Tây Du Ký là câu chuyện tu luyện có nhiều tầng ý nghĩa, mỗi độc giả khác nhau sẽ có cách lý giải khác nhau. Có người cho rằng Tây Du Ký là câu chuyện kể về quá trình đi Tây Thiên thỉnh kinh của Đường Tăng, lại có người cho rằng đây là câu chuyện trừ ma diệt quái của Tôn Ngộ Không.  

Trong bốn thầy trò, ngoài Đường Tăng với tâm đại thiện “quét nhà cũng sợ làm tổn thương con kiến”, trân quý ngay cả những sinh linh nhỏ bé nhất, thì ba đồ đệ của ông hầu như ai cũng đều có ma tính và nhân tâm lớn nhỏ khác nhau, có người thậm chí còn sát nhân phóng hỏa, đam mê tửu sắc. Tuy nhiên dưới sự giáo huấn và từ bi cứu độ của chư Phật và Bồ Tát, họ đều cải tà quy chính, tu thành chánh quả. 

Người như thế nào có thể tu thành?

Đường Tăng vốn là Kim Thiền Tử đệ tử của Phật Như Lai, là chân thể tu luyện 10 kiếp, nên có thể nói ông là một người đại căn khí. Đường Tăng vừa chào đời đã có cơ duyên bước vào cửa Phật, thiên tính hơn người, nên có thể tu thành. Nhưng ba đồ đệ của ông thì khác, họ dẫu có phép thuật cao siêu thì vẫn là những người thân mang trọng tội, dã tính chưa thuần, muốn tu thành Phật thì quả khó lắm thay.

Tôn Ngộ Không vốn là con khỉ đá trời sinh, thông minh linh hoạt, được Bồ Đề tổ sư chân truyền nên vô cùng thần thông quảng đại. Mặc dù vậy, Ngộ Không bản tính ngang bướng thiên bẩm, nên mới có chuyện quấy rối địa phủ, khuấy đảo long cung, phá rối bàn đào, đại náo thiên cung, cuối cùng bị Phật Tổ giam dưới núi Ngũ Hành. 

Mọi người đều biết, tâm của Tôn Ngộ Không là khó định nhất, trong khi việc tu luyện lại yêu cầu tâm phải tĩnh và yên định. Bởi “định” mới có thể sinh “huệ”, có “huệ” mới có thể tu thành chánh quả, trở thành bậc Giác Giả tôn quý. Đối với một con khỉ hoang dã tự nhiên như Ngộ Không, khi đối diện với vinh hoa phú quý, liệu có thể giữ tâm bất động hay không? Khi đối diện với chuyện trái ý nghịch lòng, liệu có thể giữ tâm bình thản mà lấy thiện đãi người hay không? May mắn thay, dưới sự cứu độ và giáo huấn của Quán Âm Bồ Tát, Hầu Ca vẫn giữ được trái tim kiên định một lòng hướng Phật. Sau này, qua những va chạm trên đường thỉnh kinh, ‘tâm Phật’ của anh đã chiến thắng ‘tâm Khỉ’ và giúp anh trở thành Đấu Chiến Thắng Phật. 

“Đấu chiến” ở đây không phải là khai chiến với Phật Đạo Thần, mà là hàng yêu, trừ ma, diệt quái. Trời đất vốn là thiện ác đồng thời tồn tại, có thiện cũng có ác, có Phật cũng có ma. Sự từ bi và uy nghiêm của Thần là đồng thời tồn tại ở nhân gian. Đối với chúng sinh là cần cứu độ, đối với ma quỷ hung ác gây họa loạn, không diệt trừ liệu có được hay không? 

Hình tượng Tôn Ngộ Không muốn nói với chúng ta rằng: Nhân tâm rất phức tạp nhưng không có cái tâm nào là không thể an định lại. Trên thế gian này, tâm của loài khỉ là khó định lại nhất, nhưng nay lại có thể tu thành. Chỉ cần chúng ta thật tâm hướng Phật, không sợ nguy hiểm khó khăn, thì nhất định sẽ tu thành. 

Hình tượng Tôn Ngộ Không trên màn ảnh. (Ảnh: read01.com)

Trư Bát Giới là hiện thân của rất nhiều tính xấu. Mặc dù có lai lịch rất tốt đẹp, vốn là Thiên Bồng Nguyên Soái trên thiên đình, vì trêu ghẹo Hằng Nga tiên tử mà bị phạt xuống đầu thai dưới hạ giới, phải mang hình dáng nửa người nửa lợn. Bát Giới khuôn mặt xấu xí, hình dáng thô kệch, tham lam, sợ chết, háo sắc, lười biếng, thích trêu người khác, luôn gây chia rẽ, ý chí không kiên định… Một kẻ tham lam và có nhiều tính xấu như vậy, muốn tu thành Thần dường như là điều quá viển vông. 

Tuy nhiên, một người thấp kém và mang nhiều tâm không tốt như vậy, cuối cùng cũng có thể tu thành. Anh ta có thể tu thành là bởi có một môi trường tu luyện đặc biệt. Thông qua phương thức “lấy kinh” mà tách ly khỏi hoàn cảnh phức tạp của người thường, từ đó dần làm suy yếu và loại bỏ những nhân tâm xấu bên trong. Khuôn mặt xấu xí hay hình dáng thô kệch không phải là rào cản đối với người tu luyện, bởi tu hành không phân biệt xấu hay đẹp. Khi ở trong môi trường và điều kiện tu luyện tốt, những nhân tâm như tham lam, háo sắc sẽ bị giới hạn. Sự lười biếng và ý chí hèn kém cũng nhờ có sư phụ, sư huynh, sư đệ mà dần dần thay đổi, cuối cùng tu thành Tịnh Đàn Sứ Giả.

Còn về Sa Tăng, khi sống ở Lưu Sa Hà, Sa Tăng từng ăn thịt người, sát hại vô số sinh mệnh. Tuy nhiên sau khi quy y Phật môn, Sa hoà thượng có được ý chí kiên định, dắt ngựa gánh hành lý, hỗ trợ sư huynh trừ yêu diệt quái, không oán không hận, cũng không bao giờ tái phạm những lỗi lầm trước đó. 

Nhân vật Sa Tăng trên phim ảnh. (Ảnh: bilibili.com)

Những người không kiên định, mang trên thân đầy đủ tâm tính xấu, thậm chí sát sinh vô số người… thì chỉ cần tinh tấn tu luyện, một lòng hướng Phật, kiên tín kiên trì, cuối cùng đều có thể tu thành chánh quả. 

Ai không thể thành Phật?

Cổ nhân xưa có bài thơ rằng: 

Biệt thuyết thần phật môn nan tiến
Chỉ thị thường nhân tâm bất chân
Nam tử khẳng tu thành phật đà
Nữ tử khẳng tu thành quan âm

Nghĩa là:

Chớ nói rằng cửa Phật khó vào.
Chỉ là vì tâm người không chân chính
Nam tử chắc chắn tu thành Phật Đà
Nữ tử chắc chắn tu thành Quán Âm 

Ở đây có một điểm cần nhấn mạnh: Ngộ Không, Bát giới và Sa Tăng có xuất thân khác nhau, tính cách khác nhau, thậm chí còn có nhiều phần ma tính, nhưng nhờ ý chí quyết tâm và tín tâm tu luyện mà cuối đã đắc chánh quả, trở thành Thần Tiên. Họ dù mang thân thể là hình tượng của động vật, nhưng không phải ý nói rằng họ đều là động vật. Bởi vì động vật không được phép tu luyện, không thể hiểu tu luyện như thế nào.

Kiên Định
Theo Secretchina

Bạn đang đọc bài viết: “Huyền cơ ẩn ý của những nhân vật được lựa chọn trong Tây Du Ký” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||97a1f6ac8__

Từ Khóa: