Năm 1976, ba người đứng đầu của ĐCSTQ – thủ tướng Chu Ân Lai, chủ tịch Quốc hội Chu Đức, và chủ tịch nước Mao Trạch Đông – lần lượt qua đời. Có phải tất cả họ đều chết vì nguyên nhân tự nhiên? Hay có nhân tố “bị chết”?

Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Năm 1976 là một năm đặc biệt đối với người dân Trung Quốc. Vào ngày 8 tháng 1, ngày 6 tháng 7 và ngày 9 tháng 9 năm nay, ba người đứng đầu của ĐCSTQ – thủ tướng Chu Ân Lai, chủ tịch Quốc hội Chu Đức và chủ tịch Mao Trạch Đông – lần lượt qua đời.

Sau đó, có một bước ngoặt lớn trong lịch sử Trung Quốc, cuộc “Cách mạng Văn hóa” kéo dài 10 năm mang đến thảm họa cho dân tộc Trung Quốc đã chấm dứt.

Chu Ân Lai, Chu Đức và Mao Trạch Đông đều chết vì nguyên nhân tự nhiên? Hay có yếu tố “bị chết” do đấu đá nội bộ tạo thành? Trong tập này, chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này dựa trên những dữ liệu lịch sử.

Chu Ân Lai bị “điều trị bảo tồn”

Lúc 9h57 sáng ngày 8/1/1976, Chu Ân Lai qua đời tại Bắc Kinh do điều trị không hiệu quả, thọ 78 tuổi.

Năm 2015, cháu trai của ông là Chu Nhĩ Lưu đã xuất bản cuốn sách “Người cha thứ bảy của tôi Chu Ân Lai”, trong đó tiết lộ nguyên nhân thực sự cái chết của Chu theo lời kể của vợ Chu Ân Lai, Đặng Dĩnh Siêu.

Cuốn sách viết: “Đầu tiên là trong thời gian Cách mạng Văn hóa, nhiều cán bộ quan trọng, trong đó có phó thủ tướng Quốc vụ viện, lần lượt bị ngã ngựa, bị miễn chức vụ và bị bức hại, gánh nặng xử lý sự vụ của chính phủ quốc gia chủ yếu đổ lên đầu thủ tướng, trường kỳ quá độ làm thân tâm mệt mỏi, làm tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của ông.” “Thứ hai là, ông ấy không được điều trị phẫu thuật kịp thời. Trong khi xác chẩn mắc bệnh ung thư bàng quang, đã thành lập một tổ điều trị, Vương Hồng Văn làm tổ trưởng điều trị, ý kiến của tổ trị liệu là tạm thời không nói rõ sự thật về bệnh tình cho cha bảy, mà tiến hành điều trị bảo tồn.”  

Theo cuốn sách “Chu Ân Lai những năm cuối đời” của Cao Văn Khiêm, tổ trưởng Tổ nghiên cứu cuộc sống Chu Ân Lai thuộc Văn phòng Nghiên cứu Văn học Trung ương, người đã hạ lệnh giữ “bí mật” tình trạng của Chu và “không được phẫu thuật” chính là Uông Đông Hưng, chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCSTQ.

Khi đó, Vương Đông Hưng là “tổng quản đại nội” của Mao Trạch Đông ở Trung Nam Hải, chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh và chăm sóc sức khỏe cho Chu Ân Lai, Chu Đức và các quan chức chính phủ cấp cao khác. Hai việc này vô cùng then chốt, đây là cách Mao thao túng sinh tử của những quan chức cấp cao này.

“Chu Ân Lai những năm cuối đời” đề cập rằng sau khi Chu Ân Lai được chẩn đoán mắc bệnh ung thư bàng quang vào ngày 18 tháng 5 năm 1972, đội ngũ y tế cho rằng bệnh ung thư vẫn còn ở giai đoạn đầu, nếu tiến hành phẫu thuật kịp thời,  tỷ lệ chữa khỏi sẽ cao. Một khi cơ hội bị bỏ lỡ, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Ca phẫu thuật của Chu Ân Lai phải được Mao Trạch Đông phê chuẩn. Sau khi Mao biết tin Chu bị ung thư, ông ta quyết định: Một là “bảo mật” đối với Chu, hai là “không mổ”, ba là “điều trị bảo tồn” cho Chu.

Hai năm sau, vào đầu tháng 5 năm 1974, đội ngũ y tế phát hiện “khối mô ung thư nang nhú bàng quang” khi kiểm tra bệnh lý nước tiểu của Chu. Điều này cho thấy các tế bào ung thư trong cơ thể Chu Ân Lai đã lan rộng và di căn.

Đội ngũ y tế yêu cầu phẫu thuật cho Chu càng sớm càng tốt, nhưng Bộ Chính trị của ĐCSTQ lại không đồng ý. Mãi đến ngày 1 tháng 6 năm 1974, Mao mới đồng ý phẫu thuật cho Chu. Vào ngày này, Chu được đưa vào Bệnh viện 305 của Quân đội Giải phóng Nhân dân và thực hiện ca phẫu thuật đầu tiên. Tuy nhiên, do tế bào ung thư đã lan rộng nên việc phẫu thuật không có nhiều tác dụng, khối u được cắt bỏ chỗ này nhưng chỉ sau vài ngày lại phát triển trở lại.

Từ ngày 1 tháng 6 năm 1974 đến ngày 8 tháng 1 năm 1976, trong một năm bảy tháng, Chu đã trải qua 13 cuộc phẫu thuật liên tiếp, trung bình cứ 44 ngày lại có một cuộc phẫu thuật.

Sau khi Chu Ân Lai lâm bệnh ung thư, Mao Trạch Đông tận dụng mọi cơ hội để phê phán ông.

Ví dụ, vào tháng 11 năm 1973, Mao ra lệnh tổ chức một cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị, chỉ trích Chu vì đã theo “chủ nghĩa đầu hàng hữu khuynh” trong các cuộc đàm phán Trung-Mỹ.

Tháng 1 năm 1974, Mao phát động vận động “phê Lâm phê Khổng”, ám chỉ “nhân vật Nho giáo lớn trong đảng”: Chu Ân Lai.

Tháng 8 năm 1975, Mao Trạch Đông phát động bình luận về vận động “Thủy Hử”, phê phán kẻ đầu hàng, trong đó rõ ràng chỉ vào Chu. Ngày 20 tháng 9 cùng năm, Chu Ân Lai bị bệnh nặng, phải trải qua cuộc phẫu thuật lớn lần thứ tư sau khi nhập viện. Khi bước vào phòng mổ, ông ta lớn tiếng nói: “Tôi không phải là kẻ đầu hàng!”

Sau cái chết của Chu, những nhân viên liên quan đã mời Mao đến dự lễ truy điệu Chu, nhưng Mao từ chối. Theo ghi chép cuộc nói chuyện của Mao do Uông Đông Hưng lưu giữ, ngày 12 tháng 1 năm 1976 Mao nói: “Tại sao ông muốn tôi đến dự lễ tưởng niệm thủ tướng? Tôi vẫn có quyền không tham gia… Tôi đã đấu tranh với thủ tướng không ít hơn mười lần, đừng ép buộc.”

Chu Đức bị “tiêm nhầm”?

Lúc 15h1 ngày 6/7/1976, Chu Đức qua đời tại Bắc Kinh, thọ 90 tuổi do điều trị vô hiệu.

Số thứ 7 năm 2012 của tạp chí “Đồng thuyền cộng tiến” do Ủy ban tỉnh Quảng Đông của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tài trợ, đã đăng một cuộc phỏng vấn với Triệu Lực Bình, con dâu của Chu Đức, trong đó nói về cái chết của Chu Đức.

Vào ngày 21 tháng 6 năm 1976, nửa tháng trước khi qua đời, Chu Đức được hẹn gặp thủ tướng Úc Malcolm Fraser.

Chu Đức đến Đại lễ đường Nhân dân đúng giờ, nhưng vị khách nước ngoài vẫn chưa đến và cũng không có tin tức gì từ Bộ Ngoại giao, nên đành phải đợi ở phòng khách. Các nhân viên công tác lo lắng nghe ngóng tứ xứ, cuối cùng được thông báo rằng thời gian họp đã bị hoãn lại, nhưng trước đó không có ai thông báo cho họ. Chu Đức vẫn đợi cho đến khi vị khách nước ngoài đến, kiên trì cho đến khi cuộc hội kiến kết thúc mới về nhà.

Ông ở một mình trong Đại lễ đường Nhân dân có máy lạnh gần một tiếng đồng hồ, về nhà không lâu thì cảm thấy thân thể không khỏe.

Vào thời điểm đó, Trung ương ĐCSTQ đã thành lập Tổ Y tế Chu Đức, trong đó có Lưu Tương Bình và những người khác.

Lúc đó Lưu Tương Bình là bộ trưởng Bộ Y tế, bà là phu nhân của Tạ Phú Trạch, là cựu bộ trưởng Bộ Công an, là cánh tay đắc lực của Mao trong Cách mạng Văn hóa, bà cũng có quan hệ mật thiết với Giang Thanh, vợ của Mao. Lưu Tương Bình sống trên lầu phía trên phòng của Chu Đức, xuống khám bệnh cho Chu Đức mỗi ngày một lần. Bà cũng đã cùng Giang Thanh đến gặp Chu Đức một lần, do đó bệnh tình và tình huống điều trị của Chu Đức, bà khẳng định là sẽ báo cáo cho Mao.

Con gái của Triệu Lực Bình là một bác sĩ, cô từng nói với bà ngoại của mình là Khang Khắc Thanh, phu nhân của Chu Đức, rằng ông nội (tức Chu Đức) nếu tiêm loại thuốc này có thể sẽ bất lợi, khả năng càng tiêm càng tệ.

Khang Khắc Thanh hỏi bác sĩ: Có nên đổi thuốc không? Nhưng bác sĩ không nghe, nhất quyết tiêm thuốc, nói rằng đó là ý kiến ​​của  tổ chuyên gia. Trong vòng vài ngày, Chu Đức qua đời.

Triệu Lực Bình cho biết: “Thật ra, Chu Đức thân thể rất khỏe, ông ấy không hút thuốc hay uống rượu, thích vận động, mỗi ngày đều tự tập thể dục và huýt sáo để làm chủ nhịp điệu. Không ai ngờ rằng, lần này vì việc ngoại ý khi tiếp kiến vị khách nước ngoài, dẫn đến cảm mạo mà qua đời.”

ĐCSTQ luôn nói: Trong ngoại giao không có chuyện nhỏ. Khi đó, với tư cách là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ và chủ tịch Quốc hội, Chu Đức 90 tuổi đã tiếp các thủ tướng nước ngoài tại Đại lễ đường Nhân dân. Bất luận đó là Văn phòng Trung ương, Quốc hội hay Bộ Ngoại giao, mọi chi tiết đều cần được xem xét chu toàn. Nhưng ngày hôm đó đã diễn ra vô cùng sai lầm. Có phải là ai đó cố ý làm điều này không?

Theo con gái của Triệu Lực Bình, Chu Đức có thể chết vì tiêm nhầm thuốc.

Mao Trạch Đông chết như thế nào?

Lúc 0h10 ngày 9/9/1976, Mao Trạch Đông qua đời trong căn phòng tên là “Biệt thự 202” ở Trung Nam Hải.

Theo Lý Chí Nhuy, bác sĩ chăm sóc sức khỏe của Mao trong 22 năm, người ta đã chẩn đoán ngay từ năm 1974 rằng Mao mắc một căn bệnh thần kinh vận động hiếm gặp và không thể chữa khỏi – chứng xơ cứng teo cơ một bên (tục gọi là chứng người đông cứng dần). Ở trong hành tủy và xương sống của người bệnh, các tế bào thần kinh điều khiển chuyển động của thanh quản, họng, lưỡi, tay phải, chân phải sẽ dần thoái hóa và chết. Loại bệnh này nếu đã xâm lấn vào các tế bào thần kinh vận động của thanh quản, hầu họng và lưỡi thì người bệnh chỉ có thể sống được tối đa hai năm.

Lý Chí Nhuy viết trong “Hồi ký của bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông” rằng: “Mao bị nhồi máu cơ tim lần đầu tiên trong một cuộc cãi vã gay gắt với (thư ký bí mật của ông) Trương Ngọc Phượng vào giữa tháng 5 năm 1976, và cơn nhồi máu cơ tim thứ hai của ông xảy ra vào ngày 26 tháng 6, lần thứ ba xảy ra vào ngày 2 tháng 9. Tất cả các bác sĩ đều biết tử thần sắp đến, nhưng không ai dám công khai nói ra.”

Mao nhận được sự chăm sóc y tế tốt nhất, và các nhân viên y tế đã cố gắng hết sức để cứu sống sinh mạng của ông ta. Từ khi bệnh nặng đến khi qua đời, đáng lẽ ông ta không nên gặp vấn đề gì về sức khỏe.

Nhưng có hai điều đáng nói về cái chết của Mao:

Thứ nhất, cái chết của Lâm Bưu có tác động rất lớn đến Mao.

Lâm Bưu là người kế vị do chính Mao lựa chọn và ghi vào Đảng Chương. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa Mao và Lâm đã nổ ra tại Phiên họp toàn thể lần thứ hai Trung ương ĐCSTQ khóa IX vào tháng 8 năm 1970. Lâm Bưu và các tướng lĩnh thuộc hạ của ông cũng bất mãn với Trương Xuân Kiều, một cây bút quyền lực mà Mao tín nhiệm và trọng dụng. Mao tin rằng chống lại Trương là chống lại ông ta. Sau đó, Mao thực hiện một loạt hành động nhằm buộc Lâm Bưu và thuộc hạ của ông ta phải thừa nhận sai lầm.

Sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền, Mao đã chỉnh vô số người. Phàm là đối tượng bị chỉnh, dù có ý chí kiên cường đến đâu, đều đã viết bản tự kiểm điểm thừa nhận sai lầm của mình, ngay cả nguyên soái Bành Đức Hoài của ĐCSTQ cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, Lâm Bưu vẫn nhất quyết không thừa nhận sai lầm của mình. Vì vậy, Mao chuẩn bị đả đảo Lâm Bưu.

Sau khi biết tin, ngày 13 tháng 9 năm 1971, Lâm Bưu cùng con trai Lâm Lập Quả và vợ Diệp Quần lên máy bay chở khách Trident ở Sơn Hải Quan và bỏ trốn. Sau khi máy bay cất cánh lên bầu trời, ngoại giới không cách nào biết được nó sẽ đi đâu, và chuyện gì sẽ xảy ra. Điều mà tất cả mọi người đều biết là cuối cùng, chiếc máy bay đã bị rơi và giết chết tất cả mọi người sau khi bay qua Wendur Khan ở Mông Cổ.

Cái chết của Lâm Bưu có tác động rất lớn đến Mao.

Theo Lý Chí Nhuy, kể từ đó, “thể chất của Mao đã trải qua những biến hóa kinh người… Ông ta ngủ trên giường cả ngày, với vẻ mặt u sầu. Mao biến trở nên ít nói, thần sắc bơ phờ, đi lại chậm chạp, và lưng rõ ràng là bị khom khi đứng dậy, giấc ngủ càng rối loạn.” “Cảm lạnh, ho và liên tục có đờm đặc.”

Ngày 18 tháng 1 năm 1972, Mao bị sốc do suy chức năng tim phổi và suýt chết.

Điều đáng nói thứ hai về cái chết của Mao, là ông ta háo sắc hại thân.

Theo hồi ức của Lý Chí Nhuy: “Đời sống riêng tư của Mao thật kinh khủng. Bề ngoài, ông ấy đàng hoàng đoan chính, lại niềm nở dễ gần, giống như một trưởng lão trung hậu. Nhưng ông ấy luôn coi phụ nữ như đồ chơi; đặc biệt là trong những năm cuối đời, ông ấy sống một cuộc sống hoàn toàn hư hỏng. Ông ấy không có trò giải trí nào khác, ngoạn lộng với phụ nữ đã trở thành lạc thú duy nhất của ông ấy.”

Vì trường kỳ háo sắc dâm loạn, tinh huyết cạn kiệt, bách bệnh quấn đầy thân, dù bác sĩ có giỏi đến đâu cũng không thể làm gì để cứu sống.

Năm đặc biệt 1976

Năm 1976, “ba gã to đầu” của ĐCSTQ lần lượt qua đời. Đây rốt cuộc là ý trời hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên?

Chiều ngày 8/3/1976, tỉnh Cát Lâm chứng kiến ​​trận mưa thiên thạch hiếm hoi trong lịch sử thế giới. Mảnh lớn nhất nặng tới 1.770 kg.

Theo hồi ức của Mạnh Cẩm Vân, y tá riêng của Mao Trạch Đông, ngày hôm đó bà đã đọc tin về trận mưa thiên thạch cho Mao. Mao nghe xong yêu cầu Mạnh Cẩm Vân dừng lại và đỡ ông ta đến cửa sổ. Ông ta nhìn chằm chằm vào mặt trời lặn một lúc lâu. Mạnh Cẩm Vân hỏi: “Chủ tịch, sao nhiều đá như vậy từ trên trời rơi xuống? Kỳ lạ là, không có ai bị thương.”

Mao trả lời: “Ở Trung Quốc có một trường phái học thuyết gọi là ‘Thiên nhân cảm ứng’, cát có điềm cát, hung có điềm hung. Trời rung đất chuyển, đá lớn từ trên trời rơi xuống, chính là muốn chết người mà.”

Ngoài ra, việc ba người này lần lượt chết cũng liên quan đến đấu đá nội bộ trong ĐCSTQ.

Chu Ân Lai và Chu Đức đều chết trước Mao Trạch Đông. Cái chết của Chu có liên quan chặt chẽ đến việc Mao từ chối phê chuẩn cuộc phẫu thuật cho ông Chu trong hai năm. Chu Đức lúc đó có thể trạng tốt hơn Mao, nhưng lại vô tình “bị cảm”, rồi bị “tiêm nhầm”, liệu có liên quan đến việc Mao hy vọng Chu Đức sẽ chết trước mình không? Nó sẽ mãi là mối hoài nghi.

Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch