Thói quen vừa sạc vừa dùng điện thoại dễ gây cháy nổ, nhẹ thì mù mắt, cụt tay, nặng thì tử vong. Thanh niên mới đây ở Lâm Đông là nạn nhân của hành động bất cẩn này.

Trưa 27/5, Bệnh viện II Lâm Đồng (tại TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) tiếp nhận bệnh nhân Lương Thanh Duy (37 tuổi, quê gốc TP. Biên Hòa, Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng bàn tay trái và ngón út bị cụt mất 2 đốt do điện thoại phát nổ.

Nạn nhân kể lại rằng, vào khoảng 11h45 trưa ngày 27/5, anh vừa cắm sạc pin điện thoại vừa chơi game tại nhà trọ (P. Lộc Sơn, TP. Bảo Lộc) thì chiếc điện thoại phát nổ, theo báo Người Đưa Tin.

Hình ảnh chụp phim ngón tay út trên bàn tay trái của anh Duy bị cụt mất sau vụ nổ điện thoại. (Ảnh: Trùng Dương/ Người Đưa Tin)

Hậu quả, bàn tay trái của anh Duy dập nát, tổn thương nặng và ngón út bị cụt mất 2 đốt. Ngay sau đó, người dân đã đưa anh Duy đến Bệnh viện II Lâm Đồng cấp cứu, điều trị. Bác sỹ đã sơ cứu rồi phẫu thuật khâu lại vết thương.

Theo các chuyên gia, việc vừa sử dụng điện thoại vừa cắm sạc là một việc làm rất nguy hiểm. Trong quá trình sử dụng, việc phải hoạt động hết công suất sẽ làm xuất hiện tình trạng quá nhiệt trên pin. Với các dòng điện thoại cũ, sặc thay thế và linh kiện không đạt tiêu chuẩn, khả năng cháy nổ rất dễ xảy ra.

Các chuyên gia khuyến cáo hãy sử dụng thiết bị chống sốc điện hay còn gọi là bộ bảo vệ tăng áp, thiết bị chống sét lan truyền nhằm giúp hạn chế cháy nổ do nguồn điện không ổn định. Không để điện thoại trong ô tô cũng như những nơi có nhiệt độ cao. Hãy sạc ở nơi thoáng mát, không phủ bất kỳ vật gì lên điện thoại; nếu dùng phụ kiện như ốp lưng, bao da, túi đựng thì nên tháo ra trước khi sạc.

Không cắm điện thoại đang bị ướt vì có thể chập cháy hoặc rò điện. Nếu thấy pin có dấu hiệu phồng lên, máy nóng bất thường khi sạc thì cần dừng ngay việc sạc và loại bỏ pin. Nên thay thế pin sau một thời gian sử dụng, kể cả khi pin không có dấu hiệu bất thường; thời hạn tiêu chuẩn thường là 2 năm. Và cuối cùng, nên hạn chế chạy các chương trình quá nặng…