Năm 1978, tại biên giới Tây Nam Trung Quốc, một nhóm thanh niên ở Tây Song Bản Nạp, tỉnh Vân Nam, trải qua đấu tranh không ngừng, cuối cùng đã chấm dứt “Vận động trí thức thanh niên lên núi xuống thôn” kéo dài hơn 20 năm, liên lụy hàng triệu gia đình, ảnh hưởng đến vận mệnh của cả một thế hệ.

Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Năm 1978, tại biên giới Tây Nam Trung Quốc, một nhóm thanh niên ở Tây Song Bản Nạp, tỉnh Vân Nam, trải qua đấu tranh không ngừng, cuối cùng đã chấm dứt “Vận động trí thức thanh niên lên núi xuống thôn” kéo dài hơn 20 năm, liên lụy hàng triệu gia đình, ảnh hưởng đến vận mệnh của cả một thế hệ.

Nhóm thanh niên này đã làm gì? Hôm nay, dựa trên bài viết “Ở trung tâm của thác ghềnh và xoáy nước” của Đinh Huệ Dân và các tài liệu khác, chúng tôi sẽ kể cho bạn về nhóm những người đã chấm dứt cái gọi là “Vận động lên núi xuống thôn” này.

Vận động “Lên núi xuống thôn” bắt đầu từ năm 1955. Sau khi Cách mạng Văn hóa nổ ra vào ngày 22 tháng 12 năm 1968, một bài báo trên Nhân dân Nhật báo dẫn chỉ thị của Mao Trạch Đông: “Thanh niên trí thức đến nông thôn, tiếp thụ tái giáo dục của bần hạ trung nông, là rất tất yếu.” Sau đó, ĐCSTQ một lần nữa triển khai cuộc vận động “Thanh niên trí thức lên núi xuống thôn” trong phạm vi toàn quốc.

Kể từ năm 1968, khoảng 17 triệu học sinh trung học cơ sở và cao trung học (12-18 tuổi) trên cả nước đã bị đưa đến các vùng nông thôn và biên cương để làm nông dân, họ đã phải chịu nhiều tội ác, thực tế là bị đưa đến các trại cải tạo lao động biến tướng.

Đến năm 1978, một nhóm thanh niên trí thức ở Tây Song Bản Nạp, Vân Nam, không thể chịu đựng được hoàn cảnh của mình, nên bắt đầu không ngừng đấu tranh kháng nghị. Đinh Huệ Dân, một thanh niên tri thức đến từ Thượng Hải, là một trong những nhân vật đại biểu.

Ba lần gửi thư kêu cứu lên cấp trên

Ngày 16 tháng 10 năm 1978, Đinh Huệ Dân đầu tiên viết “Bức thư chung công khai gửi phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình”, bày tỏ nguyện vọng được trở lại thành phố và về nhà. Hơn 300 thanh niên trí thức đã ấn dấu tay vào bức thư.

Sau khi bức thư được gửi đến Quốc vụ viện, Quốc vụ viện đã chuyển nó đến tỉnh Vân Nam để xử lý, sau đó bặt vô âm tín.

Một tháng sau, vào ngày 16 tháng 11, Đinh Huệ Dân viết bức thư chung công khai thứ hai gửi Đặng Tiểu Bình, với hơn 10.000 người ký tên. Tuy nhiên, sau khi gửi thư vẫn không có hồi âm.

Một tháng sau, vào ngày 17 tháng 12, Đinh Huệ Dân viết bức thư chung thứ ba cho Đặng Tiểu Bình. Trong thư nói:

“Đồng dạng là trí thức trẻ, vì sao vận mệnh lại khác nhau như vậy? Con cái người nhà có quyền đã sớm cao chạy xa bay, dương dương đắc ý; Kẻ có cửa chạy thì lặng lẽ lẻn đi không một tiếng động; Kẻ có tiền mua thông lộ thì không cánh mà bay; Còn lại chỉ là chúng tôi, con cái của những gia đình phổ thông, giống như một đống rác bị vứt bỏ ở nơi này!”

“Đã tám năm rồi, nước mắt của cha mẹ chúng tôi sắp cạn rồi. Thể xác thanh xuân của chúng tôi sắp tàn lụi rồi, nếu cứ tiếp tục như vậy, chúng tôi thực sự chịu không nổi. Chúng tôi thỉnh cầu, không cầu vàng, không cầu bạc, chỉ cầu được trở về bên cha mẹ của chúng tôi!”

Đương thời, có tám nông trường ở Tây Song Bản Nạp, ngoại trừ những thanh niên trí thức ở nông trường Cảm Lãm Bá không ký, còn tất cả những thanh niên trí thức từ các nông trai khác đều ký vào lá thư kiến ​​nghị. Trong số đó, chữ ký ở nông trường số 4 là dao cắt vào ngón tay, dùng máu mà ký tên.

Bức thư thứ ba này cuối cùng cũng đã được chuyển đến trước mặt Đặng Tiểu Bình.

Khiêng xác du hành

Sau khi bức thư đầu tiên được gửi đi, ở đương địa đã phát sinh một sự việc.

Sáng sớm ngày 12 tháng 11 năm 1978, Cù Lâm Tiên, một thanh niên trí thức ở Thượng Hải đến nông trường Cảm Lãm Bá, chuyển dạ, chồng cô là Ông Sĩ Hiền vội vã đến phòng khám chi nhánh và nhờ bác sĩ đến nhà đỡ đẻ.

Kết quả, bác sĩ Trần, trưởng phòng khám chi nhánh, bận dự tiệc nên không đến kịp. Khoảng 3 giờ chiều ngày hôm đó, Cù Lâm Tiên cuối cùng cũng sinh được con trai, nhưng nhau thai vẫn còn trong cơ thể cô và không rụng đi. Cù Lâm Tiên đau đớn không chịu nổi, máu chảy không ngừng.

Sau vài giờ, Cù Lâm Tiên mới được đưa đến phòng khám chi nhánh rồi đến bệnh viện tổng. Nhưng cuối cùng, do không được cứu trị kịp thời, cô đã chết vì xuất huyết, khi đó cô mới 24 tuổi.

Cái chết của Cù Lâm Tiên đã dẫn phát sự bất mãn cường liệt trong những thanh niên tri thức. Họ khiêng thi thể của Cù Lâm Tiên diễu hành đến nông trường Cảm Lãm Bá, trên đường đi rất nhiều thanh niên đã gia nhập. Họ hướng tới các lãnh đạo nông trường đề xuất cải thiện việc đãi ngộ đối với những thanh niên trí thức, trả tự do cho người bệnh và điều chuyển người bệnh về thành phố, tuy nhiên, các lãnh đạo nông trường đã không đáp ứng, nên họ định khiêng thi thể của Cù Lâm Tiên đến Cảnh Hồng, thủ phủ của Tây Song Bản Nạp. 

Khi tin tức này truyền đến Côn Minh, An Bình Sinh, bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Vân Nam, lo ngại sẽ xảy ra chuyện nghiêm trọng, nên đã ra lệnh cho Đảng Hướng Dân, ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, chủ nhiệm Sở Nông Lâm tỉnh, nhanh chóng đến nông trường Cảm Lãm Bá và xử lý sự việc một cách thỏa đáng.

Vào ngày Đảng Hướng Dân đến nông trường Cảm Lãm Bá, trước tiên ông thực hiện ba biện pháp để ổn định tâm trạng của thanh niên trí thức: (1) Phê bình nghiêm khắc các lãnh đạo nông trường, ra lệnh cho họ kiểm điểm và xin lỗi những thanh niên trí thức; (2) đồng ý với yêu cầu hợp lý của thanh niên trí thức, cử hành lễ truy điệu cho người chết (3) Yêu cầu ủy ban và nông trường thông báo cho cha mẹ của người quá cố, và Văn phòng Thanh niên trí thức Thượng Hải đến đây để cùng nhau tổ chức tang lễ.

Đảng Hướng Dân cũng đã nói chuyện với nhiều thanh niên trí thức suốt đêm, cuối cùng đã thuyết phục họ không mang thi thể về Cảnh Hồng.

Sự việc đột phát này đã đổ thêm dầu vào cuộc đấu tranh của thanh niên trí thức ở Vân Nam.

Bãi công tập thể

Lại nói, sau khi bức thư của Đinh Huệ Dân gửi Đặng Tiểu Bình không có hồi âm, thanh niên trí thức muốn đến Bắc Kinh thỉnh nguyện, nhưng lãnh đạo không đồng ý. Cái này không được, cái kia cũng không được, cuối cùng, một cuộc đại bãi công bắt đầu.

Ngày 8 tháng 12 năm 1978, đại diện thanh niên trí thức từ các nông trường ở Tây Song Bản Nạp đã họp và bầu ra một tổ trù bị để chuẩn bị đưa kiến ​​nghị lên Bắc Kinh, Đinh Huệ Dân được bầu làm tổng chỉ huy, tuyên bố bãi công vô thời hạn bắt đầu từ ngày 9 tháng 12. 

Vào ngày 10 tháng 12, Hội nghị công tác quốc gia về đưa thanh niên trí thức lên núi xuống thôn của ĐCSTQ đã kết thúc, không chỉ tuyên bố rằng công tác đưa thanh niên lên núi xuống thôn đã đạt được “thành tựu to lớn” kể từ Cách mạng Văn hóa, mà còn nhấn mạnh rằng việc đưa thanh niên lên núi xuống thôn sẽ tiếp tục trong tương lai.

Văn bản được thông qua tại hội nghị cũng quy định rằng trong tương lai, thanh niên trí thức ở các nông trường (binh đoàn) sẽ được đối đãi như là công chức của các doanh nghiệp nhà nước, không còn nằm trong phạm vi chiếu cố của chính sách thanh niên trí thức quốc gia. Nói cách khác, con đường đưa thanh niên trí thức từ đồng quê trở về thành phố đã bị chặn chết.

Tin tức này đã đổ thêm dầu vào lửa. Trong số tám nông trường của Cục Khai hoang Nông nghiệp Tây Song Bản Nạp, những thanh niên trí thức từ bảy nông trường đã tham gia bãi công, lên tới 30.000 người, toàn bộ công việc nông trường đều bị tê liệt.

Nằm trên đường ray để kháng nghị

Vào ngày 16 tháng 12, phái đoàn đầu tiên gồm 40 người từ các nông trường ở Tây Song Bản Nạp đã đi bộ hành đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện.

Tỉnh ủy Vân Nam khẩn trương chỉ đạo Ủy ban Nông nghiệp tỉnh, Văn phòng Thanh niên Giáo dục, Tổng cục Khai hoang nông nghiệp, Công an thành lập tổ công tác liên hợp để ngăn cản các đại biểu.

Tối 24/12, những đại biểu lên tàu tại ga Côn Minh, không lâu thì bị cản lại. Sau đó, bất kể họ đi đâu cũng không được phép tiến vào nhà ga. Vì vậy, họ đi bộ đến một nơi gọi là Dương Phương Ao và cùng nhau nằm trên đường ray để kháng nghị. Kết quả là, tuyến đường sắt chính nối Côn Minh với các tuyến Bắc Kinh-Thượng Hải, Bắc Kinh-Quảng Châu và Long Hải bị gián đoạn vào ngày hôm đó, và ngay cả các chuyến tàu quân sự bí mật đi đến biên giới Trung-Việt cũng phải dừng ở đó.

Ngày 25/12, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ ban hành 3 chỉ thị gửi Tỉnh ủy Vân Nam: thứ nhất, kiên trì các văn kiện do Hội nghị Công tác Thanh niên trí thức Toàn quốc đưa ra; Thứ hai, cử đoàn điều tra đến Vân Nam để lắng nghe ý kiến của công chức trẻ ở các nông trường quốc doanh; Thứ ba, thanh niên trí thức phải chấm dứt hành vi chặn tàu hỏa và cản trở giao thông đường sắt.

Đồng thời, Trung ương cử các chuyên viên bay tới Côn Minh để xử lý  vụ việc.

Thỉnh nguyện Bắc Kinh

Trong khi đoàn đại biểu kiến nghị đầu tiên đang hành động, vào ngày 18 tháng 12, Đinh Huệ Dân dẫn đầu đoàn đại biểu kiến ​​nghị thứ hai đến Bắc Kinh.

Vào ngày 27 tháng 12, 26 đại biểu cuối cùng đã đến Bắc Kinh. Họ đến Quảng trường Thiên An Môn và giăng hai biểu ngữ cạnh cầu Kim Thủy, một cái viết: “Chúng tôi muốn gặp chủ tịch Hoa, chúng tôi muốn gặp phó chủ tịch Đặng”, một cái khác viết: “Chúng tôi muốn tố cáo, chúng tôi muốn cáo trạng”. 

Hành động của họ đã thu hút sự chú ý của các phóng viên nước ngoài có mặt. Đêm hôm đó, một đài phát thanh nước ngoài đưa tin rầm rộ: Một đoàn thanh niên trí thức thỉnh nguyện từ Vân Nam đã đến Bắc Kinh.

Vụ việc nhanh chóng khiến Trung ương chấn động. Buổi tối, các đại biểu được đưa về nhà khách Bộ Nông Lâm chiêu đãi. Vài ngày tiếp theo, Văn phòng Thanh niên trí thức của Quốc vụ viện, Trung ương Đoàn, Liên đoàn Phụ nữ toàn quốc, Bộ Lao động, Bộ Nội vụ đã cử người đến tọa đàm với những đại biểu thỉnh nguyện.

Ngày 4 tháng 1 năm 1979, Vương Chấn, phó thủ tướng Quốc vụ viện ĐCSTQ tiếp kiến các đại biểu.

Theo hồi ức của Đinh Huệ Mẫn, sau khi mọi người vỗ tay, tưởng chừng có thể nghe được mấy câu chào hỏi thân tình của Vương Chấn, không ngờ trên mặt ông ta lại tỏ vẻ nghiêm khắc, đột nhiên giơ nạng lên đập mạnh xuống đất, sau đó tuôn ra những lời khiển trách nặng nề như loạt đại bác. Những đại biểu đều sửng sốt, không ai dám đề cập đến việc trở lại thành phố.

Vương Chấn ý thức được sự không đồng tình của thanh niên trí thức, cuối cùng đã mời toàn thể đại biểu đi xem bộ phim “Tướng quân Patton” vào tối hôm đó. Sau khi xem phim, Vương Chấn nói, Tây Song Bản Nạp là một nơi tốt và bạn phải yêu thích nó; Trung ương không quên nó, ngược lại, phải xây dựng nó thật tốt; phó chủ tịch Đặng nói rằng không lâu nữa sẽ đầu tư vốn quy mô lớn, nếu tiền không đủ, thì cũng có thể dùng đến ngoại hối!

Vương Chấn nói: “Tôi đã chuyển thư của các bạn cho chủ tịch Hoa, phó chủ tịch Đặng và nguyên soái Diệp Kiếm Anh.” Nói xong, ông ta quay người rời đi.

Lúc này, Lưu Đình Minh, một đại diện của  thanh niên trí thức, đột nhiên đứng dậy từ hàng ghế sau và hét lớn: “Vương Chấn, ông không được phép rời đi! Ông còn chưa trả lời câu hỏi thực tế của chúng tôi!” Nói xong liền lao tới hàng ghế đầu, và ngay lập tức bị nhân viên bảo vệ tóm lấy tay. Vương Chấn sửng sốt, sau khi định thần lại liền mắng Lưu Đình Minh.

Tuyệt thực, rạch cổ tay, khóc lóc thảm thiết

Ở bên kia, vào ngày 25 tháng 12 năm 1978, một nhóm điều tra do Triệu Phàm, phó chủ nhiệm văn phòng tiểu tổ lãnh đạo công tác thanh niên trí thức của Quốc vụ viện đã dẫn đầu tổ điều tra đến Côn Minh.

Vào ngày 8 tháng 1, tổ điều tra được biết thanh niên trí thức ở nông trường Mãnh Cương đã bắt đầu tuyệt thực, nên họ chạy suốt một ngày một đêm để đến nông trường.

Chiều 10/1, trong cuộc gặp gỡ giữa Triệu Phàm và thanh niên trí thức, một thanh niên đến từ Bắc Kinh tên là Ngô Hướng Đông đã kể về trùng trùng những bất hạnh mà bản thân gặp phải. Anh nói: “Để bảo vệ tôn nghiêm của một thanh niên trí thức chân chính, một con người bằng xương bằng thịt, cũng vì để bác bỏ thân phận không chân thực là ‘công chức thanh niên nông trường’ mới được lãnh đạo gia cường cấp cho chúng tôi, chúng tôi quyết định bày tỏ kháng nghị của chúng tôi theo phương cách cuối cùng!” Nói xong, Ngô Hướng Đông quay người, lấy con dao găm từ trong túi quần ra và cứa vào cổ tay mình để tự sát.

Một nữ thanh niên trí thức đến từ Tứ Xuyên mắc bệnh tim nghiêm trọng từ từ bước lên sân khấu và bất ngờ quỳ xuống trước mặt Triệu Phàm, cô khóc lớn và nói: “Chú ơi, xin hãy cứu chúng tôi…” Hàng trăm thanh niên trí thức dưới sân khấu đều quỳ xuống, bật khóc lớn và hét lên: “Chúng tôi muốn về nhà!”

Triệu Phàm cũng khóc. Ông nói: Tôi cũng có con đang xếp hàng, tôi cũng là phụ huynh của một thanh niên trí thức, tôi nhất định sẽ báo cáo tình huốn của các bạn lên Trung ương.

Ngày 25 tháng 1 năm 1979, Triệu Phàm đệ trình “Báo cáo thỉnh thị phê chuẩn việc đưa  thanh niên trí thức trở lại thành phố” lên Quốc vụ viện và đề xuất sáu cách để giải quyết vấn đề. Vào ngày 6 tháng 2, Quốc vụ viên đã phê chuẩn báo cáo thỉnh thị. Trong vòng chưa đầy ba tháng, hơn 90% thanh niên trí thức từ các nông trường ở Vân Nam đã được trở về thành phố nguyên lai của họ.

Năm 1980, Ban Bí thư Trung ương ĐCSTQ quyết định bắt đầu từ kỳ nghỉ hè năm đó, sinh viên mới ra trường sẽ không còn phải “lên núi, xuống thôn” nữa.

Sở dĩ “Vận động lên núi xuống thôn” kết thúc là nhờ có cuộc đấu tranh của thanh niên trí thức Vân Nam phải đóng vai trò chủ đạo, kích phát các lực lượng khác nhau.

Đương nhiên, còn có ba yếu tố bối cảnh chính:

Đầu tiên là thiên thời. Các cuộc vận động chính trị do Mao Trạch Đông phát động, đặc biệt là Cách mạng Văn hóa kéo dài 10 năm, khi đó đã đến cuối cùng.

Thứ hai là địa lợi. Đặng Tiểu Bình đang chuẩn bị phát động chiến tranh chống Việt Nam. Vân Nam đang ở tuyến đầu của cuộc chiến và không thể gây rắc rối vào thời điểm quan trọng này.

Thứ ba là nhân hòa. Tại Phiên họp toàn thể lần thứ ba khóa XI vào tháng 12 năm 1978, Trung ương ĐCSTQ đã đề xuất cái gọi là “cải cách mở cửa” để tranh thủ sự ủng hộ của các tầng lớp xã hội. Trong lúc toàn quốc bất bình với “lên núi, xuống thôn” và sẵn sàng chấm dứt cuộc vận động này, thì Trung ương không thể tiếp tục ép buộc.

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch