Cổ nhân thường nói “Trên đầu 3 thước có thần linh”. Mỗi một ý mỗi một niệm của con người, cho dù người khác không biết thì Thần Phật, Trời Đất đều sáng tỏ. Nếu làm việc thiện nhưng trong lòng có ác tâm thì cuối cùng cũng sẽ phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc. 

Ở ngôi làng nhỏ thuộc vùng sông nước tỉnh Giang Nam có một người đàn ông họ Hoàng. Hàng ngày, anh Hoàng đều chăm chỉ làm việc tốt như tu sửa cầu đường, giúp đỡ người nghèo. Lúc nào anh cũng giữ bộ mặt vui vẻ, tươi cười, thế nên mọi người rất quý trọng, gọi anh là “Hoàng thiện nhân”, ý chỉ người lương thiện họ Hoàng.

Hoàng thiện nhân còn có một đặc điểm nổi bật là, mỗi khi gặp mưa lớn hay nước sông dâng cao, chiếc cầu gỗ bắc qua sông trong làng bị ngập, anh sẽ đứng ở đầu cầu để giúp phụ nữ và trẻ con qua cầu sang sông.

Những người được giúp đỡ đều nói rằng anh Hoàng là một người vô cùng lương thiện, tốt bụng, làm được nhiều việc thiện tích đức.

Nhưng cũng có không ít thiếu nữ được Hoàng thiện nhân cõng qua cầu lại thầm kín bàn luận với nhau rằng anh ta là người có ác ý. Mỗi khi có cơ hội, anh ta lại giúp người qua sông để lợi dụng sàm sỡ các cô gái. Anh ta đúng là một người đại ác, giả lương thiện, giả nhân giả nghĩa để thực hiện ý đồ xấu của mình.

Những nhận xét và đánh giá về Hoàng thiện nhân đều không đồng nhất với nhau. Vì vậy, Quan Thế Âm Bồ Tát sau khi nghe thấy chuyện này liền quyết định tự mình thử nghiệm họ Hoàng kia một lần.

Vào một ngày mưa to, Quan Thế Âm Bồ Tát hóa thành cô thôn nữ vô cùng xinh đẹp. Cô gái đi đến đầu cầu và tỏ vẻ muốn qua sông. Hoàng thiện nhân mừng rỡ, lập tức ngỏ ý được cõng cô gái. Không ngờ, khi đi đến giữa cầu, tay của Hoàng thiện nhân đặt trên lưng cô gái và bắt đầu quấy rối cô.

Cô gái giận dữ, lập tức hiện thân thành Bồ Tát, đứng ở giữa không trung, chỉ tay về phía họ Hoàng và nói:

“Ngươi bề ngoài giả vờ lương thiện còn tâm địa lại xấu xa bỉ ổi, sau khi chết sẽ phải biến thành lươn, thi thể không thối cũng không rữa nát.”

Hoàng thiện nhân bị Bồ Tát vạch rõ bộ mặt thật, vô cùng hối hận nhưng đã quá muộn màng.

Sau khi anh ta chết, mọi người phát hiện ra trong con rạch nhỏ ở làng xuất hiện nhiều con vật có hình dạng giống rắn, gọi là lươn. Ai cũng hiểu rằng đây chính là sự trừng phạt nghiêm khắc của Thiên Thượng đối với người giả thiện lương.

Sự tình thật ứng với đoạn thơ sau đây:

“Nhân tâm sinh nhất niệm
Thiên địa tận giai tri,
Thiện ác nhược vô báo
Càn khôn tất hữu tư”

Tạm dịch:

Lòng người động một niệm,
Trời Đất đều biết hết;
Thiện ác nếu không có báo ứng
Càn khôn thiên vị chăng?

Câu chuyện người đàn ông họ Hoàng giả vờ lương thiện nhưng tâm địa xấu xa bỉ ổi bị Trời trừng trị cũng là truyền thuyết về loài lươn mà dân gian lưu truyền đến ngày nay. Mỗi câu chuyện, mỗi truyền thuyết của người xưa đều là những bài học gắn liền với thiên lý “thiện ác có báo” và đạo đức làm người. Đừng tưởng rằng làm việc ác, nghĩ việc ác là không ai biết!

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch

Xem thêm: