Câu chuyện về chú heo trắng chuyển sinh thành người đã nhanh chóng được lan truyền. Kể từ đó, mọi người thấy cậu bé liền gọi là “tiểu bạch heo”. Và ông đồ tể Dung Mỗ cũng thề rằng kiếp này sẽ không bao giờ sát sinh nữa.

Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Chúng tôi đã kể rất nhiều câu chuyện về luân hồi trước đây, và mọi người đều rất thích nghe chúng. Những đứa trẻ có thể nhớ rõ tiền kiếp của mình rất hiếm gặp trong cuộc sống của chúng ta, điều này cũng phủ một sắc thái thần bí bao trùm thuyết luân hồi.

Tuy nhiên, ở nơi đặc biệt này, làng Bình Dương, huyện tự trị Đồng tộc Thông Đạo, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, có rất nhiều người có thể nhớ rõ tiền kiếp của mình, và nhiều người trong số họ đã vào tuổi trung niên. Người ta gọi những người này là “người tái sinh”.

Làng Bình Dương nằm ở cực nam của huyện Thông Đạo, ngã ba hai tỉnh Hồ Nam và Quảng Tây; vì giao thông đi lại không thuận tiện nên ít giao lưu với thế giới bên ngoài. Di sản văn hóa Đồng tộc ở làng rất thâm hậu, phong tục dân gian thuần phác. Tập quán không nhặt đồ đánh rơi trên đường, không đóng cửa ban đêm vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Nhà nào hộ nào cũng gần gũi nhau nên mọi người qua lại mật thiết, tin tưởng lẫn nhau, hiếm khi nghi ngờ người khác. Những người đã ghé thăm đều nghĩ rằng về cơ bản nơi đây là chốn thiên đường.

Năm 2008, Dương Thịnh Ngọc, trưởng trạm văn hóa ở làng Bình Dương, đã mở một blog và đăng 9 câu chuyện về người tái sinh, mỗi câu chuyện đều có danh tính, đọc lên mười phần chân thực. Những câu chuyện này bắt đầu lan truyền nhanh chóng trên Internet.

Đầu năm 2009, trang tin địa phương Hoài Hóa Tân Văn đã cử phóng viên đến điều tra. Phóng viên đã phỏng vấn bí thư làng Bình Dương lúc bấy giờ. Vị bí thư cho biết: “Mặc dù chúng tôi không thể đi khảo cứu về mặt khoa học về nguyên nhân hình thành là gì, nhưng loại hiện tượng văn hóa đặc dị này rất phổ biến ở đây. Làng Bình Dương chúng tôi chỉ có dân số hơn 7,800 người. Căn cứ theo khảo sát văn hóa của chúng tôi về hiện tượng người tái sinh mà chúng tôi vẫn đang thống kê, thì có khoảng một trăm trường hợp người tái sinh.”

Theo sự chỉ dẫn của người dân trong làng, phóng viên đã phỏng vấn hai gia đình có “người tái sinh”, và chứng thực thêm hai trường hợp có danh tính, một là trường hợp “heo chuyển sinh thành người”, và một là “người tái sinh” được biết đến nhiều nhất ở Bình Dương, câu chuyện chuyển sinh của người phụ nữ trung niên Thạch Sảng Nhân.

Câu chuyện heo chuyển sinh thành người

Trước hết về câu chuyện heo chuyển sinh làm người. Phóng viên đã phỏng vấn Lục Cư Đào, mẹ của một cậu bé họ Ngô. Cô ấy kể rằng, khi cậu bé được hơn một tuổi thì bắt đầu nói với cô ấy rằng cậu là một con lợn. Nhưng cô không nghĩ nhiều về điều đó. Khi trẻ được 2, 3 tuổi, hễ thấy ai hái rau lợn ngoài đồng là cậu phải ra khuyên bảo họ, loại rau nào đắng quá, loại rau nào cay quá, không được ăn nhiều v.v.

Và cậu luôn sợ hãi khi nhìn thấy Dung Mỗ, người bán thịt trong làng. Mỗi lần nhìn thấy ông bán thịt, cậu đều chạy thục mạng về nhà. Dần dần, dân làng cảm thấy có điều gì đó kỳ lạ ở đây nên đã cố gắng hỏi cậu bé nguyên nhân. Cậu bé nói rằng kiếp trước cậu là một con heo trắng to lớn được nuôi trong nhà ông nội. Hôm đó, ông hàng thịt Dung Mỗ dẫn người đến mua heo; chú heo trắng thấy không ổn, liều mạng chạy ra đến ngọn núi phía sau nhà thì bị Dung Mỗ và những người khác bắt được và mang đi làm thịt.

Câu chuyện về chú heo trắng chuyển sinh thành người đã nhanh chóng được lan truyền. Kể từ đó, mọi người thấy cậu bé liền gọi là “tiểu bạch heo”. Và ông đồ tể Dung Mỗ cũng thề rằng kiếp này sẽ không bao giờ sát sinh nữa.

Câu chuyện về Thạch Sảng Nhân

Thạch Sảng, sinh năm 1962, là một trong số rất ít người sẵn sàng nói về “tiền kiếp” của mình.

Theo mẹ của Thạch Sảng Nhân, khi Thạch Sảng Nhân được hai hoặc ba tuổi, liền nói với mẹ rằng mình tên là Diêu Gia An, bình sinh có một bé trai và một bé gái, bé trai là Ngô Xuân và bé gái là Ngô Mai. Đối mặt với cuộc phỏng vấn của phóng viên, Thạch Sảng không hề né tránh. Cô ấy nói: Kiếp trước cô ấy không sống lâu, chỉ đến 24 tuổi đã chết vì bị sốt cao, rồi chết sau khi sốt cao ba ngày.

Phóng viên hỏi: Bà ở đâu kiếp trước?

Cô Thạch nói: Kiếp trước tôi ở bờ bên kia, bờ bên kia Huyền Khê.

Phóng viên hỏi: Khi nào bà biết mình có tiền kiếp?

Cô Thạch cho biết: Khi còn rất nhỏ, khi bám vào cầu thang leo lên, tôi đã có cảm giác này. Lúc đó tôi không biết rằng đó là một tiền kiếp.

Phóng viên hỏi: Bà có nhớ tất cả những người thân trước đây của bà không?

Cô Thạch nói: Tôi nhớ. Sau này lúc 11 tuổi, tôi đã nhận ra họ; bọn họ đều cảm thấy tôi rất tương đồng với cố nhân, từ đó, chúng tôi luôn cùng nhau.

Ngày nay, Ngô Mai, lớn hơn Thạch Sảng bốn tuổi, luôn gọi Thạch Sảng là “mẹ”. Dù là Ngô Mai lấy chồng, hay Ngô Xuân cưới vợ, thì Thạch Sảng sẽ chuẩn bị quà cho họ với tư cách là một người mẹ.

Không giống như những thôn Đồng tộc khác, Thạch Sảng nói tiếng Trung rất trôi chảy; cô tin rằng đó là do kiếp trước Diêu Gia An là một phụ nữ người Hán nên đã mang khả năng ngôn ngữ của mình đến kiếp này. Cô ấy vẫn bị sốt cao thường xuyên trong suốt cuộc đời của mình, đã sốt cao đến hôn mê hơn 20 lần, nhưng cuối cùng cô ấy vẫn sống sót.

Có lẽ vì đã nhiều lần đứng trước bờ vực sinh tử, Thạch Sảng sống khá cởi mở, và luôn sẵn sàng nhận lời phỏng vấn với các phóng viên. Cô không chỉ sẵn sàng nói về những vấn đề cá nhân của mình, mà còn luôn nguyện ý chia sẻ giá trị quan của mình. Cô tin rằng có một lực lượng thần bí giữa Thiên và Địa, và đã tự mình nghiên cứu và truy tầm sự tồn tại này. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2016, cô đã gửi đến phóng viên câu này: “Mỗi người đều có một tiền kiếp, chỉ là bạn đã mất ký ức”.

Sau khi báo cáo của trang tin địa phương Hoài Hóa Tân Văn được đăng tải, hiện tượng “người tái sinh” ở thôn Bình Dương đã truyền ra khỏi địa phương và lọt vào mắt công chúng. Vì vậy, chúng tôi không thể ngăn câu hỏi, chính quyền địa phương nghĩ gì về hiện tượng này? Bởi vì điều này rõ ràng là không phù hợp với thuyết vô thần luận.

Vào năm 2015, tờ “Tân Bắc Báo” đã phỏng vấn một số quan chức ở huyện Đồng Đạo vào thời điểm đó, nội dung cuộc phỏng vấn được đăng vào ngày 16/6 với tiêu đề “Hơn 100 người ở Đồng hương, Hồ Nam tự xưng được chuyển sinh và có mang theo ký ức về tiền kiếp”. Huyện trưởng Triệu Húc nói với các phóng viên rằng, vào năm 2011, các quan chức huyện Đồng Đạo và các chuyên gia liên quan từ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã tiến hành một cuộc điều tra và nghiên cứu về hiện tượng tái sinh ở thôn Bình Dương, và kết luận là “Khẳng định hiện tượng người tái sinh là tồn tại, nhưng không tìm thấy cơ sở khoa học.”

Hồ Ích Long, một quan chức tuyên giáo của Huyện ủy Đồng Đạo, nói rằng ông hoan nghênh các báo cáo thực tế từ các phương tiện truyền thông, nhưng không đồng thuận với những tiếng nói nghi hoặc về hiện tượng “người tái sinh”. Ông lấy ví dụ, vào năm 2013, một phương tiện truyền thông ở Giang Tô đã đưa tin rằng hiện tượng người tái sinh ở Bình Dương thực chất là một “hoang ngôn tập thể” của quan chức và người dân Đồng Đạo. Ông nói “Chúng tôi đều chuẩn bị khởi tố họ, truy cứu trách nhiệm của họ về việc đưa tin tức giả mạo.”

Điều này có nghĩa là, mặc dù sẽ không tìm thấy cơ sở khoa học trong một thời gian nữa, nhưng chính quyền địa phương đã không dán nhãn hiện tượng người tái sinh vào loại mê tín phong kiến và oai lý tà thuyết. Chúng tôi không khỏi ngưỡng mộ ông ta, bởi thực sự không có nhiều quan chức như vậy trong thể chế chính quyền Trung Quốc.

Vậy giới học thuật nhìn nhận hiện tượng này như thế nào?

Một bài báo trên tờ “Tân Bắc Báo” năm 2015 đề cập rằng Hoàng Tấn, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc học tại Đại học Trung Nam, đã sử dụng máy đo ‘trắc hoang nghi’ để tiến hành đánh giá người tái sinh.

Ông Hoàng Tấn cho biết: “Để tôn trọng tuyên bố của người dân địa phương, chúng tôi đã cố tình chọn thời điểm vào ban đêm, có “âm khí” rất nặng để tiến hành trắc nghiệm những người tái sinh”. Một phóng viên của tờ “Tân Bắc Báo” đã quan sát một trong những video trắc nghiệm. Khi hoàng hôn đã tắt, Hoàng Tân đã tiến hành thôi miên một “người tái sinh”. Cậu thiếu niên tiến vào trạng thái thôi miên trong vòng chưa đầy năm phút; Hoàng Tân bắt đầu hỏi, và “người tái sinh” bắt đầu nói bằng Đồng ngữ.

Hoàng Tấn nói rằng máy đo ‘trắc hoang nghi’ cho thấy “người tái sinh” không nói huyên thuyên.

Một học giả khác, tiên sinh Lý Thường Trân, đã phỏng vấn hơn một trăm người chuyển sinh tại thực địa từ năm 2015 đến năm 2016, sau đó biên soạn tài liệu phỏng vấn và ghi chú thành cuốn sách “Người tái sinh ở Bình Dương: 100 trường hợp luân hồi ở Đồng tộc”. Trong sách có thu lục lại những trường hợp, không chỉ nội dung tường thực, mà còn có hơn 400 bức ảnh minh họa làm bằng chứng hỗ trợ, chủ yếu là các bức ảnh liên quan lẫn nhau. Chúng tôi chọn ra một trường hợp tiêu biểu nhất để kể cho bạn.

Bị hại chết trong Cách mạng văn hóa, chuyển sinh phục thù

Cô gái xinh đẹp trong bức ảnh có tên là Ngô Vĩnh Nga, sinh ra ở thôn Tam Bản, làng Bình Dương vào năm 1973. Khi sinh ra, cô có một vết bớt hình sẹo rõ ràng trên vai phải. Một ngày nọ, khi cô hơn hai tuổi, cô đột nhiên nói rằng nhà cô ở thôn Địa Linh, tỉnh Quảng Tây, và mạnh mẽ yêu cầu mẹ cô đưa cô đến đó; mẹ cô không còn cách nào khác ngoài đồng ý. Thôn Địa Linh cũng là một làng Đồng tộc. Sau khi đến thôn Địa Linh, cô bé Vĩnh Nga vẫn có thể nhận ra những thôn nhân lớn tuổi, và nói với họ rằng người đàn ông ngồi ở hàng ghế đầu ở giữa trong bức ảnh này tên là Ngũ Phụng Cầm. Với sự giúp đỡ của thôn dân, hai mẹ con họ đã tìm thấy Ngũ Vân Tụ, con trai kiếp trước của Vĩnh Nga. Ngũ Vân Tụ rất vui khi được chứng kiến ​​phụ thân chuyển sinh tới thăm; anh ấy đã nói với mẹ của cô bé Vĩnh Nga vào đêm hôm đó về những bất hạnh mà cha mẹ anh ấy phải gánh chịu trong thời kỳ đầu Cách mạng Văn hóa.

Ngũ Phụng Cầm sinh năm 1901. Thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, ông là trưởng thôn Địa Linh và là một y sinh có tiếng, gia cảnh khá giả, và là một hương thân trong thôn. Ông và người vợ Lương Thị có một con trai và một con gái. Con trai ông, Vũ Vân Tụ, học ở một trường trung học ở nơi khác, và con gái ông ở bên cạnh. Nhiều lão nhân ở Địa Linh nói rằng ông Ngũ Phụng Cầm có tính cách ngay thẳng.

Năm 1966, Cách mạng Văn hóa bùng nổ. Năm 1967, Ngũ Phụng Cầm, người từng là một hương thân, đã bị đưa ra phê bình đấu tố. Tại cuộc họp đấu tố, một phần tử tích cực đã vung liềm cắt tai phải của Ngũ Phụng Cầm bằng một nhát duy nhất. Do dùng lực quá mạnh, mũi dao đã đâm vào vai phải của ông; vết bớt để lại trên vai của Ngô Vĩnh Nga kiếp này chính là vết dao từ năm đó.

Sau khi trở về, Ngũ Phụng Cầm đã bỏ trốn. Đầu tiên ông nấp dưới gầm cầu, sau đó lên núi, ẩn náu trên một cây cổ thụ. Lương Thị, vợ ông, đã mạo hiểm đến đút thức ăn cho ông mỗi ngày. Một ngày nọ, Lương Thị về đến nhà thì bị lôi ra tra tấn, cuối cùng bị xử bắn vì không chịu khai ra tung tích của chồng bà.

Ngũ Phụng Cầm không còn ai để giao thức ăn lên cây cổ thụ, đành phải quay ra tự thú, kết quả bị Ngũ Hoa Đại trói lại, áp giải lên Thê Điền và bị xử bắn. Người tích cực nhất trong toàn bộ vụ việc là Ngũ, và ông ta cũng là người đã nổ súng bắn chết Ngũ Phụng Cầm.

Vĩnh Nga hồi ức lại rằng, sau khi thấy di thể của mình được mai táng, cô nhanh chóng tìm thấy vong hồn của người vợ Lương Thị, người đã bị bắn chết vì trung thành với chồng ba ngày trước đó. Hai vong hồn bay đến ngọn cây cao nhất ở lối vào làng, thảo luận về hướng đầu thai của họ. Ngũ Phụng Cầm nói: “Con người ở nơi này không tốt. Tôi muốn đi đến một nơi xa. Làm đàn ông có quá nhiều trách nhiệm, có chuyện liền bị lôi ra đánh đập. Đời sau tôi muốn là một người phụ nữ.” Nhưng Lương Thị lại nói: “Ta không đi nơi khác, cứ ở đây đầu thai một nam tử, kiếp sau ta sẽ báo thù!” Sau đó hai người được đầu thai như ý nguyện. 

Khi Ngô Vĩnh Nga lên ba tuổi, một ngày nọ, cô bé đang chơi trên phố, cô nhận ra một người đàn ông kéo gỗ từ làng Địa Linh, chính là Ngũ, người đã bắn Ngũ Phụng Cầm khi đó. Tiểu Vĩnh Nga đã ​​rất tức giận, ngay lập tức hét lên sau kẻ thù của mình, “Tôi là Ngũ Phụng Cầm. Chính là ông đã giết tôi!” Ngũ kinh hãi, mặt biến sắc khi hiểu ra điều đó, và ngay sau khi quay về Địa Linh, ông ta trở nên mất trí, và trong vòng vài năm thì chết.

Người vợ Lương Thị đã tái sinh trong làng và trở thành một cậu bé tên là Ngô Vĩ Chúng. Cậu bé Vĩ Chúng cũng bắt đầu kể về tiền kiếp của mình khi cậu hơn hai tuổi. Một ngày nọ, cậu và mẹ tình cờ đi ngang qua một gia đình ở làng này, nhìn thấy một người đàn ông đang mài dao ở cửa. Cậu bé nhận ra người này chính là kẻ đã tra tấn và giết hại gia đình họ Lương. Cậu bước tới, nhìn chằm chằm vào người đàn ông mài dao, không chút sợ hãi và hét lớn: “Chính là ông giết tôi! Tôi chính là Lương Thị!” Sau đó, cậu nhìn chằm chằm vào đối phương và lặp đi lặp lại câu nói tương tự. Người đàn ông mài dao hiểu ra ngay, mặt tái mét vì sợ hãi, đứng dậy bỏ đi. Nhưng tiểu Vĩ Chúng không khoan nhượng, cứ đi theo phía sau và tiếp tục hét lớn. Người đàn ông này sau đó trở thành một kẻ mất trí, và sau hàng chục năm điên loạn, ông ta đã chết một cách thảm thương.

Hai vợ chồng nạn nhân, sau khi được chuyển sinh, đã tự báo thù bằng cách hét lên sự thật uy hiếp kẻ sát nhân, đây cũng là một thiên cổ kì văn.

Chà, chúng ta sẽ dừng ở đây cho câu chuyện hôm nay. Về những người tái sinh này, trên Internet cũng có nhiều video clip phỏng vấn họ, nếu quan tâm, bạn có thể tìm kiếm họ và xem qua, sau đó tự đánh giá họ. Còn đối với tôi, tôi cảm thấy rằng bất kể cuộc sống tồn tại như thế nào, không làm điều ác luôn là một quy tắc cơ bản, và điều này không liên quan đến việc có chuyển sinh hay không.

Theo Epoch Times, Hương Thảo biên dịch