Có người nói rằng cách nhanh nhất để hủy đi mối quan hệ là nói đạo lý với người kia, nhiều người bày tỏ tán đồng với quan điểm này. Nhưng họ lại không nghĩ rằng, duy trì một mối quan hệ trong thời gian dài mà không nói lý lẽ, đến cuối cùng sẽ đón nhận cái kết thế nào.

Trong tình huống thông thường, lời góp ý tất nhiên nhất thời sẽ khiến người kia trong tâm không được thoải mái, nhưng sau khi bình tâm lại, cân nhắc đúng sai một cách kỹ lưỡng, nhìn lại bản thân, thì trái lại sẽ khiến cả hai càng thêm an tâm. Trái lại, một mối quan hệ mà không lắng nghe những góp ý từ người kia thì giống như bịt tai trộm chuông vậy, mới đầu cảm thấy cũng ổn, nhưng lâu dần sẽ khó tránh khỏi những mâu thuẫn xung đột.

Ngày trước, có cư dân mạng đưa ra câu hỏi như vậy: “Tại sao người bạn trai đã biết rõ bạn gái đang giận dỗi, nhưng anh không chịu dỗ dành, mà trái lại còn giảng đạo lý?”.

Đáp án cho câu trả lời này thật là muôn màu muôn vẻ, nhưng quan điểm ​​chung thì chỉ có hai dạng, một là người bạn trai kia chỉ số tình cảm thấp, hai là người bạn gái này quá ấu trĩ.

Ảnh: Freepik.

Những người nói rằng người bạn trai có chỉ số tình cảm thấp kia cho rằng trong tình yêu và hôn nhân, thì người đàn ông phải luôn biết dỗ dành, nâng niu người phụ nữ trong lòng bàn tay. Tuy nhiên, tình huống này trong cuộc sống hiện thực lại rất hiếm gặp, ngay đến cả cha mẹ các cô nàng cũng không thể nâng niu con gái họ trong lòng bàn tay cả đời được mà, huống chi là người bạn trai.

So sánh ra, những người chỉ trích cô bạn gái kia ấu trĩ lại có cái nhìn thực tế và chín chắn hơn. Làm người thì phải hiểu hai chữ tôn trọng. Một mối quan hệ không nói lý lẽ ắt có sự phân biệt về kẻ yếu người mạnh, người này lấn áp người kia trong thời gian dài, hay nói thẳng ra thì đó chính là một sự áp bức.

Về bản tính con người, từ xưa đến nay thì hễ nơi nào có áp bức thì nơi đó có phản kháng. Thế nên, mối quan hệ nào muốn được bền lâu thì đều phải biết “nói lý lẽ”, phải biết lắng nghe những lời góp ý chân thành của đối phương.

Ép dạ cầu toàn cuối cùng lại không thể cầu toàn được

Trong thành ngữ Trung Quốc có câu “ép dạ cầu toàn”, tức là nhân nhượng vì muốn mọi chuyện được êm xuôi hay chiều theo một cách miễn cưỡng, nói rằng vì muốn duy trì một trạng thái nào đó mà phải miễn cưỡng nhượng bộ.

Trong cuộc sống thường ngày, người ta vì để đạt thành mục đích nào đó làm ra những việc trái với mong muốn thực sự của mình, nhưng trường hợp này thường chỉ xảy ra trong hợp tác kinh doanh hoặc hợp tác ngắn hạn khác. Còn trong mối quan hệ tình cảm thì không ai có thể “ép dạ cầu toàn” trong một thời gian dài như vậy được, và ngay cả khi họ tạm thời có thể nhẫn chịu được, thì cái kết cũng thường phản tác dụng.

Nhà tâm lý học Sigmund Freud đã từng nói: “Những cảm xúc không được biểu đạt đều sẽ không bao giờ mất đi, chỉ là chúng bị chôn vùi, và một ngày nào đó sẽ bùng phát theo những cách xấu tệ hơn”.

Trong một mối quan hệ, dù là cảm xúc tốt hay cảm xúc xấu đều sẽ không ngừng tích dồn lại, cuối cùng sẽ bộc phát ra ngoài. Vậy nên, suy cho cùng thì ép dạ cầu toàn không phải là một giải pháp lâu dài.

Nói lý lẽ là trách nhiệm nếu muốn tình cảm được bền lâu

Chúng ta cần phải biết rằng tình cảm không thể tồn tại lâu dài trong cảm tính thuần túy. Mối quan hệ tình cảm mà không có lý trí thì khó có thể bền lâu, đôi khi nó còn có thể tạo thành những thiệt hại khôn lường cho cả hai bên.

Phần nhiều những người đang say đắm trong tình yêu lại cố chấp cho rằng nói lý lẽ là cứng nhắc, là áp đặt, là không đủ yêu thương và bao dung đối phương. Nhưng trên thực tế, người nói lý lẽ mới là người hiểu lý lẽ, và là người muốn mối quan hệ tình cảm này được bền lâu.

Người ta thường nói, kẻ tung hô chỉ là người đứng ngoài, người bình phẩm mới là người mua hàng. Trong mô hình kinh doanh, người trong nghề đều hiểu rằng chỉ những khách hàng hay soi mói mới là người mua hàng thực sự, việc kinh doanh có thể thành công hay không phụ thuộc vào việc đối phương bắt bẻ có hợp lý hay không.

Quan hệ tình cảm giữa người với người cũng vậy, những ai mà chỉ một mực tán dương, người như vậy hoặc từ sớm đã nghĩ ra đường lui, hoặc là đang tâng bốc để mưu hại bạn.

Thánh nhân cũng có lúc mắc sai lầm, huống chi chúng ta chỉ là những người bình thường.

Tình cảm tốt phải có sự đồng điệu với nhau

Nhiều người cho rằng tình cảm là thuộc về cảm xúc, nó thường thiếu mất phần lý trí, nhưng thực ra tình yêu vừa là nghệ thuật, cũng vừa là khoa học. Đôi khi tình yêu cũng cần phải được tôi luyện.

Suy cho cùng, tình yêu sét đánh không bền chắc bằng tình cảm ở lâu sinh tình, sự đồng điệu là hình thành bởi điều chỉnh thói quen và dưỡng thành từ sự ỷ lại, đây là nền tảng của tình cảm.

Tình cảm của con người giống như sự khô héo và tươi tốt của cỏ cây. Loài cỏ không có rễ sâu dù có tươi tốt nhưng cũng chỉ là nhất thời, cũng không thể mãi được như vậy. Loài cây có bộ rễ sâu, dù thân cây có vàng úa và khô héo lúc mùa đông nhưng  vẫn có thể đâm chồi và tiếp tục phát triển trở lại vào mùa xuân ấm áp năm sau.

Trên đời này không có tình cảm nào trọn vẹn cả, nó cũng như miếng ngọc, nếu  không trải qua mài giũa thì không cách nào thành đồ quý được, một mối quan hệ mà muốn được ổn định lâu dài thì phải kinh qua nhiều lần cọ xát rồi mới tìm được chỗ đồng điệu với nhau.

Quan hệ tốt đẹp – đã thấu tình thì càng phải đạt lý

Trong cuốn sách “Sức mạnh kinh người của cảm xúc” có một câu như vậy: “Hết thảy các quy tắc, điều lệ và quy định xử phạt đều không thể thay đổi được nội tâm của con người. Chúng chỉ có thể có tác dụng với con người từ bên ngoài, buộc người ta phải che giấu những điều mình muốn”.

Tuy nhiên, bản tính của con người không ai có thể che giấu được, nên khi sự khiên cưỡng và bất mãn tích tụ đến một mức độ nhất định, thì thảm họa bùng nổ cảm xúc sẽ ập đến.

Ảnh: Freepik.

Thấu tình là đứng trên lập trường của đối phương mà suy xét vấn đề, như vậy sẽ dễ lý giải và bao dung cho nhau. Nhưng nếu lập trường của đối phương mà quá cứng nhắc, thì ta cần phải nói lý để điều chỉnh; còn nếu cứ một mực làm theo đối phương, cuối cùng sẽ khó tránh miễn cưỡng cầu toàn. Vậy nên, muốn duy trì một mối quan hệ tốt đẹp thì không những phải thấu tình, mà càng phải đạt lý.

Mặc dù tình cảm tốt đẹp có những chỗ không cần phải nói lý lẽ, nhưng điều này vốn không có nghĩa là không nói lý thì có lợi cho tình cảm phát triển. Là người có lý trí, thì không nên bị cái quan điểm gọi là “tình cảm tốt đẹp, không cần nói đạo lý mà chỉ nói chuyện yêu thương” tẩy não, bởi tình yêu nếu muốn bền lâu thì cần được xây dựng trên sự thấu hiểu và đồng điệu, mà để đạt được điều này thì cần phải nói lý và góp ý cho nhau.

Theo Aboluowang
Thanh Hoa biên dịch