Vào những năm 50 thời chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ đã nghiêm túc xem xét việc xây dựng căn cứ quân sự trên Mặt Trăng. Tại sao vậy? Như lời Phó Tổng thống Mỹ Lyndon Baines Johnson: là để Hoa Kỳ không phải nằm ngủ dưới “ánh Trăng của Cộng Sản”.

Nhìn lên bầu trời

Vào 10h 30p đêm ngày 4/10/1957, Liên Xô đã phóng thành công Sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới lên quỹ đạo Trái Đất. Sputnik chỉ là một quả cầu kim loại có gắn một số ăng ten, nó không lớn hơn nhiều so với một quả bóng rổ. Tất cả nhiệm vụ mà nó làm, là gửi tín hiệu các tiếng “bíp bíp” bằng sóng radio về Trái Đất. Tuy nhiên mỗi ngày, nó cũng truyền tới Hoa Kỳ vài lần, và chính phủ đã không thể làm được gì với việc đó.

Hàm ý rõ ràng là: Các tên lửa của Nga, loại được dùng để phóng các vệ tinh như Sputnik lên quỹ đạo, có thể một ngày nào đó được sử dụng để phóng vũ khí hạt nhân chống lại Hoa Kỳ.

Sputnik – vệ tinh đầu tiên trên Thế Giới. (Ảnh: cgtrader.com)

Người Nga đã không dừng lại ở đó: Một tháng sau, trong dịp tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 40 của cuộc cách mạng Bôn-sê-vích, họ đã đưa một con chó lên quỹ đạo, trên vệ tinh Sputnik-2.

Miền đất hứa

Các nhà phân tích thông tin tình báo của Hoa Kỳ, những người chuyên nghiên cứu chương trình không gian bí mật của Liên Xô đã lo sợ rằng, người Nga thực sự có thể sẽ đặt chân lên Mặt Trăng vào năm 1967. Điều đó dấy lên một số quan ngại cho các nhà hoạch định quân sự Mỹ:

– Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Liên Xô tuyên bố rằng Mặt Trăng là lãnh thổ của họ?

– Chuyện gì xảy ra nếu họ thiết lập một căn cứ quân sự trên Mặt Trăng, thậm chí có thể là một căn cứ tên lửa hạt nhân với các đầu đạn nhắm về phía Trái Đất?

Hoa Kỳ sẽ không có cách nào để phòng thủ. Lúc này, điều duy nhất mà các nhà hoạch định quân sự Hoa Kỳ quan tâm là, làm sao để chiếm Mặt Trăng và xây dựng căn cứ trên đó trước người Nga.

Hoa Kỳ lo ngại Mặt Trăng sẽ bị chiếm làm căn cứ quân sự. (Ảnh: Cosmoquest Forum)

Sau đó Hoa Kỳ có thể quyết định có đặt tên lửa trên đó hay không, có cho phép người Nga đặt chân lên đó và xây dựng căn cứ trên đó hay không. Họ có thể từ chối không cho người Nga xây dựng. Các binh lính, cũng là các phi hành gia đóng quân trên Mặt Trăng có thể ngăn cản người Nga đổ bộ lên.

Vào tháng 3 năm 1959, trung tá Arthur Trudeau, người đứng đầu các chương trình nghiên cứu phát triển của quân đội Hoa Kỳ cho biết: “Căn cứ trên Mặt Trăng là cần thiết để bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ trên Mặt Trăng… Theo đó, Hoa Kỳ có thể từ chối việc đổ bộ của người Liên Xô bằng các tuyên bố thương mại hoặc công nghệ.”

Ông cũng đã chỉ thị cho tư lệnh quân nhu của quân đội Hoa Kỳ “phát triển một kế hoạch xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng theo cách nhanh nhất có thể.”

Hai tháng sau, một báo cáo gồm ba chương về dự án “Project Horizon” (tạm dịch: “Dự án Đường chân trời”) đã được đặt trên bàn làm việc của Trung tá Trudeau.

Dự án Đường chân trời

Một trong những khả năng đầu tiên được xem xét là: đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng để tìm kiếm “những hố sâu hay hang động”, mà có thể “được phủ lên và bọc lại bằng các túi áp suất” để xây dựng nên một căn cứ. Tuy nhiên, các tác giả của Dự án Đường chân trời đã đưa ra một đề xuất tham vọng hơn nhiều, một kế hoạch gồm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Phân phối

– Đầu tháng 1/1965, hàng chục tên lửa đầu tiên sẽ được phóng lên Mặt Trăng, mang theo trang thiết bị, nguyên vật liệu và các bộ phận cần thiết để xây dựng căn cứ, tất cả các lần phóng đều không có người.

– Khi nguyên vật liệu đã tới được Mặt Trăng, hai phi hành gia sẽ được đưa lên đó để kiểm tra xem mọi thứ có đến được trên đó trong điều kiện tốt không. Bất kỳ nguyên vật liệu nào bị hỏng, hay bị hủy sẽ được thay thế trong các lần phóng tiếp theo.

– Hai phi hành gia đầu tiên này cũng kiểm tra xem vị trí được chọn làm căn cứ có phù hợp không, nếu không phù hợp họ sẽ tìm kiếm các vị trí khác thay thế. Các tác giả của dự án nghiên cứu ước tính, sẽ mất tổng cộng 30 đến 90 ngày để hai phi hành gia hoàn thành nhiệm vụ của họ, sau đó họ sẽ trở lại Trái Đất. Khi ở trên Mặt Trăng, họ sẽ sống trong ca-bin của con tàu đổ bộ Mặt Trăng của họ.

Giai đoạn 2: Xây dựng doanh trại

– Sáu tháng sau, khi mọi thứ đã được xác nhận là sẵn sàng, một đội xây dựng gồm 9 phi hành gia sẽ được đưa lên Mặt Trăng để tháo dỡ nguyên vật liệu và bắt đầu lắp ráp căn cứ. Phần đầu tiên được xây dựng sẽ là doanh trại, để họ có thể sống trong khi họ ở trên đó xây dựng phần còn lại của căn cứ.

– Các bộ phận dùng để lắp ghép thành doanh trại và căn cứ trên Mặt Trăng sẽ được chế tao từ trước, đó là các bộ phận sẵn sàng cho lắp ghép, được làm thành những ống kim loại hình trụ có đường kính khoảng 3m, dài khoảng 6m (bằng khoảng kích thước của một thùng chở hàng). Thay vì lắp ráp nổi trên bề mặt của Mặt Trăng, kế hoạch đặt ra là, các doanh trại này sẽ được đặt dưới các đường hào, mà các phi hành gia sẽ đào bằng một loại máy, giống như máy ủi, hoặc chất nổ, hoặc kết hợp cả hai.

Giai đoạn 2 – xây dựng doanh trại, sử dụng các ống sắt rộng 3m dài 6m đặt dưới đường hào. (Ảnh: Cybernetic Zoo)

– Khi các ống kim loại đã được lắp ghép dọc theo hệ thống đường hào, và các thiết bị hỗ trợ sinh hoạt đã hoạt động ổn định, các phi hành gia sẽ dùng đất trên bề mặt Mặt Trăng để phủ kín toàn bộ căn cứ. Tại sao lại làm vậy?

Đó là để bảo vệ các phi hành gia khỏi bị tiếp xúc với bức xạ.

Để bảo vệ căn cứ khỏi khoảng chênh lớn về nhiệt trên Mặt Trăng (bề mặt của nó lên tới 127 độ C vào ban ngày và giảm xuống -138 độ C vào ban đêm).

Và để bảo vệ căn cứ khỏi các thiên thạch. Trên Trái Đất, các thiên thạch bị cháy trên bầu khí quyển và trở thành các vì sao rụng, tương đối ít thiên thạch có thể đụng tới bề mặt Trái Đất. Mặt Trăng thì không có bầu khí quyển để đốt cháy thiên thạch, vì vậy tất cả chúng đều sẽ va vào bề mặt của Mặt Trăng. Việc chôn căn cứ xuống dưới cũng dễ dàng hơn cho việc phòng thủ trước các cuộc tấn công.

Giai đoạn 3: Căn cứ chính

– Sau khi các phi hành gia hoàn thành nhiệm vụ xây dựng doanh trại, họ sẽ bắt đầu xây dựng phần chính của căn cứ, bằng việc đào thêm một đường hào dài hơn, hợp với đường hào trước một góc 90 độ. Những nguyên vật liệu còn lại sẽ được lắp ráp, rồi chôn xuống đường hào đó. Sau khi công việc hoàn thành, các phi hành gia sẽ di chuyển về nơi sinh sống lâu dài và chuyển đổi doanh trại thành các phòng thí nghiệm.

Giai đoạn 3 – xây dựng căn cứ chính, vuông góc với doanh trại. (Ảnh: The inquisitr)

– Năng lượng sẽ được cung cấp bởi hai lò phản ứng hạt nhân được chôn ở một nơi cách căn cứ một khoảng an toàn.

– Các tác giả của Dự án Đường chân trời ước tính rằng, căn cứ sẽ hoàn thành vào tháng 11 năm 1966, lúc đó nó sẽ sẵn sàng cho việc chiếm đóng vĩnh viễn của quân đội Hoa Kỳ bằng cách luân phiên các nhóm phi hành gia, mỗi nhóm 12 người, phục vụ một năm trên Mặt Trăng rồi sẽ trở lại Trái Đất.

Đường Chính