Khoảng cách xa nhất trên thế giới là gì? Đó là khi bạn ở bên cạnh tôi, tôi ở bên cạnh bạn, nhưng chúng ta chỉ nhìn thấy điện thoại!

Trong phòng chờ tại sân bay Bangkok của Thái Lan, một nhiếp ảnh gia bước lang thang qua các hàng ghế, đôi mắt thong thả ngắm nhìn đám đông hành khách đang ngồi chờ, trong đó có cả các du khách phương Đông và phương Tây.

Bất giác, đôi mắt của người nghệ sĩ dừng lại ở hai hành khách người Trung Quốc: Người đàn ông chăm chú dõi theo chiếc di động trên tay, còn cậu bé thì “dán mắt” vào chiếc máy tính bảng trước mặt.

Ngay phía sau họ, một du khách Tây phương đang chú tâm đọc sách. Dẫu khung cảnh thật bình lặng, nhưng bằng trực giác của một nhà nhiếp ảnh, ông cảm nhận rằng ở đây có một điều gì đó vừa hối hả, miên man, lại vừa rất đỗi bình dị và yên bình…

(Ảnh: Nhiếp ảnh gia Chu Yongzhi)

Người nghệ sĩ đưa tầm mắt nhìn xa hơn, và hiển hiện trước mắt ông là hai hình ảnh đối lập – hai nét văn hoá khác biệt giữa Đông và Tây:

Trong số các du khách Tây phương, có người thì yên lặng đọc sách, có người lại thì thầm trò chuyện cùng nhau, cũng có người chỉ đơn giản ngồi quan sát dòng người qua lại. Họ dường như không hề bận tâm tới các tiện ích công nghệ – vốn xuất phát từ phương Tây, mà dành phần lớn thời gian để cảm nhận cuộc sống theo cách của riêng mình.

(Ảnh: Nhiếp ảnh gia Chu Yongzhi)

Còn các du khách Á Đông thì sao? Dẫu là người lớn hay trẻ nhỏ, thì hầu hết đều cúi đầu lướt di động, hoặc trầm ngâm trong cái màn hình của chiếc máy tính bảng trên tay…

Cũng kể từ đó, trong mỗi chuyến công tác, dù là ở sân bay hay ga tàu điện ngầm, dù là ở điểm chờ xe buýt hay các bến tàu siêu tốc… đâu đâu nhà nhiếp ảnh cũng nhận thấy sự khác biệt thú vị này.

(Ảnh: Nhiếp ảnh gia Chu Yongzhi)
(Ảnh: Nhiếp ảnh gia Chu Yongzhi)
(Ảnh: Nhiếp ảnh gia Chu Yongzhi)

***

Bạn và tôi, phải chăng chúng ta cũng đang gặp lại hình ảnh của chính mình trong đó? Trên chuyến tàu tốc hành, trong quán cà phê, hay tại nơi công viên nhộn nhịp người qua lại, phải chăng chúng ta cũng từng đóng vai những “kẻ lạnh lùng”, đắm chìm trong thế giới của những chiếc iphone, ipad, khuôn mặt vô cảm không thể nở nụ cười, và rồi chúng ta đã quên mất sự hiện diện của những người xung quanh…

Nhà bác học Einstein từng nói: “Tôi sợ cái ngày mà công nghệ lấn át sự giao tiếp giữa con người với con người. Thế giới lúc đó sẽ có một thế hệ toàn những kẻ đần độn”. Và giờ đây sau sáu thập kỷ, nỗi lo sợ của ông dường như đang trở thành sự thật.

Chúng ta vẫn luôn tự hào được sinh ra trong thời đại mà khoa học kỹ thuật phát triển bằng tốc độ ánh sáng, một thời đại đỉnh cao của các tiện ích công nghệ, một thời đại mà người ta chỉ cần ngồi một chỗ là có thể nhìn thấy từng ngóc ngách trên thế giới, một thời đại mà “bạn ngồi cạnh tôi, tôi ngồi cạnh bạn, nhưng chúng ta chỉ nhìn thấy điện thoại”!

Đó, một thời đại huy hoàng và ngạo nghễ, cũng là một thời đại lạnh lùng như tuyết băng.

***

Một thế hệ chỉ biết cúi đầu trước điện thoại… (Ảnh: Nhiếp ảnh gia Chu Yongzhi)

Ai đã từng lớn lên qua cái thời mộc mạc của thế hệ 8x và 9x năm ấy, hẳn sẽ thấy cuộc sống đã đổi thay nhường nào trong vỏn vẹn một thập niên! Ngày ấy, cuộc sống của ta là những cánh diều vi vu khi hè đến, là cánh chong chóng quay khi hiu hiu đông lạnh, hay là những chiếc đèn ông sao của đêm trung thu lung linh sắc màu.

Ngày ấy, thế giới của ta đã từng bình dị và ngây ngô như thế – Bình dị tới mức người ta nói là “lạc hậu”, ngây ngô tới mức người ta chê là “lạc lõng” trước thế thời. Và rồi chúng ta đã từ bỏ cái truyền thống lạc hậu và lạc lõng ấy, để tưng bừng đón chào làn sóng công nghệ mới. Chúng ta đã có hiện đại, đã có văn minh, và đã có cả một “thế hệ chỉ biết cúi đầu”…

Còn nhớ, trên tường của một quán cà phê nổi bật là dòng chữ: “Chúng tôi không có wifi; hãy nói chuyện với người bên cạnh bạn nhé!”. Chúng ta không phản đối iphone, không phải đối ipad, cũng không phản đối những chiếc máy tính bảng, chỉ mong những lần hội ngộ bên nhau, mỗi người đều có thể buông chiếc di động xuống để ngẩng mặt lên – và nở một nụ cười…

Hiểu Mai – Hồng Liên

Xem thêm: