Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng việc thực hành chánh niệm [1] có thể cải thiện một loạt các vấn đề sức khỏe tinh thần và cả thể chất, nhưng cơ chế hoạt động như thế nào thì vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Chánh niệm là trạng thái tinh thần tập trung vào giờ phút hiện tại, bình tâm, theo dõi và biết được các suy nghĩ, cảm xúc và phản ứng của cơ thể… trạng thái này có thể đạt được thông qua rèn luyện, mà phổ biến nhất là thiền định.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã phát triển một mô hình cho thấy ảnh hưởng của chánh niệm tới sức khỏe bằng cách giảm căng thẳng. Công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Directions in Psychological Science (Các Hướng đi Hiện tại trong Khoa học Tâm lý), miêu tả những chuỗi phản ứng sinh học cho thấy mối liên kết giữa việc rèn luyện chánh niệm với tác dụng giảm căng thẳng và các bệnh tật liên quan tới căng thẳng.

“Nếu thực hành chánh niệm cải thiện sức khỏe con người, vậy quá trình ấy diễn ra trong cơ thể ra sao để tác động đến tất cả những kết quả đó?” J.David Creswel, giáo sư tâm lý học tại đại học Carnegie Mellon University, đặt câu hỏi. “Chúng tôi đưa ra một trong những báo cáo đầu tiên kèm theo bằng chứng sinh học về việc rèn luyện chánh niệm, giảm căng thẳng và sức khỏe.”

Creswell và nghiên cứu sinh Emily K.Lindsay miêu tả cơ chế sinh học của các hiệu ứng giảm căng thẳng thông qua rèn luyện chánh niệm.

Khi một cá nhân trải qua trạng thái căng thẳng, hoạt động ở võ não trước trán (chịu trách nhiệm việc tư duy có ý thức và lên kế hoạch) giảm xuống, trong khi hoạt động ở hạch hạnh nhân, vùng dưới đồi (điều khiển thân nhiệt, cảm giác đói, khát…) và vùng phía trước vỏ não khứu-hải mã tăng lên (đây là khu vực kích hoạt phản ứng căng thẳng của cơ thể nhanh chóng).

Theo các nghiên cứu cho thấy, chánh niệm làm đảo ngược các quá trình này trong suốt giai đoạn xảy ra căng thẳng; nó làm tăng hoạt động của vùng não trước trán, khu vực có thể điều chỉnh và giảm những phản ứng căng thẳng sinh học.

Chánh niệm làm tăng hoạt động của vùng não trước trán, khu vực có thể điều chỉnh và giảm những phản ứng căng thẳng sinh học.

Việc kích hoạt quá mức phản ứng căng thẳng sinh học sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về căng thẳng, như trầm cảm và bệnh tim mạch. Bằng cách giảm trạng thái căng thẳng, chánh niệm có thể giúp điều chỉnh các phản ứng căng thẳng về thể chất, và cuối cùng là giảm nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của bệnh tật liên quan đến căng thẳng.

Creswell tin rằng, khi đã hiểu biết về việc thực hành chánh niệm tác động tới những rối loạn khác nhau của cơ thể như thế nào, các nhà nghiên cứu có thể tìm ra các biện pháp can thiệp tốt hơn, biết được phương pháp điều trị nào sẽ đạt hiệu quả tốt nhất, và xác định những người có khả năng được hưởng lợi từ việc thực hành chánh niệm.

Từ đại học Carnegie Mellon University, trang Futurity.org
Phi Thăng biên dịch

Ghi chú của biên tập:
[1] Sammā-sati, sa. samyak-smṛti, bo. yang dag pa`i dran pa ཡང་དག་པའི་དྲན་པ་ (tiếng Phạn cổ) hay 正念, (chữ Trung Quốc giản thể) dịch sang tiếng Việt là chánh niệm hay chính niệm. Trong bài trên, cụm từ “chánh niệm” được lựa chọn dùng để thống nhất về hàm ý và không có nghĩa phân biệt về nội dung.