Tiên nữ hạ phàm giúp hiếu tử Đổng Vĩnh trả nợ. Sau khi trả hết nợ, tiên nữ bạch nhật phi thăng mà đi. Câu chuyện cổ xưa về Lễ Thất tịch là giai thoại thiên cổ về người có đức được Thần bảo hộ.

Đêm mùng 7 tháng 7 Hoàng lịch (người Việt Nam quen gọi là Âm lịch) là tiết Thất tịch, thời cổ đại, ngày này còn được gọi là tiết Thất tịch, Thất xảo, Thất tả đản… Từ cổ chí kim, âm hưởng chủ đề về tình yêu trong tiết Thất tịch luôn ngân nga không ngừng. Sự mong đợi một mối lương duyên với người yêu dấu, câu hát “Lưỡng tình nếu là trường cửu, chẳng phải sẽ được bên nhau sớm tối”, đã trở thành một giai thoại Thất tịch được truyền từ đời này đến đời khác.

Truyền thuyết Thất tịch đến từ thời cổ đại

Trong văn học và văn hiến Trung Quốc, hai cái tên Khiên Ngưu (còn gọi là Ngưu Lang, Hà Cổ tinh) và Chức Nữ đã có từ thời đại nhà Chu. Những câu thơ trong chương “Thi Kinh – Tiểu Nhã – Đại Đông” mượn hình tượng Chức Nữ dệt gấm, Ngưu Lang gánh hàng, điều này là nhất trí với hai nhân vật trong câu chuyện của người đời sau.

Trong “Vân mộng thụy hổ địa tần giản” của Trúc Giản thời nhà Tần được khai quật vào tháng 12 năm 1975 , “Nhật thư giáp chủng” có ghi chép điều mục “Lấy vợ”, dưới đó có hai mục ghi chép giản văn về Ngưu Lang và Chức Nữ, cung cấp manh mối quan trọng về nguồn gốc của truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ. Khảo sát bối cảnh thời đại của văn vật này, giới hạn thấp nhất về thời gian của nó là vào cuối thời Chiến Quốc, hoặc có thể sớm hơn.

Thần sao Ngưu Lang và Chức Nữ

Từ thời tiền Tần đến thời Tây Hán, truyền thuyết về Ngưu Lang và Chức Nữ đã được lưu truyền rộng rãi trong các tập tục cung đình và dân gian, được ghi chép lại trong các tác phẩm văn học, tác phẩm điêu khắc, tranh khắc đá, tranh tinh tượng thiên văn trong lăng mộ nhà Hán.v.v. Vào thời nhà Hán, truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ lên trời xuống đất được lưu lại nhân gian, tôn kính là hai vị thần sao.

Tranh tinh tượng và đá họa tượng của Ngưu Lang Chức Nữ

28 chòm sao trên bầu trời được miêu tả trong bức tranh tinh tượng là bích họa của các ngôi mộ Hán. “Tú” dùng để chỉ một chòm sao, bao gồm một số ngôi sao tổ thành. Đương thời, người ta coi Ngưu tú và Nữ tú là hóa thân của Ngưu Lang Chức Nữ, phản ánh trí tưởng tượng của người dân đương thời. Trên những bức họa tượng đá thời nhà Hán được giới khảo cổ khai quật, có một bức tranh “Ngưu tú, Nữ tú đồ”, hiện được lưu giữ trong Bảo tàng Tranh nhà Hán ở Nam Dương, Hà Nam. Ngưu tú là Ngưu Lang, dùng hình tượng cụ thể là một chàng trai đang dắt đàn bò, góc dưới bên trái của bức tranh là Nữ tú, với bốn ngôi sao bao quanh đầu Chức Nữ.

Ngưu Lang (phải) và Chức Nữ (dưới cùng bên trái) trên bức phù điêu bằng đá của ngôi mộ Hán ở Bạch Than, Nam Dương, Hà Nam. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Bức tượng hai vị thần sao bên hồ Côn Minh ở Thượng Lâm Uyển

Bên cạnh hồ Côn Minh trong Vườn Thượng Lâm thời Tây Hán, có hai vị thần tinh tú là Ngưu Lang, Chức Nữ đứng ở hai bờ hồ Côn Minh (tượng trưng cho dải Ngân Hà). Đương thời, mọi người coi Ngưu Lang, Chức Nữ là những vị thần sao.

Ban Cố thời Đông Hán trong “Lưỡng đô phú” đã mô tả một cảnh tượng như vậy: “Tập hồ Dự Chương chi vũ, lâm hồ Côn Minh chi trì. Tả Khiên Ngưu nhi hữu Chức Nữ, tự Vân Hán chi vô nhai”, ý tứ là tụ tập ở Dự Chương, bên cạnh hồ Côn Minh, bên trái là Ngưu Lang, bên phải là Chức Nữ, hồ giống như sự vô biên của sông Ngân Hà. Mặc dù ngày nay bức tượng không còn ở đó nữa, tuy nhiên, trong “Quan phụ cổ ngữ” do Dương Chấn thời Đông Hán viết, đây là một cuốn sách địa lý sơ khai về địa khu Quan Trung: “Trong hồ Côn Minh có hai bức tượng đá, đặt Ngưu Lang Chức Nữ ở bên hồ, giống như Thiên Hà”.

Phong tục Thất tịch thời nhà Hán

Phong tục dân gian của Thất tịch mà người hiện đại chúng ta quen thuộc dường như không khác gì phong tục vào thời nhà Hán. “Tây kinh tạp ký” ghi lại rằng trong cung điện nhà Hán, hoàng đế, hoàng hậu và phi tần “dùng sợi chỉ ngũ sắc buộc cho nhau, gọi là tương liên ái”. Theo ghi chép trong “Tứ dân nguyệt lệnh” do Thôi Thực thời nhà Hán viết, dân gian truyền thuyết rằng Hà Cổ tinh (sao Ngưu Lang) và sao Chức Nữ, hai vị thần sao, sẽ gặp nhau vào Thất tịch, vì vậy những người trong tâm đã có hôn nguyện, ngày này vào canh đêm sẽ lập hương án, bày bánh gạo, rượu, thịt khô, dưa tươi và trái cây theo mùa, rắc bột thơm lên bàn, cúng bái sao Hà Cổ và Chức Nữ, cầu mong một cuộc hôn nhân mỹ mãn. Trong đêm thức ấy, nếu thấy mây trắng ngũ sắc tỏa sáng như sóng trong dải ngân hà, đó là dấu hiệu hai vị Thần sao tương hội, nhìn thấy cảnh này thì mau ước một điều, truyền thuyết nói rằng trong vòng ba năm sẽ có được cuộc nhân tốt đẹp như ý nguyện.

Chim ô thước lấp sông bắc cầu Ô Thước

Lễ Thất tịch hàng năm, một đàn chim ô thước sẽ đắp cây cầu Ô Thước trên dải Ngân Hà, để cho Ngưu Lang Chức Nữ được gặp nhau. “Hoài Nam Tử” được viết bởi Hoài Nam vương Lưu An triều đại Tây Hán, ghi lại rằng “Ô thước lấp sông mà độ Chức Nữ”; trong  “Phong tục thông nghĩa” được viết bởi Ứng Thiệu, thái thú Thái Sơn thời Tây Hán, cũng ghi: “Tháng bảy Chức Nữ qua sông, lấy ô thước làm cầu.” (xem Đường đại Hàn Ngạc “Tuế hoa kỉ lệ” – quyển 3).

Khi Thất tịch đến, truyền thuyết nói rằng những con chim ô thước sẽ xây cầu cho Ngưu Lang Chức Nữ hội ngộ mỗi năm. (Ảnh: ET)

“Sao Ngưu Lang xa xôi” trong Văn học

Những câu thơ cổ của nhà Đông Hán, “Điều điều Khiên Ngưu tinh”, mô tả Chức Nữ và Ngưu Lang trên Thiên thượng bị ngăn cách bởi dải Ngân Hà mà không thể tương phùng, những cặp phu phụ tại nhân gian bày tỏ tình cảm tha thiết khi họ xa cách không được gặp nhau:

Điều điều Khiên Ngưu tinh, kiểu kiểu Hà Hán nữ.
Tiêm tiêm trạc tố thủ, trát trát lộng cơ trữ.
Chung nhật bất thành chương, khấp thế linh như vũ.
Hà Hán thanh thả thiển, tương khứ phục ki hứa.
Doanh doanh nhất thủy gian, mạch mạch bất đắc ngữ.

Tạm dịch:

Hãy nhìn sao Ngưu Lang xa xôi, sao Chức Nữ lấp lánh. 
Chức Nữ múa đôi tay thon thả, khung cửi lách cách âm thanh dệt vải. 
Cả ngày không dệt được một mảnh vải, nước mắt nàng rơi như mưa.
Sông Ngân Hà nhìn thì nông cạn, mà khoảng cách giữa hai bờ là bao xa?
Dù giữa họ chỉ có một dòng sông trong vắt, mà không thể nói thành lời.

Từ những ghi chép trên, có thể thấy rằng diện mạo tinh thần của câu chuyện tình bi thảm Ngưu Lang Chức Nữ đã tồn tại từ thời nhà Hán, và nó đã được truyền bá rộng rãi trong dân gian.

Thiên nhân giáng thế giúp người con hiếu thảo trả nợ

Vào thời nhà Ngụy và nhà Tấn, “Linh chi thiên” của Tào Thực và “Sưu Thần ký” của Can Bảo thời Đông Tấn, đều viết câu chuyện về tiên nữ Chức Nữ xuống trần gian để giúp người con hiếu thảo Đổng Vĩnh trả nợ. “Sưu Thần ký” lưu lại một mô tả hoàn chỉnh, bối cảnh thời gian phát sinh câu chuyện là thời nhà Hán:

“Đổng Vĩnh bán thân để chôn cha” trong “Nhị thập tứ hiếu đồ” do Vương Tố thời nhà Thanh vẽ. (Phạm vi công cộng)

Vào thời nhà Hán, tại Thiên Thừa (nay là phía bắc thị trấn Cao Thanh, huyện Cao Thành, tỉnh Sơn Đông), có một người con chí hiếu, tên là Đổng Vĩnh. Chàng mồ côi mẹ từ nhỏ và sống với cha. Cha chàng thân thể yếu nhược đa bệnh, cả nhà mỗi ngày trải qua cuộc sống vô cùng nghèo khó. Đổng Vĩnh nỗ lực giúp mọi người cày ruộng để đổi lấy một ít thức ăn và tiền lẻ, duy trì sinh kế. Khi đi làm, chàng không thể rời xa người cha ốm yếu của mình, vì vậy chàng đã chở cha mình đi cùng trên một chiếc xe đẩy nhỏ. Khi đến bờ ruộng nơi chàng làm việc, chàng đẩy cha vào bóng râm, rồi vừa chăm sóc cha vừa làm việc.

Sau đó, cha chàng qua đời, Đổng Vĩnh túng quẫn không có tiền làm tang lễ cho cha, nên đã bán mình cho một gia đình giàu có làm người hầu để đổi lấy tiền lo tang lễ. Biết được lòng hiếu thảo của Đổng Vĩnh, chủ nhân đã đưa cho chàng một vạn tiền, bảo chàng về nhà lo tang lễ. Sau 3 năm mãn tang cha, Đổng Vĩnh đến nhà chủ để trả nợ. Trên đường đi, chàng gặp một người phụ nữ, người phụ nữ nói rằng “nguyện làm vợ chàng”. Đổng Vĩnh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa người phụ nữ đi cùng mình đến nhà chủ nhân.

Chủ nhân thấy Đổng Vĩnh đã mãn tang trở về, liền nói với chàng: “Số tiền đã đưa cậu để lo tang sự cho cha, tôi không cần cậu trả lại”.
Đổng Vĩnh đáp: “Nhờ ân huệ của chủ nhân, tang lễ của cha tôi đã mãn kỳ. Vĩnh chỉ là một nhân vật nhỏ bé không là gì cả, nhưng nhất định phải tận lực cần mẫn làm việc để báo đáp hậu đức của chủ nhân”.
Chủ nhân hỏi: “Vợ cậu có thể làm gì?”
Đổng Vĩnh nói: “Cô ấy biết dệt vải”.
Chủ nhân nói: “Nếu cậu nhất định phải trả ơn tôi, hãy bảo vợ cậu dệt một trăm tấm lụa cho tôi”.

Theo đó, vợ của Đổng Vĩnh đã dệt vải tại nhà của chủ nhân. Mười ngày sau, hàng trăm tấm lụa cao quý đã được đặt trước mặt chủ nhân. Tìm đâu ra đôi bàn tay khéo léo như vậy ở nhân gian?

Sau khi hoàn thành công việc chủ nhân giao, Đổng Vĩnh cũng trả hết nợ nần, chàng và vợ cảm ơn rồi rời khỏi nhà chủ nhân. Sau khi rời khỏi cửa, người vợ nói với Đổng Vĩnh: “Em là tiên nữ dệt vải của thiên thượng. Vì thấy chàng thành tâm chí hiếu cảm động tới Thượng đế, Thượng đế ra lệnh cho em hạ phàm để giúp chàng mau trả được món nợ”.

Lời vừa dứt, Chức Nữ đã thăng không mà đi, nháy mắt đã biến mất bóng dáng. Nhiệm vụ hạ phàm giúp đỡ người con hiếu thảo của tiên nữ đã hoàn thành, nàng đã bay về thiên đình của mình.

Tiên nữ không động tâm phàm, bạch nhật phi thăng mà đi, đây là giai thoại thiên cổ về sự cộng cư giữa người và Thần. (Ảnh: ET)

Ở triều đại tiếp theo, tức là Nam Bắc triều, một truyện ngắn “Tiểu thuyết” do Ân Vân của Nam Lương viết, Chức Nữ đã động tâm phàm, lưu lại những tiếc nuối và trăn trở. Trong câu chuyện của “Tiểu thuyết”, Chức Nữ là con gái của Thiên đế, tinh thần làm việc quên mình của nàng đã được Thiên đế ái mộ. Thiên đế nỗ lực kết đôi cho con gái mình với Ngưu Lang, người cày ruộng canh điền ở Thiên hà. Nào ngờ hai người sau khi kết hôn lại động tâm phàm, bị hãm nhập vào xiềng xích của tình ái, mất đi phẩm chất và bản sắc tinh thần ban đầu. Thiên đế đã triệu hồi Chức Nữ, chỉ cho họ gặp nhau mỗi năm một lần vào Lễ Thất tịch.

Trong những câu chuyện dân gian về Thất tịch sau này, thêm thắt vào những tình tiết như bảy nàng tiên giáng trần, sao Kim Tinh Ngưu chuyển thế làm con bò để báo ân, diễn biến thành câu chuyện ái tình về Thất tịch thông tục ngày nay. 

Phần kết: Tư niệm vĩnh hằng

Gió mùa thu đang thổi, và lễ Thất tịch lại đến. Ngưu Lang, Chức Nữ đã gắn bó với người dân Trung Quốc hàng ngàn năm, cuộc hôn nhân có tình có nghĩa và ái tình của họ đã được tương truyền qua bao đời. Cuộc hội ngộ một năm một lần của Thất tịch không chỉ khiến mọi người cảm thán, mà còn khiến chúng ta suy nghĩ thâm nhập về họa và phúc trong cuộc đời.

Truy ngược về nguồn gốc câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ, từ phương diện thành đôi thành lứa và tình ý của vợ chồng Ngưu Lang Chức Nữ, chúng ta có thể thấy thần mạo của các vị thần tiên, nhìn thấy sự khác biệt giữa tiên và phàm. Một sinh mệnh lương thiện, thuần hiếu có thể cảm động Thần linh, được Thần linh yêu thương và bảo vệ, từ đó mà được hưởng hạnh phúc của sinh mệnh.

Sau khi xem diễn biến lịch sử của câu chuyện Thất tịch, bạn có cảm thấy rằng nhân gian và thiên đường đang ngày càng trở nên cách biệt không? Thiên hà và nhân gian cách biệt nhau, khổ nạn của nhân gian từ đâu mà tới? Từ câu chuyện của Ngưu Lang Chức Nữ mà xét, từ thiên thượng lạc xuống phàm trần, chính là khởi đầu của khổ nạn. Chịu khổ là cơ hội để con người phản bổn quy chân, trở về với bản chất chân thật của mình. Làm thế nào chúng ta có thể trở về cõi thần tiên hạnh phúc chân chính? Chức Nữ và Ngưu Lang cũng phải trở về bản sắc thuần chân của họ, thì mới có thể xuyên việt cách trở giữa tiên và phàm, tới cảnh giới mỹ hảo ban đầu của họ.

Câu chuyện về Ngưu Lang và Chức Nữ đã biến hoá nhiều lần trong thiên hạ nhân gian. Bức tranh “Ngưu Lang Chức Nữ” của Đường Bồi Hoa thời Thanh. (Được cung cấp bởi Bảo tàng Cung điện Quốc gia, Đài Bắc)

Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch