Văn hóa truyền thống của người Trung Quốc đề cao: “Ôn, lương, cung, kiệm, nhường”. Nhưng người Trung Quốc hôm nay trở nên hung hăng và dễ bị kích động, vì sao như vậy?

Trong cuộc thi “giọng ca nữ siêu đẳng” từng thịnh hành một thời ở Trung Quốc Đại lục, ban giám khảo đã nói với các nữ thí sinh những lời như thế này: “Sai nhạc rồi! Cô thực sự không biết rằng mình đang hát sai nhạc à?”, “Cô đúng là chẳng có chút tố chất âm nhạc cơ bản nào”, “Cô hát mà không khác gì nói chuyện”, “Đừng có làm cho các thí sinh sau cô phát sợ”, “Người khác hát thì thỉnh thoảng mới sai nhạc, còn cô hát thì thỉnh thoảng mới không sai nhạc”.

Những câu nói như vậy đã trực tiếp đánh vào lòng tự tôn của người khác, không còn sự tôn trọng tối thiểu nào đối với họ, nhưng lại được thể hiện một cách lộ liễu trên truyền hình, phát sóng đến hàng triệu khán giả, mà người ta lại trở nên quen thuộc, không cảm thấy có gì bất bình thường, thậm chí còn say sưa hưởng ứng.

Người ta phát hiện ra rằng, người Trung Quốc ngày nay nói chuyện thường có thói quen dùng câu hỏi phản bác lại, mà ngữ khí nghe rất nặng. “Sao có thế này mà cũng không biết à?”, “Tự mình không nhận ra à?”, “Không trông thấy tôi đang bận sao?”, “Ai nói vậy?”, “Tôi chẳng đã nói với cậu rồi sao?”, “Sao không làm trước đi?”, “Ở đâu có kiểu như cậu?”. Kiểu ngôn ngữ này sặc mùi tranh đấu và mang tính trách cứ người khác, hàm ý chê đối phương “ngu ngốc”, “không bình thường”, đồng thời do sử dụng câu hỏi nên ngữ khí lại càng nặng.

Một trong những triết lý cơ bản mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tôn sùng là tranh đấu. Thông qua sách giáo khoa, các chương trình truyền hình, các tiết mục văn nghệ, ca khúc, truyện ngắn v.v.. thứ văn hoá đó đã thâm nhập một cách vô thức vào trí óc và tâm hồn của các thế hệ người dân Trung Quốc. Cho nên ý thức đấu tranh trong ngôn ngữ của người Trung Quốc chính là thể hiện của triết học bạo lực, văn hóa bạo lực và thực tiễn bạo lực của ĐCSTQ. Giờ đây nó đã trở thành phản ứng bản năng của người ta. Một thế hệ cũ người Trung Quốc đã bị đầu độc bởi văn hóa biến dị suốt một thời gian dài, thế hệ trẻ từ nhỏ đã lớn lên trong môi trường như vậy, mọi người đều tưởng rằng người Trung Quốc từ xưa đến nay đều nói chuyện như vậy, nên cũng không cảm thấy cách nói đó có gì không đúng, không hay.

Thói quen tranh đấu cũng đã len lỏi vào cuộc sống từng gia đình. Khi cha mẹ giáo dục con cái, ngôn ngữ ngày càng có tính cưỡng chế và bạo lực, nhất là khi không vừa ý với con cái. “Đã nói rồi, tan học về việc đầu tiên là phải làm bài tập. Bài tập làm không xong, đợi xem cô giáo ngày mai phạt thế nào!”. “Mày xem xem đứa XX nhà ấy, lúc nào cũng giỏi hơn mày.” “Còn khóc à, chỉ biết khóc thôi à? Có khóc cũng không ai giúp đâu”. “Không chịu nghe lời, vậy thì đợi thi kiểm tra xong tao sẽ tính sổ.” “Mày đợi đấy, tao sẽ cho mày một trận”…

Câu nói nổi tiếng của Mao Trạch Đông thể hiện rõ triết lý bạo lực của ĐCSTQ là “Quyền lực chính trị lớn lên từ nòng súng”. Trong lịch sử những ví dụ về việc cướp chính quyền bằng báng súng không ít. Nhưng dùng súng để đối phó với nhân dân, duy trì chính quyền, khiến dân chúng đấu đá lẫn nhau, thì chỉ có ĐCSTQ mới thực hiện triệt để. ĐCSTQ chỉ cần tập trung tuyên truyền chụp cho cái mũ “bóc lột”, “mê tín” “phản động”, “tà giáo” hay “các thế lực thù địch”… và kích động cả xã hội đấu tranh với các nhóm người đó. Như vậy, không khi nào mà công chúng cảm thấy không có kẻ thù. Do đó tâm lý tranh đấu tồn tại trong xã hội là cần thiết cho việc duy trì quyền lực của ĐCSTQ.

Bức tranh Trung Quốc khi ĐCSTQ nắm quyền.

Ngày nay người Trung Quốc lấy tiêu chuẩn có “thành công” hay không để đo lường giá trị của một con người, mà không nói tới họ đã dùng thủ đoạn nào. Cho nên bám được “ông to”, “sếp lớn” là mục tiêu của phụ nữ, có gái đẹp theo bên mình là sự hãnh diện của đàn ông, trẻ nhỏ thi đỗ trường đại học nổi tiếng là hy vọng lớn nhất của các bậc phụ huynh. Trong triết học tranh đấu này, “thành công” được xây dựng trên cơ sở “thất bại” của người khác.

Cho nên mọi người đều muốn tranh làm “đại ca”. Những công xưởng máu và nước mắt đâu đâu cũng có nhưng đãi ngộ của dân công lại thảm hại đến mức không nỡ nhìn; hàng hóa nhiễm độc biến chất tràn ngập thị trường. “Vi phú bất nhân” (làm giàu bất nhân) đã được coi là điều đương nhiên. Những kẻ dùng quyền lộng hành thì được coi là có “điều kiện rắn”, “quan hệ thép”. Dưới sự nhồi nhét tà thuyết “Quần ngư tranh thực, kẻ mạnh sinh tồn” của văn hóa biến dị của ĐCSTQ, người Trung Quốc đấu đá lẫn nhau, nghi kỵ lẫn nhau, cả xã hội giống như một mâm cát, một đám quần chúng không có sức đoàn kết lại càng tiện cho ĐCSTQ thống trị chuyên quyền.

Ý thức đấu tranh trong ngôn từ phản ánh cảm giác mất an toàn sâu sắc của con người khi sống trong văn hóa biến dị của ĐCSTQ. Trong một xã hội bình thường, người ta tin tưởng vào lời giáo huấn của người xưa “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Việc mình không muốn, đừng làm với người khác). Văn hóa truyền thống Trung Quốc luôn đề cao “ôn, lương, cung, kiệm, nhường”. Nhưng Văn hóa biến dị của ĐCSTQ khiến người ta trở nên lúc nào cũng lo lắng bản thân bị ức hiếp, chịu thiệt thòi, do đó phải dùng hành động hoặc ngôn ngữ để chiến thắng người khác, mong có được cảm giác an toàn. Ngày nay, “to mồm cũng là một loại bản sự”, điều này đã trở thành bản năng trong tiềm thức của người Trung Quốc.

Năm 2005, “văn hóa của sói” đã ngập tràn khắp Trung Quốc. Dõi theo cuốn sách có tên “Linh hồn của Sói” có nói: “Không học theo sói không được sao? Không được. Vì sao vậy? Bởi vì trong thị trường cạnh tranh sinh tồn một mất một còn, kẻ thắng là vua, kẻ bại là giặc”. Điều này có thể nói là đúc rút được tinh túy trong tư tưởng đấu tranh của ĐCSTQ. Những năm gần đây, loạt phim “Chiến Lang” (sói chiến) tại Trung Quốc đã có doanh thu và ảnh hưởng lớn vì đánh đúng vào tâm lý tranh đấu mạnh mẽ của người Trung Quốc.

Ngay cả những nhà ngoại giao của ĐCSTQ gần đây cũng được gọi là có phong cách “chiến lang”. Tổng biên Hoàn Cầu Thời Báo (trực thuộc Nhân dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ) khi phản ứng với lời kêu gọi điều tra về nguồn gốc của virus viêm phổi Vũ Hán (còn gọi là COVID-19) của thủ tướng Úc, đã gọi nước Úc là “miếng kẹo gum bám dưới đế giày của Trung Quốc”. Ngay cả những quan chức cấp cao cũng sử dụng những ngôn từ kiểu đầu đường xó chợ như vậy, cho thấy tâm lý tranh đấu đã làm cho cả xã hội của ĐCSTQ biến dị đến mức nào.

Vậy rốt cuộc mục đích của ĐCSTQ là gì khi ép nhập tư tưởng tranh đấu vào trong xã hội? Trước hết nó kích động quần chúng đấu tranh tấn công hết nhóm người này đến nhóm người khác để thừa cơ chiếm đoạt quyền lực của xã hội. Sau đó, nó hướng sự chú ý của công chúng vào việc tranh đấu lẫn nhau, vừa tạo ra “sự cần thiết” có ĐCSTQ để chống lại kẻ thù, vừa để họ quên đi việc xem xét vai trò cầm quyền của nó.

Nhìn nhận từ góc độ văn hóa, bản chất của văn hóa truyền thống luôn là khuyến khích mặt tốt đẹp của nhân tính là Chân thành, Thiện lương, sự bao dung Nhẫn nhường và tín tâm vào Thần Phật. Khi người ta tranh đấu lẫn nhau, thông thường sẽ làm cho mặt ác của con người bộc phát, bạo lực tăng cường. Do vậy, mục đích cuối cùng của ĐCSTQ là phá hủy thêm nữa giá trị tốt đẹp của nhân tính và văn hóa truyền thống. Tất nhiên để tiếp tục làm rõ hơn vấn đề phức tạp và hệ trọng này, chúng ta còn cần bàn luận thêm ở các phần sau.

Theo 9binh.com
Đại Nghĩa biên tập