Dưới đây là câu chuyện luân hồi của một Tỳ-kheo sống vào thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vị này đã hai lần phải trả giá đắt cho một lỗi lầm tương tự…

Thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thế truyền Pháp, có một Tỳ-kheo tên là Kokalika. Thật không may, Kokalika vì phỉ báng hai vị đại đệ tử của Đức Phật là Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Mục-kiền-liên nên bị đoạ địa ngục.

Khi các vị Tỳ-kheo tụ họp ở Pháp đường bàn tán chuyện này, Đức Phật đến và bảo:

– Không phải lần đầu Kokalika bị đọa vì không giữ gìn khẩu nghiệp. Trong quá khứ cũng đã xảy ra chuyện ấy.

Rồi Ngài kể lại câu chuyện tiền kiếp của Kokalika cho chúng Tỳ-kheo nghe.

***

Ngày xửa ngày xưa, có một con rùa sống tại cái hồ nước trên vùng núi Himalaya. Một ngày nọ, có đôi ngỗng đi lang thang tìm thức ăn, gặp rùa ta kết tình thân hữu. Có lần ngỗng khoe với rùa:

– Bác ạ, chúng tôi ở trên ngọn Cittakuta, trong một động vàng. Thật là một nơi ở thích thú. Bác có muốn đi với chúng tôi không?

– Làm sao tôi có thể đi đến đó?

– Nếu bác chịu ngậm miệng trong lúc chúng tôi đưa đi, thì bác sẽ đến nơi.

– Được rồi, tôi sẽ ngậm chắc miệng lại. Hãy mang tôi đi với!

– Tốt lắm.

Đôi ngỗng bảo con rùa ngậm vào khúc giữa của một cây gậy, và hai con ngỗng tha hai đầu gậy, đưa rùa bay lên không trung.

Vài đứa bé ở thôn xóm dưới đất thấy rùa bay qua với ngỗng, bèn la lên:

– Bay ơi, ra xem hai con ngỗng mang con rùa trên cây gậy này!

Rùa nghĩ thầm: “Tụi nhóc con du đãng này, bạn ta tha ta đi đâu thì có dính dáng gì tới tụi bay mà phải la lối!”

Khi rùa ta vừa mở miệng định nói ra ý nghĩ ấy, tức thời nó liền bị rơi xuống đất và vỡ làm hai mảnh ngay trong sân của một hoàng cung ở Ba-la-nại.

Kể xong câu chuyện, Đức Phật kết luận:

– Này các Tỳ-kheo, một Tỳ-kheo phải kiểm soát lời nói, sống lặng thinh, không tự kiêu và thoát khỏi phiền não.

Đức Phật nhắc nhở các Tỳ-kheo. (Ảnh minh họa: homesecurity.press)

***

Dân gian có câu: “Hoạ tòng khẩu xuất” (tạm dịch: Hoạ từ miệng mà ra), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn lời ăn tiếng nói, tránh tổn phúc, tạo nghiệp. Cũng có câu rằng: “Người ta chỉ mất hai năm để học nói, nhưng lại mất cả đời để học cách im lặng”.

Không nói lời dối trá, không nói lời thị phi đơm đặt, không nói lời ác khẩu hại người. Đối với những việc ta chưa rõ thực hư, nhất là những sự tình liên quan tới Thần Phật và giới tu luyện, lại càng phải cẩn trọng trước khi phát ngôn, bởi nếu phát ngôn tùy tiện, hậu quả có thể thảm khốc khôn lường.

Thanh Ngọc

Tham khảo:
Buddhist Legends, Eugène Watson Burlingame.