Từ 26/10, hàng triệu người thuê nhà, người ở trọ sẽ không phải đóng tiền điện giá cao gấp 2-3 lần giá điện bán lẻ theo quy định Nhà nước từ chủ nhà trọ. 

Thông tư 25/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2014/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về thực hiện giá bán điện sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 26/10 tới đây, theo báo Thanh Niên.

Điểm đáng chú ý trong Thông tư 25 của Bộ Công Thương quy định các trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình), có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà).

Trường hợp sinh viên và người lao động thuê nhà có thời hạn thuê nhà dưới 12 tháng, cứ 4 người được tính là 1 hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt, theo báo CafeF.

  • Cụ thể, 1 người được tính là 1/4 định mức,
  • 2 người được tính là 1/2 định mức,
  • 3 người được tính là 3/4 định mức,
  • 4 người được tính là 1 định mức.
  • Nếu chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 từ 101 – 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ điện.

Giá điện quá chênh lệch

Hiện ở TP. HCM, giá điện trung bình tại các nhà trọ khoảng 3.500 – 4.500 đồng/kWh, ở Hà Nội là 4.000 – 5.000đồng/kWh; các thành phố khác như Cần Thơ, Đà Nẵng cũng từ 3.000 – 3.500 đồng/kWh. Giá điện này được chủ cho thuê nhà hay cho thuê phòng trọ thu gồm tiền điện cộng với tổn thất, chi phí chiếu sáng và dùng chung.

Hoá đơn tiền điện. (Ảnh minh hoạ)

“Vợ chồng tôi mỗi tháng sử dụng khoảng 150kWh điện, bà chủ tính giá đến 4.000 đồng/kWh tức hết 600.000 đồng. Trong khi đó nếu được tính giá điện sinh hoạt như bình thường thì tôi chỉ tốn hơn 270.000 đồng”, anh Lê Tình (31 tuổi, ở trọ tại P.Định Công, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết.

Tương tự, vợ chồng anh Nguyễn Đình Sơn (34 tuổi, thuê nhà trọ ở Q.12, TP.HCM) cho hay: “Nhà tôi sử dụng 1 tủ lạnh, 2 quạt, 1 ti vi, 3 đèn tiết kiệm điện, 1 nồi cơm điện, 1 laptop mà tháng nào cũng ngốn từ 200 – 250kWh. Với giá điện đóng cho chủ nhà trọ là 3.500 đồng/kWh, tháng nào cũng trả 700.000 – 875.000 đồng”.

Những người thuê trọ phải trả chi phí tiền điện cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ điện theo quy định hiện hành. (Ảnh: Đình Tuyển).

Theo đánh giá của GS. TSKH. Trần Đình Long, Thông tư 25 của Bộ Công Thương đã giải quyết được sự bất hợp lý trước đây, khi các chủ phòng trọ lắp đặt chung 1 công tơ điện cho các hộ, cá nhân thuê trọ và tính tiền điện theo nhân khẩu với giá rất cao, vượt quá khung quy định trong cách tính giá theo bậc thang lũy tiến của ngành điện.

Nhưng với Thông tư mới này, về nguyên tắc, các chủ hộ này muốn cho thuê nhà phải đặt công tơ riêng tại mỗi phòng trọ để các hộ thuê trọ được hưởng quyền lợi như một hộ sử dụng điện độc lập, như vậy sẽ rất hợp lý.

Tuy nhiên, ông Trần Đình Long cũng lo ngại về công tác thanh, kiểm tra chỉ số sử dụng điện. Bởi với công tơ điện tử, đơn vị kinh doanh điện có thể kiểm tra một cách dễ dàng, nhưng với công tơ cơ học, đơn vị quản lý điện năng cần kiểm tra kịp thời, phát hiện các hiện tượng bất thường nhằm đảm bảo quyền lợi cho người thuê ở trọ./.

Thanh Thanh (tổng hợp)