Trên thế giới này có những người từng bị hổ báo làm bị thương, lại cũng có những truyền thuyết đáng sợ về ma quỷ hại người. Tuy nhiên, gây ra cái chết oan uổng cho hàng ngàn hàng vạn người lại chính là con người, làm hàng nghìn hàng vạn người bị ngược đãi lại cũng là con người. Những hành vi tàn khốc đó chính là đang diễn ra hàng ngày ở nhiều quốc gia trên thế giới. 

Trong ký ức tuổi thơ của tôi, điều để lại ấn tượng sâu sắc ngoài đói khát và cô độc chính là nỗi sợ hãi. Nhưng rốt cuộc nó là gì, từ đâu đến, điều này mãi giống như một câu hỏi trong vòng luẩn quẩn…

Tôi sinh ra tại một làng quê hẻo lánh lạc hậu, sinh sống ở đó mãi cho đến 21 tuổi mới rời khỏi quê hương. Vùng đó mãi cho đến những năm 80 của thế kỷ trước mới có điện, trước đó, chỉ có thể dùng đèn dầu và nến chiếu sáng. Nến thời đó được coi là thứ xa xỉ phẩm, chỉ những dịp lễ trọng đại như ngày Tết mới thắp, còn trong những ngày bình thường, chỉ có thể dùng đèn dầu.

Trong một khoảng thời gian rất dài, dầu hỏa được cung cấp bằng tem phiếu, hơn nữa giá cả thời đó lại vô cùng đắt đỏ, vì vậy, không thể tùy tiện thắp được. Tôi đã từng đòi hỏi được thắp đèn trong khi ăn cơm, nhưng bà nội giận dữ mắng rằng: “Không thắp đèn, thì con nhét nhầm cơm vào lỗ mũi hay sao?”. Đúng vậy, dẫu là không thắp đèn, chúng tôi vẫn cho cơm vào miệng ăn một cách chính xác, chứ không phải nhét vào lỗ mũi.

Trong những ngày tháng đó, mỗi khi màn đêm buông xuống, bao trùm lên làng tôi là một tấm màn tối đen như mực, tối đến nỗi không nhìn rõ được năm ngón tay trước mặt. Để vượt qua những đêm tối dài dằng dặc này, các cụ già trong làng thường kể những câu chuyện về yêu ma quỷ quái cho đám trẻ con chúng tôi nghe.

Trong những câu chuyện này, dường như hết thảy thực vật và động vật đều có thể biến thành người hoặc là có khả năng kiểm soát ý chí của con người. Các cụ thường nói, những chuyện này đều là có thật và lũ trẻ chúng tôi cũng tin rằng chúng là thật. Những câu chuyện này vừa làm chúng tôi thấy sợ hãi lại vừa cảm thấy hứng thú. Càng nghe càng sợ, càng sợ lại càng muốn nghe.

Ảnh minh họa: Medium.

Tôi rất sợ ma, sợ quỷ như vậy, nhưng chưa bao giờ gặp được chúng và không có con ma nào tới làm hại tôi. Sống trong những ngày tháng sợ ma sợ quỷ thời niên thiếu, thực sự tôi có đôi chút kỳ vọng mong được gặp một lần. Ví dụ, tôi từng hy vọng gặp người một cô gái xinh đẹp do hồ ly hóa thành, và hy vọng nhìn thấy một vài con vật biết nói trong đêm trăng sáng.

Mấy chục năm nay, thật sự làm tôi cảm thấy tổn thương lại là con người, thật sự khiến tôi cảm thấy sợ hãi cũng chính là con người.

Trước những năm 80 của thế kỷ trước, Trung Quốc là quốc gia đâu đâu cũng là “đấu tranh giai cấp”. Dù ở thành phố hay nông thôn, luôn có một bộ phận người luôn phải gánh chịu sự áp bức và kiểm soát của những người khác chỉ vì các loại nguyên nhân vô lý khác nhau.

Có một bộ phận trẻ con, vì tổ tiên từng sống những năm tháng sung túc, vì từng mang danh là địa chủ mà bị tước đoạt quyền lợi được học hành, đương nhiên cũng không có quyền vào thành phố để có tìm kiếm cuộc sống thoải mái hơn. Còn một bộ phận trẻ em khác, lại bởi tổ tiên là những người nghèo khổ, đã có được một số quyền lợi. Nếu chỉ là như vậy thôi, thì cũng không tạo thành nỗi sợ hãi. Điều tạo thành nỗi sợ hãi là một số người và con cái của họ luôn bị theo dõi và áp bức bởi những người đánh đổ họ và con cái họ.

Tổ tiên của tôi đã từng giàu có (loại giàu có này cũng chẳng qua chỉ là đã từng có mười mấy mẫu ruộng, có một con lừa và một con trâu cày), vì vậy tôi chỉ có thể học đến lớp 5 tiểu học thì bị đuổi ra khỏi trường học. Trong những năm tháng ấy, tôi vẫn luôn phải dè dặt cẩn thận, thận trọng từng cử chỉ lời nói, sợ nói lỡ một câu, sẽ mang đến thảm họa cho gia đình.

Nhiều lần, mỗi khi nghe thấy từ trong phòng làm việc của làng phát ra những tiếng kêu la thảm thiết của những người được gọi là phần tử xấu bị những cán bộ trong làng và những kẻ tay sai đánh đập tra tấn một cách dã man, tôi đều run rẩy sợ hãi tới cực điểm. Nỗi sợ hãi này khủng khiếp hơn rất nhiều so với những cơn lo sợ khủng hoảng do yêu ma quỷ quái tạo nên.

Lúc này tôi mới hiểu được hàm nghĩa xác thực trong câu nói của mẹ tôi. Tôi vốn tin lời mẹ nói, đó là dã thú và quỷ quái trên đời này đều sợ người. Bây giờ tôi mới hiểu, trên thế gian, hết thảy mãnh thú hay ma quỷ đều không đáng sợ bằng những người đã đánh mất lý trí và lương tri kia.

Ảnh minh họa: Weibo.

Trên thế giới quả thực có những người đã bị hổ sói làm hại, cũng có những câu chuyện yêu ma quỷ quái hại người, nhưng khiến cho hơn hàng mấy chục triệu người chết oan lại là con người, khiến cho hàng chục triệu người bị tra tấn ngược đãi cũng là con người. Và sự ca ngợi đối với những hành vi tàn khốc này là bệnh thái của xã hội.

Tuy thời đại đen tối giống như “Đại Cách mạng Văn hóa” đã kết thúc hơn 20 năm rồi, cái gọi là “đấu tranh giai cấp” cũng đã bị hủy bỏ, nhưng những người đã trải qua thời đại đó giống tôi nghĩ lại vẫn còn thấy rùng mình.

Mỗi lần trở về quê nhà, nhìn thấy những người năm xưa đã từng hoành hành ngang ngược kia, dù họ mặt mày tươi cười với tôi, nhưng tôi vẫn là khom lưng cúi đầu, trong lòng chất chứa nỗi sợ hãi một cách không tự chủ.

Mỗi khi đi ngang qua những ngôi nhà đã từng tra tấn đánh đập người ta, dù cho những gian nhà đó đã tan hoang, sắp đổ sụp xuống, nhưng tôi vẫn có cái cảm giác không lạnh mà run, giống như tôi biết rõ trên cây cầu đá nhỏ vốn không có ma quỷ gì, nhưng vẫn vừa chạy vừa kêu la lớn tiếng vậy.

Quay đầu nhìn lại chuyện xưa, tôi là một đứa trẻ lớn lên trong đói khát, cô độc và sợ hãi, tôi đã trải qua và chịu đựng rất nhiều khổ nạn, nhưng cuối cùng tôi không có điên cuồng cũng không có sa ngã, hơn nữa còn trở thành một nhà văn được mọi người kính trọng, rốt cuộc điều gì đã chèo chống cho tôi, giúp tôi vượt qua những ngày tháng đen tối đó? Chính là hy vọng.

Tôi mong rằng trong thời đại của tương lai, nỗi sợ hãi do những kẻ ác tạo thành sẽ càng ngày càng ít. Nỗi sợ hãi từ những câu chuyện yêu ma quỷ quái và những câu chuyện thần thoại cổ tích sẽ không bị phai đi, bởi vì trong những câu chuyện này bao hàm sự kính sợ của nhân loại đối với những điều chưa biết trên thế giới và khao khát hướng tới một cuộc sống tốt đẹp, cũng bao hàm hạt giống văn học và nghệ thuật trong đó.

***

Ảnh văn Mạc Ngôn (ảnh: Sohu).

Đôi nét về tác giả

Mạc Ngôn (sinh ngày 17/2/1955) là một nhà văn người Trung Quốc xuất thân từ nông dân. Ông đã từng được thế giới biết đến với tác phẩm Cao lương đỏ đã được đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim và giành được giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1994. Mạc Ngôn được trao giải Nobel Văn học vào năm 2012.

Ông đã phải nghỉ học tiểu học giữa chừng do Cách mạng văn hoá và phải tham gia lao động nhiều năm ở nông thôn, chăn dê ngoài đồng, luôn bị đói khát và cô đơn. Ông nhập ngũ năm 1976. Đến năm 1984, ông trúng tuyển vào khoa văn thuộc học viện nghệ thuật Quân Giải phóng và tốt nghiệp năm 1986. Tháng 10 năm 1987 ông chuyển ngành, sang hoạt động trên lĩnh vực báo chí và viết văn chuyên nghiệp. Năm 1981 ông bắt đầu công bố tác phẩm và đến nay, ông đã cho in tổng cộng trên 200 tác phẩm. 

Kiên Định
Theo Soundofhope