Chuyên mục Chữ và Nghĩa chủ trương trả lại ý nghĩa đích thực, nghĩa gốc của những từ ngữ mà chúng ta đang dùng trong đời sống hiện đại. Nếu chúng ta hiểu không đúng nghĩa của từ, chúng ta sẽ không thể hiểu được lời nói của ông cha, cũng không đọc được sách vở chính thống, chính là tự cắt đi sự liên hệ với quá khứ. Do vậy, chúng tôi xin giúp độc giả phạt cỏ dọn cành ngõ hầu phát quang lối cũ về với người xưa. Và cũng nhân đó giúp cho độc giả có được dăm ba phút giải trí nhẹ nhàng.

“Chính trị” là một từ có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống chúng ta. Từ Đông sang Tây, có rất nhiều cách hiểu khác nhau về ý nghĩa của từ “chính trị”. Bài viết này có mục đích tổng hợp lại các khái niệm về chính trị trên phương diện ‘Chữ và Nghĩa’ ngõ hầu cùng độc giả rộng đường bàn luận, tránh cái nhìn thiên kiến, hẹp hòi về từ “chính trị”.

Trước hết, “chính trị” là một từ mượn từ Hán văn.

政 Chính (trong “chính trị”) nghĩa là làm cho chính. Nó gồm chữ “chính” 正 (ngay chính), và bộ “phốc” 攴 nghĩa là vỗ, đánh nhẹ. Như vậy, chữ “chính” 政 có nghĩa là tác động vào để làm cho ngay chính.

治 Trị (trong “chính trị”) nghĩa là trị sửa, trị lý, quản lý. “Trị” gồm bộ “thủy” 水, nghĩa là nước, và chữ “di” 怡 (chữ di cổ viết là 台), nghĩa là vui vẻ. Như vậy “trị” có nghĩa là các biện pháp mềm như nước, thiện như nước để mọi người vui vẻ.

Trong thiên “Tu Thân” sách “Tuân Tử” viết: “Thiểu nhi lý viết trị”, nghĩa là thiếu mà sửa sang thì gọi là trị.

Vậy trong nền văn minh cổ Á Đông thì chính trị tức là “dùng các biện pháp, hành động khéo léo mềm mại, thuần thiện để sửa trị lại những gì không chính, khiến chúng được ngay chính”. Chính trị hoàn toàn không phải là “cai trị” hay dùng các biện pháp sắt máu, bạo lực, mưu mô và nói chung là bất thiện để cưỡng ép, áp bức con người và sự việc nhằm đạt được mục đích nào đó của chủ thể chính trị.

Trong văn minh phương Tây, từ “chính trị” cũng xuất hiện khi có nhà nước cổ Hy Lạp. Người ta có thể thấy chúng xuất hiện trong các tác phẩm “Cộng hòa” của Plato hay “Chính trị” của Aristotle. Nền văn minh Hy Lạp có từ rất sớm, đặt nền móng cho văn minh phương Tây hiện nay. Từ “chính trị” theo tiếng Hy Lạp cổ là Politiká có nghĩa là “sự vụ của các thành phố”, đó là quá trình tạo ra những quyết định để áp dụng cho các thành viên của một nhóm. Nó ám chỉ việc giành được hay thực thi những địa vị cai quản – kiểm soát có tổ chức lên một cộng đồng người, đặc biệt là một thành bang.

Trong văn minh phương Tây, từ “chính trị” cũng xuất hiện khi có nhà nước cổ Hy Lạp. (Ảnh minh họa: github.com)

Ngày nay, trong quan niệm của phương Tây, từ chính trị được phân loại như sau (theo từ điển Wikipedia Tiếng Anh):

“Chính trị hình thức” (formal politics) chỉ hoạt động của một hệ thống chính thể lập hiến và những thủ tục và thể chế được định nghĩa một cách công khai. Những đảng phái chính trị, những thảo luận và chính sách công về chiến tranh và quan hệ quốc tế cũng thuộc phạm vi này của chính trị hình thức. Nhiều người nhìn nhận chính trị hình thức như cái gì đó vượt ngoài phạm vi của họ, nhưng vẫn có thể tác động đến cuộc sống hàng ngày của họ.

“Chính trị phi hình thức” (informal politics) được hiểu như việc tạo ra các liên minh, thực thi quyền lực, bảo vệ và thúc đẩy những ý tưởng và mục đích. Nói chung, điều này bao gồm bất cứ điều gì tác động đến đời sống hàng ngày, chẳng hạn cách mà một văn phòng hay một hộ gia đình được quản lý, hoặc cách thức mà một cá nhân hay nhóm gây ảnh hưởng lên một cá nhân hay nhóm khác. “Chính trị phi hình thức” được hiểu như chính trị hàng ngày, vì vậy dẫn đến tư tưởng rằng “chính trị ở khắp nơi”.

Như vậy, theo quan niệm của người phương Tây thì mỗi hoạt động của con người tác động đến xung quanh đều được coi là “làm chính trị”.

Trong từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê bản 2018 thì từ “chính trị” được định nghĩa như sau:

“Chính trị d. Những vấn đề về tổ chức và điều khiển bộ máy nhà nước trong nội bộ một nước, và về quan hệ về mặt nhà nước giữa các nước với nhau (nói tổng quát)”.

Theo định nghĩa của Từ Điển Bách Khoa Việt Nam thì:

“CHÍNH TRỊ: toàn bộ những hoạt động có liên quan đến các mối quan hệ giữa các giai cấp, giữa các dân tộc, các tầng lớp xã hội, mà cốt lõi của nó là vấn đề giành chính quyền, duy trì và sử dụng quyền lực nhà nước, sự tham gia vào công việc của nhà nước, sự xác định hình thức tổ chức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của nhà nước”.

Như vậy là cách hiểu về chính trị có khác biệt giữa Đông và Tây. Ở phương Tây, hầu như hoạt động nào cũng là “làm chính trị” theo cách hiểu về chính trị phi hình thức. Nhưng ở một số quốc gia Châu Á thì “làm chính trị” tức là các hoạt động can thiệp đến chính sách hoặc liên quan đến “giành chính quyền”.

Chính trị ở phương Đông và Tây được hiểu hoàn toàn khác nhau. (Ảnh minh họa: pictame.com)

Hãy lấy Trung Quốc làm ví dụ. Hiện nay, khái niệm “làm chính trị” đang được chính quyền nước này sử dụng để chụp mũ những nhóm bất đồng chính kiến, những nhóm dân oan, những nhóm sắc tộc thiểu số như người Tây Tạng hay Duy Ngô Nhĩ… hoặc các nhóm tôn giáo mà nhà nước Trung Quốc không thao túng được. Do vậy, thủ đoạn quen thuộc của họ là trước tiên vu cho những người này “làm chính trị”, sử dụng hệ thống truyền thông độc quyền của nhà nước để tạo dư luận, dọn đường cho các hoạt động trừng phạt mang tính vi hiến đối với các nhóm người này.

Một ví dụ điển hình là Pháp Luân Công, môn khí công cổ xưa của Phật Gia ban đầu rất được ủng hộ bởi các tầng lớp dân chúng Trung Quốc nhờ lợi ích sức khỏe và chấn hưng đạo đức xã hội. Tuy vậy, từ 20/7/1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mà đứng đầu là Giang Trạch Dân, với nỗi lo sợ hoang tưởng bị mất mát ảnh hưởng chính trị, đã bức hại những người tu luyện Pháp Luân Công với phương châm: “vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể, bôi nhọ thanh danh”. Nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị chính quyền sách nhiễu, gây khó khăn cho công việc, cuộc sống, bị bắt giữ, tra tấn, giết hại, thậm chí là mổ lấy nội tạng…

Những lo ngại của ĐCSTQ là vô căn cứ, hoang tưởng, bởi vì Pháp Luân Công không phải là một đoàn thể chính trị mà chỉ là một tập hợp lỏng lẻo tự nguyện của những người tu luyện cùng chung lý tưởng được thăng hoa về cảnh giới tinh thần, hoàn toàn không có ham muốn tranh giành quyền lực thế tục. Đại sư Lý Hồng Chí nhiều lần đã tuyên giảng cho các đệ tử của Ngài, đại ý: “Những ai tham gia làm chính trị (theo quan điểm của Trung Quốc) thì đều không được Ngài công nhận là đệ tử”. Tuy vậy, chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng chiêu bài chụp mũ các học viên Pháp Luân Công là “làm chính trị”. Điển hình là cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của 10.000 học viên Pháp Luân Công trước văn phòng Kháng cáo Trung ương Trung Quốc tại Bắc Kinh theo đúng tinh thần Hiến pháp yêu cầu trả tự do cho 45 học viên đã bị bắt giữ bất hợp pháp trước đó cũng bị ĐCSTQ chụp mũ là “biểu tình chính trị” để dễ bề đàn áp.

Tương tự, khi các học viên Pháp Luân Công chia sẻ thông tin với dân chúng Trung Quốc và thế giới về Pháp Luân Công, nêu lên sự thật của cuộc bức hại vi hiến của Đảng Cộng Sản Trung Quốc nhắm vào họ, thì cũng bị vu là “làm chính trị”.

Từ “chính trị” hiện nay đã bị chính quyền Trung Quốc sử dụng để chụp mũ những nhóm bất đồng chính kiến, những nhóm dân oan, những người có niềm tin… (Ảnh: pinterest.com)

Điều hài hước là những nhân vật, tổ chức tôn giáo như Giáo hội Phật giáo Trung Quốc, nơi có những chức sắc của Phật giáo Trung Quốc đi họp Quốc hội, tham gia vào việc hoạch định chính sách nhà nước thì không bao giờ bị coi là “làm chính trị”. Ví dụ “hòa thượng” Thích Vĩnh Tín không chỉ là phương trượng của Thiếu Lâm Tự mà còn có chức tước trong bộ máy nhà nước, tham gia trong Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và hoạt động chính trị.

Tư liệu công khai cho thấy, ông ta được giao làm Phó Hội trưởng Giáo hội Phật giáo Trung Quốc, Hội trưởng Hội Phật giáo tỉnh Hà Nam, từng là Đại biểu tại các kỳ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc các khóa 9, 10 và 11, Ủy viên Hội liên hiệp Thanh niên toàn Trung Quốc. Ông này nhiều lần có những phát ngôn vu khống bôi nhọ Pháp Luân Công và lợi dụng Thiếu Lâm Tự để phối hợp với Cộng sản Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công.

Hay như “hòa thượng” Ấn Thuận, đương nhiệm Phó hội trưởng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc đã nói: “Báo cáo Đại hội 19 là Phật kinh đương đại, tôi đã chép tay 3 lần, và còn đang chuẩn bị tiếp tục chép thêm 10 lần”.

Ông Ấn Thuận còn nói, đồ đệ Phật giáo đầu tiên cần làm một công dân tuân thủ pháp luật “yêu nước yêu đảng”, sau đó mới nói đến tín ngưỡng Phật giáo. Những hoạt động can thiệp chính sách hay chính quyền này chưa bao giờ bị Đảng Cộng Sản và nhà nước Trung Quốc coi là “làm chính trị”.

Nếu quay lại khái niệm về từ “chính trị” trong Hán văn như đã đề cập trong đầu bài: “Chính trị là dùng các biện pháp, hành động khéo léo mềm mại, thuần thiện để sửa trị lại những gì không chính, khiến chúng được ngay chính” thì thủ đoạn chính trị của chính quyền Trung Quốc hiện nay đã khác xa so với quan niệm thuần thiện của tiền nhân họ.

Bạn đọc thân mến, hy vọng qua bài viết này chúng ta đã có thêm thông tin để hiểu rõ hơn về khái niệm “chính trị”, một khái niệm có ảnh hưởng to lớn đến đời sống chúng ta nhưng lại ít được thực sự quan tâm tìm hiểu. Chúc bạn đọc vui vẻ.

Minh Trí