Vũ Hán là một trong những thành phố lớn của Trung Quốc nằm ở phía Nam sông Dương Tử, cách Thượng Hải khoảng 800 km về phía Tây. Đây từng là đất nhà Sở, một trong “Thất hùng” thời Chiến Quốc trước thời Tần, và là cái nôi của nền văn minh rực rỡ nước Sở.

Cái tên Giang Thành

Cũng giống như Trùng Khánh có tên gọi khác là Sơn Thành, Thành Đô có tên Dung Thành, Côn Minh có tên Xuân Thành, Vũ Hán còn được gọi là Giang Thành, ngoài ra còn được gọi bằng một cái tên khác là Hỏa Lò. 

Sở dĩ Vũ Hán được gọi là Giang Thành vì nơi đây có rất nhiều con sông lớn chảy qua, trong đó lớn nhất là Trường Giang còn gọi là sông Dương Tử và Hán Giang còn gọi là sông Hán Thủy. Sông Dương Tử chia thành phố Vũ Hán làm hai nửa, người dân sống bên bờ Hán Dương và Hán Khẩu được gọi là người của phương Bắc, người dân sống bên bờ Vũ Xương lại được gọi là người phương Nam.

Có thể bạn sẽ thắc mắc: Sông Dương Tử chảy qua rất nhiều thành phố ở Trung Quốc, nhưng tại sao chỉ riêng Vũ Hán được gọi là Giang Thành? Nguyên nhân chính vì nơi đây có Hoàng Hạc Lâu, một thắng cảnh nổi tiếng ở Vũ Hán gắn liền với sông Dương Tử và là một trong “Tứ đại danh lâu” của Trung Hoa.

Hoàng Hạc Lâu trong một tác phẩm hội họa thời Minh (ảnh: Wikimedia Commons).

Xưa kia, khi Lý Bạch tới Vũ Hán du ngoạn, ông đã cùng Sử lang trung uống rượu trên lầu Hoàng Hạc, vừa uống rượu vừa thưởng thức âm nhạc. Trong lúc vui vẻ, thi tiên Lý Bạch đã cao hứng xuất khẩu thành thơ. Bài thơ có tiêu đề: “Dữ sử lang trung khâm thính hoàng hạc lâu thượng xuy địch” (cùng quan Lang trung họ Sử uống rượu nghe sáo trên lầu Hoàng Hạc), nội dung như sau: 

Trường Sa đất biếm làm thân khách
Ngoảnh lại Trường An chẳng thấy nhà
Hoàng Hạc lầu cao nghe sáo ngọc
Thành Giang nghe khúc “Lạc mai hoa”.

Nguyên văn:

“Nhất Vi thiên khách khứ Trường Sa
Tây vọng Trường An bất kiến gia
Hoàng Hạc lâu trung xuy ngọc địch
Giang Thành ngũ nguyệt Lạc mai hoa”.

Người Vũ Hán rất thích cái tên Giang Thành nên tự gọi mình là người Giang Thành. Ngoài tên gọi này, Vũ Hán còn có một tên khác, nguồn gốc của nó phản ánh lịch sử phát triển và văn hóa nơi đây. 

Khí hậu và thời tiết ở Vũ Hán mang nét đặc trưng rõ nét nhất của khí hậu Trung Hoa: Mùa đông lạnh giá, mùa hè đổ lửa, hai mùa xuân thu mát mẻ lại qua nhanh. Sống ở nơi này, tuy con người có thể tận hưởng khí hậu phong phú của bốn mùa trong năm, nhưng khắc phục được cái khắc nghiệt của hai mùa hè và đông cũng hết sức khó khăn.

Mặc dù vậy, khi ngắm nhìn dòng Trường Giang sóng cuộn và Đông Hồ lãng đãng khói sương, chúng ta mới nhận ra rằng tạo hóa đã ban cho Giang Thành một ân sủng. Vào buổi chiều tà, đứng trên cầu Trường Giang nhìn sắc hồng bên sông, dạo qua công viên ven bờ sẽ thấy Vũ Hán vẫn là nơi thật xinh đẹp, dễ thương, chất phác, hiền hòa.

Nguồn gốc tam trấn của Vũ Hán 

Vũ Hán do ba thị trấn là Vũ Xương, Hán Dương, và Hán Khẩu hợp thành, được phân chia thành khu văn hóa, kinh tế, chính trị. Lịch sử, quy mô, và tốc độ phát triển của mỗi trấn lại có nét đặc sắc khác nhau. Tên gọi Vũ Xương bắt đầu cuối thời Đông Hán, đầu Tam Quốc. Để chiếm được Kinh Châu, năm 221 Tôn Quyền quyết định rời đô từ Kiến Nghiệp (nay là Nam Kinh) tới huyện Ngạc và đổi tên là Vũ Xương với ý nghĩa “Dĩ vũ trì quốc nhi xương” nghĩa là: lấy trị quốc làm đất nước hưng thịnh. Vì vậy tên gọi Vũ Xương và nay là thành phố Ngạc Châu đổi tên gọi cho nhau. Từ các cuộc khai quật khảo cổ học, những địa danh như “Thủy quả hồ”, “Phóng Ưng đài”, “Cầu Nam hồ lão nhân”… đều là nơi người cổ đại sinh sống. 

Ngành thủ công mỹ nghệ Vũ Xương thời xưa rất phát triển, chủ yếu là đóng tàu, luyện kim và đúc tiền. Đồ gốm Vũ Xương được gọi là đồ gốm Cảnh Thanh. Ngoài ra, một sự việc đáng đề cập nhất ở Vũ Xương là sự phá hủy và xây mới lại nhiều lần của Hoàng Hạc Lâu. Cuối thời Ðông Hán thế kỷ thứ 3, vua nhà Ðông Hán nhu nhược bị các lộng thần chèn ép. Tào Tháo lấy danh nghĩa phò nhà Hán mà chiếm giữ phía Bắc, sau lập thành nhà Ngụy, Lưu Bị xưng là tôn thất nhà Hán mà lập ra nhà Thục, chiếm giữ miền Tây Nam, Tôn Quyền lui về Giang Ðông lập ra nhà Ngô, sau xưng đế và lấy hiệu Ngô Hoàng Vũ.

Thế Tam Quốc phân chia từ đó, thành Kinh Châu thuộc về Ðông Ngô nhưng Lưu Bị đã khéo chiếm trước và nói là “mượn” tạm để có đất dung thân, sau này lại giao cho Quan Vũ. Vì khinh thường quân địch nên Quan Vũ thiệt mạng và để mất Kinh Châu về tay Ðông Ngô. Năm 223, Tôn Quyền ra lệnh xây thành Giang Hạ (Hạ Khẩu) bên ngã ba sông Trường Giang và Hán Thủy để đóng quân. Trong cái thế Tam Quốc thời đó, Hạ Khẩu là một thành trì chiến lược rất quan trọng vì cả ba nước Ngụy – Thục – Ngô đều cho rằng phe nào chiếm được Hạ Khẩu thì đó là bên thắng cuộc.

Để theo dõi tình hình, Tôn Quyền cho xây tháp quan sát trên ngọn đồi nhỏ cạnh sông Trường Giang, phía tây nam của thành Giang Hạ. Ðứng trên tháp, người ta có thể quan sát được thuyền bè di chuyển trên sông Hán Thủy và phía Tây của Trường Giang. Tháp quan sát này được đặt tên là Hoàng Hạc Lâu. Nơi đây đã trải qua hơn mười lần xây dựng kể từ thời Tam Quốc, mỗi lần tái thiết lại thể hiện một phong cách riêng, phản ánh phong cách kiến ​​trúc và đặc điểm của các thời đại khác nhau. 

Trải qua bao thăng trầm, Hoàng Hạc Lâu đã được trùng tu và xây dựng lại nhiều lần. Triều đại nào của Trung Hoa cũng cho xây lại Hoàng Hạc Lâu, không biết có phải vì bài thơ của Thôi Hiệu hay không? Nhưng rõ ràng là ở Giang Hạ, cuộc sống của người dân đất Sở xưa kia không thể thiếu được Hoàng Hạc Lâu, có lẽ bởi không ai muốn để Hạc vàng bay đi mất…

Kiến trúc Hoàng Hạc Lâu thế kỷ 19 (ảnh: Wikimedia Commons).

Nguồn gốc của Hán Dương và Hán Thủy có liên quan mật thiết với nhau. Người xưa có câu: “Thủy bắc vi dương, sơn nam vi dương”. Thời cổ đại, vùng đất ở phía bắc Hán Thủy và phía nam Quy Sơn là nơi có được nhiều ánh sáng mặt trời nhất nên cổ nhân gọi là Hán Dương. 

Vào năm 606 sau Công nguyên, năm thứ hai niên hiệu Đại Nghiệp thời Tùy Dạng Đế, huyện Hàm Tân được đổi thành Hàm Dương. Thời nhà Đường, sau khi chính quyền quận chuyển đến thành phố Hán Dương, nơi đây mới nhanh chóng phát triển hưng thịnh.

Ở Hán Dương, khu vực bãi Anh Vũ Châu từng là nơi tập trung tàu buôn ở sông Dương Tử trong các triều đại Đường, Tống, Nguyên. Đây cũng là điểm thu hút rất đông khách du lịch. Chùa Quy Nguyên ở Hán Dương là một trong những thánh địa Phật giáo được bảo tồn nguyên vẹn nhất ở Vũ Hán. 

Những công trình kiến trúc ở Vũ Xương và Hán Dương được xây dựng trong cùng thời kỳ đều có lịch sử khoảng 1800 năm. Trong lịch sử, Hán Khẩu và Hán Dương có khoảng thời gian phát triển đồng bộ tương đối dài. Đến năm Thành Hóa thứ 10 thời nhà Minh (năm 1474 sau Công nguyên), sông Hán Thủy đã thay đổi dòng chảy 8 lần, từ đó dòng chảy từ Quy Sơn Bắc Lộc nhập vào Dương Tử giang. Hán Dương và Hán Khẩu có rất nhiều kiến trúc tường, thành, từng là quận, huyện trong các thời kỳ lịch sử. 

Sau đó, Hán Khẩu nhanh chóng trở thành cảng thương mại với danh tiếng và tốc độ phát triển vượt xa so với Vũ Xương và Hán Dương. Vào cuối triều đại nhà Minh cho đến đầu thời nhà Thanh, Hán Khẩu cùng trấn Chu Sơn của Hà Nam, trấn Phật Sơn của Quảng Đông, và trấn Cảnh Đức ở Giang Tây trở thành bốn trấn nổi tiếng của Trung Quốc, được mệnh danh là “Chicago phương Đông”. Ngành thương mại và vận tải ở hải cảng của Hán Khẩu khá phát triển, trở thành cảng khẩu hưng thịnh số một Trung Quốc. 

Vào năm 1905 cuối triều Thanh, thống đốc Trương Chi Động của Hồ Quảng cho xây dựng đê Trương Công ở Hán Khẩu. Con đê làm hạ thấp mức nước của sông ngòi ở khu vực xung quanh, dần dần tạo thành vùng đất liền. Nó tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng vùng đất Hán Khẩu nhỏ hẹp ban đầu và được coi là dấu tích không thể mờ nhạt trong lịch sử phát triển của Vũ Hán. 

Đầu năm 1927, chính quyền đã sáp nhập Vũ Xương và Hán Khẩu làm thủ đô và đặt tên là Vũ Hán. Như vậy, thành phố Vũ Hán hiện đại là sự kết hợp của Vũ Xương, Hán Khẩu và Hán Dương.

Vì sao có cái tên “Hỏa Lò”?

Thời tiết Vũ Hán vào mùa hè mang lại cho người ta cảm giác vô cùng khó chịu. Nguyên vì Vũ Hán có nhiều sông ngòi, diện tích mặt nước lớn, làm lượng hơi nước bốc hơi lớn và độ ẩm trong không khí tăng lên khi mặt trời chiếu sáng vào ban ngày. Từng đợt khí nóng bao bọc giống như chiếc khẩu trang lớn bao trùm thành phố, một mặt làm giảm tốc độ bức xạ của nhiệt lượng lên không trung, từ đó làm giảm nhiệt độ không khí trong phòng, mặt khác làm bề mặt cơ thể không dễ tản nhiệt, giống như đang ở trong phòng tắm hơi, mồ hôi toát ra nhiều, oi bức khó chịu như đang trong “lò lửa” nên mới có tên gọi này. 

Kiên Định
Theo Secretchina

Video: Vũ Hán – tiếng người kêu thảm thiết trong lò thiêu xác

videoinfo__video3.dkn.tv||cf9f29737__

Từ Khóa: