Ba Kim, một nhà văn và dịch giả nổi tiếng Trung Quốc, đã theo sát các cuộc vận động chính trị khác nhau của ĐCSTQ, tham dự đàn áp không ít người. Sau Cách mạng Văn hóa, ông sám hối về “thành tích đấu tranh” của mình, kêu gọi người dân Trung Quốc đừng trở thành “nô lệ tinh thần” của ĐCSTQ. 

Chào mừng các bạn đến với “Trăm năm chân tướng“!

Ba Kim, một nhà văn, nhà xuất bản và dịch giả nổi tiếng người Trung Quốc, sống đến 101 tuổi. Ông sinh ra vào cuối thời nhà Thanh, sống dưới chính quyền Trung Hoa Dân Quốc trong 37 năm, và sống dưới sự cai trị của ĐCSTQ trong 56 năm.

Thời Trung Hoa Dân Quốc, Ba Kim được sống như một con người. Những tác phẩm văn học, dịch thuật, lý luận quan trọng nhất của cuộc đời ông đều được hoàn thành vào thời kỳ đó, dù không hề giữ bất kỳ chức quan nào, chỉ là đơn thuần là một nhà văn. Ông đã gặp và yêu Tiêu San, người kém ông 13 tuổi, hai người sống lãng mạn và hạnh phúc.

Sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền, Ba Kim nói, từ năm 1949 đến năm 1966, “Trong mười bảy năm không viết ra được một tác phẩm nào khiến bản thân cảm thấy hài lòng”; trong mười năm Cách mạng Văn hóa từ 1966 đến 1976, ông không viết ra được một tác phẩm nào. Ông đi chỉnh người khác, bản thân ông lại bị người ta chỉnh, vợ ông cũng bị tra tấn đến chết, chỉ có đau đớn, không có niềm vui. Sau khi “Cách mạng Văn hóa” kết thúc, Ba Kim hồi tưởng quá khứ, có nhiều sám hối và phản tỉnh, cuộc đời ông lại một lần nữa phóng ra ánh quang của nhân tính.

Hôm nay, chúng tôi sẽ kể với các bạn về câu chuyện cuộc đời của Ba Kim dựa trên cuốn “Tùy tưởng lục”, tác phẩm quan trọng nhất của ông trong những năm cuối đời và các tài liệu khác.

Sáng tác tự do thời Trung Hoa Dân Quốc

Ba Kim sinh ra trong một gia đình đại phú hộ trên phố Chính Thông Thuận, Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 25 tháng 11 năm 1904. Ông được nhận vào Trường dạy nghề Ngoại ngữ Thành Đô năm 1920, sau đó du học ở Pháp và Nhật Bản.

Vào ngày 1 tháng 4 năm 1921, ông xuất bản bài báo đầu tiên “Làm thế nào để xây dựng một xã hội thực sự tự do và bình đẳng”. Năm 1929, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết ngắn “Diệt vong” lần đầu tiên trên tạp chí “Tiểu thuyết hàng tháng” dưới bút danh “Ba Kim”.

Trong thời đại Trung Hoa Dân Quốc, cho dù là viết tiểu thuyết, xuất bản tạp chí hay phiên dịch tác phẩm, đều có tự do tương đối. Viết gì, dịch gì, biên tập gì, viết thế nào, dịch thế nào, biên tập thế nào, căn bản đều do Ba Kim tự mình quyết định, rất hiếm khi bị cường quyền can nhiễu.

Ba Kim cũng là một nhà văn rất chuyên cần, trước năm 1949 là thời kỳ đỉnh cao trong cuộc đời sáng tác của ông, ông đã xuất bản 10 tiểu thuyết dài, 10 tiểu thuyết ngắn, 12 tuyển tập truyện ngắn, 15 tuyển tập tản văn, 26 bản dịch và 2 cuốn tự truyện và hồi ký, còn có 2 chuyên luận.

Những tác phẩm tiêu biểu quan trọng nhất trong cuộc đời ông, là “Gia”, “Xuân”, “Thu”, đều được sáng tác trong thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc.

Đi theo ĐCSTQ chỉnh đốn người khác

Sau khi ĐCSTQ soán chính quyền, Ba Kim trở thành quan chức trong giới nhà văn, mà quan càng làm càng lớn, ông từng giữ chức phó chủ tịch Liên đoàn Văn nghệ Thượng Hải, phó chủ tịch Liên đoàn Văn học Trung Quốc, chủ tịch Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc, đồng thời là phó chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc.

Trước khi “Cách mạng Văn hóa” bùng nổ, Ba Kim luôn theo sát từng bước đi của ĐCSTQ, cống hiến hết mình cho những cuộc vận động chính trị của ĐCSTQ, tham gia chỉnh đốn nhiều người.

Tháng 5 năm 1988, Lưu Tái Phục, nguyên sở trưởng Sở Văn học thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, tới Thượng Hải để tham dự hội nghị “Chiến lược Văn hóa” và đến thăm Ba Kim. Ông ấy nói với Ba Kim, rằng “Tạp chí bình luận văn học” chuẩn bị xuất bản một bài báo – “Điểm lại những sáng tác của Ba Kim trong gần ba mươi năm qua”. Ba Kim lập tức nghiêm túc nói: “Can cậu đừng xuất bản, ba mươi năm qua, những gì tôi viết đều là văn chương tuân theo mệnh lệnh, không có gì đáng để bình luận cả.” Ba Kim cũng nắm tay bạn nói: “Tôi càng tuân theo, càng viết bất hảo.”

Ba Kim đã viết những gì mà ông không muốn nhắc lại?

Năm 1955, khi ĐCSTQ phát động vận động phê phán “Tập đoàn phản cách mạng Hồ Phong”, ông đã viết bài đả kích văn chương của người bạn cũ Hồ Phong, nói rằng: “Tập đoàn phản đảng Hồ Phong tất yếu phải bị lật đổ triệt để”; đồng thời cũng phê phán bài viết của thành viên cốt cán của “Tập đoàn phản đảng Hồ Phong”, nhà văn Lộ Linh.

Trong “Vận động phản hữu phái” năm 1957, Ba Kim viết bài “Nhân dân Trung Quốc nhất định phải đi theo con đường chủ nghĩa xã hội” phê phán “phần tử cánh hữu”, tham gia phê phán các nhân sĩ nổi tiếng trong giới văn nghệ như Tôn Đại Vũ, Phùng Tuyết Phong, Định Linh, Ngải Thanh v.v.

Sau khi “Cách mạng Văn hóa” nổ ra năm 1966, ông từng xúc phạm đến mức không lưu tình đối với người bạn Kha Linh và những người khác.

Năm 1956, nhà văn Kha Linh viết kịch bản phim “Thành phố không ngủ” theo yêu cầu của Ban Thống chiến và Bộ Văn hóa. Trong Cách mạng Văn hóa, “Thành phố không ngủ” bị chỉ đích danh phê phán là “cỏ độc”. Đương thời, các nhà lãnh đạo giới văn nghệ Thượng Hải đã yêu cầu Ba Kim viết một bài phê phán. Ông đã viết và xuất bản nó trên “Văn hối báo”, trong đó viết:

“Người làm công tác văn nghệ phải thực sự cải tạo mình. Nếu không tuân thủ đường lối văn nghệ của Mao chủ tịch thì không thể hòa nhập được với công nông binh; nếu không nắm bắt được tư tưởng, tình cảm của công nông binh thì không thể phục vụ công nông binh. Nếu bạn không phục vụ công nông binh thì chính là đang phục vụ giai cấp tư sản; bạn không tuyên truyền tư tưởng giai cấp vô sản thì chính là đang tuyên truyền tư tưởng giai cấp tư sản. Dù hữu ý hay vô ý, bạn đã biến thành người phát ngôn của giai cấp tư sản, lên tiếng thay cho những kẻ bóc lột. ‘Thành phố không ngủ’ là như vậy, ‘Cửa hàng nhà họ Lâm’ cũng là như vậy.”

Chỉnh đốn người khác trong Cách mạng Văn hóa

Dù bám sát Trung ương đảng, nhưng không lâu sau khi “Cách mạng Văn hóa” bùng nổ, bản thân Ba Kim cũng bị xung kích. Ông được Hiệp hội Nhà văn ra lệnh tham gia “vận động”, tiếp theo bị giam vào “chuồng bò”, nhà cửa bị lục soát, bị phê đấu và cưỡng bức lao động, bị buộc phải viết những lời thú tội không ngừng nghỉ, sống qua những ngày khó khăn cực độ vì bị chụp mũ là “ngưu quỷ xà thần”.

Nhiều tờ báo và tạp chí định kỳ đăng nhiều bài phê phán Ba Kim. Ví dụ: “Phơi bày hoàn toàn bộ bộ mặt thật phản cách mạng của Ba Kim”, “Triệt để đả đảo Ba Kim, kẻ tử thù không đội trời chung của chuyên chính vô sản”, “Triệt để phê phán cỏ độc Gia, Xuân, Thu” v.v.

Trong số đó, bài “Phê phán ‘hắc lão K’ Ba Kim” là tiêu biểu nhất. Bài viết dài này có mười lăm tiêu đề nhỏ, chẳng hạn như: Nhìn kìa! Đế quốc Mỹ đã chống lưng cho Ba Kim như thế nào? Bài phát biểu của Ba Kim tại Đại hội văn học lần thứ hai ở Thượng Hải là một loại cỏ độc; chủ trương khôi phục giai cấp địa chủ; Ba Kim là một kẻ đạo đức giả, v.v., phê ông đến mức nhân phẩm không còn đáng một xu.

Trong quá trình bị chỉ trích, Ba Kim còn được cử đến Tùng Giang để tham gia lao động “Tam thu”, “Tam hạ”, đến trường cán bộ “7 tháng 5” ở huyện Phụng Hiền để gánh rơm, chở phân, trồng trọt. rau, cho lợn ăn, xoắn dây thừng v.v.

Vợ của Ba Kim, bà Tiêu San cũng bị liên lụy, thường xuyên bị phê đấu. Ngày 13 tháng 8 năm 1972, Tiêu San chết vì bệnh tật trong tủi nhục.

Sự sám hối hiếm có khi tuổi đã già

Mười năm sau khi “Cách mạng Văn hóa” kết thúc, Ba Kim đã ở tuổi bảy mươi, mặc dù bị bệnh nặng nhưng ông vẫn kiên trì viết ra tác phẩm quan trọng nhất trong những năm cuối đời của mình, “Bút lục tùy tưởng”. Tác phẩm được viết trong tám năm, với tổng cộng 420.000 từ.

Có hai điểm sáng nhất trong “Bút lục tùy tưởng”: Một là nói lời thật, hai là sám hối.

Về nói lời thật, Ba Kim viết: 

“Sai lầm của thế hệ chúng tôi chính là nói lời trống rỗng quá nhiều. Đã viết hơn sáu mươi năm, tôi xin tạ tội trước những độc giả khoan dung. Tôi với tấm lòng cảm kích hướng tới các bạn để nói lời cáo biệt, đồng thời xin giới thiệu năm tập sách nhỏ của tôi, tôi gọi chúng là ‘Sách nói lời thật’. Tôi cả đời không biết đã nói ra bao lời giả dối, nhưng tôi hy vọng tại đây các bạn sẽ nhìn thấy trái tim chân thành của tôi.”

Về nói lời sám hối, sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc, vào những năm 1980, chủ đề trong các tác phẩm của nhiều nhà văn Trung Quốc là: Tôi tố cáo. Nhưng chủ đề tác phẩm của Ba Kim lại là: Tôi sám hối. Ông từng nói: 

“Không sám hối chính là nhược điểm của dân tộc chúng ta. Đây là một điểm mà chúng ta thực sự nên học tập người Đức. Họ không cho rằng chủ nghĩa phát xít là trách nhiệm của riêng cá nhân Hitler, mà là sự sỉ nhục của cả dân tộc Đức, tuy nhiên, chúng ta đổ hết lỗi cho Lâm Bưu và ‘Bè lũ bốn tên’ gây ra bi kịch quốc gia này.”

Nếu không đúc rút bài học giáo huấn, Cách mạng Văn hóa sẽ tái diễn

Sự sám hối của Ba Kim xuyên suốt trong “Bút lục tùy tưởng”. Ông viết:

“Chữ đen in trên giấy trắng là vĩnh viễn không thể xóa được. Con cháu đời sau mới là quan tòa chân chính của chúng ta. Sau tất cả, chúng ta phải chịu trách nhiệm đối với sai lầm nào, chúng sẽ biết và chúng sẽ không tha thứ cho chúng ta. Vào niên đại 50 của thế kỷ 20, tôi thường nói rằng là một nhà văn Trung Quốc là niềm kiêu ngạo của tôi. Nhưng khi nghĩ đến những gì là ‘đấu tranh’, những gì là ‘vận động’ đó, tôi cảm thấy ghê tởm và nhục nhã về màn biểu diễn của chính mình.”

“Hôm nay, khi nhìn lại những gì bản thân đã làm và những gì người khác đã làm trong mười năm qua, tôi thực sự không thể nào lý giải được. Tôi như thể bị thôi miên, trở nên ấu trĩ và ngu xuẩn đến mức thậm chí còn coi sự tàn khốc hoang đường thành nghiêm túc, chính xác. Tôi đã nghĩ thế này: Nếu tôi không tổng kết lại cuộc đời khổ nạn trong mười năm qua, bằng cách mổ xẻ bản thân một cách triệt để nhất để bắt đầu nhìn rõ những chuyện đã xảy ra, thì có một ngày, nói không chừng tình huống lại sẽ thay đổi, và tôi sẽ như trong thôi miên mà vô duyên vô cớ biến thành một người khác, thì thật quá đáng sợ! Đây là một món nợ tâm linh mà tôi sớm phải trả xong.”

“Tôi đã hoàn toàn dùng bộ não của người khác để suy nghĩ. Khi người khác hét lên ‘Đả đảo Ba Kim’, tôi đã giơ cao tay phải lên hưởng ứng. Bây giờ hồi tưởng lại cử động này, tôi cảm thấy thật khó lý giải. Nhưng lúc đó tôi không phải là giả vờ, tôi đã thành thật biểu thị bản thân nguyện ý muốn để người ta đả đảo mình triệt để, từ đó làm lại từ đầu, trở thành một ‘con người mới’.”

“Nô lệ, quá khứ tôi luôn cho rằng bản thân mình không liên quan gì đến hai từ này, nhưng tôi đã minh bạch làm nô lệ suốt mười năm rồi… Tôi chính là ‘nô lệ trong tâm’, và là thứ nô lệ tinh thần ‘chí chết không rời’. Phát hiện này làm tôi càng buồn! Nội tâm tôi giằng xé, tôi cảm giác thứ triết học nô lệ đang trói chặt toàn thân tôi như một sợi xích sắt, tôi không còn là bản thân mình nữa.”

“Tôi nhớ rõ ràng mình từng biến đổi từ người thành thú, có người nói với tôi rằng đây chẳng qua chỉ là một giấc mộng mười năm. Còn nằm mơ nữa ư? Tại sao vậy? Tim tôi vẫn đau thắt, vẫn đang rỉ máu. Nhưng tôi không muốn lại mơ nữa. Tôi sẽ không bao giờ quên mình là một con người, và tôi quyết tâm sẽ không biến thành thú nữa. Dù có ai dùng roi quất vào lưng tôi, tôi sẽ không bao giờ gục ngã, sẽ không bao giờ ngủ quên nữa.”

Sự phản tỉnh thâm sâu từ nội tâm, kiên định từ chối sự tái tẩy não của ĐCSTQ chính là điều mà người dân Trung Quốc ngày nay đang rất cần.

Di nguyện cuối cùng chưa được thực hiện

Năm 1986, Ba Kim  trong “Tùy tưởng lục” đã đề xuất ý tưởng thành lập bảo tàng “Cách mạng văn hóa” Ông viết:

“Việc thành lập bảo tàng ‘Cách mạng Văn hóa’ không phải là chuyện của riêng một cá nhân nào. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm để cho con cháu từng thời từng đại ghi nhớ những giáo huấn thảm thương trong mười năm đó. Câu ‘Đừng để lịch sử lặp lại’ không nên chỉ là lời nói suông, mọi người cần phải nhìn thấy minh bạch, ghi nhớ rõ ràng, tốt nhất là xây dựng một bảo tàng ‘Cách mạng Văn hóa’, dùng những thứ cụ thể, thực tại, dùng tình cảnh chân thực kinh tâm động phách, thuyết minh rằng 20 năm trước trên chính mảnh đất Trung Quốc này, đã xảy ra những sự tình gì? Để mọi người xem toàn bộ quá trình của nó, nghĩ lại xem mình đã làm gì trong mười năm đó, cởi bỏ cái mặt nạ, rút ra lương tâm, nhìn rõ bản lai diện mục của mình, hoàn trả những món nợ lớn nhỏ của quá khứ. Không có tư tâm mới có thể không sợ bị lừa dối, dám nói lời thật mới không nhẹ dạ tin vào hoang ngôn. Chỉ khi mọi người ghi nhớ không quên ‘Cách mạng Văn hóa’, mới có thể ngăn ngừa lịch sử lặp lại, ngăn ngừa “Cách mạng Văn hóa’ tái diễn.”

Đã gần 40 năm trôi qua kể từ khi Ba Kim đề xuất xây dựng bảo tàng “Cách mạng Văn hóa”, nhưng tâm nguyện cuối cùng của Ba Kim vẫn chưa được thực hiện.

Vào ngày 17 tháng 10 năm 2005, Ba Kim qua đời vì bệnh tại Bệnh viện Hoa Đông, Thượng Hải, hưởng thọ 101 tuổi.

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch