc nhằn?

Xuân đến Hạ
Bệnh, rồi đến Tử
Trò chơi con Tạo
Chiếc cầu bập bênh.
Kiếp phù sinh,
Như chiếc bánh Luân Hồi .
Cắn Tân Khổ vào Tâm,
Mà tưởng ngọt bùi.

Ai đã ngồi dưới gốc sung mà chết đói?
Ai thừa thãi bạc vàng,
Đôi mắt dửng dưng
Phủ đầy bóng tối?

Ngày ấy qua rồi,
Muốn quên ngày ấy.
Múi mít sao không thơm?
Mắt na sao run rẩy?
Người mẹ kia có còn ngồi đấy?
Để hôm nay về đây
Ta thắp nén Từ tâm!”

Để hôm nay về đây. Ta thắp nén Từ tâm! (Ảnh: pinterest.com)

“Đại Nam chính biên liệt truyện” đã kể cái chết của Nguyễn Du thật lạnh lùng và bí hiểm: “Đến khi bệnh kịch, không chịu uống thuốc, sai người nhà mở duỗi chân tay, nói đã lạnh cả, Du bảo rằng “tốt”, nói xong thì chết, không nói một câu nào đến việc sau khi chết”.

Văn chương của Nguyễn Du không chết. Nỗi đau đời, tình cảm yêu thương và sự trân quý sinh mạng, trân quý nhân cách con người vô bờ bến của ông sẽ khiến ông bất tử.

Bài Sở Kiến Hành đã lặp lại hai chữ Dị Hương. Người mẹ vì miếng ăn mà phải bỏ quê hương đi đến Dị Hương miễn sống qua thì đói. Trong khao khát khi rời quê chắc hẳn có ngày mong gặp cố hương. Chữ Dị không hứa hẹn bất cứ cái gì tốt đẹp.

Giữ được Đạo Đức truyền thống, đó mới là văn minh thực sự, chứ không phải nhà cao cửa rộng, tiệc tùng xa hoa. Yêu và hiểu Nguyễn Du là chúng ta đang trên đường lớn về nhà. Người Việt hạnh phúc, khi có linh hồn Việt, văn hóa Việt. Đến với chữ Dị chúng ta sẽ đến với khổ đau. 

La Vinh