Ân sư của Tăng Quốc Phiên, đại thần quân cơ tiền nghiệm là Mục Chương A đã tặng Tăng Quốc Phiên một bức hoành phi có viết mấy chữ lớn “Hảo hán đánh gẫy răng, nuốt vào bụng cùng máu”. Nội dung dễ hiểu nhưng hàm ý sâu xa. Con người trưởng thành không phải là tuổi tác, mà là tâm thái trước những cảnh ngộ.

Xem thêm Phần 1.

Ngẫm nghĩ chuyện xưa mới hiểu đạo vòng vo, nhu nhược thắng cương cường

Tăng Quốc Phiên nghiên cứu, lĩnh ngộ “Đạo đức kinh”, cuối cùng hiểu được đạo lý của bộ sách xuất thế này có thể ứng dụng vào nhập thế. Lão Tử nhận thấy “Nhu thắng cương, nhược thắng cường” (mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh) và “Cái nhu nhất trong thiên hạ nhởn nhơ nơi rắn chắc nhất thiên hạ”.

Lão Tử tham ngộ Thiên Đạo để hiểu rõ đại sự, thấu triệt đại trí huệ là vua của thiên hạ, bao hàm trong một câu: “Sở dĩ sông biển là vua của trăm suối khe bởi vì nó giỏi biết ở dưới thấp”.

Tăng Quốc Phiên nghĩ lại cuộc đấu đá xung đột với quân đội quốc phòng ở Trường Sa, và sự xung khắc chốn quan trường ở Hồ Nam, cuộc tranh đấu thắng thua với hai đồng liêu ở Nam Xương, kết quả thế nào? Về bề ngoài là ông thắng lợi, nhưng thực tế đã tạo ra mối hiểm họa ngầm to lớn hơn. Lại như việc tham gia với đồng liêu, làm thay việc của họ, ôm đồm can dự đủ các loại sự tình. Khi làm những việc đó cố nhiên là vui thích dứt khoát nhưng lại cứng nhắc, quyết liệt quá mức, làm tổn thương các đồng liêu từ trên xuống dưới và những người xung quanh, vô hình trung đã tạo thêm quá nhiều chướng ngại cho bản thân.

Tăng Quốc Phiên thuở thiếu thời đã thuộc làu “Phóng khoáng thì không có góc nhỏ”, “Âm thanh lớn thì ít tiếng”, “Hình tượng lớn thì vô hình”, “Đại khéo léo như vụng về”… Trước đây luôn cho rằng đã hiểu mà thực ra chưa hiểu. Lúc này bỗng đột nhiên mở toang ra. Những năm lại đây ở chốn quan trường và cuộc tranh đấu với quân đội quốc phòng, thực ra đều là một góc nhỏ, một âm thanh nhỏ, một hình tượng nhỏ hữu hình, có vẻ khéo mà thực tế là vụng về. Phóng khoáng, hình tượng lớn, đại khéo léo chân chính đều không như thế này, mà nó hoàn toàn vô hình, không dấu vết, không đục đẽo.

“Con người khi sống thì mềm mại, khi chết thì cương cứng. Cây cỏ khi sống thì mềm tươi, khi chết thì khô cứng”. Mềm yếu, vạn sự vạn vật trong thiên hạ, quy đến căn nguyên nguồn gốc đều là ‘nhu khắc cương’. Cái nhu có thể khắc được cương, đó chẳng phải là càng cương hơn, tối cương đó sao?

Tăng Quốc Phiên lĩnh ngộ được đến đây đã hưng phấn viết lên trang bìa sách “Đạo đức kinh” 8 chữ “Đại nhu phi nhu, chí cương vô cương” (cái nhu lớn không phải là nhu, cái cương tột bậc không phải là cương).

Bao nghi hoặc, u uất trong lòng bấy lâu nay bỗng tan thành mây khói, toàn bộ con người như được tái sinh.

(Ảnh minh họa: thecreative.cafe)

Lại ngộ Trang Tử, tâm thông tuệ sáng suốt

Đọc xong “Đạo đức kinh”, Tăng Quốc Phiên lại lấy sách “Trang Tử” ra ôn lại. Đây là bộ sách ông yêu thích nhất. Sau khi đã trải qua bão táp mưa sa vùi dập, ông mới có càng nhiều những cái cộng hưởng hơn. Sau này ông viết thư cho em trai là Tăng Quốc Thuyên rằng: “Ta thích đọc Trang Tử, sự phóng khoáng khoát đạt của nó đủ ích lợi rộng mở tấm lòng”.

Thậm chí ông còn ngộ ra trạng thái tốt nhất là lấy cái tâm xuất thế để làm việc nhập thế, như thế này mới có thể khiến trong tâm khoát đạt, trong lòng có cách thức cục diện, mới có thể lập đại sự nghiệp.

Thế là Tăng Quốc Phiên lại nhấc bút trịnh trọng viết:

Khi tĩnh tâm rồi suy nghĩ tỉ mỉ, xưa nay ức vạn năm không có tận cùng. Đời người chỉ mấy chục mùa nóng lạnh, chỉ thoáng chốc mà thôi, nên biết gắng sức sửa mình. Trái đất hàng vạn dặm, không thể ghi chép hết. Con người ngủ nghỉ vui chơi cũng chỉ một căn nhà, đêm chỉ một chiếc giường, nên biết trân quý. Thư tịch cổ nhân, người nay trước tác, mênh mông như biển mây khói. Tầm mắt con người chẳng qua cũng chỉ là giọt nước giữa đại dương mà thôi, nên biết học nhiều. Thế sự thiên biến vạn hóa, danh đẹp trăm đường. Sức người chẳng qua cũng chỉ là một hạt thóc trong kho triều đình, nên biết nỗ lực”.

Triết lý thâm thúy của Trang Tử như một chiếc thang để Tăng Quốc Phiên leo ra khỏi vực sâu khổ não, oan ức, bế tắc. Hơn nữa chiếc thang này còn thông lên Trời, sau khi leo ra khỏi vực sâu, Tăng Quốc Phiên leo theo chiếc thang lên đến đỉnh cao cuộc đời mà mấy nghìn năm nay rất ít người vươn tới được.

Đại ngộ Lão Trang, cuối cùng thành bậc đại tài

Từ đó trở đi Tăng Quốc Phiên đã triển hiện cho thế nhân thấy không còn là “Tăng cạo đầu” như ngựa hoang bất kham năm xưa. Để học trò của ông là Lý Hồng Chương phát huy tốt tài năng hơn nữa, ông thậm chí còn nhường vị trí của mình. Để liên lạc với bậc kỳ tài độc nhất vô song là Tả Tông Đường, ông thậm chí còn coi mình là thứ yếu, coi Tả Tông Đường là chủ yếu.

Sau khi đánh bại quân Thái Bình, Tăng Quốc Phiên quả quyết giải tán quân đội dân binh mà ông đã khổ tâm gây dựng. Lão Tử nói “Cái thiện cao nhất như nước”, “Nước lợi cho vạn vật mà không tranh”, chính là tâm thái đó.

Dựa vào đó, Tăng Quốc Phiên đã thành tựu sự nghiệp vĩ đại, ông trở thành một trong những người có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Ông vào đường quan lộ 10 năm thì 7 lần thăng chức, thăng liền 10 bậc, được phong làm Nhất đẳng Nghị dũng hầu, trở thành người đầu tiên là văn nhân được phong hầu trong toàn bộ các triều nhà Thanh. Đồng thời trong hoàn cảnh chính trị cuối đời nhà Thanh đầy biến động, ông đã rút lui hoàn toàn. Khi qua đời, ông được hưởng chế độ quốc tang cao nhất của triều đình nhà Thanh.

Đồng thời ông cũng đã bảo vệ và ảnh hưởng tốt cho con cháu các đời sau trong gia tộc. Người gia tộc họ Tăng đã bình an vượt qua những bãi ngầm hiểm nguy chính trị vốn bề ngoài vẻ vang nhưng thực tế sát khí mai phục tứ bề. “Giàu không quá ba đời” là lời nguyền mà các gia tộc quan lớn hiển đạt khó mà vượt qua được, nhưng gia tộc họ Tăng lại đời đời xuất hiện anh tài, trường tồn hưng thịnh mãi không suy bại.

Đây là một kỳ tích! Tạo dựng ra kỳ tích này, khiến người đời sau thấy được trí huệ Lão Trang bác đại thâm thúy, thật xứng là bảo điển nhân gian dùng mãi không hết, lấy mãi không kiệt.

Theo Lý Tĩnh Nhu, soundofhope.org
Nam Phương biên dịch

Xem thêm: