Vương Quế Thuyên, người vợ thứ hai của Lương Khải Siêu, nhà hoạt động chính trị chủ chốt của vận động Biến pháp, cả đời vô tư phụng hiến, dưỡng dục ra ba viện sĩ, chín tuấn tài, vậy mà trong CMVH, bà bị bức đi quét đường, lúc lâm chung không được gặp các con, những năm cuối đời vô cùng thê lương. 

Ở Tây Sơn, Bắc Kinh, có một tượng đài đang ngủ với một cây tùng vỏ trắng được trồng phía sau. Trong số con cháu đến tế bái chủ nhân của tấm bia có nhà văn, kiến ​​trúc sư, nhà khảo cổ học, nhà hoạt động xã hội, họ đều là những bậc kỳ tài. Ai là người đang yên nghỉ tại đây?

Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng! Người phụ nữ mà chúng ta đang nói đến hôm nay đã một đời vô tư phụng hiến, dưỡng dục trưởng thành ba viện sĩ, chín tài năng, nhưng những năm cuối đời của bà thật khốn khổ trong Cách mạng Văn hóa. Bà ấy là người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời của Lương Khải Siêu, “tiên phong phong trào duy tân” cận đại – Vương Quế Thuyên.

So với sự nổi tiếng của Lương Khải Siêu, Vương Quế Thuyên có thể nói là ít người biết đến, không giống như những đứa con nhà Lương  sinh ra trong gia đình danh tiếng, những năm đầu đời của bà cũng đầy trắc trở. Vương Quế Thuyên, nguyên danh là Vương Lai Hi, sinh năm 1886 trong một gia đình nông dân ở huyện Quảng Nguyên, tỉnh Tứ Xuyên. Mẹ bà đã mất sau khi sinh bà, cha cũng mất khi bà mới 4 tuổi, mẹ kế đã bán bà cho bọn buôn người. Sau nhiều lần bán qua bán lại, cuối cùng Vương Lai Hi cũng được nhà họ Lý, một gia đình quan chức ở kinh thành, mua về làm nha hoàn.

Năm 1891, Lý Huệ Tiên 23 tuổi, con gái lớn của nhà họ Lý, kết hôn với Lương Khải Siêu, 19 tuổi, Vương Lai Hi cũng theo về nhà họ Lương. Bà tính tình nhu thuận, làm việc chăm chỉ, được nhà họ Lương vô cùng yêu quý. Sau thất bại của Vận động Biến pháp Mậu Tuất 1898, Lương Khải Siêu và gia đình trốn sang Nhật Bản. Vương Lai Hi tuy không biết chữ nhưng rất siêng năng hiếu học, đã nhanh chóng học nói tiếng Nhật lưu loát, trở thành trợ thủ đắc lực của Lý Huệ Tiên, chịu trách nhiệm liên hệ đối ngoại trong phương diện gia vụ.

Năm 1901, Lý Huệ Tiên sinh hạ Lương Tư Thành ở Tokyo, hai vợ chồng rất hạnh phúc. Tuy nhiên, Lương Tư Thành từ nhỏ đã thân thể yếu nhược, hai vợ chồng trở nên lo lắng: sau 10 năm kết hôn, Tư Thanh chỉ có một chị gái là Tư Thuận, nhà họ Lương quá ít con.

Hai năm sau, theo lời đề nghị của Lý Huệ Tiên, Lương Khải Siêu đã nhận Vương Lai Hi làm nha đầu thông phòng, đặt tên bà là Vương Quế Thuyên. Vương không phụ kỳ vọng, trước sau đã sinh hạ và nuôi nấng bốn người con trai và hai con gái, đó là Lương Tư Vĩnh, Lương Tư Trung, Lương Tư Ý, Lương Tư Đạt, Lương Tư Ninh và Lương Tư Lễ.

Tuy nhiên, cũng giống như Bình Nhi và Tập Nhân trong “Hồng Lâu Mộng”, mặc dù đã trở thành nha đầu thông phòng, nhưng họ vẫn là thân phận người hầu, có sự phân biệt chủ tớ, Vương Quế Thuyên cũng vậy. Theo những bức thư của gia đình Lương Khải Siêu gửi cho các con của mình, Vương Quế Thuyên thường được gọi là “cô Vương” hoặc “dì Vương”, và bọn trẻ không được gọi bà là “Mẹ”.

Tuy nhiên, Vương Quế Thuyên, người không có danh phận, vẫn vô tư phó xuất, được Lương Khải Siêu coi trọng. Ông từng nói với cô con gái lớn Lương Tư Thuận yêu quý nhất của mình rằng: “Bà ấy (Vương Quế Thuyên) là một người cực quan trọng trong gia đình chúng ta. Bà ấy phục vụ cha rất tốt, chia sẻ nhiều trách nhiệm với các con, con cũng nên thường xuyên viết thư cho bà ấy để khiến bà ấy vui lòng.” Những đứa con của gia đình họ Lương cũng có tình cảm sâu sắc với Vương Quế Thuyên, trong đó có cả ba đứa con do Lý Huệ Tiên sinh ra là Tư Thuận, Tư Thành và Tư Trang.

Có một giai thoại kể rằng khi Lương Tư Thành còn nhỏ, có một lần làm bài thi thành tích không tốt, Lý Huệ Tiên tức giận đã mắng và đánh con bằng một chiếc chổi lông có dây buộc bằng sắt. Vương Quế Thuyên sợ hãi ôm Lương Tư Thành vào lòng, dùng thân mình bảo vệ con. Khi đó, Lý Huệ Tiên vẫn còn tức giận, không kìm được nên đã dùng chổi lông đánh cả lên thân Vương Quế Thuyên. Sau khi sự việc qua đi, Vương Quế Thuyên đã dẫn dắt Lương Tư Thành, giáo dục cậu bằng những lời lẽ ôn hòa, chất phác, khiến cậu chăm chỉ học tập.

Con gái của Lương Tư Trang, Ngô Lệ Minh, cũng viết trong cuốn sách “Lương Khải Siêu và những đứa con của ông” rằng: “Mặc dù bà (Vương Quế Thuyên) không phải là bà ngoại ruột của tôi, nhưng cảm tình của bà với mẹ Tư Trang giống như mẹ ruột và con gái vậy, bà đối đãi tôi cũng vậy, như cháu ngoại ruột thịt của bà.” Có một năm ở Thiên Tân, Tư Trang, lúc đó đang ở tuổi thiếu niên, mắc bệnh bạch hầu và thường phải nhập viện. Vương Quế Thuyên đã túc trực bên cạnh cả ngày lẫn đêm. Cổ họng của Tư Trang sưng tấy, bệnh tình nghiêm trọng. Một ngày nọ, cô bé hét lên với Vương Quế Toàn: “Con sắp chết rồi, xin hãy gọi bố đi.” Vương Quế Thuyên cảm thấy vừa đau khổ vừa lo lắng, nhưng bà đã chăm sóc cô rất chu đáo, cuối cùng thì Tư Trang cũng chuyển nguy thành an.

Thật bất hạnh, vào lúc đó, con gái ruột của Vương Quế Thuyên, con gái thứ tư của Lương Khải Siêu, cũng mắc bệnh bạch hầu. Vì phải chăm sóc Tư Trang và những đứa trẻ ốm yếu khác, Vương Quế Thuyên không cách nào phân thân xoay xở, cô con gái thứ tư của bà vì không được chăm sóc đều đã chết. Ngô Lệ Minh kể: “Dì tư của tôi qua đời khi đã 10 tuổi, điều này khiến bà ngoại tôi vô cùng đau buồn. Để không ảnh hưởng đến sự nghiệp của bố chồng, bà đã bí mật trốn trong nhà vệ sinh mà khóc. Bà kiên cường nhẫn chịu nỗi đau và tiếp tục làm việc mỗi ngày. Bà phải đảm nhận rất nhiều việc nhà, nhưng thay vì trách móc mẹ tôi, bà lại càng yêu mẹ tôi hơn.”

Ngày 13 tháng 9 năm 1924, Lý Huệ Tiên qua đời vì bệnh ở tuổi 55; chưa đầy 5 năm sau, vào ngày 19 tháng 1 năm 1929, Lương Khải Siêu cũng qua đời vì bệnh tại Bệnh viện Hiệp hòa Bắc Kinh ở tuổi 56. Theo ghi chép của Ngô Huệ Minh, Lương Khải Siêu không để lại nhiều di sản, khi đó hầu hết các con của ông đều đang đi học và chưa thể tự lập về tài chính, đứa con út là Lương Tư Lễ mới 5 tuổi. Chính Vương Quế Thuyên đã làm việc chăm chỉ để duy trì sinh kế, tiếp tục bồi dưỡng con cái thành tài, tìm mọi cách để gửi Tư Lễ sang Mỹ học tiếp.

Chín người con của nhà họ Lương được người đời sau ca ngợi là “một nhà ba viện sĩ, chín đứa con đều là anh tài”. Trong số đó, Lương Sĩ Thành là kiến ​​trúc sư nổi tiếng, được bầu làm viện sĩ đầu tiên của Viện Nghiên cứu Trung ương vào tháng 3 năm 1948; Lương Tư Vĩnh là nhà khảo cổ học nổi tiếng, được bầu làm viện sĩ của Viện Nghiên cứu Trung ương đồng thời với Tư Thành; Lương Tư Lễ là một chuyên gia hệ thống điều khiển tên lửa nổi tiếng, người được bầu làm viện sĩ của Học viện Khoa học Trung Quốc năm 1993.

Các anh chị em khác cũng đạt được những thành tựu riêng, chẳng hạn như Lương Tư Thuận là chuyên gia nghiên cứu thơ ca và là thủ thư của Viện Nghiên cứu Văn Sử Trung ương, Lương Tư Trung từng học tại Học viện Quân sự Hoa Kỳ tại West Point, sau khi trở về Trung Quốc giữ chức đại tá của Pháo binh Đường 19; Lương Tư Trang là thủ thư nổi tiếng, từng là phó thư trưởng Thư viện Đại học Bắc Kinh, v.v.

Sự thành công của con cái không thể tách rời khỏi nỗ lực cá nhân của họ, càng không thể tách rời sự bồi dưỡng của gia đình, trong đó bao gồm sự phó xuất vô tư của Vương Quế Thuyên. Tuy nhiên, Vương Quế Thuyên không phải là nữ nội trợ chỉ chuyên tâm vào gia vụ. Bà rất nỗ lực, cho đến khi về già vẫn không ngừng tiếp thu những điều mới mẻ, hàng ngày bà đọc báo, nghe đài, quan tâm đến thời sự, có thể nói chuyện với con cái và bày tỏ kiến giải của mình.

Bà cũng rất hứng thú trong cuộc sống, thích đi du lịch, hàng ngày đều đến đi dạo ở nhiều công viên khác nhau ở Bắc Kinh. Năm 1957, bà đã hơn bảy mươi tuổi, nhưng vẫn thích một thân một mình đi từ Bắc Kinh đến Hàng Châu để thăm Hồ Tây, trên đường về bà thậm chí còn đặc ý đến thăm núi Hoàng Sơn. Tương tác lâu dài với Lương Khải Siêu, bà cũng phát triển tính cách hài hước, thường kể chuyện cười và những câu chuyện khác nhau cho các cháu của mình nghe.

Năm đó, Tư Thành học kiến ​​trúc, Tư Trung học quân sự, còn Tư Vĩnh học khảo cổ. Bà vừa hài hước vừa đắc ý nói với người khác rằng: “Các con trai của tôi thật thú vị. Tư Thành xây nhà, Tư Trung cho nổ tung ngôi nhà, ngôi nhà sụp đổ và bị chôn vùi trong lòng đất, thì Tư Vĩnh lại đào lên.”

Vương Quế Thuyên sống một cuộc sống tự do thoải mái, tình cảm với các con cháu rất tốt, lẽ ra những năm cuối đời của bà phải rất vui vẻ hạnh phúc. Năm 1950, vì nhiều con trai của bà đi làm việc ở Bắc Kinh, Vương Quế Thuyên đã bán nhà lầu lớn bé là cố cư nhà họ Lương ở Thiên Tân, chuyển cả gia đình đến Bắc Kinh và mua một ngôi nhà có sân vườn gọi là Tứ hợp viện ở số 33 Hồ Đồng Giáp, Tây Đơn. Bất cứ khi nào đến sinh nhật bà, Lương gia sẽ tụ hội, có lúc ở nhà bà, có lúc ở nhà hàng Tứ Xuyên gần Tây Đơn.

Đến năm 1958, vận động “Đại nhảy vọt” bắt đầu, Vương Quế Thuyên có lẽ đã nghe theo lời kêu gọi của ĐCSTQ, bắt đầu nhận người thuê đất. Năm 2020, một tác giả tên Lý Đồng đăng một bài báo trên “báo Thanh niên Bắc Kinh”, ghi lại những ngày bản thân ông thuê sân vườn nhà họ Lương. Ông và Vương Quế Thuyên cùng sống ở đó gần mười năm, có thể nói ông là một trong những người chứng kiến ​​những ngày cuối đời của bà lão.

Theo trí nhớ của Lý Đồng, Vương Quế Thuyên mỗi sáng đều thức dậy lúc bốn năm giờ, khua một cây chổi lớn quét sân. Khi thời tiết đẹp, bà thường ngồi xổm ngoài gian nhà phía đông và cùng bảo mẫu hái rau. Lý Đồng tận mắt nhìn thấy bà cả đời vẫn siêng năng như vậy.

Thời gian đã đến năm 1966, Cách mạng Văn hóa đã phá vỡ cuộc sống yên bình ban đầu nơi đây. Vào ngày 5 tháng 6, cơ quan truyền thông của đảng “Nhân dân Nhật báo” đăng một bài xã luận có tựa đề “Làm một nhà cách mạng vô sản, hay là theo phái bảo hoàng giai cấp tư sản?” Từ “bảo hoàng” này chính là được mượn từ Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu. Vương Quế Thuyên bị chụp chiếc mũ lớn là “vợ già của kẻ bảo hoàng Lương Khải Siêu”.

Cuối tháng 8, hồng vệ binh từ trường trung học cơ sở số 34 Bắc Kinh xông vào sân để “phá tứ cựu”, lục soát nhà của Vương Quế Thuyên. Khi đó, bà cụ đã 80 tuổi bị lôi vào sân để phê đấu và yêu cầu khai báo “tội hành” của chồng. Bà vừa nói một câu: “Khi chồng tôi làm cách mạng…”, bà lập tức bị mắng: “Im đi! Ông ta chưa bao giờ làm cách mạng!” Vào tháng 11 cùng năm, Chu Ân Lai có bài phát biểu tại Đại hội kỷ niệm ngày sinh thứ 100 của Tôn Trung Sơn, đã chỉ đích danh Lương Khải Siêu là nhân vật phản diện.

Tình hình của Vương Quế Thuyên càng trở nên thảm hơn. Bà bị tước đoạt quyền sở hữu Tứ hợp viện, bị đuổi ra khỏi phòng ngủ của chính mình, phải chuyển vào căn nhà gỗ nhỏ tối tăm trong viện; Mỗi buổi sáng, bà phải dùng chổi quét đường dưới sự giám sát. Khi đó, con cháu của nhà họ Lương cũng bị bức hại trong Cách mạng Văn hóa, họ không thể tự bảo vệ mình, không ai có thể chăm sóc bà.

Năm 1968, Vương Quế Thuyên 82 tuổi qua đời một mình cô đơn lạnh lẽo. Chúng tôi tìm thấy một số mô tả về sự thê lương của bà trước lúc lâm chung. Cô con gái út Lương Tư Ninh từng viết một bài văn kỷ niệm, rằng: “Mẹ tôi bị ung thư trực tràng giai đoạn cuối sau khi nhà bị lục soát. Vì bà đã già không có ai chăm sóc, nên anh trai và chị dâu không đồng ý tiến hành phẫu thuật.” “Bà nằm một mình trên giường bệnh, chịu đựng đau đớn thống khổ cực đại, nhưng không có đứa con nào đến thăm.” “Bà lão trước khi chết chỉ để lại một câu: ‘Tôi biết các con không thể đến.’ Bà rời khỏi nhân gian với nỗi bi thương vô tận, thậm chí tro cốt của bà cũng không tìm thấy.”

Cháu gái của bà là Ngô Huệ Minh cũng kể: “Khi bà tôi mất, bà tôi chỉ có một mình. Bà ước gì có thể gặp lại các con, nhưng các con của bà không thể đến bên giường để nói lời vĩnh biệt, vì chúng đều là ‘phản cách mạng’ hay ‘quyền uy học thuật phản động’, không ai được tha.”

Vương Quế Thuyên, người cả đời vô tư phụng hiến, đã phải ôm nỗi thống hận khi qua đời, lưu lại cho con cháu nỗi bi thương vô hạn. Năm 1993, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Lương Khải Siêu, con cháu họ Lương cùng nhau bàn cách tưởng niệm Vương Quế Thuyên. Sau khi mọi người thảo luận, đã quyết định trồng một cây “Mẹ” bên cạnh ngôi mộ nơi Lương Khải Siêu và Lý Huệ Tiên được chôn cất cùng nhau ở Tây Sơn, Bắc Kinh, để gửi gắm nỗi lòng của mình.

Nhưng lúc đó, Lương Khải Siêu, người bị phê phán điên cuồng, mộ của ông đã trở thành nơi bảo vệ di tích văn hóa, con cháu nếu muốn trồng cây ở đó thì phải được sự phê duyệt của tầng tầng các quan chức lớn nhỏ của ĐCSTQ. Cuối cùng, vào tháng 4 năm 1995, nhà họ Lương cũng đã được trồng một cây thông vỏ trắng bên cạnh mộ của Lương Khải Siêu, và lập một tấm bia nằm. Trong bia ký, con cháu khắc dòng chữ “Nhị phu nhân của Lương Khải Siêu” để khẳng định danh phận và địa vị của Vương Quế Thuyên trong gia đình.

Bia ký còn viết: Vương phu nhân là người cởi mở và vui vẻ, tâm địa lương thiện, thông minh lại siêng năng, đạo đức cao thượng… Trong gia đình, cả đời bà đã không từ lao khổ, chăm lo cho người khác, hy sinh bản thân mình, âm thầm phụng hiến. Yêu thương các con và dạy dỗ chúng nên người rất chu đáo, vô luận thế nào, bà Lương đều phó xuất tâm huyết để nuôi dạy các con trưởng thành… Chín người con của bà Lương được thâm thụ trí huệ và ảnh hưởng của bà, cũng như đối với các cháu… Cầu mong linh hồn của phu nhân sẽ lưu lại khu vườn này dài lâu.

Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch