Hiếu thảo là đức tính tốt đẹp đầu tiên của con người. Từ những em bé nhỏ tuổi, tới người lao động bình thường, hay bậc vua quan trong thiên hạ đều cần phải thực hành chữ Hiếu. Chữ Hiếu không chỉ bó hẹp trong sự yêu thương chăm sóc với cha mẹ ruột thịt, mà còn mở rộng ra trở thành đức Nhân rộng lớn tạo phúc cho hết thảy người trong thiên hạ.

Lòng hiếu thảo của cậu bé Tử Lộ

Tử Lộ là học trò của Khổng Tử, ông là người nổi tiếng dũng cảm, ngay cả Khổng Tử còn phải khen: “Trọng Do (tức Tử Lộ) dũng cảm hơn cả ta”. Ngay từ khi còn nhỏ, Tử Lộ cũng là người con đại hiếu.

Thuở nhỏ, gia đình Tử Lộ rất nghèo khổ, quanh năm ăn lương thực thô như ngô, khoai với rau dại. Một hôm cha mẹ cậu bé muốn ăn cơm, nhưng trong nhà không có hạt gạo nào, cũng chẳng có gì có thể đổi lấy gạo được. Suy nghĩ mãi, cuối cùng cậu bé quyết định đi bộ qua mấy quả núi đến nhà họ hàng hỏi vay ít gạo.

Cậu bé mới tí tuổi đầu đã một mình vượt rừng lội suối, qua mấy ngọn núi, đi bộ mấy chục dặm đường, mượn được một bao gạo nhỏ từ nhà người họ hàng rồi cõng về nhà. Nhìn thấy cha mẹ ăn cơm thơm phức ngon lành, cậu bé quên hết mệt nhọc. Xóm làng biết chuyện đều khen ngợi cậu bé hiếu thảo lại dũng cảm.

Tử Lộ là học trò của Khổng Tử, ông là người nổi tiếng dũng cảm, ngay cả Khổng Tử còn phải khen. (Ảnh: Pinterest)

Chữ Hiếu của thanh quan Bao Công

Bao Công, có tên là Bao Chửng, tự Hy Nhân, người Hợp Phì, Lô Châu. Cha ông là Bao Nghi, làm quan Đại phu trong triều, sau này chết được truy phong làm Hình bộ Thị lang. Bao Công ngay từ khi còn bé đã nổi tiếng là người con hiếu thảo, tính tình đôn hậu, chính trực.

Năm Thiên Thánh thứ 5 đời Tống Nhân Tông (năm 1027), ông đỗ Tiến sỹ ở tuổi 28. Đầu tiên ông được bổ nhiệm làm quan Bình sự của Đại Lý Tự, sau đó được bổ nhiệm làm tri huyện Kiến Xương. Khi đó cha mẹ ông tuổi tác đã cao, không muốn cùng ông đi xa nơi đất khách quê người. Không do dự, ông từ quan về nhà chăm sóc cha mẹ già. Lòng hiếu thuận của ông được văn võ bá quan cả triều đình khen ngợi.

Mấy năm sau, cha mẹ ông lần lượt qua đời. Hết thời gian mãn tang, ông vẫn ở nhà lo thờ cúng cha mẹ. Sau này được bà con làng xóm một mực khuyên nhủ, ông mới quay trở lại đường quan lộ của mình.

Lòng đại hiếu của bậc Thánh nhân Thuấn

Vua Thuấn khi còn nhỏ, cha ông vừa mù vừa điếc, lại vô cùng nóng nảy. Mẹ ông mất sớm, cha ông lấy vợ kế sinh được em trai kế là Tượng. Mẹ kế là người nhỏ nhen ích kỷ, thường nói xấu Thuấn với cha, nên Thuấn thường bị cha đánh mắng.

Nhưng Thuấn là người con đại hiếu, vẫn ân cần hiếu thuận với cha mẹ, nhường nhịn em. Tuy nhiên, mẹ kế vẫn sợ Thuấn được kế thừa một nửa gia nghiệp, nên nghĩ kế hãm hại Thuấn hết lần này đến lần khác.

Thuấn lớn lên trong mắng chửi đánh đập của cha, trong ghen ghét, hãm hại của mẹ kế và em trai, nhưng Thuấn vẫn không hề có chút tâm oán hận họ, cũng chẳng để tâm đến lời nói hành vi độc ác của họ đối với mình.

Năm Thuấn 20 tuổi, danh tiếng hiếu thuận của ông đã vươn xa khắp cõi. Ông được quan địa phương tiến cử với vua Nghiêu. Vua rất cảm động trước tấm lòng hiếu thuận của Thuấn, đã gả con gái cho Thuấn.

Đức hạnh hiếu thảo của Thuấn cuối cùng cũng đã khiến mẹ kế và em trai cảm động, cả nhà hòa hợp vui vẻ. Sau này Thuấn được vua Nghiêu nhường ngôi trị vì thiên hạ, và trở thành một Thánh đế nổi tiếng trong lịch sử, gây dựng thái bình thịnh trị đời Nghiêu – Thuấn.

Chân dung (từ trái qua) vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ, trưng bày tại Thư viện quốc gia Pháp. (Ảnh: webjusimg.pw)

Chữ Hiếu của bậc đế vương Hán Văn Đế

Hán Văn Đế Lưu Hằng là con trai thứ 3 của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Ông là ông vua nhân từ và là người con đại hiếu, nổi tiếng khắp thiên hạ và được lưu truyền sử sách. Mẹ ông bệnh liệt giường 3 năm, ông thường ở bên chăm sóc, không hề chợp mắt. Tất cả thuốc thang cho mẹ, ông đều đích thân nếm thử rồi mới yên tâm đưa mẹ uống.

Ông tại vị 24 năm, trọng đức trị, hưng lễ nghi, chú trọng phát triển nông nghiệp, khiến nhà Hán sau thời loạn Võ Hậu được dần dần ổn định, dân số tăng nhanh, kinh tế được khôi phục và phát triển, cùng với thời Cảnh Đế trở thành thời thịnh trị “Văn Cảnh chi trị” được lưu truyền trong sử sách.

Hán Văn đế cũng hướng đến việc nương nhẹ cho dân chúng. Các quan bàn với ông rằng phải có pháp luật thật nặng mới có thể răn đe dân không phạm tội, và không nên sửa đổi pháp luật của đời trước để lại. Tuy nhiên, Văn Đế không tán thành. Ông cho rằng: “Pháp luật đúng đắn thì dân tốt; trị tội đúng thì dân theo. Chức trách của các quan lại là dạy dân chúng, hướng dân chúng theo điều tốt. Những kẻ đã không thể hướng dân đến chỗ tốt lại lấy pháp luật không đúng để bắt tội họ, như thế là làm hại dân, làm những điều bạo ngược”.

Chữ Hiếu theo quan niệm Nho gia

Nho gia giảng: “Bách thiện hiếu vi tiên” (Trăm nết thiện thì chữ Hiếu đứng đầu). Nho gia dạy mọi người làm người quân tử, quang minh chính đại, phụng sự quốc gia. Tiêu chuẩn cao nhất của Nho gia là chữ Nhân. Để trở thành người quân tử, thành bậc nhân đức, thì bước đi đầu tiên là phải làm tròn chữ Hiếu.

Khổng Tử nói: “Hiếu là cái gốc của đức, giáo hóa đức hạnh đều do Hiếu sinh ra. Con ngồi xuống, ta nói cho con nghe. Thân thể, da tóc, là nhận được từ cha mẹ, không được hủy hoại, là khởi đầu của Hiếu. Lập thân hành Đạo, lưu danh hậu thế, để rạng danh cha mẹ, là tận cùng của Hiếu. Đạo Hiếu, bắt đầu bằng phụng sự cha mẹ, tiếp đến là phụng sự quân vương, cuối cùng là lập thân”.

Trong Luận Ngữ có viết: “Người hiếu thuận với cha mẹ, tôn kính anh chị, mà lại thích phạm thượng, chống đối cấp trên, thì rất ít. Người không phạm thượng, chống đối cấp trên mà lại thích tạo phản thì xưa nay chưa từng có. Người quân tử dốc sức tu dưỡng cái gốc. Cái gốc đã vững, thì nguyên tắc đạo đức mới hình thành. Hiếu thuận cha mẹ, tôn kính anh chị là cái gốc của đạo Nhân”.

Nho gia giảng: “Bách thiện hiếu vi tiên” (Trăm nết thiện thì chữ Hiếu đứng đầu). (Ảnh: Pinterest)

Chữ Hiếu của thường dân

Khổng Tử giảng như sau: “Dụng Đạo của Trời, phân chia cái lợi của đất, cẩn thận bản thân, tiết kiệm tiêu dùng, để phụng dưỡng cha mẹ, đó là cái hiếu của thứ dân”.

Điều này có nghĩa là những người dân thường, khi làm việc cần phải hợp với lẽ Trời. Con người phải giữ tròn bổn phận của mình, không được sinh lòng tham và làm những việc ngoài phận sự (Nói một cách thông tục là an phận thủ thường, không trộm cắp hay làm những việc phạm pháp). Họ phải cần kiệm giữ gìn nếp nhà, hiếu kính và phụng dưỡng cha mẹ, đây là chữ Hiếu của bậc thường dân. Tức là, bậc thường dân coi việc an lạc của bản thân, gia đình và việc phụng dưỡng cha mẹ làm đạo Hiếu.

Chữ Hiếu của người quân tử

Chữ Hiếu của người quân tử là đại hiếu. Khổng Tử nói: “Giáo hóa của bậc quân tử là chữ Hiếu, không phải đến từng nhà hàng ngày nói về Hiếu. Giáo hóa bằng chữ Hiếu, do đó kính trọng các bậc cha mẹ trong thiên hạ. Giáo hóa bằng chữ Đễ, do đó cung kính các bậc huynh trưởng trong thiên hạ. Giáo hóa bằng chữ Thần, do đó tôn kính các bậc quân vương trong thiên hạ”.

Điều này nghĩa là đạo Hiếu mà người quân tử tuân theo không phải chỉ giới hạn trong những người nhà của mình. Mà trái tim người quân tử ôm trọn thiên hạ, nhân từ bác ái, coi tất cả người trong thiên hạ như cha mẹ và anh chị em của mình. Kiểu hiếu thuận này có thể khiến con người trở nên nhân từ và bác ái hơn, chứ không phải là sự ích kỷ và hẹp hòi. Cho nên chữ Hiếu của người quân tử là đại hiếu.

Nếu ai nấy đều tuân theo đạo Hiếu này thì giữa con người với con người, giữa các gia đình, quốc gia với nhau sẽ không có chiến tranh, mâu thuẫn và xung đột. Như vậy, thiên hạ sẽ là người một nhà. Xã hội nhân loại cũng sẽ trở thành thế giới đại đồng, nơi mà tất cả người trong bốn bể đều là anh em một nhà. Ngược lại, nếu con người mất đi nhân đức thì chữ Hiếu chỉ là chiêu bài nhằm bảo vệ tư lợi về một phương diện hẹp hòi nào đó mà thôi. Vậy thì, đạo Hiếu này đã vi phạm tư tưởng của bậc Thánh nhân. Điều này không những không được gọi là Hiếu, mà ngược lại là một tội ác.

Hiếu mà người quân tử tuân theo không phải chỉ giới hạn trong những người nhà của mình mà là mọi nơi mọi lúc với bậc trên. (Ảnh: wikipedia.org)

Chữ Hiếu của bậc thiên tử

Chữ Hiếu của bậc thiên tử, Khổng Tử giảng như sau: “Người yêu thương cha mẹ, sẽ không ác với người khác. Người kính trọng cha mẹ, sẽ không khinh nhờn người khác. Yêu thương kính trọng là ở việc hết lòng phụng sự cha mẹ, mà việc giáo hóa đạo đức được thực thi cho bách tính, làm khuôn mẫu cho bốn biển. Đó là cái hiếu của bậc thiên tử vậy”.

Nghĩa là con người có thể coi thiên hạ là nhà, coi dân chúng trong thiên hạ như cha mẹ và con cái mình mà thêm phần cung kính, mến yêu, nên không dám oán hận và coi thường người khác. Dùng nhân đức để giáo hóa và trở thành tấm gương cho tất cả người trong thiên hạ noi theo. Đây chính là đạo Hiếu của bậc thiên tử (thánh nhân, minh quân). Tức là, bậc Thánh nhân hiếu thuận dùng lòng nhân từ và tình yêu thương bao la để tạo phúc cho tất cả chúng sinh trong thiên hạ.

Nam Phương