Tham vọng chiếm lĩnh vị trị nền kinh tế số 1 thế giới đang dần phản tác dụng, gây ảnh hưởng đến ngay cả những món ăn trong bữa tối hàng ngày của người dân Trung Quốc.

Theo tạp chí Nikkei Asian Review, không lâu nữa 1,4 tỷ người dân Trung Quốc sẽ cảm nhận được dư vị đắng ngắt mà cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung gây ra.

Điều đó sẽ hiển hiện trên bàn ăn của họ. Những món ăn ưa thích của người Trung Quốc như gà chiên ngập dầu hay thịt lợn xào hai lần chín – đều là những món ngốn rất nhiều dầu. Trong khi đó, đa phần dầu ở Trung Quốc được ép từ đậu nành của Mỹ hoặc Brazil.

Thêm vào đó, thức ăn chủ yếu trong chăn nuôi lợn và gà ở Trung Quốc được làm từ đậu nành nhập khẩu.

Trung Quốc trả giá đắt cho tham vọng trở thành số 1 thế giới
Những món ăn ưa thích của người dân Trung Quốc sẽ trở nên đắt đỏ hơn vì cuộc chiến thương mại với Mỹ. (Ảnh: Nikkei)

Washington ngày 6/7 đã áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với lý do nước này vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ. Chính quyền Bắc Kinh đáp trả tức thì, cũng đánh thuế 25% lên hàng hóa từ Mỹ, bao gồm đậu nành.

Với cuộc chiến thuế quan này, giá thức ăn ở Trung Quốc đương nhiên sẽ nhảy vọt, khiến cả nông dân lẫn thực khách nước này bị ảnh hưởng.

Ở chiều ngược lại, nông dân Mỹ cũng gặp khó khăn trong việc bán đậu nành và các loại nông sản khác sang quốc gia đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, nhận thức được tình trạng này, chính quyền Tổng thống Trump ngày 24/7 cho biết sẽ chi 12 tỷ USD để hỗ trợ nông dân trồng đậu nành, chăn nuôi lợn và một số lĩnh vực nông nghiệp khác.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue, đây là một giải pháp tạm thời nhưng sẽ giúp Tổng thống Trump có thêm thời gian để theo đuổi chính sách thuế quan trừng phạt Trung Quốc. Tổng thống Trump mới đây thậm chí còn khẳng định sẵn sàng áp thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra là tại sao chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lại bùng nổ? Theo Nikkei, câu trả lời có lẽ nằm ở chính sách của ông Tập Cận Bình.

Kể từ thời nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc luôn duy trì đường lối đối ngoại ẩn mình, tự nhận là “nước đang phát triển” và không bao giờ cố chiếm lấy vị trí dẫn dắt. Thế nhưng, sau khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập bắt đầu nói về “cuộc đại tái tạo Trung Quốc” – thường được nhắc đến với tên gọi “giấc mộng Trung Hoa”.

Tới đại hội Đảng hồi tháng 10/2017, nhà lãnh đạo Trung Quốc còn đi xa hơn khi lần đầu tiên đặt mục tiêu Trung Quốc bắt kịp Mỹ về mặt kinh tế vào năm 2035.

Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh không thể ngờ rằng những lời ông Tập nói lại góp phần châm ngòi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Thay vì che giấu, nhà lãnh đạo Trung Quốc không ngần ngại bộc lộ rõ tham vọng quá lớn.

Cùng với kế hoạch hiện đại hóa, Bắc Kinh cũng tăng tốc thực hiện sáng kiến “Made in China 2025” (Sản xuất ở Trung Quốc năm 2025) với mục đích biến nước này thành trung tâm sản xuất công nghệ cao.

Đương nhiên, chính quyền Tổng thống Trump không thể làm ngơ trước tuyên bố của Trung Quốc sẽ hạ bệ Mỹ về mặt kinh tế chỉ trong vòng 17 năm nữa. Trong khi đó, ngay từ cuộc vận động tranh cử vào ghế tổng thống Mỹ, ông Trump đã hứa hẹn đi theo phương hướng “Nước Mỹ trên hết”.

Bên cạnh đó, tuyên bố của Trung Quốc lại được đưa ra không lâu sau khi hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung đạt các thỏa thuận kinh doanh trị giá 250 tỷ USD nhân chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 11/2017 của ông Trump. Các thỏa thuận này được xem là giải pháp giúp thu hẹp thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc.

Bị đánh động bởi tham vọng của Trung Quốc và thất vọng trong việc thu hẹp thâm hụt thương mại, ông Trump buộc phải dùng đến các biện pháp thuế quan.

Thực tế, có nhiều lý do khiến Trung Quốc rơi vào cuộc chiến thương mại với Mỹ. Trung Quốc vốn đã được hưởng lợi rất lớn khi gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới hồi cuối năm 2001. Chính quyền Bắc Kinh đã buộc các công ty nước ngoài có hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ, đồng thời dựng lên nhiều hàng rào cản trở.

Không chỉ vậy, các công ty Trung Quốc còn ráo riết thâu tóm các công ty Mỹ và châu Âu để chiếm lĩnh các công nghệ then chốt, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ tự động và công nghệ thông tin. Ngược lại, rất khó để các công ty Mỹ, châu Âu mua lại các công ty Trung Quốc, bởi nước này đặt ra vô số quy định để ngăn chặn.

Tạp chí Nikkei cho rằng, khi nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố sẽ chiếm vị trí cường quốc kinh tế số 1 của Mỹ, có thể ông chỉ muốn thu hút sự ủng hộ trong nước. Tuy nhiên, Trung Quốc bắt đầu nhận ra cái giá phải trả cho những tuyên bố trên không hề thấp.

Rõ ràng, khi giá cả nguyên liệu thực phẩm leo thang sẽ gây ra sự bất mãn trong lòng người tiêu dùng ở Trung Quốc. Điều này có thể dẫn tới làn sóng tấn công các công ty Mỹ đang hoạt động ở quốc gia đông dân nhất.

Theo thuật ngữ ngoại giao, để tránh phải gánh thêm tổn hại trong cuộc chiến thương mại với Washington, Bắc Kinh có thể lại thu mình một lần nữa. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi bởi nhà lãnh đạo Trung Quốc không thể rút lại mục tiêu to lớn đã đặt ra tại đại hội Đảng, cũng như không thể hủy bỏ sáng kiến “Made in China 2025”.

Vỹ An